Thursday, July 8, 2010

"Đề thi quá khó vô tình khuyến khích học thêm"

Đó là tựa bài báo vừa đăng trên báo Phụ Nữ TP Hồ Chí Minh hôm qua 7/7/2010, tại đây. Bài báo ký tên tác giả là tôi.

Thật ra, đó là một phần trong cuộc trao đổi giữa tôi với một PV của báo vào buổi sáng trước đó một hôm. Một cuộc trao đổi khá dài và thú vị, với nhiều chi tiết kỹ thuật liên quan đến việc ra đề thi, xác định điểm sàn, thi chung và thi riêng, thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh, vv. Những điều mà tôi có thể nói rất nhiều và rất hứng thú (mặc dù có thể người nghe sẽ không hiểu hết, vì nó kỹ thuật). Tôi thực sự lấy làm "cảm phục" người PV đã không quản ngại khó khăn, chạy lên tận Thủ Đức để gặp tôi trao đổi vấn đề, ghi âm, rồi về viết lại (rất hay), gửi lại cho tôi để xem có ghi điều gì sai với những ý kiến phát biểu của tôi không, tất cả trong một ngày để kịp lên báo số hôm sau.

Chính tôi cũng đã xem lại, và sửa lại những câu có thể gây hiểu lầm - vì không hiểu sao những phát biểu của tôi thỉnh thoảng lại bị hiểu lầm một cách khá là tai hại, mặc dù hơn ai hết tôi thực sự là một người hết sức xây dựng, không bao giờ lấy việc đả phá chỉ để đả phá làm mục đích! Tôi tưởng, việc tôi đến giờ này vẫn còn làm ở khu vực công lập với mức lương khá là khiêm tốn, trong tình trạng các trường đại học ngoài công lập và đặc biệt là các trường có yếu tố nước ngoài đang đi săn lùng giảng viên để cho đủ số lượng theo yêu cầu như hiện nay, cũng đã nói lên một cái gì đó về mong muốn đóng góp của tôi cho hệ thống rồi chứ?

Nhưng không hiểu vì thiếu đất để đăng, hay có thể là vì ... có những vấn đề nhạy cảm, nên nó đã được tòa soạn cắt đi rất nhiều. Hơi tiếc, vì công sức của người phóng viên trao đổi, ghi chép, viết lại, cộng với công đọc lại và biên tập ngôn ngữ của tôi, đã không đến được với bạn đọc, và quan trọng hơn là đến với những vị có trách nhiệm. Bởi vì tôi nghĩ, hiện nay ở VN, nhiều vấn đề trong quản lý giáo dục đang cần được xem xét lại và đổi mới (chủ trương đổi mới quản lý đang là một chủ trương lớn của toàn ngành), và rất cần những tiếng nói của những người có chuyên môn.

Có thể có những điều không thể lấy kinh nghiệm của nước ngoài áp đặt vào VN được, nhưng nhìn chung thì đa số kinh nghiệm trên thế giới đều đáng được học hỏi một cách nghiêm túc để mọi việc vận hành theo quy luật. Vì tôi nghĩ VN dẫu có đặc thù đến đâu, cũng không thể nào tự mình phát triển theo kiểu một mình một cõi, mà tốt nhất là nên sử dụng tối đa lợi thế của người đi sau, tuân theo những quy luật đã được chứng minh, tránh những sai lầm của những người đi trước.

Mà muốn thế, thì những ai có hiểu biết gì có lợi cho xã hội đều cần phải nói ra, và cần được lắng nghe. Dù tất nhiên người nói cũng cần cân nhắc nói như thế nào để không bị hiểu lầm. Mà hiểu lầm nếu có, thực ra cũng là điều tất nhiên, thậm chí còn cần thiết nữa, vì nó tạo ra sự tranh luận cần thiết để có thể hiểu vấn đề một cách cặn kẽ.

Nhưng mà thôi, có lẽ ở Việt Nam nó thế, mọi cái cứ phải rất từ từ, chầm chậm mới được chăng? Nếu thế, thì bao giờ chúng ta mới có thể có được những phát triển cần thiết như mong muốn của các vị lãnh đạo cao nhất của đất nước đây?

Tôi không có câu trả lời cho câu hỏi mà tôi vừa đặt ra ở trên. Thôi thì cũng chỉ biết cố gắng tiếp tục làm những gì mà mình tin là tốt nhất, trong điều kiện của chính mình!

Câu chuyện giáo dục của Việt Nam, tôi vẫn sẽ còn quay lại và phát biểu để đóng góp cho nó tốt hơn. Vì đó chính là lý do tôi lập ra trang blog này, chẳng phải như vậy sao?
---
Viết thêm:
Tôi vừa đọc được một bài liên quan đến thi tuyển sinh trên báo Lao Động, có liên quan đến vấn đề đã được đề cập đến trong bài PV trên báo Phụ Nữ TP HCM của tôi, nên đưa luôn link lên đây để mọi người cùng đọc. Tựa bài báo ấy là "Thi khổ quá - Thưa Bộ trưởng Bộ Giáo dục". Nó ở đây.

Có lẽ tôi cần viết một loạt bài về các chính sách tuyển sinh trên thế giới, và tốt nhất, có lẽ là bắt đầu bằng việc tìm hiểu việc tuyển sinh ở Trung Quốc. Vì các bài học của Trung Quốc sẽ tốt cho VN, một nước có cùng một thể chế chính trị. Và Trung Quốc hiện nay cũng đang đổi mới quản lý giáo dục đại học rất mạnh mẽ, mặc dù so với VN thì giáo dục đại học TQ cũng đã đổi mới sớm hơn nhiều, và cũng đã có ít nhiều thành tựu.

Tôi vẫn nghĩ, do VN đi sau TQ, nên điểm thuận lợi nhất khi học từ TQ trước hết là ta có thể tránh được những điều mà TQ đã làm không đúng mà hậu quả đã được bộc lộ ra (không phải trả giá vì những sai lầm mà người khác đã mắc phải). Đó là lý do tôi không chỉ tìm cái được, mà còn tìm cả những mặt trái của giáo dục của giáo dục các nước quanh ta như Mã Lai, Ấn Độ và TQ, để giúp VN không hăm hở đi lại những bước xe đổ của những người đi trước. Ví dụ như trong việc phát triển giáo dục đại học một cách ồ ạt về số lượng, hoặc tư nhân hóa/thị trường hóa mà thiếu một cơ chế kiểm soát có hiệu quả của nhà nước.

Thật ra, viết thì mệt (tìm, đọc, phân tích, tổng hợp, phán đoán, diễn đạt vv), nhưng có lẽ giống như Kiều: "Đã mang lấy nghiệp vào thân ..."! Thôi thì cứ phải cố gắng thôi!

13 comments:

  1. Em có chút thắc mắc: dựa vào đâu để nói đề thi (khối A) năm nay khó hơn hẳn năm trước? Nếu dựa vào nhận xét của các thầy giáo dạy luyện thi (và thí sinh được phỏng vấn?), thì hình như đề Lý khó hơn hẳn, còn đề Toán và Hóa cũng chỉ tương đương, người nói khó hơn, người nói dễ hơn (em thì thấy đề Toán hai năm tương đương nhau, năm nay thậm chí còn phù hợp với chương trình cấp 3 hơn). Nói gì thì nói, những nhận xét về đề thi thường khá cảm tính, và theo motif: đề cho đúng trọng tâm, đề có tính phân loại cao, đề nằm trong chương trình, đề khó nhưng hay. Năm nào cũng chỉ có vài nhận xét "an toàn", vô thưởng vô phạt như thế. Cũng không ít năm, người được phỏng vấn nhận định đề "vừa sức", và kết quả thi vẫn tệ (những năm đầu tiên thi đề chung chẳng hạn). Bản thân em thấy, việc các thầy cô nhận định về đề thi trên báo ngay sau kỳ thi thực chất không có nhiều ý nghĩa, nếu không nói là khá misleading. Có điều chắc người ta thích đọc (cũng như đọc bình loạn bóng đá), nên đến hẹn lại lên, các báo lại mời "chuyên gia" nhận định về đề thi.
    Nếu thật sự muốn cung cấp cho dư luận những đánh giá chính xác hơn về đề thi, phải chăng nên chờ đến sau khi chấm xong, giám khảo biết được thí sinh hay sai câu nào, có những tranh cãi gì nảy sinh trong quá trình chấm,..., rồi tổng hợp lại thành exam report hay post mortem và công bố trên báo chí? Như vậy, những đánh giá sẽ xác đáng và có lẽ cũng hữu ích hơn cho thí sinh các năm sau?
    Lại nói chuyện đề khó đề dễ (có lẽ đề khó là đề mà ít học sinh làm được điểm cao?). Theo em đề khó cũng có mấy đường khó. Đề đánh đố hẳn nhiên là khó. Nhưng đề mở (nếu có) cũng sẽ bị dư luận kêu là khó. Mấy năm trước đề Văn tuyển sinh lớp 10 một tỉnh là "Trái tim có điều kỳ diệu", rất mở, rất rộng, nhưng vẫn là dạng bài có trong sách giáo khoa. Kết quả: dư luận phàn nàn, thậm chí có người bảo là đề đánh đố. Câu hỏi đặt ra là: những đề Văn như vậy (cũng như mấy đề Văn "lạ" ở Tàu, hay đề nghị luận xã hội mà Cambridge ra trong các kì thi GCSE hay GCE) cũng "khó", theo cách hiểu của nhiều người, nhưng phải chăng chúng không nên xuất hiện trong đề tuyển sinh? Em nghĩ, với môn văn, thì chính đề "dễ" (theo kiểu dễ hiểu, dễ làm, dễ trúng tủ) sẽ khuyến khích học thêm! Dĩ nhiên, nói đến chuyện đề khó đề dễ trong môn Văn, lại phải nói tới chuyện cách ra đề và cách dạy học, cái nào phải thay đổi trước (theo em thấy, washback effect ở VN có thể khá lớn). Một mớ bùi nhùi không biết đường nào mà gỡ.
    Điểm cuối cùng em muốn đề cập, là chuyện raw score và scaled score. Chuyện sử dụng scaled score để xét tuyển hình như sẽ giúp cho việc moderate điểm số của thí sinh, cũng như so sánh giữa các năm, dễ hơn. Đành rằng thay đổi hệ thống, cơ chế rất khó, còn những thay đổi be bé trong cách cho điểm, ra đề chẳng lẽ cũng khó luôn?

    SGK

    ReplyDelete
  2. Hi SGK,

    Tôi vừa viết một câu trả lời rất dài cho em, mà blogspot bị trục trặc sao nên không post lên được, mất trắng, tiếc thật!

    Comment này chỉ test thôi!

    PA

    ReplyDelete
  3. Tôi nghĩ đây là hậu quả của việc mong muốn công bằng trong tuyển sinh ĐH bằng cách duy nhất là thi như hiện nay. Tôi thật sự khâm phục những người đã làm ra những đề thì mà có quá ích phàn nàn như dậy cho cả nước VN với hơn 64 dân tộc từ thành thị tới đồng bằng, miền núi cũng như miền xuôi. Đều đó dẩn đến là đề thi sẽ quá dễ đối với 1 số người và quá khó đối với những người còn lại.

    Nhân đây cũng xin kể luôn câu chuyện có liên quan để mọi người suy ngẫm. Cách đây vài năm, thằng em vợ nó học khoa Tóan-Tin trường KHTN-HCM. Nó cứ thì lại mấy môn giải tích hòai. Tôi hỏi dậy chắc các bạn khác rớt nhiều lắm hả? Nó nói là nhiều đứa 9, 10 lắm vì tụi nó đã học trước hồi ở lớp năng khiếu rồi?

    ReplyDelete
  4. Hi SGK,
    Cô cố gắng trả lời lại cho em đây:
    1. Thế nào là đề khó? Đúng như em nói, định nghĩa đề khó chỉ đơn giản là: nhiều thí sinh không làm được! Đây là định nghĩa khoa học đàng hoàng, chứ không phải định nghĩa bình dân đâu em ạ!

    Với định nghĩa như vậy, dễ hay khó không liên quan gì đến việc đề thi có tốt hay không. Tốt, theo thuật ngữ của trắc nghiệm là validity (độ giá trị), thì phải xét theo đúng mục tiêu của bài trắc nghiệm đó. Ví dụ đề tuyển sinh vào trường đại học thì phải giúp các trường tuyển được những người tốt nhất một cách hiệu quả nhất. Kỳ thi ba chung dường như chưa làm được điều đó: hiệu quả chưa cao, tốn kém quá cho toàn xã hội (việc này đã rõ), chọn người dường như chưa chính xác (vì đề thi không đặc thù cho ai cả). Cái này thì cần nghiên cứu thêm, và nghiên cứu thì dễ thôi! Lẽ ra thi chung bao nhiêu năm nay thì đã phải có kết quả về validity của nó rồi chứ, nhưng chưa thấy Bộ công bố những chi tiết này bao giờ cả!

    (còn tiếp)

    ReplyDelete
  5. SGK (tt):
    2. Ý kiến chuyên gia có đáng quan tâm không? Có, mặc dù không phải là ý kiến duy nhất cần xem xét. Trong quy trình ra đề thi, sau khi xác định mục tiêu, nội dung, đối tượng kiểm tra, thì việc đầu tiên là phải qua phán đoán của chuyên gia. Và các chuyên gia phải phản biện nhau. Do quy trình ra đề thi là kín (tất nhiên, vì bảo mật) nên sau khi ra đề, các chuyên gia khác (các thầy cô đang dạy đúng đối tượng được kiểm tra) có ý kiến, bình luận cũng là đương nhiên mà. Nó không vô nghĩa, cũng không phải là có ý nghĩa tuyệt đối. Ta cần đối xử với nó đúng như nó: xem xét nhưng không tuyệt đối hóa! Còn nếu xem là không có giá trị, hoặc hốt hoảng vì những lời bình phẩm đó, đều là cực đoan, phi khoa học!

    Vậy làm sao biết được ý kiến chuyên gia có đúng không? Phải thử nghiệm trước khi thi, hoặc nếu sử dụng lý thuyết IRT (đáp ứng câu trắc nghiệm - item response theory) thì phải tiến hành định cỡ (calibration) từ trước khi sử dụng. Tôi không nghĩ Bộ đã làm điều đó! Nếu có, thì phải công bố các kết quả này ra trong bản hướng dẫn kỹ thuật về kỳ thi, giống như TOEFL hoặc SAT chẳng hạn.

    Còn nếu không thử nghiệm thì sau khi chấm thi, các số liệu mà Bộ thu về để từ đó xác định điểm sàn cũng nên được cho phép sử dụng để phân tích và rút kinh nghiệm. Hiện nay, số liệu này chỉ để quyết định đậu rớt mà không có bất kỳ phân tích gì thêm từ Bộ GD? Mà đâu có khó gì đâu cơ chứ?


    3. Có thể thay đổi nho nhỏ về cách ra đề thi vv không? Hoàn toàn có thể nếu các trường tự chủ. Ví dụ nếu giao cho TT của cô thì cô hoàn toàn có thể làm được 1 số cải thiện nho nhỏ như thế. Nhưng vì được quản lý tập trung, mọi sự thay đổi lớn nhỏ đều phải được phép của cấp trên, thì không dễ thay đổi, dù nhỏ SGK ạ!

    Tạm thế em nhé.

    Hi TTĐ,
    Rất cám ơn gợi ý của em về "công bằng trong giáo dục" bằng biện pháp thi cử. Em đã gợi ý cho chị một chủ đề mà chị rất tâm huyết. Hôm nào phải viết mới được (nếu có thời gian, hic hic!!!!)

    PA

    ReplyDelete
  6. Chào cô

    Cám ơn cô đã dành thời gian gõ (lại) câu trả lời dài như vậy. Thỉnh thoảng comment trên blogspot em vẫn gặp tình trạng đó, đúng là bỗng dưng muốn khóc.

    Thật sự em không phản đối việc tham khảo ý kiến chuyên gia, nhưng em nghĩ thế này. Khi làm đề thi các chuyên gia phản biện lẫn nhau để chỉnh sửa đề thi sao cho hợp lý nhất (theo tiêu chí nào đó của họ) là chuyện nên làm, và hình như Bộ cũng làm khá triệt để (theo các bài phóng sự về chuyện ra đề thi). Còn sau khi đã thi, thì những ý kiến phản biện có lẽ sẽ hướng tới việc rút kinh nghiệm cho năm sau. Nếu vậy, người phản biện nên chờ đến sau khi đã chấm thi, xem xét kết quả làm bài của thí sinh,..., thay vì ngay sau khi thi xong (để kịp đăng báo mạng), như vậy nhận định đưa ra sẽ có cơ sở và nhiều khả năng sẽ xác đáng hơn. Đọc phần nhận định đề thi trên báo nhiều năm nay, em vẫn thấy đó đa phần là những nhận xét chung chung, năm nào đề cũng hay và khó (hay khá vừa sức và có tính phân loại cao), dù chất lượng thực tế của đề dường như không được như vậy. Trong khi phần post mortem sau khi chấm thi, kiểu phân tích những lỗi thường gặp của thí sinh khi làm đề thi một năm nào đó, rồi số phần trăm thí sinh làm được một câu nào đó trong đề trắc nghiệm,...vốn sẽ có ích hơn, và có giá trị tham khảo cao hơn, thì lại không thấy công bố (không biết sau mỗi kì thi hội đồng chấm có viết một exam report nào như thế không cô?). Phản biện là cần thiết, nhưng phải cụ thể và có chất lượng, nếu không thì việc nhận định đề thi cũng chỉ mang tính hình thức mà thôi (= tốn kém).

    Mà nghĩ cũng lạ, người ta tốn bao nhiêu tiền của, công sức cho việc ra đề thi, luyện thi, chuẩn bị cho các kì thi, nhưng hình như lại khá xem nhẹ việc reflect, phân tích kết quả mỗi kỳ thi thì phải? Giống như kiểu đầu voi đuôi chuột trong quá trình tiền kiểm - hậu kiểm đại học vậy.

    Riêng về việc quản lý tập trung, đã có thời mình decentralize, để các trường tự ra đề, rồi vì nhiều lí do lại centralize trở lại, phải chăng lại là one step forward, two steps backward?

    SGK

    ReplyDelete
  7. Chị PA thân mến,
    Tôi rất đồng cảm và thích cách viết của chị. Chị là người tâm huyết và có chuyên môn sâu, cứ mạnh dạn đóng góp cho nền giáo dục nước nhà, dù có phải hiểu lầm. Hiểu lầm rồi mọi người cũng sẽ hiểu mình thôi, chứ biết mà không nói ra, để cục tức trong bụng sẽ bị stress đó chị à.
    Một người đóng góp, mọi người đóng góp (mưa dầm thấm lâu). Tôi hy vọng con thuyền giáo dục VN sẽ bớt cà rật cà tang.
    Chị là người "trót mang cái nghiệp vào thân", rồi mà. Thân mến

    ReplyDelete
  8. Theo em,chúng ta cần phân biệt:
    Thi tốt nghiệp phổ thông: là kỳ thi để đánh giá kiến thức mà học sinh thu nhận trong 3 năm học.
    Thi đại học: để đánh giá khả năng (năng lực) của thí sinh để học tập ở đại học.

    Như vậy, đề thi đại học cần phải đánh giá đúng tư chất thí sinh, chứ không phải là đánh giá kiến thức của thí sinh như hiện nay. Đề thi nên gồm toán lôgic, đọc hiểu và viết luận. Có thể tùy vào yêu cầu của từng trường (khối xã hội hay kỹ thuật) mà có trọng số của từng phần thi khác nhau.

    Nên kết hợp với kết quả thi tốt nghiệp và kết quả học phổ thông như chị Phương Anh đã đề xuất rất hay.

    ReplyDelete
  9. Dear SGK,
    Cái report sau kỳ thi thì chắc là vẫn có, nhưng nó tập trung vào những việc như thế này: bao nhiêu thí sinh vi phạm, bao nhiêu giám thị bị kỷ luật, đã diễn ra an toàn nghiêm túc chưa, khi nào công bố điểm thi, điểm cao nhất, điểm thấp nhất, vv. Tóm lại là tư duy hoàn toàn hành chính, làm để tuân thủ sự chỉ đạo của ngành, làm để mà làm, còn đạt mục tiêu gì, có cách làm nào tốt hơn để đạt mục tiêu đó hay không, thì hình như không ai thắc mắc? Haizzzzzzzz...

    Dear Cà Tửng,
    Tôi rất thích cái tên 'cà tửng' này vì lâu nay tôi bị mọi người xem là 'tửng từng tưng'. Vậy là chúng ta đồng bệnh tương lân rồi nhé!:-)

    Và chắc là vì đồng bệnh tương lân nên bạn đã đồng cảm và động viên tôi. Rất cám ơn bạn, và, haizzzz (thở dài), thôi thì đã mang lấy nghiệp vào thân, đành phải cố gắng thôi!

    Dear Tung Son,
    Ý kiến của em rất chính xác: phải phân biệt 2 kỳ thi. Và kỳ thi thứ hai thì cần đánh giá được tư chất và năng lực của thí sinh để chọn được người tốt nhất cho 4 năm học sắp đến. Tất nhiên, nếu trường nào thấy cần phải có tuyển chọn.

    Còn nếu không, chỉ cần xét hồ sơ, gồm điểm thi tốt nghiệp, học bạ, và có thể cả giấy giới thiệu của nhà trường, thầy cô vv nữa.

    Đến bao giờ ta mới làm được như thế Son nhỉ?

    PA

    ReplyDelete
  10. Chị Phương Anh ơi,

    Nếu "chỉ cần xét hồ sơ, gồm điểm thi tốt nghiệp, học bạ, và có thể cả giấy giới thiệu của nhà trường, thầy cô vv nữa." thì bộ còn có việc gì mà làm, chẳng lẽ các ông ở bộ lại xuống làm bảo vệ cho truờng à?

    Thấy học sinh VN hiện nay phải vật lộn với các ông ở bộ giáo dục khổ quá. Muốn nhỏ lại để đi học nhưng nghĩ đến các thiên tài cải cách ở Bộ giáo dục thì lại tự an ủi, "già rồi thế mà đân hay chị ạ. Không phải lo vật lộn với các ông"

    Choi

    ReplyDelete
  11. Thank you so much for listing University of Venus in your Blog Roll. I am very interested in your blog. Please contact me to see if we can find a way to collaborate.

    Mary Churchill
    University of Venus
    http://uvenus.wordpress.com

    ReplyDelete
  12. "...Hi SGK,

    Tôi vừa viết một câu trả lời rất dài cho em, mà blogspot bị trục trặc sao nên không post lên được, mất trắng, tiếc thật!

    Comment này chỉ test thôi!..."
    Kinh nghiệm để không bị lâm vô hoàn cảnh này là copy ngay bình luận mình vừa viết. Rồi làm gì làm. Rủi bị trục trặc ( thường lắm ) thì mình không bị mất hết vì thủ sẵn copy để paste lại.

    ReplyDelete
  13. Thanks, Anonymous, for your advice!

    PA

    ReplyDelete