Saturday, November 14, 2009

PA trả lời phỏng vấn: "Kiểm định chất lượng giáo dục: Tối đa một năm phải công khai kết quả"

Nguồn: Báo Thanh Niên 14/11/2009
http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/200946/20091113231249.aspx

PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM về vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục hiện nay tại Việt Nam.

* Dưới góc độ một chuyên gia, bà có nhận định như thế nào về công tác kiểm định chất lượng giáo dục hiện nay?

- Việc kiểm định của ta còn rất nhiều điều chưa được:

Thứ nhất là chưa có “tam quyền phân lập”, tức một bên là cơ sở đào tạo (các trường), bên kia là nơi đánh giá độc lập (các cơ quan kiểm định), và bên cuối cùng là Nhà nước - người công nhận và cấp chứng chỉ. Vì vậy, sẽ dễ dẫn đến sự thiếu khách quan, thiên lệch, hoặc sơ hở của nơi công nhận và cấp chứng chỉ là Bộ GD-ĐT.
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh

Thứ hai, do chưa có các cơ quan đánh giá độc lập, nên việc đào tạo chuyên gia đánh giá, thống nhất quy trình tổ chức đánh giá, công bố kết quả... vẫn còn chưa chuyên nghiệp, dẫn đến kết quả có thể chưa chính xác, và nhất là chưa tạo được niềm tin nơi công chúng.

Thứ ba, chưa có văn hóa chất lượng. Tức các trường xem chuyện chất lượng là việc làm cho chính mình, để tốt cho mình, chứ không phải để đối phó với Nhà nước (mà đối phó với Nhà nước, tức hiện nay là Bộ GD-ĐT, thì chắc sẽ dễ, vì Bộ sẽ không thể kiểm tra hết được, như đã từng xảy ra!).

Thứ tư, vẫn chỉ mới có một bộ tiêu chuẩn dùng chung cho tất cả các loại trường rất đa dạng mục tiêu, ngành nghề, độ tự chủ, điều kiện vùng miền, với những yêu cầu đầu vào đầu ra khác nhau. Đây là một cản trở lớn cho công tác kiểm định hiện nay.

* Như vậy, theo bà công tác kiểm định chất lượng giáo dục của nước ta hiện nay và sắp tới nên như thế nào?

- Trước hết phải thành lập cơ quan kiểm định độc lập để tạo ra thế “tam quyền phân lập”. Tôi ủng hộ việc có nhiều hiệp hội trường ĐH khác nhau theo điều kiện vùng miền và loại hình trường đứng ra xây dựng chuẩn và thiết lập bộ phận (cơ quan) đánh giá, kiểm định theo tiêu chuẩn của chính mình xây dựng. Làm điều này sẽ giải quyết được các điểm chưa được 1, 2 và 4 (nói trên). Còn văn hóa chất lượng thì phải gắn với công tác thông tin (công khai kết quả, dư luận xã hội, và hậu quả/kết quả của việc đạt hay không đạt tiêu chuẩn kiểm định). Trong thời gian qua, việc này đã làm rất dở: có kết quả đánh giá đã lâu nhưng Bộ lại không thông báo nên làm mất niềm tin và mất tác dụng của công tác đánh giá này.



* Việc công khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GD-ĐT nên ở mức nào và trong thời gian nào?

- Trong vòng tối đa một năm sau khi đánh giá xong phải công khai kết quả. Tối thiểu cũng phải nêu là đạt hay không đạt. Trong thời gian qua, việc này đã làm rất dở: có kết quả đánh giá đã lâu nhưng Bộ lại không thông báo nên làm mất niềm tin và mất tác dụng của công tác đánh giá này.

* Công tác kiểm định chất lượng giáo dục trong khu vực và trên thế giới hiện nay như thế nào, có thể so sánh gì so với ở Việt Nam?

- Trên thế giới, mặc dù Mỹ là đi đầu trong kiểm định nhưng thật ra ta sẽ khó áp dụng được nguyên xi mô hình kiểm định của họ vào Việt Nam ngay lúc này. Còn ở trong khu vực Đông Nam Á thì thật ra Việt Nam không phải là quá kém, và đã có những bước tiến rất nhanh trong vòng 5 năm qua. Vấn đề là không “ngủ quên” trong những thành tựu cho đến nay, mà phải nhìn thẳng vào những điều chưa được và mạnh dạn làm đúng quy luật phát triển, đúng bối cảnh, điều kiện của Việt Nam và đúng thông lệ quốc tế.

Hà Ánh (thực hiện)

No comments:

Post a Comment