Saturday, July 3, 2010

"Những kẻ quan liêu đang hủy hoại nền giáo dục của con em chúng ta"

Đó là tựa của một bài viết đã đăng trên tờ Telegraph (UK) cách đây hơn một năm, vào tháng 5 năm trước. Tựa tiếng Anh đầy đủ của bài viết này là "The Bureaucrats are ruining our children's education, not teachers".

Tựa của entry này là bản dịch cái tựa tiếng Anh của bài viết, nhưng còn thiếu mấy từ cuối: "chứ không phải là giáo viên". Do quá dài nên tôi đã bỏ bớt. Bài ấy ở đây.

Một bài viết rất hay, mà nếu ai rảnh thì nên dịch toàn bộ ra tiếng Việt. Vì có rất nhiều điều thật đáng suy nghĩ, học hỏi, có liên quan đến nền giáo dục Việt Nam. Đặc biệt là trong tình hình bạo lực học đường ngày càng gia tăng, tỵ nạn giáo dục ngày càng phổ biến, trẻ em chán học, thầy cô giáo chán dạy, nhiệm vụ dạy người của ngành giáo dục ngày càng bị bỏ bê.

Không những thế, thi cử ngày càng nặng nề, gây áp lực và làm hao tổn sức lực, tiền của, và thời gian của toàn xã hội, mà chất lượng giáo dục cũng như chất lượng cuộc sống không hề tăng lên, nếu không nói là ở một số mặt còn đang suy giảm.

Bài viết nói gì? Xin giới thiệu ở đây một vài đoạn quan trọng (bản dịch của tôi, bản gốc xin vào link đã nêu ở trên):

Tôi chẳng nhớ gì về ngày đầu tiên đi học của mình, và giờ đây khi nghĩ lại tôi ngờ rằng việc này là do lúc ấy chẳng ai xem đó là điều quan trọng. Không ai bàn xem phải cho tôi học trường nào. Không phải đợi chờ hồi hộp, không cần lo lắng. Chúng tôi sống trong một ngôi làng nên tôi đi học ở trường làng. [...] Cô giáo đầu tiên của tôi, Bà Kettle với đôi má hồng mũm mĩm, là vợ của vị mục sư trong làng. Tôi vẫn nhớ những câu truyện trong Kinh Thánh mà bà kể cho chúng tôi vào mỗi buổi sáng, nhớ tên của những loài hoa dại mà chúng tôi hái được trong rừng mùa hạ, nhớ những bài thơ mà chúng tôi đã thuộc lòng từ dạo ấy.
[...]

Ngày nay, các bậc phụ huynh lo lắng về việc học của con cái mình từ trước đó rất lâu - phải nói là từ lúc họ còn chưa trở thành cha mẹ nữa. Mà cũng phải thôi. Ngày nay, việc kiếm được một chỗ học [tử tế] cho trẻ con ở trường địa phương ngày càng khó. [...] Nhưng nếu con cái bạn đủ may mắn để tìm được một chỗ học tàm tạm thì lúc ấy mọi sự căng thẳng chỉ mới bắt đầu thôi. Các bậc phụ huynh bắt đầu phải lo lắng xem việc gì sẽ diễn ra trong trường lớp của các em - một việc mà các bậc cha mẹ cảm thấy ngày càng khó đáp ứng. [...]

[...] [Không những thế, phụ huynh còn phải] suy nghĩ xem nên chọn loại trường mới nào, thi các chứng chỉ mới ra sao. Và nếu con cái bạn sắp phải dự kỳ thi A-level [tương đương kỳ thi vào ĐH của VN; chú thích của tôi] thì liệu chúng có nên theo học chương trình Tú tài quốc tế không, vì hình như chính sách liên quan đến kỳ thi A-level sắp thay đổi và có thể chẳng bao lâu sẽ không tổ chức kỳ thi này nữa?

[...]

[Ở thời của tôi,] không những tôi không phải lo lắng về việc chọn trường để học, mà tôi cũng chẳng cần quan tâm đến dư luận về chất lượng giáo dục xuống thấp, như thể đó chỉ là một nền giáo dục đáng vứt đi, hoặc lo lắng rằng kỳ thi mà tôi đang ráo riết chuẩn bị có thể hông còn được tổ chức nữa [do những cải cách trong thi cử]. Chính phủ can thiệp quá sâu vào hệ thống giáo dục – và giáo viên cứ thường xuyên ca cẩm về chất lượng giáo dục - khiến cho học sinh bị tước mất đi một yêu cầu rất quan trọng trong giáo dục, dù giáo dục trong trường lớp hay giáo dục tại nhà, đó là sự bình ổn
.

Phần trích dẫn trên đây là từ một bài viết mô tả hiện trạng của nước Anh. Nhưng nếu tôi không giới thiệu, thì hoàn toàn có thể nghĩ đây là một bài viết về nền giáo dục của VN. Vì tình hình ở VN hiện nay rất giống như thế.

Nào là thi vào lớp 1 tăng cường tiếng Anh, nào là thi vào lớp 6, chọn trường công hay trường bán công, thi vào lớp 10, rồi giảm tải chương trình, thay sách giáo khoa, đưa nội dung phòng chống tham nhũng (!) vào nhà trường, cải cách thi cử, thi tốt nghiệp THPT rồi thi đại học, nên hay không kỳ thi 2 trong 1, vân vân và vân vân. Và mùa hè của các em ngày càng ngắn dần đến chỉ còn một tuần, rồi học sinh nữ đánh nhau, quay video clip quăng lên mạng, rồi học trò đánh thầy, thầy đánh học trò, ôi thôi là bát nháo.

Đâu rồi một nền giáo dục bình ổn, nơi học sinh không bị sức ép phải thành thần đồng, phải thi học sinh giỏi, phải tham gia kỳ thi Olympic quốc tế, phải học trường phổ thông năng khiếu, mà chủ yếu tập trung vào việc dạy người để tạo ra những con người mạnh khỏe, hạnh phúc, tự tin, có trách nhiệm với chính bản thân, với gia đình, với cộng đồng và với xã hội?

Phải chăng lại là những câu hỏi không có lời giải đáp?

No comments:

Post a Comment