Tuesday, January 19, 2010

Bài viết cho báo TN: "Học như thế nào để thi trắc nghiệm cho tốt?"

Báo TN có đặt tôi viết một bài nhằm đưa ra những lời khuyên cho thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học sắp tới.

Dưới đây là nguyên văn bài đã gửi. Thật ra thì do vội quá nên tôi chỉ viết tóm tắt, chứ vẫn còn nhiều ý muốn nói. Ví dụ, luyện tư duy và luyện trí nhớ, cũng như trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Nhưng cũng có thể là chỉ cần viết tổng quát, rồi đi sâu vào từng phần nếu cần, để dễ đọc và dễ hiểu.

Không hiểu báo có sử dụng không, và có biên tập lại không. Nhưng cứ đưa lên đây để chia sẻ với mọi người. Và đọc lại, thấy còn có vài lỗi nhỏ, nhưng thôi cứ để nguyên như vậy cho nó "chân thực" (authentic) với cái đã gửi đi - vốn là sản phẩm trong vòng chưa đến 1 tiếng đồng hồ. Khiến nhà báo phải khen, cô viết giỏi thật! (vì hứa mãi, hứa mãi mà không chịu viết, nên hôm qua bị giục quá phải viết vội! Thực sự bận quá!!!!)

---

Như thế là chỉ còn khoảng gần 6 tháng nữa thôi là đến mùa thi quan trọng nhất trong năm đối với các học sinh lớp cuối cùng của trình độ trung học phổ thông – kỳ thi tốt nghiệp THPT, và liền sau đó là kỳ thi tuyển sinh đại học.

Năm 2010 này, cũng như các năm trước, đa số các môn học cũng sẽ được thi dưới hình thức trắc nghiệm, chỉ trừ 4 môn là Toán, Văn, Sử, và Địa. Để làm tốt bài thi trắc nghiệm, cần phải có những hiểu biết đầy đủ và đúng đắn về hình thức thi rất phổ biến và hiệu quả này.

Khi đưa ra lời khuyên cho thí sinh, có thể tập trung vào 2 vấn đề chính: (1) học như thế nào để chuẩn bị tốt cho kỳ thi; và (2) thi như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất. Lời khuyên loại 2 là những lời khuyên ngắn hạn, hơi mang tính đối phó, không giúp cho các em học tốt hơn mà chỉ giúp cho các em đạt được mức điểm tối ưu ở trình độ thật của mình. Còn những lời khuyên loại 1 mới có thể giúp các em học tốt hơn, để nâng cao trình độ của chính mình, đồng thời cũng tự tin và ung dung hơn khi thi. Vì vậy, những lời khuyên dưới đây là nhằm giúp các em học tốt hơn, đồng thời cũng là để chuẩn bị cho kỳ thi tốt hơn.

Trước hết, cần làm rõ một điều ngộ nhận tai hại và dai dẳng về hình thức trắc nghiệm, đó là hình thức này chỉ kiểm tra được khả năng nhớ chi tiết, mà không kiểm tra được các kỹ năng tư duy bậc cao hơn. Điều này chỉ đúng với những câu trắc nghiệm tự tạo của những người không chuyên nghiệp. Trong khi đó, như kết quả của các kỳ thi vừa qua cho thấy, những đề thi trắc nghiệm của Việt Nam được viết khá tốt và ngày càng tốt hơn lên, do việc tham khảo các đề thi trắc nghiệm của quốc tế hiện nay rất thuận lợi, dễ dàng.

Vì vậy, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi trắc nghiệm thật ra cũng như bất cứ kỳ thi nào khác. Trước hết, các em phải biết học cho đúng cách, chứ không chỉ nhồi nhét vào đầu thật nhiều các chi tiết rời rạc (vì nghĩ rằng trắc nghiệm sẽ thiên về kiểm tra chi tiết). Khi tập trung quá nhiều vào chi tiết, các em sẽ chỉ sử dụng bộ nhớ ngắn hạn, và chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng học bài sau quên bài trước. Chính vì vậy, có một điều tưởng chừng là nghịch lý, đó là kỳ thi càng đòi hỏi trí nhớ về chi tiết thì càng em lại càng cần phải luyện tư duy tổng quát cho thật nhạy bén, sắc sảo.

Sau đây là lời khuyên chung khi ôn tập cho mọi môn học và mọi hình thức thi:
1. Nhìn lướt qua toàn bộ chương trình để nắm được các chủ đề và vấn đề trọng tâm cần giải quyết ở mỗi chủ đề
2. Xác định các khái niệm cơ bản và hiểu rõ định nghĩa của các khái niệm này trong từng chủ đề
3. Hiểu rõ và thực hành thành thục các phương pháp (thông qua các công thức đã được chứng minh) giải quyết những vấn đề đã được đặt ra cho mỗi chủ đề

Một khi và chỉ khi đã nắm vững những điều trên, các em mới có thể tiếp tục chuẩn bị sâu hơn cho hình thức trắc nghiệm, như sau:
4. Tự kiểm tra sau mỗi bài học (mỗi chủ đề) bằng các bài trắc nghiệm đã được soạn sẵn. Các em có thể sử dụng các tài liệu do giáo viên môn học giới thiệu hoặc được cung cấp trên thị trường; điều quan trọng là thực hiện đều đặn hàng ngày.
5. Thường xuyên trao đổi với bạn bè cùng lớp, các thầy cô, tham gia các câu lạc bộ, các diễn đàn, để hỏi thêm về các khái niệm chưa hiểu rõ, hoặc trao đổi các cách giải quyết khác nhau cho cùng một vấn đề.
6. Ghi nhận những lỗi sai của mình (có thể dễ dàng làm được bằng các loại sách ôn tập), tìm hiểu nguyên nhân, và thỉnh thoảng lại tự kiểm tra lại để xem mức tiến bộ của chính mình.

Nói một cách ngắn gọn: Từ từ, và đều đều; kiên trì, nhẫn nại, tự lấp đầy các lỗ hổng kiến thức; trao đổi với bạn bè, thầy cô; tự vạch ra một kế hoạch khả thi và tự mình thực hiện kế hoạch do chính mình đã vạch ra. Đó là những lời khuyên bao giờ cũng đúng cho các em với bất kỳ hình thức thi nào, mà đặc biệt là hình thức trắc nghiệm.

Chúc các em thành công.
--
Cập nhật ngày 26/1/2010
Bài viết đã được đăng trên báo Thanh Niên hôm nay, hầu như không sửa chữa gì mấy! Một ngạc nhiên thú vị! :-)

ở đây.

No comments:

Post a Comment