Thứ bảy, ngày 24 tháng mười năm 2009
Hôm nay, trên tin thời sự VTV đưa tin các đại biểu cuốc hội bàn luận có nên hay không nên trao quyền quản lý cho bộ Giáo dục? Người thì đồng ý, kẻ thì không. Nhưng, khi ông đại biểu Đặng Ngọc Tùng, đương kiêm chủ tịch Tổng liên đòan lao động Việt Nam đưa ý kiến, thì mới biết rằng hiện tại Thủ tướng là người quyết định sự ra đời của một trường đại học sau khi tất cả các bộ có liên quan đi thẩm tra về trình. Có nghĩa là dù thủ tướng là người ký quyết định ra đời một trường đại học, nhưng người đi thẩm tra và chịu trách nhiệm là 1 tập thể gồm nhiều bộ khác nhau. Khi có một sai sót như trường đại học Phan Thiết lùm xùm những ngày qua thì hỏi ai chịu trách nhiệm? Người ta bảo rằng hầu hết các bộ đều phải có trách nhiệm vì: bộ tài chính chịu trách nhiệm kiểm tra tài chính họat động, bộ tài nguyên môi trường chịu trách nhiệm về thẩm tra đất đai, bộ công an chịu trách nhiệm thẩm tra nhân sự, bộ giáo dục chịu trách nhiệm về nhân lực chuyên môn của trường v.v... và v.v...
Chưa hết, khi ông Tất Thành Cang phát biểu lại biết thêm: có những trường đại học không chỉ chịu sự quản lý của bộ giáo dục và đào tạo mà còn chịu sự quản lý của một bộ khác có liên quan đến chuyên ngành đào tạo của trường là chủ yếu. Tôi không tin vào tai mình, và tôi tự trách mình là đã không quan tâm đến việc này. Tôi bèn phone cho một anh bạn hiện là một quản lý của trường đại học y dược TPHCM. Anh ta bảo trường đang bị một cổ hai tròng: vừa chịu sự quản lý chủ yếu là bộ y tế, nhưng bộ giáo dục cũng quản lý về đào tạo. Khi xây bệnh viện của trường phải xin giấy phép 2 nơi này. Bộ y tế kiểm tra chất lượng chuyên môn và bộ giáo dục đào tạo kiểm tra chất lượng đào tạo. Và rất nhiều chuyện rắc rối về mặt hành chánh khi trường có chuyện cần xin xỏ giấy phép!
Theo hiểu biết của tôi, trước năm 1975 ở miền Nam, bộ giáo dục quản lý trường y. Bộ y tế không tham gia trong quản lý chuyên môn mà y sĩ đòan lo chuyện quản lý chuyên môn. Y sĩ đòan là những thành viên uy tín về chuyên môn và đạo đức do các bác sĩ trong tòan quốc họp và đề cử ra. Họ là người cầm cân nẫy mực về chuyên môn và y đức của các thành viên. Không những thế, y sĩ đòan cũng quản lý luôn họat động chuyên môn của bệnh viện trong tòan quốc. Còn bộ y tế là nơi đưa ra tầm vĩ mô và chiến lược phát triễn y tế quốc gia. Anh bạn bảo: hôm trước, có nghe lớp quản lý y tế của trường y tổ chức. Một giáo sư bác sĩ của đại học Hawaii bảo rằng: "Ông không hiểu quản lý đại học ngành y dược của Việt Nam sẽ như thế nào khi 2 bộ dẫm chân lên nhau? Và lập ra bộ y tế để làm gì trong khi bộ chỉ đi lo chuyện vi mô là kiểm tra và cấp giấy phép?". Ở Mỹ cũng vậy, tôi cũng có dịp được tiếp xúc. Bệnh viện không thuộc sự quản lý của sở và bộ y tế, mà bệnh viện chịu sự quản lý của y sĩ đòan. Bộ và sở y tế lo chuyện vĩ mô phát triễn chuyên môn và định hướng phát triễn y khoa, chứ bộ và sở y tế không lo chuyện kiểm tra hành chánh để kiếm tiền.
Cũng thế, trong giáo dục có nghiệp đòan giáo viên lo chuyện giáo dục. Bộ giáo dục đào tạo là nơi lo chuyện vĩ mô để phát triễn giáo dục và đào tạo nhân tài cho nước nhà. Bộ giáo dục đào tạo không phải lo chuyện vi mô đến nỗi ông bộ trưởng phải đi lo chuyện một cháu trai phổ thông hack vào trang web của bộ.
Giáo dục là ngành cao cả. Nó liên quan đến sản phẩm làm ra là những con người có tâm hồn đẹp và trí tuệ mẫn tiệp. Là ngành tạo ra vốn quí của không những của tạo hóa mà còn của cộng đồng với những giá trị vô hình. Con người mà hư thì còn gì là xã hội? Thiết nghĩ, chuyện giáo dục là của ngành giáo dục phải quản lý và lo toan. Tại sao lại có những bộ khác nhúng tay vào và cùng chịu trách nhiệm chung? Hơn nữa, tại sao có những trường đại học lại không thuộc bộ giáo dục và đào tạo mà lại thuộc một bộ khác?
Buồn cười hơn là sau 2 ngày thảo luận của cuốc hội người ta kết luận là: Tán thành chủ trương phân cấp cho địa phương kiểm tra chất lượng các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn, nhưng các đại biểu Quốc hội cũng lo ngại về việc liệu địa phương có "xuê xoa", dễ dãi để "bao cấp" cho các trường đại học của tỉnh mình hay không. Mặc dù người ta vẫn còn chưa biết giao trách nhiệm cho ai? Đúng là vừa tiểu bậy, vừa sợ người đi đường phát hiện. Cứ cái vòng luẩn quẩn này thì làm sao biết lối sáng mà đi?
Có phải vì thế mà mới có chuyện xin giấy phép mở một trường đại học, một vấn đề quan trọng để ươm mầm cho dân tộc phải lót tay đến 2 tỷ đồng chăng? Có phải vì thế mà tình trạng cha chung không ai khóc? Và có phải vì quản lý là ngành hái ra tiền vì lót tay nên ai cũng dành phần? Và không chỉ riêng ngành giáo dục Việt Nam mới có những tiêu cực bấy lâu nay, mà hầu hết tất cả các ngành trong xã hội chăng? Những câu hỏi thật như sát muối vào vết thương của quản lý hành chánh nước nhà.
Nguồn: bshohai.blogspot.com
Saturday, November 7, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment