Mixed Methods Design
Tác giả: Olivia Hunt
Nguồn: http://www.articlealley.com/article_185975_22.html
Đây là bản dịch của tài liệu đã đưa lên blog này hôm qua. PA dịch, có cắt bớt đoạn cuối cùng nói về tác giả vì không liên quan đến nội dung bài viết. Ngoài ra, bản dịch được viết lại một vài chỗ, chủ yếu để cho dễ đọc đối với độc giả VN, nhưng không thay đổi ý của tác giả.
Bản dịch nhằm giúp các học viên lớp cao học đo lường - đánh giá khóa 1 đang làm luận văn cao học có thêm tài liệu bằng tiếng Việt để tham khảo. Sử dụng, trích dẫn đề nghị ghi rõ nguồn (tác giả và dịch giả).
--
Có 3 trường phái chính trong nghiên cứu giáo dục, đó là: nghiên cứu định lượng, nghiên cứu định tính và nghiên cứu hỗn hợp. Bài này viết về thiết kế nghiên cứu hỗn hợp, trong đó vấn đề được quan tâm đặc biệt là hai cách tiếp cận định lượng và định tính trong thiết kế với tư cách những thành phần thiết yếu của trường phái nghiên cứu hỗn hợp.
Nghiên cứu hỗn hợp là loại hình nghiên cứu sử dụng các dữ liệu, kỹ thuật, và phương pháp thuộc cả hai trường phái định tính và định lượng. Tất cả những đặc điểm thuộc 2 trường phái đối lập với nhau được pha trộn trong một nghiên cứu điển hình (nghiên cứu trường hợp). Thiết kế này phù hợp với các nghiên cứu sử dụng dữ liệu hỗn hợp (dữ liệu số và dữ liệu văn bản) cũng như các phương pháp xử lý có liên quan (xử lý thống kê và phân tích văn bản). Cách tiếp cận hỗn hợp sử dụng cả hai phương pháp suy luận là diễn dịch và quy nạp, sử dụng nhiều hình thức thu thập dữ liệu và đưa ra các báo cáo kết quả mang tính chiết trung và thực dụng.
Các nghiên cứu theo trường phái hỗn hợp được chia ra làm 2 loại chính: hỗn hợp phương pháp (mixed method) và hỗn hợp mô hình (mixed model). Nghiên cứu hỗn hợp phương pháp là một nghiên cứu trong đó bạn sử dụng dữ liệu định lượng cho một giai đoạn nghiên cứu này, và sử dụng dữ liệu định tính cho một giai đoạn khác của cùng nghiên cứu đó. Nghiên cứu hỗn hợp mô hình là nghiên cứu trong đó bạn sử dụng cả hai loại dữ liệu định tính và định lượng trong một hoặc cả hai giai đoạn của quá trình nghiên cứu. Sự pha trộn của các cách tiếp cận định tính và định lượng xảy ra trong mỗi giai đoạn nghiên cứu.
Khi nghiên cứu điều quan trọng là sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp để tiến hành nghiên cứu chi tiết. Những lợi thế của nghiên cứu hỗn hợp là:
1) Tăng sức mạnh của nghiên cứu;
2) Sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu sẽ giúp nghiên cứu một quá trình hoặc một vấn đề từ nhiều phía;
3) Sử dụng các cách tiếp cận khác nhau sẽ giúp tập trung vào một quá trình duy nhất và khẳng định tính chính xác của dữ liệu. Nghiên cứu hỗn hợp bổ sung kết quả từ các loại hình nghiên cứu khác nhau. Nghiên cứu theo phương pháp sẽ này không làm ta bỏ lỡ bất kỳ dữ liệu nào có sẵn.
Phần định lượng trong một nghiên cứu hỗn hợp đòi hỏi sử dụng cách suy luận diễn dịch, trong khi phần định tính đòi hỏi sử dụng cách suy luận quy nạp. Ngoài ra, cách tiếp cận định lượng thực hiện thu thập dữ liệu định lượng dựa trên các số đo chính xác, thu thập thông tin có cấu trúc và được thẩm tra chặt chẽ. Ví dụ, các thang đo (rating scale), hoặc câu hỏi và hồi đáp cho sẵn (closed-ended items and responses). Phương pháp này cho ta các báo cáo thống kê và các mối liên hệ tương quan.
Phần định tính trong nghiên cứu hỗn hợp sử dụng các thông tin định tính. Ví dụ, phỏng vấn, ghi chép tại hiện trường (field notes), câu hỏi mở vv. Trong cách tiếp cận này, nhà nghiên cứu được xem là công cụ thu thập thông tin chủ yếu. Khi kết thúc một nghiên cứu theo cách này ta sẽ nhận được một báo cáo tường thuật với bản mô tả bối cảnh cùng những trích dẫn bằng ngôn từ rút ra từ tài liệu nghiên cứu.
Điều quan trọng cần nhấn mạnh là có rất nhiều cách thực hiện nghiên cứu. Các phương pháp định lượng và định tính đều có những thuận lợi và bất lợi của chúng họ trong một nghiên cứu cụ thể. Tuy nhiên, bạn có thể kết hợp những lợi thế của cả hai phương pháp và đưa ra thông tin chính xác về quá trình triển khai, các phát hiện và kết luận trong nghiên cứu của bạn. Hai phương pháp định tính và định lượng có những điểm mạnh, điểm yếu và yêu cầu khác nhau, những điều này đều có ảnh hưởng đến độ chính xác của dự án nghiên cứu. Mục đích của một thiết kế hỗn hợp là kết hợp được những khía cạnh tích cực của cả hai cách tiếp cận và tạo ra những số liệu có độ chính xác cao.
Kết luận
Khi bạn sử dụng nhiều phương pháp trong quá trình nghiên cứu, thì bạn có thể sử dụng sức mạnh của từng loại thông tin và giảm thiểu các điểm yếu của từng cách tiếp cận. Cách tiếp cận hỗn hợp trong việc thu thập và đánh giá thông tin có thể tăng tính hợp lệ và độ chính xác của thông tin. Bài viết này đã phân tích ngắn gọn một thiết kế nghiên cứu theo phương pháp hỗn hợp, và bao gồm các thành phần chính: cách tiếp cận định lượng và định tính trong việc thiết kế nghiên cứu. Bài viết nhằm chứng minh hiệu quả của thiết kế nghiên cứu hỗn hợp.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment