Phản biện cần thông tin khoa học
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=235958&ChannelID=3
Thứ Năm, 27/12/2007, 08:04 (GMT+7)
Bộ Y tế: quyết định dừng sử dụng mắm tôm là cần thiết
TT (Hà Nội) - Quyết định dừng sử dụng mắm tôm trên phạm vi toàn quốc vào thời điểm cao trào của dịch tả là phù hợp với tình hình thực tế, là biện pháp cần thiết trong trường hợp khẩn cấp có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm đe dọa sức khỏe và tính mạng người dân.
Hôm qua 26-12, Bộ Y tế đã có thông báo chính thức, khẳng định như trên, trả lời băn khoăn của dư luận xung quanh quyết định dừng sử dụng mắm tôm.
Trong thông báo này, Bộ Y tế dẫn kết quả cuộc điều tra 61 người bệnh đầu tiên trong vụ dịch, trong đó mắm tôm bị nghi là thực phẩm mang mầm bệnh và có nhiều khả năng gây bệnh. Bộ Y tế cũng cho rằng cùng với các hoạt động chống dịch khác, quyết định dừng sử dụng mắm tôm đã góp phần vào kết quả dập tắt dịch tả trong vòng hơn một tháng.
L.ANH
Tưởng rằng không có gì để nói thêm nữa trong vụ mắm tôm, nhưng khi đọc được bản tin trên đây, cúng tôi không thể không có thêm vài hàng bình luận.
Bộ Y tế vẫn viện dẫn kết quả 61 người bệnh đầu tiên có tiền sử ăn mắm tôm để kết luận rằng mắm tôm là thủ phạm của vụ bệnh tả và tiêu chảy cấp tính. Một người đọc bình thường phải hỏi ngay: tại sao mắm tôm? Thế còn các “thói quen” khác như ăn uống khác như ăn cơm, ăn rau sống, uống nước, uống bia, tắm sông, v.v… thì sao?
Thật là ngạc nhiên khi động từ “nghi” được sử dụng để “kết tội” một yếu tố dịch tễ học. Trong khoa học, phải có giả thuyết khoa học và kiểm định giả thuyết khoa học (chứ không thể nói “nghi” được). Dựa vào lí do sinh học gì để nói mắm tôm là thủ phạm bộc phát bệnh, khi hàng chục nghiên cứu trong y văn chỉ ra rằng với nồng độ muối lên đến >15% thì vi khuẩn tả không thể tồn tại.
Ngoài ra, vi khuẩn tả không thể tồn tại trong môi trường pH<3.>
Câu văn “Bộ Y tế cũng cho rằng cùng với các hoạt động chống dịch khác, quyết định dừng sử dụng mắm tôm đã góp phần vào kết quả dập tắt dịch tả trong vòng hơn một tháng” hàm nói đến một mối liên hệ nhân-quả (cause-effect relation). Lí giải của Bộ Y tế có thể diễn giải một cách gọn như sau: sau khi mắm tôm bị cấm, số bệnh nhân giảm xuống; suy ra, mắm tôm là nguyên nhân.
Nếu dùng cách lí giải và logic trên, chúng ta cũng có thể tiên đoán: ngưng cấm mắm tôm, bệnh tả sẽ bộc phát. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Do đó, lí giải trên cũng có vấn đề về logic và thực tế. Thật ra, chúng tôi thấy cách lí giải như thế của Bộ Y tế quá dễ dãi, và càng không phù hợp chút nào đối với một ngành hoạt động được xem là khoa học: ngành y tế.
Dịch tiêu chảy và bệnh tả vừa qua không phải là lần đầu ở nước ta. Trong quá khứ, đã có hàng chục vụ như thế. Thật ra, năm nào các bệnh viện cũng đều có điều trị nhiều ca bệnh tiêu chảy và bệnh tả. Nhưng trong thời gian đó mắm tôm vẫn được sản xuất, vẫn được phân phối, và vẫn được tiêu thụ. Như vậy có thể cho rằng mắm tôm là thủ phạm không? Câu trả lời quá hiển nhiên!
Nếu mắm tôm là nguyên nhân gây bệnh thì tại sao 134 mẫu mắm tôm được lấy đi xét nghiệm và tất cả đều âm tính với vi khuẩn tả? Xác suất của một kết quả 134/134 âm tính như thế là bao nhiêu? Thấp lắm. Nếu không tin, Bộ Y tế thử hỏi các chuyên gia trong Bộ tính toán thử xem. Nếu cần, chúng tôi có thể hướng dẫn (miễn phí) cách tính.
Nói tóm lại, những phát biểu mới nhất của Bộ Y tế liên quan đến mắm tôm vẫn chưa mang tính thuyết phục. Chưa thuyết phục vì các phát biểu này thiếu khoa học tính, và không phù hợp với thực tế.
Có lẽ Bộ Y tế nên công bố cho quần chúng biết cách thu thập thông tin về 61 bệnh nhân đó ra sao (cụ thể câu hỏi nào được đặt ra và ai thu thập các thông tin đó), và xử lí các thông tin đó như thế nào, mà Bộ đi đến kết luận lúc ban đầu. Các thông tin này sẽ giúp cho sự phản biện khách quan hơn và không phải mang tính một chiều như hiện nay.
Posted by Nguyễn Văn Tuấn at 4:57 PM
Friday, November 6, 2009
Bài đáng đọc: "Phản biện cần thông tin khoa học"
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment