Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2009-11-09-nguoi-viet-nam-co-thich-hoc-truong-viet-nam-
Người Việt Nam có thích học trường Việt Nam?
Tác giả: Phạm Đỗ Nhật Tiến
Bài đã được xuất bản.: 18/11/2009 06:20 GMT+7
Cái tâm lý tìm mọi cách để hướng tới GD nước ngoài là hiện hữu, dường như sờ thấy được và cảm thấy độ nóng của nó. Có người đã cảm thấy nóng quá và gọi đó là hiện tượng "tỵ nạn" GD.
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là dịp để toàn xã hội nhìn lại những điểm yếu của mình trong tiêu dùng, sản xuất cũng như quản lý. Tuy nhiên, mối quan tâm dường như chỉ tập trung vào hàng hóa vật thể như thực phẩm, đồ may mặc, dược phẩm v.v...Khu vực dịch vụ cũng có phần nào được quan tâm, tập trung vào lĩnh vực du lịch, truyền thông, tài chính, bán lẻ. Có cảm giác như giáo dục (GD) được coi là lĩnh vực miễn dịch trong cuộc vận động này(!)
Thực tế, căn bệnh hướng ngoại trong GD khá nặng và đang diễn biến phức tạp. Di hại của nó đáng lo ngại hơn nhiều so với việc người Việt Nam "quay lưng" với hàng Việt Nam.
Từ du học đến "tỵ nạn" GD
Du học là hiện tượng bình thường của GD. Nước nào cũng có sinh viên ra nước ngoài du học, ngay cả ở những nước có GD đỉnh cao cũng vậy. Chẳng hạn, theo số liệu thống kê năm 2007 thì cứ trong một nghìn sinh viên ở Pháp, có 25 sinh viên đi du học, các con số tương ứng ở Hà Lan là 19, ở Anh là 11, ở Mỹ là 3. Nguyên nhân của hiện tượng này thường được giải thích là do lực kéo nẩy sinh từ nhu cầu giao lưu văn hóa và học thuật giữa các nước.
Ảnh minh họa
Lực kéo này có xu hướng mạnh lên trong những năm gần đây do sức cuốn của làn sóng quốc tế hóa GD. Các nước giầu thì muốn thu hút thêm sinh viên nước ngoài để tăng thu nhập và hớt người tài, còn các nước nghèo thì muốn đưa người ra nước ngoài học để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vì thế, trong năm 2007, tổng số sinh viên du học trên toàn thế giới đã đạt tới 2,8 triệu người, tăng 53% so với năm 1999.
Việt Nam là nước có tỷ lệ sinh viên du học khá cao, chiếm 1,9% tổng số sinh viên trong nước. Đây là một tỷ lệ đáng chú ý nếu tính tới mức độ thu nhập cá nhân còn thấp của một nước nghèo. Nghiên cứu thống kê của UNESCO năm 2009 về sinh viên du học còn cho thấy một điều đáng suy ngẫm hơn là trong giai đoạn 1999-2007 ở Việt Nam, nếu tỷ lệ tăng sinh viên trong nước là khoảng 8%/năm thì tỷ lệ tăng sinh viên du học là gấp đôi, tức 16%/năm, vào loại cao nhất thế giới.
Ngoài nguyên nhân lực kéo đã nói ở trên, hiện tượng sinh viên các nước nghèo đi du học còn chịu tác động của một lực đẩy. Đó là lực gây ra bởi tình trạng kém phát triển của GD trong nước, môi trường GD trì trệ, chất lượng GD không đảm bảo. Các số liệu nêu trên cho thấy lực đẩy này ở Việt Nam có chiều hướng gia tăng.
Nhận định này thực sự là điều cảnh báo nếu chú ý thêm rằng dòng chẩy du học ở Việt Nam không còn giới hạn ở đại học mà đã mở rộng sang mọi cấp học; không chỉ khoanh lại ở việc du học ra nước ngoài mà đã lan tỏa thành kiểu du học trong nước với việc đua nhau theo học tại các trường quốc tế, trường nước ngoài; không chỉ là chuyện đi rồi về mà đã được mời chào công khai bởi những lời hứa dễ dàng nhập cư, đảm bảo việc làm thu nhập cao và lâu dài tại nước sở tại.
