Sáng nay, báo Thanh Niên có đăng trên trang 5 bài phóng sự liên quan đến vụ người đàn ông để xác vợ trong nhà 7 năm liền. Càng đọc càng thấy ly kỳ (cái này cần để bán báo!), nhưng đồng thời lại càng buồn về nền giáo dục nước ta. Bởi những việc như thế này chỉ có thể xảy ra ở một đất nước dân trí thấp do một nền giáo dục không hiệu quả.
Cũng trên báo Thanh Niên, ở trang 2 có một mẩu tin, ngắn thôi nhưng đáng chú ý, về Hội thảo khoa học toàn quốc về "Nhà trường VN trong một nền giáo dục tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc" (xin mở ngoặc, tên hội thảo quá dài và thừa phần sau dấu phẩy, có lẽ được đặt để an toàn vì nghe nó quen quen, giống như khẩu hiệu), nêu ý kiến một số đại biểu là "tính hiện đại trong giáo dục là phải có kiến thức khoa học và tính nhân văn, còn tính dân tộc là biết tiếp thu văn hóa thế giới để làm giàu và làm mới văn hóa VN" (tôi không đồng ý với định nghĩa tính dân tộc ở đây, vì một lý do sẽ nói khi có dịp quay lại chủ đề này).
Một ý kiến khác đáng chú ý là "trách nhiệm với cộng đồng và xã hội". Đáng tiếc là trong mẩu tin nhỏ chiếm diện tích chỉ bằng xấp xỉ 1/8 diện tích dành cho bài báo về hài cốt trong pho tượng, không thấy nói đến việc làm thế nào tạo ra được cho học sinh cái "kiến thức khoa học, tinh thần nhân văn, trách nhiệm với cộng đồng và xã hội" đã nêu.
Chợt nghĩ, dường như lâu nay chúng ta tưởng nhầm rằng Việt Nam luôn là nước đầu tiên phải đối diện và tìm câu trả lời cho mọi vấn đề của nhân loại để từ đó tự hào chia sẻ cho toàn thế giới những kinh nghiệm mà nhiều khi người dân Việt Nam phải trả bằng máu! Có thể nói ngay rằng VN không thể, và cũng không cần, luôn luôn là người tiền phong, hay nói chính xác hơn, là chuột thí nghiệm, trong mọi vấn đề như vậy.
Riêng trong lãnh vực giáo dục phổ thông, thì trên toàn thế giới chắc chẳng có quốc gia nào nghi ngờ rằng mục tiêu dạy người (đào tạo con người toàn diện vv như ta hay thấy hô khẩu hiệu) là mục tiêu quan trọng nhất. Và để tạo ra một con người tử tế, văn minh, một công dân có trách nhiệm, hay nói cách khác, "một con người có học", thì giáo dục sức khỏe, giáo dục công dân, giáo dục môi trường, giáo dục đạo đức (không chỉ theo tấm gương đạo đức của Hồ Chủ tịch là đủ, mà còn là của toàn nhân loại), giáo dục thẩm mỹ, hay như tin đáng mừng mới đưa trên báo Tuổi trẻ hôm nay là giáo dục pháp luật, vv, tất cả những điều này là những yếu tố thiết yếu của một nền giáo dục phổ thông thực sự có tính nhân bản và tính xã hội.
Chỉ cần nhìn vào chương trình và sách giáo khoa hiện nay thì có thể nhận ra ngay lập tức rằng giáo dục của chúng ta đang thiếu hẳn các yếu tố này. Vì vậy, để sửa, phải bắt đầu lại từ đầu, bằng cách xác định lại triết lý và mô hình giáo dục của Việt Nam - không phải, và không nên, là một mô hình đặc thù, độc đáo nào cả, mà hãy dùng ngay những mô hình có sẵn, ví dụ mô hình của UNESCO trong tấm hình minh họa trong bài viết này.
Và đúng như ai đó đã nói, giáo dục không phải là việc của riêng ai, hay của riêng Bộ ngành nào, mà là việc của toàn xã hội. Vậy ai có blog dùng blog, ai có mail dùng mail, chúng ta cần phải chung tay để tìm ra giải pháp cứu vãn nền giáo dục yếu kém của Việt Nam, thì mới mong có ngày tạo được một dòng chảy ngược của chất xám Việt Nam trên toàn thế giới về xây dựng tổ quốc, đúng như mong ước của nhà nước khi tổ chức hội nghị Việt kiều chỉ mới đây thôi.
Tôi là một người mơ mộng? If yes, I hope "I am not the only one"!
Sunday, November 29, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200948/20091129001052.aspx
ReplyDeletehttp://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200948/20091129004910.aspx
1. Chị nên chèn 2 cái links này trong bài viết.
2. Cái tựa chị có thể rút ngắn lại khi có 2 cái links.
3. http://www.webtretho.com/forum/showpost.php?p=7613713&postcount=839 Đây là một bài viết của thằng con tôi về viết essay vào đại học Mỹ khi diễn đàn webtretho mời nó trả lời.
Cuối tuần hạnh phúc,
Cám ơn bác. Tôi đã sửa rồi như bác thấy đấy.
ReplyDeleteCòn bài viết của con trai bác, nó chính là sự minh họa của điều tôi muốn nói về một nền giáo dục thành công. Tôi đi dạy ở đại học nên có dịp thường xuyên tiếp xúc với giới trẻ (18-25) của VN, và hơn ai hết tôi thấy rõ sự sa sút về mặt dạy người của giáo dục VN.
Rõ ràng là có một sự khác biệt rất lớn về nhân cách và thái độ của những sinh viên thời đầu thập niên 1980 (tôi đi dạy năm 1983) và những sinh viên hiện nay.
Nên bây giờ mình phải bắt tay vào sửa thôi. Trách nhiệm xã hội của trí thức, bác ạ.
Kính bác