http://lib.hcmussh.edu.vn/?wca=newmng&wci=v_dat&wce=dtl&itm=1228461693
2008-12-05 14:23:49
Đào tạo kiểm định viên như thế nào để kiểm định chất lượng giáo dục? Trong ảnh: toàn cảnh buổi hội thảo “Kiểm định chất lượng giáo dục tại VN” - Ảnh: Như Hùng
“Chỉ có thể là một tổ chức độc lập!”. Đó là quan điểm của hầu hết đại biểu trong và ngoài nước tham dự hội thảo bàn về vai trò của các tổ chức kiểm định trong kiểm định chất lượng giáo dục ĐH VN do Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT và Viện nghiên cứu giáo dục của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức ngày 4-12 tại TP.HCM.
Phát biểu mở đầu hội thảo, ông Nguyễn An Ninh - cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT - nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục ĐH. Ông nói: “Cần phải tiến hành kiểm định chất lượng giáo dục ĐH. Các trường ĐH, CĐ cần có một sự đánh giá khách quan, chính xác để khẳng định vị thế và uy tín của mình”.
“Ẩn số” chất lượng
"Cần phải tiến hành kiểm định chất lượng giáo dục ĐH. Các trường ĐH, CĐ cần có một sự đánh giá khách quan, chính xác để khẳng định vị thế và uy tín của mình"
Ông Nguyễn An Ninh (cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục)
Một số đại biểu tham gia hội thảo băn khoăn trước thực tế có quá nhiều trường ĐH được mở ra nhưng chất lượng đào tạo không ai biết như thế nào. Ông Đinh Tuấn Dũng - cán bộ Trung tâm khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Trường ĐH Kinh tế quốc dân - nêu một thực tế tồn tại từ trước đến nay là tình trạng các trường căn cứ trên chất lượng đầu vào tuyển sinh để đánh giá.
Theo đó, những trường có điểm chuẩn cao thường được cho là trường chất lượng cao. Nhiều nhà quản lý cho rằng chất lượng đào tạo phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống cơ sở vật chất như giảng đường, máy tính, thiết bị nghe nhìn… Vì vậy, không ít trường chỉ chăm chăm đầu tư tiền của vào xây dựng cơ sở vật chất. Những điều kiện này rất cần nhưng chưa đủ. Ông Dũng khẳng định: “Chỉ có kiểm định chất lượng mới giúp các trường ĐH định hướng và xác định chuẩn chất lượng nhất định. Kiểm định chất lượng tạo ra cơ chế đảm bảo chất lượng vừa linh hoạt vừa chặt chẽ”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Phượng - trưởng văn phòng đại diện Quỹ giáo dục VN (VEF) tại Hà Nội - nhận xét: ”Kiểm định có thể sẽ nâng cao chất lượng giáo dục bằng cách cải thiện tính hiệu quả của các cơ sở đào tạo và đảm bảo rằng các cơ sở đào tạo đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định do Bộ GD-ĐT thiết lập”. Bà Phượng nhấn mạnh việc kiểm định được xem như mẫu số chung của các giá trị và thực hành được chia sẻ giữa các cơ sở đào tạo khác nhau. Trên thực tế cũng đã có một số trường ĐH tại VN tiến hành tự đánh giá hoặc được kiểm định.
Tuy nhiên, chính những trường này vẫn còn nhiều băn khoăn. PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết để làm xong báo cáo tự đánh giá, trường đã huy động hơn 100 cán bộ từ lãnh đạo đến cán bộ các phòng ban, giảng viên và cả sinh viên, cựu sinh viên làm việc trong hơn bốn tháng. Thế nhưng khi đoàn đánh giá được thành lập theo quyết định của Bộ GD-ĐT đến làm việc, rất nhiều tiêu chí đã phải ”nâng lên, hạ xuống”.
Liên quan đến hoạt động đánh giá thời gian qua, TS Nguyễn Kim Dung - phó viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm - đặt vấn đề về kết quả báo cáo của 20 trường đã được kiểm định. Theo TS Dung, việc kiểm định 20 trường ĐH đã hoàn thành khá lâu nhưng báo cáo vẫn nằm trong vòng bí mật. Bà hỏi: ”Chúng ta kiểm định để làm gì nếu vẫn cứ giữ bí mật kết quả như thế? Nếu tiêu chí, quy trình đánh giá mà Bộ GD-ĐT đưa ra có vấn đề thì nên xem lại, nếu không thì công khai cho mọi người biết”.
Tương lai của ba bên?
Đáp lời một số đại biểu, ông Nguyễn An Ninh nhấn mạnh Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục chưa bao giờ làm thay. Việc đánh giá 20 trường trong thời gian qua là do một số tổ chức nước ngoài thực hiện. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ninh ủng hộ phương án thành lập các tổ chức kiểm định độc lập. Ông phác thảo quy tắc ba bên trong kiểm định và công nhận chất lượng giáo dục tại các cơ sở giáo dục ĐH.
Trong đó, bên thứ nhất là các cơ sở giáo dục kiểm soát và tự đánh giá hệ thống đảm bảo chất lượng. Bên thứ hai là các tổ chức độc lập thực hiện việc kiểm định, đánh giá, chứng nhận hệ thống đảm bảo chất lượng các cơ sở giáo dục để gia tăng lòng tin của xã hội, người học và các trường liên thông. Bên thứ ba chính là Bộ GD-ĐT hay một tổ chức đại diện khách hàng công nhận hệ thống đảm bảo chất lượng các cơ sở giáo dục để bảo vệ quyền lợi cho người học và xã hội.
TS Nguyễn Kim Dung cho rằng: “VN có thể cải tiến chất lượng giáo dục ĐH bằng cách thành lập một cơ quan có trách nhiệm về quản lý chất lượng. Cơ quan này hoạt động độc lập với Bộ GD-ĐT và các trường ĐH, được cấp kinh phí trực tiếp từ Nhà nước thông qua Bộ Tài chính”. TS Dung đề nghị Nhà nước phối hợp với các tổ chức quốc tế, tiến đến việc xây dựng các cơ quan kiểm định độc lập, có uy tín tại VN. Tất cả các trường ĐH đều phải được kiểm định. Nhà nước chỉ cho phép những trường đạt yêu cầu được hoạt động. Tuy nhiên, cách kiểm định như thế nào vẫn là điều mà nhiều đại biểu muốn được làm rõ.
TS Vũ Thị Phương Anh (ĐHQG TP.HCM) thận trọng: “Trong hoàn cảnh hệ thống giáo dục chúng ta vừa mới tiếp cận với hoạt động kiểm định và còn nhiều đặc điểm riêng, nếu sớm cho ra đời quá nhiều tổ chức kiểm định có thể sẽ gây rối loạn thêm”. TS Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, quan tâm đến việc kiểm soát chất lượng ngay từ đầu: “Việc thành lập một trường ĐH có được kiểm định hay không? Kiểm định rồi mới thành lập hay thành lập rồi mới kiểm định? Nếu thành lập rồi mà kiểm định không đạt thì có đóng cửa hay không?”. Những câu hỏi này vẫn còn bỏ lửng…
Sắp công bố kết quả kiểm định 20 trường ĐH
Ông Nguyễn An Ninh khẳng định không phải Bộ GD-ĐT cố tình “giấu” hoặc “quên” công bố kết quả kiểm định của 20 trường ĐH vừa được kiểm định. Kết quả này đang ở công đoạn cuối cùng trong quy trình là công nhận. Vừa qua, hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục cấp nhà nước vừa có quyết định thành lập. Đến cuối tháng mười hai, hội đồng này sẽ họp phiên đầu tiên để công bố kết quả kiểm định 20 trường này.
H.THUẬT - Q.PHƯƠNG
Saturday, November 14, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment