Friday, January 29, 2010

"Sinh viên lao đao với ngoại ngữ"


Bài phỏng vấn này được thực hiện đã lâu, đến nỗi tôi quên hẳn rồi, thì bỗng hôm nay được phóng viên báo cho biết là đã được đưa lên mặt báo (well, đưa lên ... màn hình máy tính của tôi, vì tôi hầu như không bao giờ đọc báo giấy!). Nó ở đây.

Nói ngoài lề một chút trước khi bình luận về vấn đề mà bài phỏng vấn đặt ra. Nhìn chung bài viết đã trích tương đối chính xác những phát biểu của tôi. Nhưng vì có cắt bớt, và những lời dẫn dắt, sắp xếp của báo, nên dường như chưa rõ hết ý tôi muốn nói. Mà bao giờ cũng vậy, phỏng vấn trên báo là một việc làm khá ... mạo hiểm! Vì nói là một chuyện, mà người nghe có hiểu đúng ý mình hoàn toàn không là chuyện khác. Mà dù họ có hiểu đúng thì đến lúc họ diễn đạt lại bằng lời của họ, công chúng có hiểu đúng mình hay không, thì lại là một việc khác nữa!

Quay trở lại bài phỏng vấn. Tôi muốn qua blog này làm rõ một vài điều tôi nói (do cách nói của tôi - theo nhận xét của một vị lãnh đạo ĐHQG nơi tôi làm việc - thường rất khó hiểu!), nên xin trích dẫn từ bài báo những chỗ có lẽ chưa rõ để bình luận thêm ở đây:

Việc học tiếng Anh nói một cách tổng thể trên phạm vi quốc gia hiện nay đang (1) thiếu một tiếng nói chung từ các bên có liên quan như nhà quản lý, giảng viên, SV và nhà tuyển dụng. Đồng thời, (2) thiếu một nền tảng khoa học để xây dựng hoặc lựa chọn các chiến lược phù hợp, dẫn đến SV tốt nghiệp vẫn không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Tất nhiên, những nỗ lực cải cách cụ thể ở nơi này, nơi khác với ít nhiều tác động nhưng thiếu tập trung, tản mạn, vì thế hiệu quả không cao và thiếu tính bền vững.


Đọc lại hai chỗ in đậm, thấy quả là khó hiểu! Việc này là do ảnh hưởng nghề nghiệp đây thôi: viết lách hàn lâm quá, như một cái tật ấy mà, chứ chẳng phải "nổ banh xác" gì đâu. Nay xin làm rõ:

- Cái số 1: Nói nôm na là dạy ngoại ngữ ở VN mạnh ai nấy làm.

Ví dụ: Sinh viên tốt nghiệp các trường kỹ thuật khi ra trường đi làm chủ yếu cần đọc tài liệu về các sản phẩm kỹ thuật, và đôi khi có trao đổi chút ít về các sản phẩm này (vd: giá cả, công dụng, kiểu dáng vv), đôi khi có dự các hội nghị giới thiệu sản phẩm mới vv. Nhưng chương trình giảng dạy của nhà trường lại dạy toàn là tiếng Anh tổng quát cho những người học chưa rõ mục tiêu sử dụng. Còn thi cử thì lại chọn một kỳ thi chỉ phù hợp cho những người làm khối hành chính, văn phòng trong các doanh nghiệp là kỳ thi TOEIC, ví dụ thế. Và không ai trao đổi thông tin với ai (nói theo Kinh thánh, là "tay trái không (cần) biết việc tay phải làm")!

- Cái số 2: Nói nôm na là hiện nay ai cũng biết vấn nạn là gì (sinh viên kém tiếng Anh khi ra trường). Nhưng có vẻ không nhiều người biết giải pháp cho việc này là như thế nào? Dường như đa số mọi người đều đang làm mò mẫm, theo phương pháp thử và sai?

Trong khi đó, giải pháp cho vấn đề này thật ra quá dễ, và đã có sẵn. Ai không tin, cứ nhìn vào các trường sau đây nơi tôi biết rõ vì đã từng hoặc đang tham gia giảng dạy hoặc tư vấn. Đó là Saigon Tech, ĐHQT thuộc ĐHQG, và UEF. Tất cả, chỉ có chung một bài (và "bài" này là làm theo cách y như của nước ngoài, vì chẳng ai cần tìm cách phát minh lại cái bánh xe làm gì!), và chắc chắn có hiệu quả:

+ Trước hết phải kiểm tra năng lực và thi xếp lớp, rồi dựa trên kết quả này phân chia các lớp.

