Monday, November 9, 2009

Phản biện của phản biện của phản biện?

Thật thú vị!




(xin đọc nguyên văn bài phỏng vấn người phản biện của phản biện dưới đây)
---
8-11-09
Phản biện của GS Neal Koblitz về bản “Báo Cáo Vallely”
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Dư luận trong nước đang theo dõi bản báo cáo của Trường lãnh đạo Kennedy thuộc ĐH Harvard, do hai tác giả Thomas J. Vallely và Ben Wilkinson thực hiện với tựa đề: Giáo dục đại học - cao đẳng Việt Nam: Khủng hoảng và đối phó.

Những vấn đề mà báo cáo này đưa ra một mặt được cho là sát với thực tế nhưng cũng có những phản biện gay gắt cho rằng báo cáo đã cố tình phá hủy những thành tựu của Đại học Việt nam.

Một trong những bài viết phản biện được đăng trên VietnamNet Online là của GS Neal Koblitz, hiện giảng dạy Toán tại trường Đại học Washington. Mặc Lâm có cuộc trao đổi với ông xoay chung quanh vấn đề này.

Công nhận chất lượng?
Mặc Lâm: Thưa xin cảm GS đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn ngày hôm nay. Giáo sư đã có một bài viết phản biện về báo cáo của hai ông Thomas J. Vallely và Ben Wilkinson được GS gọi tắt là “báo cáo Vallely”. Để bắt đầu chúng tôi dẫn ra một luận điểm quan trọng trong bản báo cáo này cho rằng Việt Nam không có một trường đại học nào có chất lượng được công nhận. Không có một cơ sở nào của Việt Nam có tên trong bất cứ danh sách được sử dụng rộng rãi nào tập hợp các trường đại học hàng đầu ở châu Á. Ông có nhận định gì về ý kiến này?

GS Neal Koblitz: Hình thức của những tuyên bố như vậy thật cường điệu một cách tuyệt vời. Các trường Đại học Quốc gia Việt Nam, ví dụ, đã được công nhận chất lượng. Ngay lúc này đây, một trong những giáo sư của Đại học Quốc gia đang thực hiện một nghiên cứu tại Bộ môn Toán học của tôi, riêng về trình độ kiến thức toán học của sinh viên đại học tại Đại học Quốc gia nói chung theo tôi cao hơn nhiều so với các sinh viên Mỹ đang theo học tại trường tôi đang giảng dạy.

Việc làm chuyên môn
Mặc Lâm: Về vấn đề nhân lực, báo cáo Vallely ghi rằng các trường đại học Việt Nam chưa sản sinh được lực lượng lao động có trình độ như đòi hỏi của nền kinh tế và xã hội Việt Nam. Các cuộc điều tra do các hiệp hội thuộc Chính phủ thực hiện cho thấy khoảng 50% sinh viên tốt nghiệp đại học ở Việt Nam không tìm được việc làm đúng chuyên môn. GS nghĩ sao về những con số vừa nêu?

GS Neal Koblitz: Đây là tuyên bố ngược. Vấn đề, như tôi đã giải thích trong bài viết của mình là khu vực tư nhân của Việt nam chưa sản xuất đủ công ăn việc làm cho các loại bằng cấp có yêu cầu chất lượng các trường đại học hàng đầu. Ví dụ, hầu như không có công ty nào chú ý tới việc nghiên cứu và phát triển tại Việt nam. Vấn đề thiếu công ăn việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học rất phổ biến trên khắp thế giới, đặc biệt là trong thế giới thứ ba. Không phải là do chất lượng kém của các trường đại học mà nguyên nhân chính là sự thiếu quan tâm của các doanh nghiệp kinh tế tư nhân đến sự đổi mới khoa học và kỹ thuật. Việt Nam, cũng như nhiều nước thuộc Thế Giới Thứ Ba khác, không có một công ty quan trọng nào đi đầu trong các sáng tạo kỹ thuật.

Hệ thống quản lý
Mặc Lâm: Ông nghĩ thế nào khi bản báo cáo cho rằng nguyên nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng ngày nay là sự thất bại nghiêm trọng trong quản lý. Các cơ sở học thuật ở Việt Nam vẫn chịu một hệ thống quản lý tập trung hóa cũng là nguyên nhân trì trệ giáo dục tại Việt nam?

