Saturday, November 28, 2009

Giáo dục sức khỏe trong trường phổ thông - Bài mở đầu


Mấy ngày qua trên các phương tiện truyền thông có ồn ào về tin về một trường hợp khá ly kỳ rùng rợn, đó là một người đàn ông ở Quảng Nam ôm xác vợ trong 7 năm liền.

Quanh việc này đã có khá nhiều ý kiến chuyên môn của các vị trong ngành y như BS Hồ Hải hoặc BS Nguyễn Văn Tuấn (có thể tìm thấy địa chỉ ở mục links trên blog này), ở đây tôi chỉ xin nêu một vấn đề có ít nhiều liên quan đến ngành giáo dục, đó là việc giáo dục sức khỏe trong trường phổ thông. Bởi, theo tin đã nêu, việc ông Lê Vân đem xác vợ về nhà ngủ chung không hề là một việc làm lén lút, mà thật ra theo một bài báo thì "hàng xóm không ai là không biết".

Phản ứng của những người xung quanh ông về việc này ra sao? Trong chính gia đình ông, những người con lớn đã phản đối, thậm chí còn đập phá đồ đạc, khi biết ông mang xác vợ về nhà, còn người hàng xóm gần ông nhất thì đã nói thẳng với ông là sẽ ông đến nhà vì sợ xui xẻo. Những người khác thì xầm xì bàn tán, và những người có trách nhiệm ở địa phương cũng đã vận động, thuyết phục ông không nên làm như vậy. Nhưng tất cả đều đã được bỏ ngoài tai suốt 7 năm qua. Thậm chí, ông còn làm cho cậu con trai út, nay đã học lớp 6, "mặt mũi rất khôi ngô" (theo mô tả trong một bài báo, cũng như theo hình chụp minh họa) nhiễm luôn cái thói quen quái gở của ông, còn bản thân ông thì dường như khá hãnh diện về sự bất thường nhưng được xem là "chung thủy" của mình.

Tôi nghĩ, cũng như nhiều vấn đề xã hội khác của Việt Nam hiện nay, việc này là một dấu chỉ của một nền giáo dục kém hiệu quả, vì không tạo ra được những công dân có trách nhiệm để sống trong một xã hội hiện đại vào thế kỷ 21 này, thế kỷ của tri thức. Thật vậy, nếu một việc tương tự xảy ra ở một nước văn minh, ví dụ như Úc là nước mà tôi có kha khá kinh nghiệm, thì chắc chắn cậu con út của ông ngay từ khi học tiểu học sẽ phải kịch liệt phản đối người cha về hành động kỳ quặc này, và nếu ông không nghe thì thế nào cậu bé cũng sẽ báo với cô giáo để rồi cô giáo và nhà trường sẽ có biện pháp thuyết phục hoặc ép buộc ông đem xác vợ đi chôn, đồng thởi bản thân ông chắc sẽ được sự tư vấn tâm lý của các cán sự xã hội (social worker).

Vậy chương trình giáo dục sức khỏe của các nước tiên tiến ra sao? Trong những bài viết tới tôi sẽ lần lượt nêu các chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ của học sinh phổ thông ở từng cấp tiểu học, trung học cơ sở, và trung học phổ thông, để thấy rằng có rất nhiều vấn nạn trong xã hội Việt Nam hiện nay, từ các vấn đề y tế công cộng như dịch bệnh, đến các vấn đề xã hội như bạo hành gia đình, lạm dụng tình dục tuổi vị thành niên, kể cả các vấn đề tội phạm như vụ giết chồng của bà Nguyễn Thị Dung mới đây, hoàn toàn có thể giải quyết được ngay từ gốc nếu chúng ta có một nền giáo dục tốt hơn, vì mục tiêu phát triển của con người như một cá nhân có hiểu biết về các vấn đề cá nhân, có ý thức công dân và có trách nhiệm xã hội tốt hơn.

Bởi vì suy cho cùng, mục tiêu của giáo dục chính là ở chỗ tạo ra những con người tốt cho xã hội (những con người mà trước đây người ta trân trọng gọi là "người có học", vốn khác hẳn với "đồ vô học" về nhân cách và phẩm chất), chứ không phải là để tạo ra cho đủ số lượng tiến sĩ (giấy) để bổ nhiệm vào các chức vụ quản lý nhà nước, hay để đạt chuẩn của một trường có thứ hạng top 200 trên thế giới.

"Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau", "một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện", những câu hát, những lời châm ngôn mà tôi đã đọc và học được ngay từ thời tiểu học (một trường tiểu học nhỏ xíu trong một xứ đạo nghèo), lẽ nào ngày nay chúng không còn hợp thời và không dùng được nữa hay sao?

2 comments:

  1. Hêhê, cũng chẳng biết nói làm sao nữa. Có lẽ chị nên viết những bài có tính hàn lâm mà bình dân hóa thì mong mới cứu được giáo dục nước nhà.

    Hàn lâm quá thì sẽ khó hiểu cho người không có kiến thức hàn lâm nhưng có bằng tiến sĩ. Và cũng làm người đọc có kiến thức ngại đọc vì khô khan và dài vì tính học thuật của nó.

    Cái để người đọc thích đọc và dễ hiểu là nên ngắn gọn và cung cấp thông tin đầy đủ mà bình dân. Cũng giống như tôi khi khám bệnh, tôi mô tả cho bệnh nhân đau dạ dày phải dùng từ đau bao tử. Còn tôi nói đau dạ dày người có học thì hiểu mà người ít học mà nhiều bằng thì không hiểu. :(

    Cứ từ từ, từng chút một, bắt đầu từ những điều cơ bản nhất để cho người ít học mà nhiều bằng họ hiểu. Thực ra họ muốn đổi mới tốt hơn, nhưng họ không biết đổi như thế nào? Bắt đầu tư đâu? Mình viết là viết vì cái tâm, không vì tiền bạc. Nên hy vọng họ sẽ nghe và làm theo. Chúng ta là những con tằm thầm lặng nhả tơ cho đời.

    Chúc chị thành công.

    ReplyDelete
  2. Cám ơn những nhận xét và lời khuyên của bác!

    PA

    ReplyDelete