Sunday, January 31, 2010

Sự kiện & vấn đề cần quan tâm: Học phí, chi phí, đầu tư, và chất lượng giáo dục

(Hình từ báo điện tử của Chính phủ)
Sáng hôm nay, mở mạng ra đọc được khá nhiều tin về một sự kiện thực sự đáng quan tâm của giáo dục đại học Việt Nam: Quốc hội thực hiện đợt giám sát các trường đại học và cao đẳng trên cả nước, trong đó đợt đầu tiên là tại TP HCM và các tỉnh phía Nam. Kết thúc đợt 1, ngày hôm qua 30/1-2010 Đoàn đại biểu QH đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP HCM và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.

Nội dung của đợt giám sát này bao gồm 3 vấn đề quan trọng như: tình thực hiện, chính sách, pháp luật về thành lập các trường đại học, cao đẳng; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư cho giáo dục đại học, tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.

Tin tức về sự kiện này có thể đọc trên trang thông tin chính thức của Quốc hội, ở đây, báo điện tử của chính phủ, ở đây, và trên các tờ nhật báo.

Ví dụ, báo SGGP, ở đây, báo Pháp luật TP HCM, ở đây, trang tin của Vietnamplus, ở đây, và của VDC, ở đây. Và nhiều nơi khác nữa, nếu muốn tìm xin google với các từ "quốc hội, giám sát, đại học, cao đẳng" vv thì tha hồ đọc.

Dưới đây là một trích dẫn từ các bài viết đã đưa link ở trên, kèm suy nghĩ của tôi.

(1) Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao kết quả thực hiện giám sát và nhấn mạnh, trên cơ sở này Chính phủ sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện hệ thống chính sách. [...]mô hình quản lý giáo dục phải được nghiên cứu để hoàn thiện [...]. Công bố các tiêu chí về chất lượng giáo dục cụ thể hơn nữa. Những vấn đề như tăng học phí, đối với đại đa số nguời theo học, phải được phân tầng, phải đảm bảo mức học phí phù hợp với mặt bằng thu nhập chung đối với đại đa số người học.
Nguồn: Trang tin của VDC, link ở trên


Trong phát biểu trên có 3 vấn đề cần quan tâm, đó là: (1) mô hình quản lý; (2) việc công bố các tiêu chí chất lượng; và (3) học phí.

Và dưới đây là những nhận xét ban đầu của tôi về từng vấn đề.

1. Mô hình quản lý giáo dục của VN cần phải được hoàn thiện. Rất đồng ý. Nhưng hoàn thiện ra sao? Xin có ý kiến như sau:

- Các nguyên tắc cơ bản cho sự phát triển của giáo dục đại học cần được Việt Nam học hỏi từ mô hình giáo dục của các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

- Nhưng phương pháp thực hiện và lộ trình cụ thể để hoàn thiện mô hình giáo dục của Việt Nam thì các nước Âu Mỹ sẽ không có kinh nghiệm gì để chia sẻ. Bởi vì giáo dục đại học của họ phát triển trên một nền tảng xã hội hoàn toàn khác biệt.

Theo tôi, VN nên học hỏi cách làm và những bài học thành công hoặc thất bại của các nước có điều kiện kinh tế và văn hóa tương tự như mình, ví dụ các nước khu vực Đông Nam Á, hoặc Ấn Độ, Trung Quốc vv, để xem họ đã chuyển đổi như thế nào từ một vùng trũng của giáo dục đại học để trở thành một nền giáo dục có chất lượng.

Ấn Độ là một bài học cho sự thất bại vì không xác định rõ hướng phát triển trong tương lai của xã hội Ấn Độ là gì (xem lại entry trên blog này: "Cải cách giáo dục đại học tại Ấn độ: từ chủ nghĩa xã hội nửa mùa đến chủ nghĩa tư bản nửa mùa", ở đây).

Singapore là một bài học lớn của sự thành công, trong đó điều quan trọng nhất là tầm nhìn xa của lãnh đạo, sự chuẩn bị từ xa và đầu tư của toàn xã hội cho giáo dục, bắt đầu từ những việc tưởng chừng không ăn nhập gì như chính sách ngôn ngữ. Trong đó tiếng Anh được nâng dần từ vai trò ngoại ngữ (foreign language) sang vai trò ngôn ngữ thứ hai (second language) - được sử dụng song song với các ngôn ngữ khác trong các văn bản hành chính, và hiện nay là ngôn ngữ thứ nhất (first language), tức ngôn ngữ giảng dạy ở trường từ mẫu giáo ở một nước không có người nói tiếng Anh bản ngữ.

Mã Lai là một mô hình nằm giữa Singapore và Ấn Độ, có một số thành công theo kiểu Singapore, nhưng cũng bộc lộ một số nhược điểm, chủ yếu liên quan đến các mâu thuẫn về mặt chủ thuyết (ideology), giống như Ấn Độ.

Trung Quốc hiện đang là một ví dụ của sự thành công, trong đó ấn tượng nhất là tạo ra được những trường đại học ở tốp đầu, có khả năng chen chân vào các bảng xếp hạng thế giới với thứ hạng cao.

Do thể chế chính trị giống nhau, nên có vẻ như Việt Nam có thể học hỏi cách làm của Trung Quốc về mặt chính sách. Tuy nhiên, theo tôi thì nguồn lực và thực lực của nhà nước Trung Quốc và nhà nước Việt Nam có một khoảng cách khá xa, và tình hình xã hội cũng khác nhau, nên Việt Nam không dễ học hỏi từ Trung Quốc.

Vả lại, hiện nay trên thế giới và ngay cả ở Trung Quốc cũng không ít sự nghi ngại về tính bền vững của sự thành công này, vì sự thiên lệch về ngành nghề (chỉ chú trọng các ngành khoa học công nghệ, mà yếu các ngành xã hội nhân văn), và nhất là sự thiếu sáng tạo và thích nghi của người tốt nghiệp, đặc biệt là trong một thế giới đầy biến động như hiện nay.

2. Công bố các tiêu chí chất lượng cụ thể hơn. Hoàn toàn hợp lý. Nhưng từ chủ trương này, đến chính sách thực hiện 3 công khai mới đây của Bộ, trong đó có công khai chuẩn đầu ra, thì còn cần trao đổi thêm.

Có thể thấy là hiện nay lãnh đạo các trường chưa hiểu rõ các khái niệm mới, và ngay cả các chuyên viên và lãnh đạo các Vụ của Bộ cũng chưa rõ (dễ hiểu thôi, vì chúng ta đang thay đổi cách quản lý với rất nhiều khái niệm và phương pháp mới, sau một thời gian dài ĐH Việt Nam đóng cửa). Xin xem thêm trao đổi về chuẩn đầu ra của tôi trên blog này, ở đây.

Vì vậy, cần phải có một thời gian để các trường tìm hiểu, thử nghiệm, chia sẻ kinh nghiệm, công bố và được phản biện, rồi hoàn thiện. Điều này sẽ mất vài năm (2, 3 năm). Không nên ra một mệnh lệnh hành chính và bắt buộc các trường phải thực hiện đại trà trên toàn quốc như trong thời gian qua. Vì đó sẽ thêm một sự lãng phí nữa, vì tất cả đều chỉ là hình thức. Chưa kể, sẽ làm cho mọi người đinh ninh là mình đã làm tốt, và hài lòng! Làm trầm kha thêm căn bệnh giả dối và hình thức hiện nay.

3. Về học phí, tôi không hiểu phóng viên có ghi nhầm phát biểu của PTT không?

Nếu phát biểu này đã được ghi chính xác thì phát biểu này thiếu logic vì có mâu thuẫn. Xin phân tích thêm dưới đây:

"Học phí phải được phân tầng": điều này có nghĩa là học phí phải có nhiều mức khác nhau loại tùy theo chất lượng đạt được (nôm na là mua hàng xịn thì phải trả tiền cao);

và "học phí phải đảm bảo với mặt bằng thu nhập chung của đại đa số người học": tức học phí không quá cao (vì thu nhập của đa số người đi học chưa cao), và điều này đi ngược lại với việc nguyên tắc "phân tầng" vừa nêu?

Cần phân biệt giữa học phí (tuition, phần người học phải đóng) và chi phí (cost). Chất lượng cao, đương nhiên chi phí phải cao. Nếu chi phí cao nhưng lại muốn người học đóng học phí thấp, để phù hợp với thu nhập của đa số dân chúng, thì điều này liên quan đến chính sách đầu tư cho giáo dục của nhà nước.

Khi không thể đầu tư cho tất cả các trường ở cùng mức chất lượng cao như nhau (do nước nghèo, và cũng không cần thiết), thì phải phân tầng mức kinh phí đầu tư cho các trường tùy theo chất lượng của từng trường, chứ không thể đầu tư bình quân trên đầu sinh viên như hiện nay.

Còn nếu muốn giữ cách đầu tư mang đậm "định hướng xã hội chủ nghĩa" như từ trước đến nay (bình quân trên đầu sinh viên), thì người học và gia đình phải chịu phần đóng góp cao hơn nếu muốn có chất lượng cao hơn. Đây chính là việc vận dụng cơ chế thị trường. Nhà nước nên cho phép các trường có chất lượng cao được tăng học phí, trong điều kiện đầu tư của nhà nước không tăng.

Đồng thời, nhà nước cần giám sát chất lượng bằng các tiêu chí chất lượng cụ thể và công khai để bảo vệ người tiêu dùng khỏi bị lừa đảo. Ngoài ra, nên có chính sách hỗ trợ học phí cho các đối tượng ưu tiên để đảm bảo công bằng xã hội. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo rằng các đối tượng này có đủ năng lực để vào học ở những trường có chất lượng cao. Như vậy, các trường chất lượng cao cần có quyền đưa ra những tiêu chuẩn tuyển chọn khắt khe và các kỳ thi riêng, phù hợp với mục tiêu riêng của mình. Giống như các nước phương tây vẫn làm.
--
Vài dòng suy nghĩ, xin ghi ra để khỏi quên, và để chia sẻ đến mọi người. Tôi tha thiết mong những người có trách nhiệm đọc và đưa thành chính sách nếu nó hợp lý, như một đóng góp của tôi, một công dân, một trí thức, và một giảng viên, gần 30 năm trong giáo dục đại học. Có lẽ vì chỉ làm trên giấy, nên tôi thấy mọi việc quá rõ. Nhưng sao chính sách giáo dục của VN vẫn cứ vướng mắc ở đâu và cứ rối rắm như thế nào ấy?

Hay tại vì tôi quá đơn giản, tầm nhìn hạn chế, chưa thấy hết sự phức tạp của vấn đề?


--
Ghi chép thêm:
Bài viết đã được sửa lại cho rõ hơn, sau khi nhận được góp ý của bạn bè. Và, theo góp ý của BS Hồ Hải trong comment bên dưới, tôi sẽ viết sâu thêm từ những ghi chép vội này thành 3 vấn đề khác nhau. Trước hết, sẽ bắt đầu bằng các tiêu chí về chất lượng, tức vấn đề số 2. Vì nó là công việc hàng ngày của tôi.

2 comments:

  1. Tôi không ở trong chăn, nên tôi chưa rõ lắm câu chuyện chị viết trong entry này. Theo tôi có mấy ý muốn chia sẻ với chị để chị viết nó rõ ràng hơn cho vấn đề giáo dục Việt Nam hiện nay:

    1. Chị nên chia nó ra từng mảng như: tài chính cho giáo dục, nghiên cứu trong giáo dục, phương pháp giảng dạy trong giáo dục, cơ chế quản lý trong giáo dục, etc... thì vấn đề sẽ rõ và chuyên sâu hơn.

    2. Chuyện ngọai ngữ thành quốc ngữ như Sing thì không nên ở VN, vì nhiều lý do trong đó có lịch sử, địa lý, văn hóa, ngôn ngữ, etc... Hơn nữa, ngọai ngữ chỉ nên xem nó là phương tiện, khg nên xem nó là mục đích. Giáo dục 1 đất nước mạnh hay yếu khg chỉ là ngọai ngữ mà là chiến lược quốc gia đó có đúng với tiêu chí giáo dục hay khg? Một nền giáo dục có chiến lược chính trị len lỏi vào từng ngỏ ngách như giáo dục Việt Nam thì giáo dục VN phải què quặt là phải. Giáo dục VN mà tốt thì điều đó mới là lạ.

    3. Chuyện nhà nước quản lý giá cả nếu người dân không thấy có chất lượng thì họ cho con họ đi nước khác học và đại học Việt sụp đổ thế thôi. Đó là chuyện nên bàn.

    Cuối tuần vui vẻ,

    ReplyDelete
  2. Thank you bác Hải. Bác quá sắc, đọc một cái nhìn ngay ra chỗ nhược của tôi: viết tham, cái gì biết cũng đưa vào, thành rối rắm. Tôi có sửa lại một chút rồi, hy vọng rõ ràng hơn một chút.

    Nói thêm: giống như HQ đã nói, tôi thuộc phe cảm tính nhiều, bác thuộc phe lý tính nhiều, nên khi làm việc chung, sẽ có sự bổ sung rất tốt - tạo thành một "đám đông thông minh" :-) (mèo khen mèo)!!!!

    Ngoài ra, còm số 3 của bác rất hay: có những người dân có tiền để học với chất lượng cao hơn, nhưng nhà nước lại "kềm" các trường trong nước không cho tăng học phí để bù chi phí, nên chất lượng thấp, dân cho con đi nước khác học, đại học VN (giống như hàng VN) bị sụp đổ. Thế là ... xong!

    ReplyDelete