Hiển nhiên đây là hiện tượng du học không bình thường. Hiện chưa có các số liệu thống kê về học sinh phổ thông ra nước ngoài học tập, cũng như học sinh từ mầm non đến đại học đang theo học các trường của nước ngoài mở tại Việt Nam, nhưng cái tâm lý tìm mọi cách để hướng tới GD nước ngoài là hiện hữu, dường như sờ thấy được và cảm thấy độ nóng của nó. Có người đã cảm thấy nóng quá và gọi đó là hiện tượng "tỵ nạn" GD.
Một nền GD cửa quyền, xin - cho
Hãy giả dụ làm một cuộc thăm dò trên mạng với câu hỏi: "Anh/chị có thích anh/chị hoặc người thân theo học trường Việt Nam?". Chắc rằng đại bộ phận người được hỏi sẽ không ngần ngại trả lời "có". Đó là vì trong tiềm thức người Việt Nam, trường học là tiếng nói, chữ viết, truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc. Một dân tộc đã khéo léo giữ gìn và phát huy được bản sắc của mình qua suốt chiều dài gian truân của lịch sử, trong đó có những giai đoạn sức ép đồng hóa từ bên ngoài rất mạnh và kéo dài hàng thế kỷ, dân tộc đó không thể quay lưng với trường học của mình.
Lại giả dụ đặt câu hỏi hơi khác đi một chút là: "Anh/chị có thích anh/chị hoặc người thân theo học trường Việt Nam như hiện nay?". Trong trường hợp này, người được hỏi sẽ phải do dự nhiều trước khi trả lời. Đó là vì anh ta bị giằng co giữa một bên là tình yêu bản năng và một bên là niềm tin thực tế đang bị xói mòn. Người chuộng lý tưởng chắc sẽ trả lời "có", còn người có óc thực tế hẳn sẽ nói "không". Kết quả chung cuộc chỉ có thể có được qua điều tra khoa học, tuy nhiên với diễn biến của dòng chẩy du học hiện nay, e rằng câu trả lời chung cuộc là "không".
Nếu đúng như thế thì thực sự là nguy cơ. Cái đê an toàn đã bị vỡ và dòng chẩy ra ngoài, với tốc độ ngày càng mạnh lên, nếu không kịp chỉnh trị sẽ làm cạn kiệt dần nguồn tài nguyên trong nước. Lực đẩy tạo nên dòng chẩy này không thể nói là do lòng yêu nước chưa cao của người học cùng các bậc phụ huynh mà chính vì hiện trạng GD yếu kém kéo dài đã dẫn đến hiệu ứng mất niềm tin.
Các yếu kém của GD nước nhà đã được phân tích nhiều. Ngành GD cũng đã không ngừng nỗ lực để khắc phục. Ba cuộc vận động và phong trào thi đua "xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực" là những sáng kiến trong mấy năm gần đây để từng bước khôi phục niềm tin của công chúng.
Tuy nhiên, cuộc đua chạy trường và chuyển trường đầu năm học, nỗi lo thi cử cuối năm học, cái thấp thỏm học phí trong năm học, sự phập phồng của quả bong bóng đại học, nỗi gian truân nhập học trong nước nếu "chẳng may" đã có những năm tháng học nước ngoài v.v... đang tiếp tục xói mòn niềm tin vào GD nước nhà.
Cái gốc của vấn đề là ở chỗ GD Việt Nam về cơ bản vẫn là một nền GD cửa quyền, xin-cho. Tình trạng xin-cho này không chỉ bắt rễ trong các tầng nấc của hệ thống quản lý GD mà còn "sờ thấy được" ngay trong chương trình GD, trong cung cách hoạt động của nhà trường, trong quan hệ giữa nhà trường với phụ huynh, giữa nhà giáo với người học.
