Saturday, January 23, 2010

Bài đáng đọc và suy nghĩ: "Suỵt, khẽ chứ! Có muốn mua bằng Tiến sĩ không?"

Cái tựa đầy mỉa mai của entry này là tên một bài báo đăng từ năm 2004 trên tờ Chronicle of Higher Education (tạm dịch: Thời sự Giáo dục đại học), tờ báo về giáo dục đại học lừng lẫy của Mỹ. Tên tiếng Anh của bài báo đó, là "Psst. Want to buy a PhD?". Có thể đọc nó ở đây.

Tại sao bài viết từ năm 2004 mà đến giờ tôi vẫn muốn đưa lên blog? Vì bài viết thì đã cũ, nhưng vấn đề thì vẫn mới, đặc biệt là ở VN. Và càng đặc biệt hơn trong bối cảnh VN đang muốn nhanh chóng nâng cao chất lượng giáo dục của mình bằng những biện pháp hoàn toàn ... số lượng!

Ví dụ, vài chục ngàn tiến sĩ phải được đào tạo hỏa tốc trong những năm tới. Ví dụ, phải xây dựng ngay một số trường đại học lớn để nhanh chóng đạt chuẩn quốc tế, được xếp hạng này hạng kia cho có với người ta. Và vì những mục tiêu cao cả và hợp lý trên, thì rõ ràng cần tiêu tốn nhiều tiền của, những đồng tiền vay nước ngoài, và những đồng tiền ngân sách mà mọi người dân VN đang chắt chiu đóng góp.

Trong bối cảnh này, tôi vừa có một cuộc trao đổi, tranh luận với bạn bè về bằng cấp và năng lực của người này người khác mà chúng tôi cùng có quen biết sơ qua. Do sự nghi ngờ về bằng cấp, vì có vẻ như không có sự tương xứng với những bằng cấp được trưng ra và năng lực của một vài cá nhân nào đó. Và người bạn đó, một trí thức VN, đã gửi cho tôi cái link của bài viết rất đáng đọc và suy nghĩ này.

Nói ra ngoài một chút. Cũng giống như nhiều việc khác trong xã hội Mỹ, giáo dục đại học của Mỹ có rất nhiều điều hay, nhưng không kém những cái dở thậm tệ. Và một trong những cái dở đó là nạn bằng giả, được sản xuất ra bởi những lò sản xuất bằng giả chuyên nghiệp được gọi là "degree/diploma mill". Và tệ hại hơn rất nhiều, là nạn kiểm định ma, tiếng Anh là "accreditation mill". Muốn biết thêm về vấn đề này, chỉ cần gõ 2 từ đó vào google, thì ... đầy! Tha hồ đọc (tất nhiên là bằng tiếng Anh).

Quay trở lại bài báo. Sự mỉa mai của bài báo không chỉ nằm ở cái tựa. Đọc vào đoạn đầu tiên của bài báo mới thấy mức độ thâm nhập của bằng cấp giả vào trong xã hội Mỹ là như thế nào. Có ai ngờ được một thành viên của Hội đồng Kiểm định (nơi xác nhận chất lượng cho những người khác) lại chính mình sử dụng bằng giả không nhỉ? Vậy mà có đấy. Xin trích dịch dưới đây:

It was a revelation rich in irony: A member of a college accreditation board holds a Ph.D. from a "university" that sells doctorates to anyone with $1,500. This year The Chronicle reported that Michael Davis, a member of the Accrediting Council for Independent Colleges and Schools, received his doctorate from Saint Regis University, which claims recognition from the government of war-torn Liberia and requires little, if any, academic work. He has since been booted from the board.

Sự "khải huyền" này mới thật mỉa mai sao: Thành viên của một hội đồng kiểm định trường đại học sử dụng bằng Tiến sĩ của một "trường đại học" sẵn sàng bán tấm bằng Tiến sĩ cho bất kỳ ai với giá 1,500 USD. Năm nay tờ Chronicle of Higher Education đã phát hiện ra ông Michael Davis, thành viên của Hội đồng Kiểm định các trường đại học và trung học độc lập, nhận bằng Tiến sĩ từ trường ĐH Saint Regis, là ngôi trường tự tuyên bố rằng mình có được sự công nhận của chính phủ của đất nước Liberia vốn tang thương vì chiến tranh kia. Tấm bằng này hầu như không đòi hỏi người nhận bằng phải có chút nỗ lực hàn lâm nào cả. Sau phát hiện này, ông Davis đã bị tống ra khỏi hội đồng.

