Tác giả: Linh Thuỷ (tổng hợp)
Ngày đăng: 27/10/2009 09:30 GMT+7
Đến thời điểm này, TuanVietNam vẫn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các độc giả về bài tranh luận của GS Koblitz với báo cáo đánh giá thực trạng GD Việt Nam của nhóm các tác giả thuộc ĐH Harvard. Tôn trọng tính thông tin đa chiều của báo chí, TuanVietNam xin đăng tải một số ý kiến tiếp theo.
Các nhà quản lý giáo dục Việt Nam đừng bảo thủ!
GS Koblitz là người đáng kính và có tâm với Việt Nam. Chính vì yêu mến Việt Nam quá mà ông quên mất rằng tại sao một số ý kiến đóng góp quá ư xác đáng của ông từ những năm 1980 lại không thể được áp dụng ở Việt Nam (?).
Rất mong các nhà quản lý giáo dục Việt Nam phải thay đổi theo nguyên tắc
hiệu quả đào tạo. (Ảnh minh họa)
Phần nữa là ông có chỉ ra một số khuyết điểm của nền giáo dục bậc cao Hoa Kỳ và Việt Nam cần cảnh giác với nạn thực dân mới (dumbling những thứ kém chất lượng sang các nước đang phát triển như Việt Nam). Là một người tốt nghiệp tại trường đại học trong nước và làm việc tại Việt Nam, nhưng có được tiếp tục học thêm ở nước ngoài, tôi xin có một số ý kiến như sau:
1. Về nền giáo dục bậc cao ở Mỹ, chúng ta biết rằng nó rất khác so với Việt Nam, và chúng ta cần lưu ý đến ý kiến của GS Koblitz nếu như chúng ta định đi theo mô hình của giáo dục Mỹ. Người Mỹ đã không thắng ở Việt Nam chỉ vì không hiểu được rằng Việt Nam và Mỹ có những điểm khác nhau. Đối với chính sách giáo dục cũng vậy, chúng ta cần tiếp thu những điểm tích cực, ví dụ như khả năng độc lập của các trường, phát triển khả năng tư duy độc lập cho sinh viên, khả năng làm việc nhóm... đồng thời biết về những hạn chế (mà một số trong đó hiện tại đang là những ưu điểm của ta) như GS Koblitz đã đề cập.
2. Về nạn dumbling trong xuất khẩu giáo dục: Không có cách gì hơn chúng ta cần mở rộng hơn nữa nguồn thông tin để sinh viên nắm bắt được đâu là trường tốt và phù hợp, đâu là trường kém chất lượng để học có thể tự chọn, bởi Chính phủ đâu thể ngăn cấm trường này, trường kia vào Việt Nam chiêu sinh chỉ vì họ có xếp hạng thấp trong xếp hạng giáo dục. Chính phủ chỉ nên hỗ trợ tài chính và công cụ để lựa chọn được những ứng viên tốt nhất cho chương trình giao lưu giáo dục.
3. Nhận xét của GS Koblitz về chất lượng của những trường tư như Đại học Thăng Long, tôi cho rằng GS hơi chủ quan. Tôi biết một số người tốt nghiệp tại Thăng Long, Đông Đô và Phương Đông, trình độ của họ không hề kém.
Tuy nhiên thật khó so sánh về chất lượng đầu vào giữa những trường này với những trường có bề dày thành tích và thâm niên như Trường đại học Bách Khoa Hà Nội hay Ngoại thương. Tôi thấy không nên so sánh như vậy.
Một số ý kiến khác của GS về phân biệt nam nữ, với người dân tộc thiểu số... thì tôi không hẳn phản đối, nhưng chúng ta nên tạo sự công bằng trong cơ hội, chứ không phải trong hưởng thụ. (Cao Thùy Anh, Monkut University, Thailand)
Tôi thiết nghĩ ta cũng nên tôn trọng cách đánh giá của các trường đại học danh tiếng và của các tác giả có uy tín mong muốn nhìn thẳng sự thật để chấn hưng khắc phục những hạn chế, loại bỏ những giáo điều không cần thiết đào tạo con người năng động hiệu quả và có đức.
Rất mong các nhà quản lý giáo dục Việt Nam phải thay đổi theo nguyên tắc hiệu quả đào tạo, đừng bảo thủ khi mà chiến tranh đã qua 40 năm rồi, sao nước ta vẫn nghèo, xếp vào nước kém phát triển có phải do việc đào tạo con người không, cả về tài lẫn về đức? (Lê Hồng Phong, Buôn Ma Thuột)
Đáng sợ khi yếu kém vẫn cố đấm ăn xôi
Theo tôi, bài viết của tác giả chỉ như một sự ngụy biện yếu ớt cho nền giáo dục kém cỏi của Việt Nam Tôi không quan tâm tới những ví dụ đâu đâu mà tác giả nói về học sinh Mỹ, về lạm phát điểm số, về sự ngu hóa...
Đúng, tôi đã từng có dịp học với học sinh một số nước phát triển trên thế giới, tương tự như Hoa Kỳ, học sinh của các nước đó không nhớ được bảng lượng giác, không nhớ được hệ thức lượng và đôi khi còn tính sai cả bảng cửu chương. Nhưng vấn đề không phải là sự thể hiện, mà là kết quả đạt được.
Tiêu chí đánh giáo cao nhất chất lượng của một nền giáo dục là chất lượng
đầu ra và chất lượng lao động của nguồn nhân lực. (Ảnh minh họa)
Tất cả những điều trên có là gì khi mỗi năm, Hoa Kỳ vẫn đóng góp cho thế giới hàng trăm ngàn phát minh mới, hàng loạt những sáng chế ứng dụng phục vụ xã hội. Việc học sinh của họ thế nào không quan trọng. Học chỉ là bước thu nhận thôi, cho đến trước khi 1 người biết dùng kiến thức học để phục vụ xã hội thì kiến thức chưa mang bất cứ một ý nghĩa nào cả. Có chăng, đó chỉ là trang hoàng cho bản thân, ra vẻ ta đây lắm chữ thôi.
Học sinh Việt Nam có thể thi nhất nhì thế giới, có thể giải này giải kia, nhưng tại sao Việt Nam vẫn nghèo, tại sao nước vẫn lạc hậu, sau vẫn kém phát triển. Tại sao chúng ta thuộc nhiều công thức như vậy, có những cái đầu nhanh nhạy như vậy mà lại phải mời các bộ của những nước đang "ngu hóa" sang đào tạo và trao đổi kỹ thuật.
Đã đến lúc sự yếu kém phải bị xóa bỏ. Thật đáng sợ khi một nền giáo dục yếu kém vẫn cố đấm ăn xôi giữ quan điểm sai lầm của mình. Hậu quả không phải chỉ là một vài thế hệ con người có chất lượng lao động thấp, nó còn là tương lai của cả đất nước. (Lê Thanh Bình, Hà Nội)
Tiêu chí đánh giáo cao nhất chất lượng của một nền giáo dục, không phải bàn cãi gì, là chất lượng đầu ra và chất lượng lao động của nguồn nhân lực. Và đối với những hệ thống giáo dục khác nhau thì trong khi rất khó so sánh về cách tổ chức, vận hành của hệ thống đó cùng rất nhiều những thứ khác, thì rõ ràng chỉ có thể nói một nền giáo dục này tốt hơn một nền giáo dục kia ở chỗ nó tạo ra được những lực lượng lao động có khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội hội với một năng lực sáng tạo cao hơn mà thôi.
Về điểm này thì ai cũng thấy nền giáo dục Việt Nam đứng ở thứ hạng nào rồi, còn giáo dục Mỹ, dù có 2% chất lượng cao, còn lại là tồi tệ, thì nó cũng cứ vẫn là một trong những nền giáo dục tốt của thế giới. Tôi tin là đến "thiên đường" thì cũng vẫn có vấn đề. Không thể nói vì giáo dục Mỹ có quá nhiều vấn đề nên Việt Nam so với nó làm gì, hay đừng theo nó.
Ông Koblitz có cảnh báo một chủ nghĩa thực dân trong giáo dục. Nếu gọi những gì đang diễn ra là chủ nghĩa thực dân, để rồi chống lại nó, thì e rằng có khi lại tiếp tục đi giật lùi. Thực tế, những người xuất sắc của Mỹ chẳng đi sang làm việc ở Việt Nam, mà Việt Nam cũng chẳng có tiền mà trả lương họ. Những trường đầu bảng của Mỹ không cần phải đi tìm sinh viên, mà sinh viên khắp thế giới tự đến. Chúng ta rõ ràng phải bằng lòng với việc ta chỉ có thể nhận và tiếp cận một cái tốt hơn cái ta đang có, nhưng không phải tốt nhất, vì tốt nhất có giá của nó mà ta không tài nào trả nổi.
Trường Cao đẳng Cộng đồng Houston có thể chẳng ai biết đến ở Mỹ, nhưng chắc chắn rằng chất lượng giáo dục của nó cao hơn chất lượng của vô số trường đại học ở VN. Số những trường tốt hàng đầu không cần đi tìm sinh viên có lẽ cũng không phải là nhiều, nên chẳng riêng trường Houston, mà rất nhiều trường có chất lượng tốt ở các nước, đặc biệt là Úc, Singapore, hay thậm chí Anh, Hà Lan, cũng sang Việt Nam tuyển sinh viên. Như vậy, giáo dục có thế này cũng có thế khác.
Việc có nhiều loại trường với chất lượng khác nhau đáp ứng những nhu cầu khác nhau cũng như những khả năng trang trải khác nhau theo tôi cũng đâu có gì là xấu.
Một trường học phí rất cao đến mức chỉ có con nhà giàu mới học được, nhưng rõ ràng những trường như thế ở Mỹ đâu chỉ lấy tiền cao làm tiêu chí? Những trường học phí cao tuyển chọn cực kỳ gắt gao để đảm bảo chất lượng đầu vào, nên nếu con nhà giàu mà học giỏi vào đó thì sao lại lên án họ? Mà khi nói như thế sao lại lờ đi chuyện các học sinh xuất sắc dù con nhà nghèo hay giàu thì cũng có thể giành được học bổng?
Nhưng nói qua nói lại rồi cũng chỉ là để quay về chuyện giáo dục nước mình. Kém thì phải thay đổi mà nâng cao chất lượng, nếu không thì có tội với đất nước, với nhân dân. (Nam Nguyễn, Hà Nội)
http://tuanvietnam.net/2009-10-26-mot-nen-giao-duc-yeu-kem-van-co-dam-an-xoi-
Saturday, November 7, 2009
GD VN trên báo VN: "Một nền giáo dục yếu kém vẫn 'cố đấm ăn xôi'" ?
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment