Tuesday, January 5, 2010

Tiến trình Bologna và cải cách giáo dục đại học tại Châu Âu

Nhân ĐHQG-HCM tổ chức Hội thảo về Hệ thống chuyển đổi tín chỉ ASEAN (Asean Credit Transfer System ACTS) vào ngày 19-20/1/2010 sắp đến, xin có loạt bài viết này để giới thiệu về Tiến trình Bologna và Hệ thống chuyển đổi tín chỉ Châu Âu ECTS.

Loạt bài này cần thiết để có thể hiểu về ACTS, vì ACTS đang được xây dựng trên kinh nghiệm của ECTS, với những điều chỉnh nhỏ cho phù hợp với hệ thống giáo dục của các nước Đông Nam Á.

--
Tổng quan về Tiến trình Bologna

Tiến trình Bologna (Bologna Process) là sáng kiến cải cách giáo dục đại học của các nước Châu Âu bắt đầu vào năm 1999, đến nay đã được hơn một thập niên. Sáng kiến này bắt nguồn từ việc chính phủ các nước Châu Âu cảm thấy họ đang bị cạnh tranh dữ dội bởi các cường quốc tri thức mới, đặc biệt là Hoa Kỳ. Họ ý thức được được sự cần thiết phải hợp lực để thực hiện cải cách nền giáo dục của mình một cách căn bản.

Tham gia Tiến trình Bologna là hoàn toàn tự nguyện. Theo wikipedia (xem tại đây), số lượng các quốc gia tham gia sáng kiến và ký tên vào Bản Tuyên bố Bologna (The Bologna Declaration) năm 1999 gồm 29 nước Châu Âu. Hiện nay, con số này giờ đây đã lên đến 46 quốc gia, theo tin từ website chính thức của Tiến trình Bologna, tại đây.


Mục tiêu của Tiến trình Bologna

Mục tiêu của Tiến trình Bologna là tạo được một Khu vực giáo dục đại học Châu Âu (European Higher Education Area) vào năm 2010. Khu vực giáo dục này phải có những đặc điểm ưu việt để có thể thu hút sinh viên từ bên trong lẫn bên ngoài Châu Âu. Mục tiêu này được nêu rõ trong phần giới thiệu về Bologna Process, trên trang web của Ủy ban Châu Âu (European Commission), ở đây:

The Bologna Process aims to create a European Higher Education Area by 2010, in which students can choose from a wide and transparent range of high quality courses and benefit from smooth recognition procedures. The Bologna Declaration of June 1999 has put in motion a series of reforms needed to make European Higher Education more compatible and comparable, more competitive and more attractive for Europeans and for students and scholars from other continents.

Tiến trình Bologna nhằm tạo ra Khu vực giáo dục đại học Châu Âu vào năm 2010, nơi sinh viên tha hồ lựa chọn từ những môn học đầy đủ thông tin và chất lượng cao, và được hưởng những thủ tục công nhận dễ dàng. Tuyên bố Bologna vào tháng 6/1999 đã thúc đẩy một loạt các cải cách cần thiết để làm cho giáo dục đại học trên toàn Châu Âu trở nên tương thích và dễ so sánh hơn, tăng tính cạnh tranh và thu hút hơn đối với sinh viên Châu Âu cũng như các sinh viên và học giả từ các châu lục khác.
(PA dich)

Nguồn: http://ec.europa.eu/education/higher-education/doc1290_en.htm


Hai công cụ quan trọng trong tiến trình Bologna

Có thể tóm tắt quá trình cải cách giáo dục đại học tại Châu Âu theo Tiến trình Bologna trong 3 nội dung như sau:
1. Thống nhất quá trình đào tạo bậc đại học trên toàn Châu Âu
2. Triển khai đảm bảo chất lượng giáo dục
3. Thực hiện công nhận văn bằng, chứng chỉ và thời gian học tập giữa các trường

Để thực hiện các nội dung trên, cần có một ngôn ngữ và chuẩn mực chung làm cơ sở thống nhất quá trình đào tạo, xác nhận tình trạng đạt chất lượng, và công nhận văn bằng, chứng chỉ giữa các trường. Ngôn ngữ và chuẩn mực chung này được xác định chủ yếu thông qua hai công cụ quan trọng là EQF và ECTS. Dưới đây là phần giới thiệu sơ lược về hai công cụ này.

1. Khung văn bằng Châu Âu (xem tại đây).

The European Qualifications Framework (EQF) is a common European reference framework which enables European countries to link their qualifications systems to one another.
Nguồn: http://www.qcda.gov.uk/19302.aspx, hoặc click vào đây.

Khung văn bằng Châu Âu là một khung quy chiếu cho phép các quốc gia Châu Âu liên thông, liên kết hệ thống văn bằng của mình với các quốc gia khác (PA dịch)


Nói cách khác, EQF là một hệ thống văn bằng của bậc đại học gồm 3 trình độ: đại học - cao học - tiến sĩ (tương tự như hệ thống đang được sử dụng trong hệ thống Anh-Mỹ). Hệ thống này còn gọi được là hệ đào tạo 3-5-8, tức tối thiểu 3 năm xong đại học, thêm tối thiểu 2 năm nữa tức 5 năm xong thạc sỹ, thêm tối thiểu 3 năm nữa thành 8 năm xong tiến sĩ.

Do đào tạo theo tín chỉ nên thời gian tối thiểu nêu trên chỉ là ước tính, còn thực tế sẽ phụ thuộc vào việc sinh viên có lấy đủ và đạt các tín chỉ theo yêu cầu hay không.