Ừ, mỉa mai thật, không thể nói gì khác hơn được nữa. Nhưng có lẽ đây chỉ là một trường hợp hết sức cá biệt, và dù sao thì cũng đã bị phát hiện ra và sửa chữa rồi, hay chăng? Tiếc thay, sự thật không phải thế. Mà đen tối hơn rất nhiều. Đây:

It turns out there are plenty of others like Mr. Davis, at all levels of higher education: A wrestling coach in Wisconsin. A librarian in Texas. An assistant dean at a Baptist university. Not to mention dozens of professors who hold degrees from unaccredited colleges, some of which require nothing more than a credit-card number and a mailing address. [...][C]onsidering that unaccredited institutions rake in hundreds of millions of dollars each year, it's safe to say the problem isn't small.

Hóa ra là còn rất nhiều người giống như ông Davis, ở mọi cấp độ trong giáo dục đại học Mỹ: Một võ sư môn đấu vật ở Wisconsin. Một quản thủ thư viện ở Texas. Một trợ lý trưởng khoa tại một trường đại học của giáo phái Baptist. Chưa kể đến hàng chục vị giáo sư có bằng từ các trường không được kiểm định, trong đó có một số nơi chỉ yêu cầu người được cấp bằng cung cấp số thẻ tín dụng và địa chỉ liên lạc. [...] [C]hỉ cần biết rằng các trường đại học không được kiểm định này hàng năm hái được nhiều triệu đô la học phí, là có thể hiểu rằng bằng giả là một vấn nạn hoàn toàn không nhỏ!


Đọc xong, tôi thực sự quan ngại. Vì việc này xảy ra ngay ở Mỹ. Là nơi có một nền giáo dục đại học mà cả thế giới ngưỡng mộ. Không những thế, việc này còn xảy ra ở đúng một nơi mà chất lượng giáo dục được xem là mối quan tâm lớn nhất.

Mà Mỹ là một đất nước có một xã hội dân sự rất phát triển. Tức, mỗi người dân đều tự ý thức về các loại quyền, đủ kiểu, của mình. Quyền được thông tin của người tiêu dùng. Quyền tự do phát biểu ý kiến cá nhân. Quyền góp ý cho chính quyền. Quyền phê phán những gì không đúng, cho dù người có các hành vi không đúng đó là ai đi chăng nữa.

Nói ngắn gọn, là ở Mỹ nếu bằng giả có lọt vào chỗ này chỗ khác, thì cũng sẽ có lúc bị phát hiện, với những hậu quả không hề nhỏ. Một cơ chế như vậy, rõ ràng là phải có tác dụng ngăn ngừa cái vấn nạn này nhiều lắm. Vậy mà nạn bằng giả vẫn hoành hành, khó lòng hạn chế, nếu không phải là ngày càng nhiều.

Vậy thì do đâu? Hãy nghe ý kiến của một "khách hàng" bên dưới:

"Just the ability to put Ph.D. behind my name is what I was looking for," says Wayne J. del Corral, who teaches finance part time at Tulane University. "It'll make things a lot easier with respect to submitting papers to journals and so forth."

"Tôi chỉ cần có cái mác Tiến sĩ để ghi bên cạnh cái tên của mình trong danh thiếp", Ông Wayne J. del Corral, hiện đang giảng dạy bán thời gian tại ĐH Tulane về môn tài chính, đã phát biểu như vậy. "Việc này sẽ làm cho mọi việc dễ dàng hơn nhiều khi tôi gửi bài đăng đến các tạp chí hay đại loại là như vậy."


Vâng, chính là do như thế đấy. Cái lợi và cái danh, bản năng của con người, theo cách nói của người bạn trí thức của tôi. Còn theo cách nhìn của tôi, thì hiện nay trên khắp thế giới, giáo dục đại học đang trở thành một trong những ngành công nghiệp lớn nhất và có tốc độ phát triển nhanh nhất (và còn đang tiếp tục phát triển). Nên nó cần một lực lượng lao động rất lớn.

Và muốn làm công việc giảng dạy ở một trường đại học thì nói chung là phải có bằng PhD. Mà nhiều người không hiện có. Nên cần phải có nhanh, dễ, và rẻ. Vậy là có cung, thì sẽ có cầu thôi.

Bài viết còn dài lắm. Với những tên tuổi thật, người thật, việc thật. Tôi sẽ không đưa lên hết. Ai quan tâm xin đọc nguyên bản tiếng Anh.

Còn tôi, tôi chỉ muốn có một thỉnh nguyện đối với những người có trách nhiệm với nền giáo dục nước nhà, và một lời kêu gọi đến tất cả những ai tự xem mình là trí thức.

Đây, lời thỉnh nguyện đối với những người có trách nhiệm: Xin đừng quá chạy theo các con số gây ấn tượng, các chỉ tiêu thành tích, mà quên đi chất lượng thật. Chất lượng của việc chọn ứng viên để cử đi học. Chất lượng của các quy định về thẩm định văn bằng chứng chỉ. Chất lượng của những con người có thể bằng cấp đầy mình nhưng khi làm việc thì lại làm cho người khác ngờ ngợ về năng lực. Những cái đó, không làm nhanh được, mà cần có thời gian, và sự đầu tư công sức, trí tuệ, và tâm huyết. Xin chớ quên điều này, trong cơn say sưa đuổi theo thành tích sau những lời hứa dễ dàng khi chưa cân nhắc hết mọi vấn đề.

Và đây, lời kêu gọi đến mọi trí thức Việt: Phải chăng chúng ta đang tự đánh mất mình, khi dễ dàng chấp nhận những tấm bằng, mặc dù thật, nhưng chất lượng thì rất giả? Khi chúng ta biết những đồng nghiệp, hoặc sinh viên, hay thậm chí thầy cô của mình, có những tấm bằng giả, hoặc chất lượng giả, nhưng vẫn làm ngơ, chấp nhận như một sự đương nhiên? Nếu không, xin hãy làm một điều gì đó, dù nhỏ: một tiếng nói, một phản ứng, một cử chỉ, một hành động. Để bảo vệ danh dự của giới trí thức Việt Nam.

Vì tôi biết một điều: Giáo dục đại học của VN ngày càng được thế giới biết đến như một trường hợp kinh điển đáng nghiên cứu của một nước nghèo, đang phát triển, muốn phát triển nhưng không có định hướng và cơ chế quản trị đúng đắn, nên đang khởi phát rất nhiều vấn đề của một hệ thống giáo dục hư hỏng, tham nhũng - a corrupted system, decayed to the core - mục ruỗng tới tận xương.

Buồn, là một từ rất nhẹ để nói lên cảm giác của tôi khi viết đến đây.
--
Cập nhật ngày 26/1/2010
Chẳng hiểu ma đưa lối quỷ dẫn đường thế nào, mới cách đây vài ngày BS Hồ Hải đưa cho mình cái link về bài này, thì hôm qua trên báo SGGP lại khui ra một vụ liên quan đến hội đồng chấm luận án Tiến sĩ ở ĐHBK. Nên cái buồn được nêu ra trong câu cuối bài viết này được hâm nóng, thành một bài viết trên blog cá nhân của tôi. Ở đây.

Mà hình như BS Hồ Hải này có tài thấu thị? Bác ấy nói đến cái gì là y như rằng vài ngày sau có chuyện xảy ra về vấn đề ấy. Như là ... ma xó ấy, sợ quá đi mất! Chả biết có "âm mưu" gì ở đây không nữa? ;-)

PA

3 comments:

  1. Sụyt! Lại vẽ đường cho hưu chạy à? Hic... Cái dự án 20.000 TS đến 2020 của VN coi chừng bị chị làm cho nó rút ngắn thời gian thành 2015 mất.

    ReplyDelete
  2. Bác Hải,

    Nếu bị kết tội "vẽ đường cho hươu chạy", tôi sẽ khai ra là bác đã gửi cái link đó cho tôi, còn tôi thì chỉ do ... bị lôi kéo nên mới viết bài này thôi. Như thế, chắc là tôi sẽ nhẹ tội, bác nhỉ? ;-)

    Nhưng để đoái công chuộc tội (tội vẽ đường ấy mà), vài ngày nữa tôi sẽ viết về việc thẩm định bằng cấp ở Mỹ vậy. Để cho những ai tuyển dụng người có bằng cấp, đặc biệt là bằng tiến sĩ, thì biết mà lường trước những trường hợp gian lận.

    Làm vậy thì đã hết tội chưa hở bác?

    ReplyDelete
  3. Đồng ý với bài viết thứ 2 để đổi công chuộc tội cho chị. Cứ thế mà làm. Hì hì, làm như mình là quan tòa vậy! :P

    ReplyDelete