Sunday, July 4, 2010

"Gánh nặng trên vai tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT"

Tình cờ mở Yahoo, tôi đọc được mẩu tin có cái tựa đã được sử dụng làm tựa entry này (có để trong ngoặc kép tức là trích dẫn của người khác, không phải tựa của tôi!)

Bài ấy có thể đọc ở đây, hoặc, theo chú dẫn về nguồn, thì có thể đọc được nó ở trên trang Tuổi Trẻ Online cho số báo ra Thứ Hai ngày 5/7/2010, với tác giả được ghi là Mai Lan của tờ Doanh nhân cuối tuần.

Nói thêm, Mai Lan là một trong những PV giáo dục mà tôi hay đọc và cho là có những bình luận sắc sảo. Trước đây Mai Lan ở báo SGGP, nhưng như thế tức là nay đã đổi sang làm ở tờ báo khác rồi, cũng tiếc cho SGGP. Chẳng biết có phải tại vấn đề lương bổng và đãi ngộ hay không? Nếu một tờ báo như SGGP, cơ quan của Đảng bộ TP, mà không giữ được người giỏi, thì cũng đáng suy nghĩ đấy!

Quay trở lại bài báo. Đúng với những nhận định của tôi về Mai Lan, bài viết có những ý kiến rất sắc sảo, ví dụ như trong những trích dẫn dưới đây:

Trước thực trạng quản lý giáo dục ngày càng bộc lộ những yếu kém, Thủ tướng Chính phủ đã phải ra chỉ thị về “Đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012”. Lý giải về việc chọn đổi mới quản lý giáo dục đại học là khâu đột phá, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nguyên nhân cốt lõi nhất của tất cả các yếu kém mang tính hệ thống ở bậc đại học thời gian qua là do thực hiện các giải pháp khoa học quản lý chưa sát.

Tiếc thay, Bộ GD-ĐT lại triển khai cuộc “cách mạng” quản lý bằng tư duy “phong trào” chứ không bằng tư duy “khoa học”: hàng loạt cuộc hội thảo, hội nghị của các trường ĐH-CĐ trên cả nước được mở ra với nhiều chương trình hành động và khẩu hiệu “nổ rền”, nhưng lại chẳng liên quan gì đến việc đổi mới quản lý cả! Hàng loạt cuộc ký kết giữa Bộ GD-ĐT với Trung ương Đoàn TNCS HCM, giữa các ban giám hiệu, đảng ủy nhà trường với Đoàn TNCS HCM của các trường về chương trình hành động của sinh viên (!) đối với cuộc “đổi mới quản lý giáo dục”.

Đổi mới diễn ra “lạc đề, lạc chủ thể”? Trong khi đó, nội dung được các trường và xã hội mong chờ nhất là: việc đổi mới công tác quản lý của Bộ đối với hệ thống các trường đại học ra sao? Giao quyền tự chủ đến đâu? Đổi mới cơ chế tài chính như thế nào? Mức độ phân công, phân cấp quản lý cho các trường? v.v... Tất cả chìm khuất!

[...][N]ền giáo dục Việt Nam đã đa dạng hóa loại hình đầu tư, hàng loạt ĐH-CĐ dân lập, tư thục đã ra đời trong suốt mười năm đổi mới. Tuy nhiên, cũng ngần ấy thời gian vấn đề lợi nhuận của khu vực này đã rất không rõ ràng: là trường “lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận”? Bởi trên thế giới, ứng xử của Nhà nước giữa hai loại hình trường này rất khác nhau.

Một khi tài chính thiếu minh bạch sẽ ngáng trở rất lớn trong việc đánh giá hiệu quả, thiết lập kế hoạch đầu tư chính xác cũng như đóng góp của xã hội cho giáo dục.

Tình hình như thế, mà tất cả trí thức trong và ngoài nước không ai có đóng góp gì sao cho quá trình đổi mới quản lý của ngành giáo dục VN? Có chứ, nhưng theo tác giả Mai Lan, tiếc thay, tất cả như rơi vào “hố thẳm của im lặng”!

Vậy đấy, nên bảo sao mà gánh của tân Bộ trưởng lại chẳng nặng!