Vấn đề đặt ra là GD Việt Nam có định biến thách thức thành cơ hội không.
Giáo dục Việt Nam vốn có quan hệ mật thiết với hệ thống hành chính. Một nền hành chính xin-cho tất kéo theo một nền GD xin-cho. Có điều, hệ thống hành chính đã nhận thấy khuyết tật của mình và cuộc cải cách hành chính tiến hành trên quy mô toàn quốc từ năm 2001 đến nay đang cố gắng tạo bước chuyển căn bản từ nền hành chính xin-cho sang nền hành chính phục vụ. Trong khi đó, ngành GD vẫn loay hoay với những đổi mới chắp vá của mình và tiếp tục trên con đường của một nền GD hành chính, theo cả nghĩa đen của từ hành chính lẫn nghĩa bóng "hành là chính".
Biến thách thức thành cơ hội
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đặt Việt Nam trước những thách thức lớn của sự phát triển bền vững. Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được coi như một giải pháp chiến lược biến thách thức thành cơ hội. Đó là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác và phát huy tiềm năng của thị trường nội địa. Dĩ nhiên cơ hội này có thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào sự đồng tâm nhất trí của bộ ba: Người tiêu dùng, nhà sản xuất, người quản lý.
Biến thách thức thành cơ hội cũng là bài học thành công của GD Malaysia vào những năm 90 của thế kỷ trước. Hồi đó, người Malaysia không thích học trường Malaysia, hàng vạn sinh viên du học nước ngoài, với chi phí khoảng 800 triệu USD một năm. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 đã buộc các sinh viên này quay về tìm con đường học vấn trong nước.
Chính phủ Malaysia đã nắm lấy cơ hội này, tiến hành cải cách GD, tái cơ cấu toàn bộ hệ thống GD quốc dân, thúc đẩy tiến trình quốc tế hoá GD theo hướng đưa đất nước trở thành một nước xuất khẩu GD. Kết quả là tám năm sau, trong 15 nước dẫn đầu thế giới trong việc thu hút sinh viên nước ngoài, Malaysia là nước đang phát triển duy nhất có mặt trong bảng xếp hạng, ở vị trí 14, với số sinh viên đến học ở Malaysia chiếm 1% tổng số sinh viên du học trên thế giới.
Vấn đề đặt ra là GD Việt Nam có định biến thách thức thành cơ hội không. Thách thức ở đây được hiểu là thách thức của khủng hoảng kinh tế toàn cầu cùng những hệ lụy của nó. Về phía kinh tế thì thái độ đã rõ ràng. Cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam cùng chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế là những động thái rõ ràng để tạo cơ hội cho bước phát triển mới về kinh tế sau khủng hoảng.
GD chưa có thái độ rõ ràng như vậy. Kinh nghiệm thế giới qua những đợt khủng hoảng cho thấy rằng chính khủng hoảng lại tạo ra cơ hội cho GD có bước phát triển mới nếu biết phản ứng thích hợp. GD nước ta vốn bị phê phán bảo thủ, đổi mới chậm hơn kinh tế, nay lại có khả năng bỏ lỡ cơ hội để tái cơ cấu hệ thống GD vốn trì trệ, xơ cứng cùng các trường học mà ở đó người học thường có một cung bậc cảm giác từ chỗ thiếu an toàn, vắng niềm tin đến chỗ ghét bỏ, hãi sợ.
Cần đặt cuộc chiến chống cái gọi là "tỵ nạn" GD vào trong khuôn khổ chung của cuộc vận động "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam". Đây là cơ hội để ngành GD làm mới mình, chuyển từ xin-cho sang phục vụ, tạo được sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị và hậu thuẫn của toàn xã hội, sao cho người Việt Nam đến với trường Việt Nam như một lẽ tự nhiên của lòng yêu nước.
Sunday, November 22, 2009
Bài đáng đọc: "Người Việt Nam có thích học trường Việt Nam?"
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment