Tuesday, November 19, 2013

Du học, những điều nên biết

Bài này tôi viết theo sự đặt hàng về đề tài của báo Nhân Dân, đã được PV bổ sung thêm ý và đăng trên báo cuối tuần qua, với bút hiệu Anh Khuê (tên con gái) và tên của PV xử lý bài. Các bạn có thể đọc bài đã xử lý ở đây: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/chuyen-de/item/21645702-doi-hoi-tu-thuc-te.html. Còn dưới đây là bài gốc mà tôi đã gửi. Các bạn đọc cho biết nhé.
----------------


Du học, những điều cần biết[1]
Du học, nhu cầu của thời đại
Đã trở thành thông lệ, trong vòng một thập niên trở lại đây mùa tuyển sinh của trường đại học của Việt Nam cũng đồng thời là mùa hoạt động của các trung tâm du học và mùa hội thảo thông tin giới thiệu chương trình đào tạo của các trường đại học quốc tế. Với số dân gần cả trăm triệu người, lại là một nước có dân số trẻ và truyền thống sẵn sàng đầu tư tối đa cho việc học, Việt Nam đang được tất cả các nước xuất khẩu giáo dục đại học hàng đầu như Mỹ, Úc, Anh vv quan tâm với tư cách là một thị trường quan trọng. 

Có thể kể một vài con số ấn tượng. Theo báo cáo của Viện Giáo dục Quốc tế (Mỹ), năm 2012 Việt Nam có vị trí thứ 8 trên toàn thế giới trong số những quốc gia có số lượng sinh viên du học tại Mỹ đông nhất, và là quốc gia có vị trí thứ 5 nếu tính riêng khu vực Đông Á, chỉ sau những quốc gia rất đông dân như Trung Quốc, hoặc có thu cập cao hơn Việt Nam rất nhiều lần Hàn Quốc, Đài Loan, và Nhật Bản[2]. Một báo cáo khác của tổ chức WENR (Mỹ) cho thấy số lượng sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ đã tăng liên tục trong những năm qua, từ khoảng 4,500 sinh viên vào năm 2006 đến 15,500 vào năm 2012, tức tăng hơn 300% trong vòng 7 năm[3]. Nhưng Mỹ không phải là điểm đến duy nhất của sinh viên Việt Nam, cũng chưa phải là nơi có số lượng du học sinh nhiều nhất. Theo số liệu thống kê của Cục Đào tạo với nước ngoài thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2012 có đến trên 100,000 du học sinh đang học ở nước ngoài, trong đó ba nước có số lượng cao nhất là Australia (gần 25%), Hoa Kỳ (16%), và Trung Quốc (13%). 

Thực ra, sự gia tăng nhu cầu du học trong thời gian không chỉ có ở riêng Việt Nam, cũng không phải chỉ có ở các nước kém phát triển như Việt Nam, mà là một xu hướng mới của toàn thế giới trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Ngay cả sinh viên các nước phát triển như Mỹ và châu Âu ngày nay cũng có nhu cầu học tập ở một đất nước bên ngoài biên giới quốc gia của mình, vì điều này sẽ mang lại cho họ những trải nghiệm quốc tế rất cần thiết trong môi trường làm việc của một kinh tế toàn cầu.  Tuy nhiên, đối với du học sinh từ các nước đang phát triển như Việt Nam thì cái những lợi của việc du học còn nhiều hơn gấp bội. Trước hết, nền giáo dục đại học của các nước tiên tiến có chất lượng tốt hơn nhiều so với giáo dục đại học của Việt Nam. Người học không chỉ được tiếp cận với những kiến thức cập nhật nhất, được học hành trong những điều kiện tốt nhất về sách vở tài liệu, phòng thí nghiệm và trang thiết bị tối tân, mà còn được có cơ hội học và sử dụng thành thạo một ngoại ngữ (ngôn ngữ của quốc gia mà họ chọn để theo học), được tiếp xúc và tương tác với các nhà khoa học hàng đầu, được giao lưu với bạn bè từ khắp nơi trên thế giới, và được trải nghiệm một nền văn hóa mới, một cuộc sống ở một thế giới văn minh hiện đại. 

Có thể nói, thời gian 4, 5 năm học đại học ở một nước tiên tiến là một cơ hội hiếm có đối với một học sinh vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, tạo ra những tác động hết sức quan trọng đối với sự phát triển tính cách và trí tuệ của một sinh viên, thậm chí gần như đã biến đổi họ thành một con người khác, tự tin hơn năng động hơn, và tất nhiên, có trình độ chuyên môn vững vàng hơn. Không có gì lạ nếu các nhà tuyển dụng, mà đặc biệt là các công ty đa quốc gia, thường dành ưu tiên trong tuyển dụng cho các ứng viên như vậy. 

Không chỉ có hoa hồng
Với những cái lợi vừa nêu, không lạ gì nếu ngày càng có nhiều người Việt Nam ôm mộng du học, cho dù có phải trả toàn bộ chi phí. Cũng theo số liệu của Cục Đào tạo với nước ngoài, trong số trên 100,000 người Việt Nam đang đi du học trên khắp thế thì tuyệt đại đa số là du học tự túc, do cá nhân tự trang trải chi phí. Và cần phải nhấn mạnh rằng đây là một sự đầu tư vô cùng lớn. Chỉ riêng học phí cho một năm học ở Mỹ hoặc Úc – chưa kể chi phí ăn ở và sinh hoạt – không thể tính dưới con số 20,000 đô la, có nghĩa là học phí cho một tấm bằng đại học lên đến cả trăm ngàn đô. Nhưng điều đáng buồn là mặc dù bỏ ra số tiền lớn như vậy nhưng không phải ai cũng thành công trong cuộc đầu tư này. 

Cho đến nay chưa có một thống kê cụ thể nào để có thể nói chính xác về tỷ lệ thất bại hoặc rủi ro của các du học sinh, nhưng những câu chuyện chia sẻ trong cộng đồng hoặc được đưa trên báo chí cho thấy con đường du học không phải là trải đầy hoa hồng. Đã có những trường hợp xôi hỏng bỏng không, bỏ tiền bạc và thời gian ra để đi học mất vài năm mà cuối cùng không thể nào học xong để lấy được tấm bằng đành phải trở về nhà tay trắng, vì sinh không đủ sức – cả ngoại ngữ lẫn chuyên môn – để theo đuổi ngành mình đã chọn. Nhẹ hơn là phải kéo dài thời gian học hơn dự tính, đồng nghĩa với việc phải tốn kém thêm tiền bạc và thời gian, dẫn đến việc gia đình phải vay nợ để trả tiền học cho con em mình, nếu không muốn phải bỏ dở việc học do chưa học xong mà tiền đã hết.   

Một rủi ro thường gặp hơn, đặc biệt là đối với những trường hợp du học sinh hoặc thân nhân không có khả năng tự tìm trường mà phải thông qua các môi giới, đó là phải bỏ ra một số tiền lớn để theo học ở những ngôi trường tầm thường hạng hai, thậm chí cả những trường không hề được thừa nhận ngay tại nước chủ nhà, và chất lượng của chương trình đào tạo thậm chí còn thấp hơn cả những chương trình ở Việt Nam. Khi điều này xảy ra, thì đây không chỉ là một sự lãng phí lớn đối với cá nhân người học và gia đình, mà còn là sự chảy máu ngoại tệ đối với quốc gia, khi nguồn ngoại tệ trong dân bị thất thoát ra ngoài chỉ để mua những món hàng dỏm không sử dụng được. 

Ngoài những rủi ro về việc học tập, du học sinh cũng có thể gặp những rủi ro khác như những va chạm với những người xung quanh vì xung đột văn hóa, cảm thấy cô đơn, thậm chí trầm cảm, và trong tâm trạng ấy đôi khi có những hành động dại dột mà không kiềm chế được. Còn nhớ, cách đây vài năm, dư luận đã một phen xôn xao khi nghe tin về trường hợp du học sinh Việt Nam treo cổ tự tử trong nhà trọ ở bên Mỹ. Tất nhiên, đây là một trường hợp vô cùng ngoại lệ, nhưng những khó khăn về tâm lý của du học sinh khi phải ở một mình ở nước ngoài cũng là điều cần phải xét đến khi ta đang lên kế hoạch cho con em của mình đi du học.

Chuẩn bị tốt, tránh rủi ro
Như đã nói ở trên, quyết định đi du học là một đầu tư rất lớn của cá nhân và gia đình cho tương lai của người học, một đầu tư tính bằng tiền tỷ. Nếu đó là một đầu tư để làm ăn thì chắc chắn ta sẽ phải có bước chuẩn bị, phải xem xét mọi thông tin, phải cân nhắc, đắn đo, xem xét kỹ lưỡng mọi mặt trước khi thực hiện.  Giấc mơ du học – giấc mơ chính đáng của rất nhiều người trẻ và gia đình hiện nay – cũng đòi hỏi một sự đầu tư tương tự nếu chúng ta không muốn biến giấc mơ ấy thành một cơn ác mộng. 

Không chỉ chuẩn bị về tiền – dù đây vẫn là điều kiện đầu tiên mà chúng ta phải xem xét đến – mà còn là thông tin về trường đại học mình sẽ chọn, năng lực học tập của bản thân, và dự tính về nghề nghiệp trong tương lai. Quan trọng nhất trong quá trình chuẩn bị vẫn là những thông tin chính xác và khách quan chứ không phải những lời “tư vấn” lấy được của các công ty du học thiếu trách nhiệm. Một lời khuyên nhỏ dễ thực hiện: Hãy tận dụng các nguồn thông tin chính thức từ chính phủ các nước, thường được đặt ở một bộ phận thông tin trong các đại sứ quán/lãnh sự quán. Những thông tin này – được tiếp cận từ sớm, khoảng 1, 2 năm trước thời gian quyết định đi du học – sẽ giúp ta lường trước những khó khăn và tránh được những rủi ro đáng tiếc.


[1] Bài viết theo đặt hàng của báo Nhân Dân, viết xong 10/11/2013
[3] http://wenr.wes.org/2013/06/vietnam-trends-in-international-and-domestic-education/

No comments:

Post a Comment