Một nhận xét ngoài lề: tôi khá bất ngờ khi bài báo có nêu tên tôi với một phát biểu, nghe ý tưởng và lời lẽ thì đúng là của tôi, nhưng rõ ràng là tôi chưa bao giờ phát biểu điều này với báo chí bao giờ. Nó ở trên blog của tôi chăng? Tôi đã đi tìm, và quả nhiên là tìm thấy. Ở đây này, bài bình luận bài viết có tên "Giáo dục đụng đâu ... dở đó".

Cũng xin "khoe" thêm: về đổi mới quản lý giáo dục, tôi cũng đã viết trên blog của mình mấy bài, trong đó bài tôi viết kỹ và tâm đắc nhất là bài có tên "Bộ Giáo dục đạt mục tiêu đổi mới bằng cách nào?". Có thể đọc nó ở đây. Đã gửi cho Tia Sáng (viết cho Tia Sáng) nhưng sau đó bị "mất bản quyền" vì bị đưa trước lên trang mạng khác, nên Tia Sáng không dùng nữa! Hơi tiếc!

Vậy mới thấy, blogs cũng có tác dụng của nó: đây đúng là một public sphere, một không gian công cộng, một loại diễn đàn của các cá nhân có ý tưởng và muốn đóng góp ý kiến của mình cho xã hội, cho chính quyền để góp phần cải thiện cuộc sống.

Và như vậy, thì ta vẫn còn có thể tin tưởng rằng rồi thì mọi việc sẽ phải tốt lên, khi những tiếng nói độc lập, trung thực của những người - tạm gọi là trí thức, mặc dù trí thức là gì thì còn phải bàn thêm - có trách nhiệm với xã hội vẫn còn có nhiều người nghe! Chỉ mong những người cần nghe sẽ lắng nghe, và sẽ hành động!

Đây cũng là mong muốn của tôi, một người trong ngành, xin gửi gắm đến tân Bộ trưởng! Như trước đây tôi cũng đã từng có những ý kiến nho nhỏ trên diễn đàn của Bộ Giáo dục (do TS Quách Tuấn Ngọc làm admin) khi PTT NTT mới làm Bộ trưởng.

(Tự dưng bỗng thắc mắc: Chẳng rõ hồi ấy nguyên Bộ trưởng NTN có bao giờ đọc các ý kiến của tôi không nhỉ?)

2 comments:

  1. Hồi trước thỉnh thoảng em có ghé qua diễn đàn edu.net, và cả diễn đàn ở trang web Sở GD-ĐT TPHCM (giờ không còn nữa thì phải, hoặc đã được dời đi một chỗ nào em không rõ). Hình như rất nhiều thành viên ở hai diễn đàn là giáo viên và cán bộ quản lý (nhất là diễn đàn thứ 2), nhưng nhìn phong cách tranh luận ở đó em thật sự thấy hoảng.
    Một lần vào mạng GV sáng tạo (http://mspil.net.vn/Default.aspx?atv=home), kết quả hợp tác giữa Bộ và Microsoft, em tình cờ thấy thread này:
    http://mspil.net.vn/gvst/forums/p/397/713.aspx
    Em không rõ có phải ai đó giả dạng các cán bộ quản lý của quận 1 phá không, chứ nếu những thông tin ở phần chữ ký các thành viên post bài trong thread này chính xác, thì em thấy lo thật sự cho chất lượng cán bộ quản lý của TPHCM nói riêng và VN nói chung cô ạ.

    SGK

    ReplyDelete
  2. Hi Hùng,

    Tôi cũng theo em vào trang web em giới thiệu (GV sáng tạo) để xem. Xem xong, ngoài chất lượng cán bộ quản lý (nếu đúng chữ ký và người viết là cùng 1 người) thì tôi thấy hình thức, cấu trúc và nội dung của trang web đó cũng ... kém nốt, em ạ!

    Well, biết làm sao được bây giờ? Tôi vẫn cho rằng mọi việc phải đi từ nỗ lực của từng cá nhân! Còn thay đổi cả một hệ thống thì rất khó, phải không?

    PA

    ReplyDelete