Thursday, November 28, 2013

Cải cách kỳ thi TN THPT tại VN: Kinh nghiệm từ nước Mỹ

Bài viết theo đặt hàng của báo Nhân Dân cuối tuần. Sẽ xuất hiện trên bản in số Thứ Sáu 29/11/2013. Dưới đây là bản gốc của tôi.
-----------
Cải cách kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại Việt Nam: Kinh nghiệm từ nước Mỹ

Giữ kỳ thi tốt nghiệp, bỏ kỳ thi đại học: Ngạc nhiên chưa?
Sau một thời gian dài chuẩn bị, đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương 8 vừa qua. Một trong những nội dung đáng chú ý là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được đổi mới theo hướng kiểm tra năng lực, và kết quả của nó sẽ được sử dụng như một trong những căn cứ để tuyển sinh, thay thế cho kỳ thi đại học hiện nay.

Việc lựa chọn giải pháp thi cử như trên có lẽ sẽ làm rất nhiều người ngạc nhiên. Còn nhớ cách đây vài tháng, phát biểu của một lãnh đạo cấp cao của Việt Nam về chất lượng của kỳ thi TN THPT đã làm dấy lên một cuộc tranh luận nóng bỏng về kỳ thi này. Lựa chọn của đa số dường như thiên về việc nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp và giữ lại kỳ thi tuyển sinh đại học. Tỷ lệ đậu kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm gần đây đều cao hơn 90%, khiến nhiều người nghi ngờ vào chất lượng của kỳ thi này, và cho rằng đây là một kỳ thi quá tốn kém mà chỉ nhằm để loại chỉ vài phần trăm thí sinh. Thay vào đó, có thể xem xét cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho toàn bộ học sinh sau khi học hết lớp 12, nhằm giảm áp lực để các em còn phải tập trung vào một kỳ thi quan trọng khác là kỳ thi đại học.

Xét dưới góc độ kinh tế, lập luận nói trên không phải là không có lý. Vậy tại sao giờ đây đề án đổi mới giáo dục lại đưa ra một lựa chọn không giống với lựa chọn của đa số để định hướng cho giáo dục Việt Nam trong những năm sắp đến?

Thi tốt nghiệp để làm gì?
Thực ra, những ý kiến lâu nay của dư luận xung quanh các kỳ thi phản ánh rất rõ cách hiểu còn hạn chế của nhiều người về mục đích của thi cử. Hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học là hai kỳ thi có mục đích hoàn toàn khác nhau và không nên nhầm lẫn. Kỳ thi tốt nghiệp nhằm đánh dấu sự hoàn tất một giai đoạn học tập kéo dài 12 năm của một học sinh, thời gian quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách và phát triển trí tuệ của người học, để chuẩn bị cho giai đoạn đào tạo chuyên nghiệp, hoặc bước vào thế giới việc làm. Vì vậy, kỳ thi này không bao giờ nhằm vào việc đánh rớt thí sinh, mà ngược lại, tỷ lệ đậu càng cao thì càng đáng mừng. Tất nhiên, mọi cuộc thi đều phải được tổ chức nghiêm túc, khách quan, và đánh giá được những năng lực cần đánh giá.

Kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng có thể sử dụng kết hợp với các tiêu chí khác để tuyển sinh hoặc cung cấp cho các nhà tuyển dụng khi đi làm, nhưng đó không phải là mục tiêu chính của kỳ thi này. Mục tiêu quan trọng nhất của kỳ thi tốt nghiệp là cung cấp thông tin phản hồi cho các bên liên quan: cho giáo viên và nhà trường về hiệu quả của quá trình dạy và học trước đó; và cho các nhà chính sách để giám sát và điều chỉnh mục tiêu giáo dục sao cho phù hợp với yêu cầu của đất nước trong từng giai đoạn. Nói vắn tắt, đây là kỳ thi quan trọng nhất của giai đoạn giáo dục phổ thông, là công cụ hữu hiệu để quản lý và thúc đẩy chất lượng giáo dục.

Kỳ thi tốt nghiệp và chất lượng giáo dục phổ thông
Để hiểu rõ tầm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT đối với chất lượng của một nền giáo dục, có lẽ không có gì tốt bằng việc xem xét trường hợp Hoa Kỳ. Tại đất nước có nền giáo dục tự do và phân quyền rất cao này, giáo dục phổ thông do chính quyền tiểu bang quản lý. Việc tổ chức hay không tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng do từng tiểu bang quyết định, và trước khi đạo luật “No Child Left Behind” (tạm dịch: Không bỏ sót một đứa trẻ nào) ra đời vào năm 2001 thì hầu như mọi tiểu bang của Mỹ đều không yêu cầu học sinh tham gia một kỳ thi, mà cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho tất cả học sinh đã hoàn tất chương trình lớp 12.

Với sự ra đời của đạo luật “No Child Left Behind”, một đạo luật nhằm cải cách và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông của nước Mỹ để xứng đáng với vai trò của một cường quốc hàng đầu thế giới (nước Mỹ rất hiếm khi chiếm những vị trí cao nhất trong các kỳ thi học sinh quốc tế như PISA ), trong vòng một hơn một thập niên trở lại đây ngày càng có nhiều tiểu bang yêu cầu học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp bắt buộc do chính phủ tiểu bang tổ chức.

Theo báo cáo năm 2012 của Trung tâm Nghiên cứu chính sách giáo dục (Center for Educational Policy, viết tắt là CEP) thuộc Đại học George Washington, tính đến thời điểm viết báo cáo đã có 26 tiểu bang áp dụng chính sách thi tốt nghiệp bắt buộc, trong đó có những tiểu bang khá nổi tiếng về những thành tựu kinh tế, khoa học, giáo dục như California, Massachussetts, New Jersey, New York . Nếu tính theo tỷ lệ học sinh thì số học sinh thuộc 26 tiểu bang này chiếm trên 70% tổng số học sinh trung học của nước Mỹ.  Và xu hướng này được tin là sẽ không dừng lại, mà còn tiếp tục gia tăng.

Vì sao một nước có truyền thống phi tập trung hóa và quan điểm nhất quán rằng nhà nước không  can thiệp sâu vào những công việc chuyên môn, giờ đây lại cảm thấy cần tổ chức kỳ thi  tốt nghiệp trung học phổ thông? Câu trả lời rất đơn giản: kỳ thi tốt nghiệp là một công cụ chính sách mà các nhà lãnh đạo có thể sử dụng để thúc đẩy quá trình cải cách giáo dục tại một địa phương.  Vì vậy, việc ngày càng có nhiều tiểu bang ở Mỹ áp dụng chính sách thi tốt nghiệp bắt buộc là một điều hoàn toàn không có gì lạ.

Nước Mỹ thi tốt nghiệp THPT như thế nào?
Mặc dù kỳ thi tốt nghiệp THPT được xem là một kỳ thi quan trọng nhất của giai đoạn giáo dục phổ thông, là công cụ hữu hiệu để quản lý và thúc đẩy chất lượng giáo dục, nhưng  điều đó không  đồng nghĩa với việc nó phải là một kỳ thi căng thẳng. Ngược lại, do bản chất là một kỳ thi đánh giá năng lực tiêu biểu chứ không phải là một kỳ thi cạnh tranh, kỳ thi tốt nghiệp phải được tổ chức nhẹ nhàng để không tạo áp lực cho người học.  Ở đây, một lần nữa chúng ta lại có thể tìm hiểu từ kinh nghiệm của nước Mỹ. 

Báo cáo năm 2012 của CEP (đã nêu ở trên) cho thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Mỹ khá nhẹ nhàng; đa số các tiểu bang ra đề thi chỉ dựa trên nội dung của chương trình lớp 10; một số ít hơn dựa trên chương trình lớp 11, và chỉ có 1/26 tiểu bang dựa  trên chương trình lớp 12. Số môn thi cũng không nhiều, đa số chỉ tổ chức thi 3 hoặc 4 môn, thậm chí nhiều nơi chỉ tổ chức thi 2 môn, và nơi nhiều nhất là 5 môn. Hai môn thi luôn được chọn là Toán và Tiếng Anh/Đọc hiểu (reading); những môn khác có thể xuất hiện trong các kỳ thi tốt nghiệp ở các bang gồm có môn Viết luận (writing), Khoa học (science), và Xã hội (social studies).

Việc tích hợp các môn tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) thành môn Khoa học và các môn xã hội (lịch sử, địa lý, công dân, vv) thành môn Xã hội cho phép ta đánh giá năng lực tư duy, sáng tạo và giải quyết vấn đề của học sinh, chứ không buộc học sinh phải nhồi nhét kiến thức vào đầu để trả thuộc lòng như một con vẹt.
Một kỳ thi nghe qua rất nhẹ nhàng như vậy, nhưng tỷ lệ đạt tốt nghiệp của học sinh Mỹ cũng lại là một điều đáng ngạc nhiên và cần học hỏi đối với Việt Nam. Theo báo cáo của CEP, tỷ lệ đạt tốt nghiệp ngay lần thi đầu tiên xét theo từng môn thi ở tất cả các tiểu bang có biên độ dao động khá lớn,  khoảng từ 50% đến trên  90%, trong đó đa số rơi vào khoảng 70-80%. Các thí sinh không đạt có thể thi lại trong đợt thi kế tiếp, hoặc cũng có thể chọn một cách khác để hoàn tất, ví dụ như nộp điểm của một kỳ thi khác như SAT, ACT, hoặc nếu thi mãi mà vẫn không đạt thì có thể nhận Chứng chỉ hoàn tất bậc trung học (không hoàn toàn tương đương với Bằng tốt nghiệp).

Những thông tin về cách tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Mỹ cho thấy đây thực sự là một kỳ thi nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc và có giá trị, đánh giá được năng lực thật của người học, đồng thời cung cấp được những thông tin cần thiết cho giáo viên, cho nhà trường, và cho các nhà chính sách để cải thiện hệ thống theo những mục tiêu mong muốn.

Còn Việt Nam?
Việc cải cách các kỳ thi tốt nghiệp THPT  và tuyển sinh đại học tại Việt Nam thực ra đã được đặt ra từ khá lâu, ngay từ thời Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vẫn còn đang là Bộ trưởng giáo dục. Một đề án đổi mới cách thi đã được soạn thảo khá chi tiết với một quan điểm tiến bộ, và kỳ thi được đề xuất khi ấy có những điểm khá gần với những gì mới được mô tả ở trên về kỳ thi tốt nghiệp ở Mỹ. Tuy nhiên, đề án lúc ấy vẫn cứ nhắm vào việc “cải cách tuyển sinh”, vốn  là chuyện của các trường đại học mà Bộ nên trao thêm quyền tự chủ, mà quên rằng công việc mà Bộ Giáo dục cần phải thực chú trọng là cải cách kỳ thi tốt nghiệp THPT để đưa nền giáo dục phổ thông của Việt Nam vào đúng hướng. Sự nhầm lẫn mục tiêu của thời ấy ấy thực ra không lạ, vì, theo nhận định của Ngân hàng thế giới, đánh giá giáo dục (gồm nhiều hoạt động, trong đó có các kỳ thi) vẫn đang là một điểm yếu trong hệ thống giáo dục của các nước đang phát triển như Việt Nam.

May mắn thay, giờ đây với đề án “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo” vừa được hội nghị trung ương thông qua, chúng ta đã xác định được vấn đề cốt lõi cần quan tâm của giáo dục Việt Nam trong những năm tới. Con đường đã vạch ra, chỉ cần thực hiện, nhưng biến từ mục tiêu sang hiện thực không bao giờ là một điều dễ dàng. Học hỏi kinh nghiệm của các nước đã đi trước luôn là điều cần thiết để tránh cho chúng ta những cái giá quá đắt của việc phải rút ra bài học từ những sai lầm của chính mình.

No comments:

Post a Comment