+ Xây dựng chương trình và chọn giáo trình cho phù hợp với đối tượng sinh viên của mình (dùng kết quả kiểm tra nói trên).

+ Đặt ra một mức chuẩn năng lực cần thiết cho đầu ra (cần cái gì để đi làm), và đầu vào (muốn có trình độ đầu ra khi ra trường thì khi vào phải có trình độ tối thiểu là bao nhiêu; nếu không đạt trình độ đó thì phải bù thêm ra sao).

+ Tạo mọi điều kiện cho người học tiếp xúc với ngoại ngữ và sử dụng nó trong quá trình học (không phải chỉ tiếp xúc với cuốn sách giáo khoa là đủ, mà phải tạo blog tiếng Anh để học, nghe đài, đọc báo, ca hát, giao lưu với sv nước ngoài - nếu không có điều kiện face-to-face thì qua email cũng được).

+ Kiểm tra thường xuyên trong quá trình học và sử dụng kết quả này để phản hồi cho người học về mức tiến bộ của chính mình (giống như đi khám sức khỏe và cân đo em bé vậy đó! vd: mới sinh mà chỉ nặng có 1.5 ký, dài 35 phân, thì ... rõ ràng là quá yếu, phải nuôi trong lồng kính vì chắc là sanh thiếu tháng?), và có những hỗ trợ cần thiết.

+ Và dứt khoát là nếu chưa đạt trình độ thì phải học lại chứ không thể du di cho qua!

Vậy thôi! Mà tại sao ít trường công làm được thế? Để trắng trận địa cho các các cơ sở của nước ngoài "chúng nó" làm và lấy tiền của mình, dễ dàng thế?
--

Nói thêm một chút (bức xúc, bức xúc!): Tôi đã nói những điều này từ cách đây mười mấy năm rồi, khi tôi mới học ở Úc về, 36 tuổi, là Tiến sĩ nữ đầu tiên, và Tiến sĩ thứ hai của ngành học này (Giáo dục ngôn ngữ) của cả nước, trong số những Tiến sĩ hiếm hoi học ở một nước tư bản về lúc ấy (nhân tiện, lúc ấy tôi về thì tôi là Tiến sĩ duy nhất ở trường, vì những người khác, kể cả ban giám hiệu, chỉ mới là Phó Tiến sĩ, chưa lên đời!), lúc ấy là vào cuối năm 1996 (well, lâu lâu cũng muốn nhớ lại một chút huy hoàng thời quá khứ vậy mà, xin mọi người thông cảm!)

Và sau đó, nói đi nói lại nhiều nơi khác nhau. Nói, đến nỗi người ta chán! Mà không ai tin. Lúc ấy, người ta còn đổ xô vào việc dạy tại chức Anh văn, rồi sau đó là hệ văn bằng 2, khiến bằng cử nhân Anh văn trở nên rẻ mạt. Đến nỗi một ông sếp của tôi thời đó (đã quá cố) đã thốt lên: đi học cử nhân Anh văn tại chức, cũng như đi mua bằng trả góp (tức đóng tiền làm nhiều lần, đủ ngày đủ tháng thì ra trường đương nhiên thôi mà!)

Rồi sau đó, thì thừa thắng xông lên, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành giảng dạy tiếng Anh. Bây giờ, nếu đếm số thạc sĩ, tiến sĩ ngành tiếng Anh của VN thì tôi e phải là cao nhất Đông Nam Á đấy! Nhưng trình độ tiếng Anh của sinh viên VN khi ra trường, thì hãy xem cái tựa của entry này, và đọc kỹ bài báo đó.


Không tin được dù đó là sự thật, có phải không?

2 comments:

  1. Thưa Cô,

    Em thấy ở VN nhiều chuyện thật lạ, khi những người có tâm huyết góp ý cải cách vấn đề nào đó, dù có nói khản cả cổ người ta cũng cho qua.
    Nhớ hồi xưa, vào năm nhất ĐH KHXHNV, cũng được thi Anh văn, tùy trình độ mà phải học từ HKI hay được miễn bao nhiêu học kỳ...
    Có điều ko hiểu sao nhiều SV học từ năm đầu tới năm cuối mà trình độ Av chẳng tiến bộ được bao nhiêu...
    Nghe nói sau này số tiết AV còn bị cắt bỏ nữa

    ReplyDelete
  2. Hi Chuot Nhat,

    Thanks for your comment. I feel a bit less lonely in my struggle for a better education for all Vietnamese.

    ReplyDelete