Sunday, September 8, 2013

"Chất lượng giáo dục Việt Nam chỉ đứng áp chót ASEAN"

Trong tổng số 8 nước ASEAN được xếp hạng về tính hiệu quả của hệ thống giáo dục, Việt Nam đứng vị trí thứ 2… từ dưới lên, sau đúng Thái Lan. Kết quả xếp hạng này do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đánh giá dường như trái ngược với những bản báo cáo thành tích về số lượng dày đặc các học sinh giỏi, học sinh tốt nghiệp, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Giáo sư tại Việt Nam.
Giáo dục Việt Nam còn thua cả Campuchia
Cụ thể, theo báo cáo về tính Cạnh tranh toàn cầu của WEF được công bố vào đầu tháng 9, Singapore, Malaysia và Brunei Darussalam lần lượt giữ các vị trí hàng đầu. Trong khi đó, Campuchia đứng thứ 6, Việt Nam thứ 7 và Thái Lan ở cuối bảng. Lào và Myanmar không được WEF xếp hạng.
 
Bản báo cáo của WEF nhấn mạnh, tiềm lực tài chính không phải là yếu tố quan trọng nhất để bảo đảm chất lượng cho nền giáo dục và việc trả lương cao cho giáo viên chưa hẳn đã mang lại một khả năng giảng dạy thích hợp.
 
Phản ứng về bản báo cáo này trên tờ Bankok Post ngày 4/9, ông Sathon Vijarnwannaluk, một giảng viên tại khoa khoa học CU tại Bangkok cho rằng, kết quả chỉ phản ánh tính cục bộ địa phương do mẫu khảo sát (theo thang điểm từ 1-7) chỉ lấy ý kiến của người Thái. Điều này cho thấy, người Thái không có niềm tin vào hệ thống giáo dục chứ chưa thể khẳng định chất lượng giáo dục của Thái Lan là thấp nhất. Tuy nhiên, Sompong Jitradup, giảng viên Khoa giáo dục CU đã thành thật thừa nhận, khảo sát đã phản ánh một phần sự thật, đặc biệt tình trạng xã hội phân hóa, chất lượng giáo dục không đạt chuẩn. Còn ông Phongthep Thepkanchana, Phó Thủ tướng Thái Lan không ngại ngần thừa nhận thực trạng giáo dục yếu kém trong nước và khẳng định Thái Lan có đù nguồn lực và khả năng để vực dậy các chương trình đào tạo cũng như chất lượng giáo viên.
 
PGS.TS Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực đánh giá trên báo Đầu Tư (3/9), nếu Việt Nam không giải quyết được bài toán nguồn nhân lực chất lượng, thì các doanh nghiệp sẽ tụt giảm sức cạnh tranh và mãi dậm chân ở mắt xích cuối cùng của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại Việt Nam, thực trạng giáo dục tụt hậu vẫn luôn vấn đề nhức nhối. Chỉ riêng trong giáo dục đại học, từ năm 1992, ngay trong báo cáo “Phân Tích về Giáo Dục và Tài Nguyên Nhân Lực” do UNESCO cùng UNDP và Bộ Giáo Dục phối hợp nghiên cứu đã cho thấy sự giảm sút trầm trọng về chất lượng ở giáo dục. Và tình trạng giáo dục ở các cấp khác cũng không là ngoại lệ.
 
Nếu như kết quả WEF chỉ được coi là phản ánh tình trạng người dân Việt Nam mất niềm tin vào chất lượng giáo dục nước nhà thì đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho thấy rõ hơn tình thế tụt hậu khi Việt Nam chỉ đạt 3,79/10 điểm về chất lượng lao động, đứng thứ 11/12 nước châu Á được xếp hạng. Tụt hậu kinh tế song hành cùng tụt hậu giáo dục sẽ đẩy một quốc gia vào ngõ hẹp khi chất lượng lao động không đủ nguồn lực tái tạo. Nghĩa là một tương lai sẽ đến, không đẹp như các bản báo cáo thành tích.
 
 
Vân Du

1 comment:

  1. THEO WEF REPORT MỚI NHẤT THÌ THÔNG TIN TRÊN KHÔNG CHÍNH XÁC. GIÁO DỤC VIỆT NAM LÀ YẾU KÉM NHƯNG VẪN CÒN TRÊN 3 NƯỚC LÀO, CAMPUCHIA VÀ MYANMAR.
    TIN GIỜ CHÓT : BLOG NGUYỄN VẠN PHÚ CŨNG CÓ ĐĂNG MỘT BÀI VỀ VỤ NÀY.

    ReplyDelete