GS Neal Koblitz: Mọi quốc gia đều có cách tổ chức giáo dục khác nhau. Ví dụ, ở cấp tiểu học và trung học thì Hoa Kỳ rất phân cấp, trong khi Pháp và Nhật Bản rất tập trung. Ở cấp độ đại học nhiều người cảm thấy rằng thể chế tự chủ là một lợi thế cho giáo dục. Tại Mexico, ví dụ, hầu hết các trường đại học công lớn có những chữ "tự trị" trong tên của họ để nhấn mạnh sự độc lập của họ từ phía chính phủ đòi kiểm soát trực tiếp.

Tham nhũng, lý lịch
Mặc Lâm: Báo cáo Vallely cho rằng hiện nay Việt nam đang có nạn tham nhũng lan tràn và việc mua bán bằng cấp, học hàm, học vị là rất phổ biến. Việc bổ nhiệm nhân sự trong các đại học thường dựa trên những tiêu chuẩn phi học thuật như thâm niên, lý lịch gia đình, chính trị, và các mối quan hệ cá nhân. Các khoa và các cấp hành chính có xu hướng giao cho các cá nhân từng được đào tạo ở Liên Xô hay Đông Âu nắm giữ. Ông nhận xét thế nào về ý kiến này?

GS Neal Koblitz: Một số trí thức hàng đầu của Việt Nam, bao gồm cả GS Hoàng Tuy được đào tạo ở Liên Xô hay là Đông Âu. Theo tôi thì báo cáo Vallely đang sỉ nhục những trí thức này.

Các vấn đề của tham nhũng rất quan trọng, và bất kỳ cáo buộc tham nhũng nào cũng phải được điều tra do một nhóm chuyên gia cao cấp, những người có được niềm tin của công chúng. Nhưng nó không phải dành cho những người như Vallely tuyên bố phóng đại như là đã được thực tế chứng minh.

Mặc dù Vallely không muốn thừa nhận rằng hệ thống trường đại học Hoa Kỳ đã có thiếu sót, trong thực tế, chúng tôi cũng có những vấn đề lớn của tham nhũng trong các trường đại học Mỹ. Đã có nhiều vụ bê bối liên quan đến giả mạo lý lịch bởi các quản trị viên đại học, giả mạo hồ sơ học tập của các thành viên của đội tuyển học sinh điền kinh, hối lộ cán bộ trường đại học do đại diện của các công ty muốn kinh doanh trường đại học chủ mưu.

Nhiều trường đại học Mỹ đang sút kém vì nạn quan liêu, lãng phí, và thường là không đủ năng lực. Ví dụ, tại trường đại học, nơi vợ tôi dạy một vài năm trước, ông giám đốc đã mượn một số tiền hàng trăm triệu đô la cho dự án xây dựng điên rồ. Bây giờ (đặc biệt là do cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại) không ai biết làm thế nào và bao giờ thì trường sẽ trả lại các khoản đã vay.

Không phải là phòng thí nghiệm
Mặc Lâm: Ông vừa nhắc đến GS Hoàng Tụy làm cho tôi nhớ hồi gần đây GS Tụy có đăng trên Tia Sáng Online một bài viết mang tựa đề là: “Giáo Dục Việt Nam, tôi xin nói thẳng”. Trong bài viết này GS Hoàng Tụy đưa ra ba vấn nạn mà giáo dục Việt nam đang gặp. Thứ nhất: do quản lý yếu kém, không phải vì thiếu tiền. Thứ hai cần cải cách hệ thống hơn là sự sáng tạo vô ích. Sau cùng, giáo dục không phải là một phòng thí nghiệm. Ông chia sẻ những nhận định này ra sao?

GS Neal Koblitz: Thiếu tiền rõ ràng là một vấn đề, vì như Giáo sư Hoàng Tụy tự mình nói ở nơi khác, mức lương của giáo sư là quá thấp. Để giải quyết vấn đề này thì tiền phải ưu tiên cho các trường đại học. "Cải cách hệ thống" có thể có ý nghĩa với nhiều mặt khác nhau. Phải hết sức cẩn thận trong việc thay đổi triệt để hệ thống, bởi vì một số thay đổi có thể làm cho tình hình tồi tệ hơn. Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng giáo dục không phải là một phòng thí nghiệm. Sẽ là một sai lầm khi thử nghiệm với các phương pháp chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng trước.

Mặc Lâm: Một lần nữa, xin cám ơn giáo sư



http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-higher-education-crisis-and-cope-mlam-11082009111826.html

No comments:

Post a Comment