Saturday, July 31, 2010

Du học và vai trò của gia đình sinh viên quốc tế

Bài viết này tôi viết/dịch theo đặt hàng của PV Mai Lan của báo Doanh nhân Sài Gòn, hình như thế. Tôi không nhớ chắc lắm tên gọi tờ báo này vì nó khá mới, và vì ... tôi không phải là doanh nhân nên không đọc báo này;-).

Viết cũng đã lâu, gần cả tháng nay rồi. Nay được nhà báo cho biết bài đã đăng trên báo, nên có thể đăng lại lên đây cho bạn bè đọc chơi. Nói thêm, tôi viết bài này sau khi được một người bạn già (sáu bó, tức là sáu mươi tuổi ngoài rồi) gửi cho cái tin về vụ sv Việt tự tử ở nước ngoài, định đưa lên blog, nhưng đang viết thì được nhà báo ML đặt hàng viết cũng chủ đề này, nên hoàn thành bài viết (rất chậm chạp) và gửi cho tờ báo. Nay cũng đã được đăng, nên cám ơn nhà báo ML về việc này.

Nguyên văn bài mà tôi đã viết/dịch (nói đúng hơn, phải là dịch và giới thiệu) ở dưới đây, xin mời các bạn đọc nhé! Phần giới thiệu là của tôi, còn phần sau là phần dịch lấy từ trang University of Venus, ở đây
.
---
Du học và vai trò của gia đình sinh viên quốc tế

Gần đây, trên báo chí Việt Nam viết nhiều về vấn đề du học của học sinh Việt Nam, nhân việc dân cư mạng của người Việt ở nước ngoài đang xôn xao về vụ một du sinh VN chỉ mới 19 tuổi đã treo cổ tự tử. Trước khi tự kết liễu cuộc đời, du sinh này đã để lại một bức thư tuyệt mệnh và một tờ vé số. Theo tác giả của bức thư này, tờ vé số kia là nhằm hy vọng để lại cho mẹ em có được một chút tài sản. Còn điều nào có thể đau xót với một người mẹ hơn thế!

Đưa con cái ra nước ngoài du học hiện đang là một xu thế đang diễn ra trên toàn thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Đối với các bậc phụ huynh cũng như bản thân các du học sinh, ra nước ngoài học đại học là một sự đầu tư hết sức tốn kém. Không chỉ về kinh tế, mà còn về thời gian chuẩn bị, và sự kiên trì, quyết tâm của người học. Một cuộc đầu tư kéo dài trung bình hàng chục năm từ khi bắt đầu có kế hoạch cho đến lúc thực hiện xong, để có thể đạt được những kết quả mong đợi.

Thế nhưng, khi đầu tư vào công việc làm ăn, người chủ đầu tư luôn cân nhắc và thường xuyên theo dõi tiến độ và hiệu quả, thì đa số các bậc phụ huynh sau khi quyết định cho con cái đi du học – cũng là một cuộc đầu tư lớn – lại thường nghĩ rằng trách nhiệm của mình đã hết, còn lại thì khoán trắng cho nhà trường, và kết quả như thế nào thì chỉ biết phó mặc cho may rủi. Thái độ này không những đem lại những rủi ro cho người đầu tư, mà vụ tự tử của du sinh Việt được nêu ở phần mở đầu bài viết này là một ví dụ đau xót, mà thật ra cũng sẽ làm ảnh hưởng nhiều đến uy tín của ngôi trường nơi có những vụ việc như vậy xảy ra – dù có thể nhà trường cũng đã cố gắng làm rất tốt trách nhiệm của mình.

Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa gia đình với nhà trường, đó không phải là khẩu hiệu mà chúng ta đã nghe đến nhàm tai trong nước, mà là lời kêu gọi khẩn thiết của tác giả Mag Palladino, là giảng viên đồng thời quản lý các chương trình quốc tế tại Đại học Boston, để sự đầu tư của gia đình các du sinh khi cho con em vào Mỹ đạt được hiệu quả cao nhất, và tránh được những bi kịch như du sinh Việt xấu số nói trên. Bài viết đã được đăng trên trang blog University of Venus vào ngày 2/7/2010 vừa qua. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bản dịch bài viết này đến bạn đọc.
-----
Thu hút gia đình sinh viên quốc tế: Vẽ lại bức tranh du học

Đang là mùa hè ở Boston và hầu như vào về thời gian này trong năm, bao giờ tôi cũng cảm thấy rất ghen tị với bạn bè đang làm việc ở các trường công lập. Một người bạn của tôi đang chuẩn bị đi nghỉ hè ở Corsica; một người khác đang có hai tháng nghỉ ngơi ở Tây Ban Nha. Tôi đã nghiêm túc xem xét có nên đi lấy chứng chỉ để được vào giảng dạy trong các trường công ở Boston hay chăng. Rồi tôi bỗng nhớ đến các bậc phụ huynh học sinh.

Một trong những “may mắn” khi làm việc với các sinh viên quốc tế trong giáo dục đại học là tôi chẳng mấy khi gặp các bậc phụ huynh. Những vị này không những ở cách xa tôi hàng nghìn dặm, mà họ còn rất không thoải mái khi phải giao tiếp với tôi bằng tiếng Anh. Trước đây, tôi rất tự hào khi giảng dạy cho các các sinh viên quốc tế trẻ trung này, những người lần đầu tiên có được sự tự do hoàn toàn trong một môi trường mới mẻ. Tôi thích thú giúp họ tìm thấy chính mình và trở nên độc lập. Thậm chí đôi khi tôi còn khuyến khích họ “nổi loạn” nữa.

Giờ đây, khi tôi đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc tạo dựng và quản lý các chương trình quốc tế, thái độ của tôi đang dần thay đổi. Tôi thấy rất không yên tâm khi thấy các bậc phụ huynh của các du sinh hoàn toàn xa lạ đối với con em mình ở nước ngoài như vậy, và tôi tìm mọi cách để lôi kéo họ vào cuộc. Tôi nhận ra rằng họ thực sự đã thực hiện “một bước nhảy của đức tin” khi gửi con em đi học đại học ở một nước khác. Đa số các gia đình này đã phải hy sinh đáng kể để trả các khoản chi phí khủng khiếp của nền giáo dục Mỹ. Trong những năm qua, tôi đã rất cố gắng làm sao để các thông tin cần thiết được dịch sang nhiều ngôn ngữ và cung cấp cho các bậc phụ huynh.

Tôi nhận thấy ngày càng có nhiều các bậc phụ huynh người Mỹ trên khuôn viên các trường đại học và họ cũng tham gia các bữa ăn cuối tuần có mời gia đình và phụ huynh do trường tổ chức. Họ được mời đến dự ăn sáng, ăn tối, và các cuộc họp với các vị lãnh đạo đại học. Các trường ngày càng quan tâm tạo ra những “chương trình định hướng” (tức tuần lễ giới thiệu về các hoạt động của nhà trường cho sinh viên mới – chú thích của người dịch) và các tour du lịch đặc biệt chỉ dành cho phụ huynh. Thông tin cho phụ huynh được công bố trong tài liệu quảng cáo và danh mục các câu hỏi thường gặp; đồng thời các bậc cha mẹ nhận còn được danh sách các số điện thoại khẩn cấp để gọi khi cần. Tuy nhiên, rõ ràng là những thông tin như thế rất khó đến được với phụ huynh của các sinh viên quốc tế. Giáo dục đại học hiện nay đã trở thành một cuộc đầu tư tài chính rất nặng nề cho cả gia đình, và các trường đại học đã đáp ứng với tình hình này bằng cách quan tâm đến cả cha mẹ và gia đình cũng như các sinh viên đang theo học trong trường của họ.

Khi 18 tuổi, tôi học ở Paris trong mấy năm đầu học đại học (vâng, lúc ấy tôi vẫn còn trẻ lắm). Tôi đã phải tự tìm địa điểm riêng để ở. Sau ba ngày ở Pháp, tôi vẫn nhớ mình vừa khóc vừa gọi điện về nhà cha mẹ tôi vì tôi không biết làm thế nào để tìm ra một căn hộ. Trước đó khi ở Mỹ tôi chưa bao giờ phải tự làm việc này. Và tôi cũng vẫn nhớ cha mẹ tôi thấy bất lực như thế nào khi không giúp được tôi. Tôi đã phải tự mình giải quyết vấn đề.

Các trường đại học Mỹ thu được nhiều lợi ích khi thu hút sinh viên quốc tế theo học tại trường: làm tăng tính đa dạng của sinh viên, phong phú thêm kinh nghiệm văn hóa cho sinh viên Mỹ, tiềm năng trở thành một trường đại học đẳng cấp thế giới vì có thể thu hút sinh viên từ khắp toàn cầu, và doanh thu từ học phí trả bằng đô la thực tế mà hầu hết sinh viên quốc tế phải trả. Vì vậy, khi các trường đại học vươn ra tiếp cận với những khách hàng toàn cầu, thì các trường cũng cần kêu gọi các bậc phụ huynh của sinh viên quốc tế tham gia vào cuộc đối thoại. Bởi vì, suy cho cùng, đây cũng là cuộc đầu tư của chính các bậc phụ huynh này, khi họ thường chính là những người trả tiền cho cuộc đầu tư đó.

Meg Palladino

No comments:

Post a Comment