2. Hệ thống chuyển đổi [và tích lũy] tín chỉ Châu Âu (European Credit Transfer [and Accumulation] System)

European Credit Transfer and Accumulation System (ECTS) is a standard for comparing the study attainment and performance of students of higher education across the European Union and other collaborating European countries. For successfully completed studies, ECTS credits are awarded. One academic year corresponds to 60 ECTS-credits that are equivalent to 1500–1800 hours of study in all countries irrespective of standard or qualification type and is used to facilitate transfer and progression throughout the Union.
Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/European_Credit_Transfer_and_Accumulation_System, hoặc xem ở đây).

ECTS là chuẩn dùng để so sánh mức độ năng lực và thành tích của sinh viên trên toàn Liên minh Châu Âu cũng như các nước Châu Âu khác tham gia sáng kiến này. Sinh viên học xong từng phần sẽ được cấp các tín chỉ ECTS. Một năm học được tính tương đương với 60 tín chỉ ECTS tức khoảng 1500-1800 giờ làm việc của sinh viên, được tính cho mọi quốc gia, bất kể đó là học ở trình độ nào hay tiêu chuẩn nào. Như thế sẽ tạo điều kiện để chuyển đổi ngang và dọc trên toàn Liên minh Châu Âu. (PA dịch)


Các văn bản, biểu mẫu được sử dụng trong việc chuyển đổi và tích lũy tín chỉ châu Âu ECTS có thể tìm thấy ở đây.

Tác động của Tiến trình Bologna đối với Châu Âu và Việt Nam

Tiến trình Bologna thể hiện ý chí và quyết tâm của các vị lãnh đạo các nước Châu Âu nhằm cạnh tranh thành công với các đối thủ lớn của nền kinh tế tri thức. Việc thống nhất các hệ thống giáo dục của từng nước Châu Âu riêng lẻ trở thành một hệ thống rất giống với việc thống nhất đồng tiền chung cho Châu Âu (đồng Euro) để tạo một thị trường lớn và mạnh hơn. Và cũng giống như đồng Euro đối với kinh tế của Châu Âu, một thị trường giáo dục đại học rộng lớn hơn đã có tác động tích cực đến hình ảnh, vị thế và chất lượng giáo dục đại học của Châu Âu.

Riêng tại Việt Nam, Tiến trình Bologna cũng có ảnh hưởng tích cực rất rõ, dù có lẽ hơi bất ngờ. Với tư cách là một nước đang phát triển, trong một thời gian dài Việt Nam không có điều kiện để đào tạo sau đại học, nên nguồn nhân lực đại học của Việt Nam trước đây đa số được đào tạo ở nhiều nước khác nhau trên thế giới, mà chủ yếu là các nước Châu Âu và Bắc Mỹ. Nhưng trước khi Tiến trình Bologna được thực hiện thì hai khối này thuộc hai hệ thống giáo dục đại học khác nhau, trong đó riêng tại Châu Âu thì từng nước lại có một hệ thống giáo dục đại học riêng biệt với những văn bằng khác nhau, chẳng ai giống ai.

Ví dụ, chỉ tính riêng 4 nước Anh, Đức, Nga, Pháp, các nước Châu Âu có nhiều người Việt Nam sang học - đã là 4 hệ khác hẳn nhau rồi. Ngoài ra, các nước thuộc khối Bắc Mỹ là Mỹ, Canada, rồi nếu tính thêm cả Úc nữa, thì mặc dù các nước này có giống nhau nhiều hơn giữa các nước Châu Âu, nhưng vẫn có khá nhiều khác biệt.

Ảnh hưởng của các hệ thống giáo dục đại học khác nhau trên nền giáo dục đại học của Việt Nam khiến cho việc xây dựng và cải cách giáo dục đại học ở Việt Nam trong suốt thời gian qua luôn có những khó khăn.

Vì vậy, dù không được tính trước, thật sự Tiến trình Bologna đã cung cấp hai công cụ rất quan trọng để thực hiện các mục tiêu chiến lược của giáo dục Việt Nam, là EQF và ECTS. Hai công cụ này sẽ giúp thống nhất quan điểm về văn bằng và chất lượng giáo dục, cũng như tạo điều kiện cho sự công nhận liên thông ngang và dọc đối với người học. Những việc làm này rất cần thiết để Việt Nam thoát khỏi tình trạng hỗn loạn, phủ nhận lẫn nhau, hoặc hổ lốn, "râu ông nọ cắm cằm bà kia" như hiện nay.

Bên cạnh đó, sự thành công của Tiến trình Bologna ra bên ngoài Châu Âu còn giúp những lãnh đạo ngành giáo dục của Việt Nam có được một thứ ngôn ngữ chung để trao đổi với thế giới về những vấn đề của mình. Cần ghi nhận là Tiến trình Bologna hiện nay đã được hệ thống giáo dục đại học của Mỹ hiểu và chấp nhận, thậm chí còn tìm hiểu sâu để học tập nữa. Ví dụ như trong bài viết này trên blog của GS Lloyd Armstrong thuộc Trường ĐH Nam California.

Những thành tựu của Tiến trình Bologna chính là lý do các nước Đông Nam Á đang muốn học hỏi từ công cuộc cải cách giáo dục đại học của Châu Âu để áp dụng cho mình. ACTS chính là một trong những nỗ lực như vậy. Vì vậy, việc chủ động tham gia vào ACTS ngay từ lúc này là rất cần thiết để giáo dục đại học Việt Nam nắm được cơ hội giao lưu, học hỏi từ các trường bạn, từ đó thúc đẩy giáo dục đại học Việt Nam vươn dần lên ngang tầm khu vực và tiệm cận chuẩn mực thế giới.

1 comment: