Sunday, November 15, 2009

Bài đáng đọc: "Ôi, số liệu!"

Ôi, số liệu!
Nguồn: NVP's blog

Nghĩ mà thấy khó cho những người nghiên cứu kinh tế Việt Nam sau này. Bởi khi tiếp cận một con số dù từ nguồn chính thức phát ra mà không kiểm chứng, rất dễ bị sai. Từ con số sai, mọi phân tích hay bình luận sẽ sai theo. Các số liệu đưa ra hiện nay thường chỏi nhau, sự thiếu chính xác là do lý giải các con số theo mục tiêu phát ngôn.

Lấy ví dụ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết “Năm 2009, khi giá vàng thế giới vọt cao hơn trong nước, Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép xuất khẩu 32 tấn nhưng các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu 26,7 tấn.” (Trả lời báo chí ngày 11-11-2009 khi giá vàng tăng đột biến và Ngân hàng Nhà nước tuyên bố cho nhập vàng trở lại).

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ riêng quý 1-2009, Việt Nam đã xuất khẩu vàng lên đến 2,3 tỷ đô la Mỹ. Tạm lấy giá vàng bình quân quý 1-2009 là 850 đô-la/ounce thì con số 2,3 tỷ đô-la này tương đương với 2,7 triệu ounce, tức 84 tấn. Sao Thống đốc khi nói không đối chiếu với con số xuất vàng chính thức của Tổng cục Thống kê?

Một ví dụ khác, trong báo cáo kết quả giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhận định: “Chỉ tính riêng trong năm 2008, khối doanh nghiệp nhà nước mà nòng cốt là các tập đoàn, tổng công ty, đã đóng góp gần 40% giá trị GDP, tạo ra 39,5% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu và 28,8% tổng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô và thuế xuất nhập khẩu).

Với nhận định khối doanh nghiệp nhà nước đóng góp trên 50% kim ngạch xuất khẩu, xin lấy số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê để đối chiếu. Báo cáo cuối năm 2008 của Tổng cục viết rất rõ ràng: “Tính chung cả năm 2008, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu ước tính đạt 62,9 tỷ USD, tăng 29,5% so với năm 2007, bao gồm khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 34,9 tỷ USD, tăng 25,7%, đóng góp 49,7% vào mức tăng chung của xuất khẩu; khu vực kinh tế trong nước đạt 28 tỷ USD, tăng 34,7%, đóng góp 50,3%”. Khu vực kinh tế trong nước đóng góp 50,3% mà theo báo cáo của Quốc hội, doanh nghiệp nhà nước cũng đóng góp trên 50% vậy khu vực kinh tế tư nhân trong nước hẳn không ai xuất khẩu gì cả!

Có lẽ sự khác biệt là do dầu thô. Tổng cục Thống kê thì đưa dầu thô vào kim ngạch của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn báo cáo giám sát thì tính cho doanh nghiệp nhà nước. Ở đây xin lưu ý sự lẫn lộn hay cố ý lẫn lộn này sẽ ngày càng tăng vì hiện nay nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn đã được cổ phần hóa, khi cần người ta có thể xếp chúng vào khu vực kinh tế tư nhân, khi khác thì lại xếp chúng vào khu vực kinh tế nhà nước – tùy theo mục đích sử dụng số liệu. Người nghiên cứu gặp tình huống này thì chỉ biết đầu hàng.

Còn câu “tạo ra 39,5% giá trị sản xuất công nghiệp”, thì số liệu cụ thể của Tổng cục Thống kê cho biết tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2008 (giá so sánh 1994) là 652.766 tỷ đồng, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm 164.796 tỷ đồng, tức 25,2%, không biết ở đâu ra con số 39,5%?

Một ví dụ cuối cùng, trong kỳ họp Quốc hội lần này nhiều người lấy con số ICOR là 8 để minh họa cho sự kém hiệu quả của nền kinh tế. Đúng là đầu tư nhà nước ngày càng kém hiệu quả, tuy nhiên khi đưa ra con số thì phải chính xác. Hóa ra, theo một phát hiện, người ta lấy tỷ lệ giữa vốn đầu tư phát triển năm 2009 trên GDP (là 42,2%) chia cho tốc độ tăng trưởng GDP (năm nay dự kiến 5,2%) ra con số 8!!!

Vốn đầu tư phát triển là tính theo giá thực tế còn GDP tính theo giá so sánh thì làm sao tính như vậy được (GDP năm 2008 theo giá thực tế là 1.477.717 tỷ đồng còn theo giá so sánh là 489.833 tỷ đồng). Mà ICOR chỉ có ý nghĩa phân tích khi dùng trong một chuỗi thời gian dài chứ ai lại tính theo năm.

Ví dụ loại này còn nhiều. Cho nên bất kỳ ai bình luận trên các con số xem ra có vẻ chính thức, xin cẩn trọng đối chiếu với các con số khác, các nguồn khác, trước khi đưa ra những kết luận không thôi dễ nhầm.

http://nguyenvanphu.blogspot.com/

No comments:

Post a Comment