Saturday, May 4, 2013

Bài phỏng vấn PA trên báo Vietnamnet về giáo dục phổ thông

Mới đây VNN có gửi cho tôi một số câu hỏi phỏng vấn nhân có cái video clip "sự trăn trở của một kẻ lười biếng". Nay bài phỏng vấn đã đăng lên, tôi đưa link về đây để lưu cho mình, và chia sẻ với các bạn phần trả lời đầy đủ của tôi dưới đây.

Nói thêm, bài báo ghi sai chức danh của tôi: Tôi đã rời ĐHQG gần 2 năm nay và không còn làm Giám đốc TTKT nữa (đương nhiên). Đã gửi thư đính chính khẩn, vì nhầm lẫn như thế này rất phiền, khéo lại có ai nghĩ rằng tôi vẫn còn tiếc rẻ cái chức vụ nghe cũng to tát hồi tôi còn ở ĐHQG thì ... oan quá! Một người không màng đến chức vụ, 5 lần từ chức trong đời làm việc của mình mà lại bị nghĩ là ham chức quyền thì quả là rất không công bằng với tôi, phải không?

Link đây: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/119523/-nha-truong-nhu-nhot-cac-em-trong-tu----.html.

Còn dưới đây là bài đầy đủ.
------
Câu hỏi của phóng viên

1       Thưa bà, sau việc xuất hiện video clip “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng” của một cậu học sinh trăn trở về giáo dục hiện nay, quan điểm của bà như thế nào  khi xem  video clip này?

2       Thưa bà, qua ý kiến của một số chuyên gia cũng cho rằng nên rút ngắn thời gian phổ thông, liệu có phải kiến thúc 3 năm THPT không có tác dụng gì?



3       Bà đánh giá như thế nào về thời gian học phổ thông hiện nay?


4       Nếu như bỏ 3 năm học phổ thông, liệu có khó khăn gì cho người học khi bỏ qua một “ gian đoạn” kiến thức để có thể ra trường, đi làm hay không? Bà đánh giá như thế nào về thời gian học hiện nay?




5       Có thể nói rằng, sau nằm 2015 nền GD nước nhà sẽ bước vào một cuộc cải cách mới, đi đầu là thay đổi hệ thống sách giáo khoa. Theo bà đối với SGK chúng ta sẽ phải đổi mới như thế nào? nội dung, chương trình, thời gian học sẽ được phân phối sao?



6       Trên thực tế, nếu soi vào các nền giáo dục tiên tiến chúng ta thấy ở Mỹ không dừng lại ở lớp 9, nhưng từ lớp 10 trở đi Học sinh được toàn quyền chọn những môn học phù hợp với định hướng tương lại của mình. Trong khi đó tại Cộng hòa Séc giai đoạn 1979 đến 1983 học phổ thông trung học cũng chỉ 9 năm, tiếp sau trung học có hướng nghề 3 năm, sau đó mới thi vào đại học, và ở Việt Nam có giai đoạn học sinh chỉ học 10 năm phổ .Theo bà với thời gian kéo dài 12 học chương trình phổ thông như vậy có bất lợi cho người học hay không? Và chúng ta có nên học tập kinh nghiệm của các nước để lựa chọn hướng đi cho mình?


7       Có thể nói GD sắp chuẩn bị bước vào một giai đoạn thay đổi toàn diện nền GD?  Vậy theo bà, chúng ta phải làm từng bước hay làm như thế nào để tránh GD không là “bình mới rượu cũ” 

Và đây là câu trả lời của tôi


1. Clip “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng", và quan trọng hơn là sự hưởng ứng/xôn xao dư luận sau khi clip này xuất hiện chỉ khẳng định thêm sự trầm trọng và không thể tránh né của một điều mà các nhà giáo dục trong nước đã nói từ lâu: sự lạc hậu, vô bổ và thiếu sức hút của chương trình và phương pháp của giáo dục phổ thông tại VN. Điều này không mới, nhưng cái mới là chỉ mãi đến bây giờ chúng ta mới nghe thấy điều này từ phía người học, cũng có nghĩa là các em đã cố gắng chịu đựng suốt bao nhiêu năm nay rồi đến độ không chịu đựng nổi và phải tìm cách nói lên tâm tư của mình.  
2. Như tôi đã nói ở trên, quả là hiện nay trong chương trình của chúng ta có khá nhiều điều vô bổ, hay nói đúng hơn, có những này có thể sẽ có ích ở nơi này nơi khác trong cuộc đời các em sau này, nhưng do quá xa vời và quá lý thuyết, không gắn kết với thực tế nên không làm cho các em thấy được sự hữu ích của nó.
3+4. Thời gian học phổ thông hiện nay là hợp lý; tôi không đồng ý với việc chỉ nên học 9 năm. Vấn đề là học với mục đích gì. Nếu học để lấy nền tảng kiến thức căn bản nhằm đi xa hơn nữa ở đại học thì nhất thiết phải là 12 năm. Điều này gần như đã được khẳng định trên khắp thế giới. Còn nếu ai không muốn vào đại học thì có thể học 9, 10 năm rồi rẽ vào con đường nghề nghiệp. Vấn đề là phải có được sự liên thông giữa các bậc học và các con đường (ví dụ: nghề nghiệp hay hàn lâm), chứ không phải là tất cả đều chỉ cần học 9 năm.
5. Đổi mới chương trình và sách giáo khoa cần chú trọng hai khía cạnh mà hiện nay chúng ta làm rất kém, đó là (1) tôn trọng và phát triển sự đa dạng về trí thông minh của người học (không phải ai cũng giỏi và thích học toán hay văn chẳng hạn, nhưng điều đó không có nghĩa là các loại tài năng khác - ví dụ năng khiếu thể thao, nghệ thuật, hoặc khả năng tổ chức, kỹ năng giao tiếp vv - là kém hơn và không đáng để nhà trường chú trọng phát triển; (2) kỹ năng tư duy, khả năng chọn lọc và phán đoán thông tin, kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề, những hiểu biết về thế giới và về xã hội. 
Thế giới đang biến động hàng ngày hàng giờ, nhưng nhà trường dường như vẫn nhốt các em trong một nhà tu cách biệt với thế giới và cho các em ăn những món ăn giống nhau ngày này sang ngày khác, thì thử hỏi tại sao học sinh không chán ngán và muốn rút ngắn chương trình học?
6. Đồng ý với đề xuất của em. Đa số giải pháp đã có sẵn, không cần chúng ta phải tìm con đường mới mà chỉ cần chúng ta đi trên con đường thế giới đã vạch sẵn, bằng phương tiện và vận tốc của chúng ta.
7. Các cuộc cải cách của chúng ta thường nhắm vào nội dung chương trình, thời lượng, cơ sở vật chất trang thiết bị, sách giáo khoa. Những cái đó cần nhưng chưa đủ, và cũng không phải là ưu tiên hàng đầu. Theo tôi, điều quan trọng hiện nay là có triết lý mới về giáo dục, và triết lý đó nếu cần tóm tắt lại trong một câu thì tôi gọi là "dân chủ hóa giáo dục". 
 Dân chủ hóa, tức là cho phép có nhiều bộ sách giáo khoa (dựa trên một khung chuẩn do Bộ Giáo dục đưa ra, và tất nhiên là các sách giáo khoa đều phải có hội đồng thẩm định độc lập), giáo viên được tôn trọng để có tự do và sáng tạo trong việc triển khai chương trình cho phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện của mình, và quan trọng nhất là học sinh phải được xem như những tác nhân (player) quan trọng trong quá trình giáo dục, chứ không phải là những "sản phẩm" do nhà trường và thầy cô nặn ra. 
Nếu không nhắm đến việc thay đổi triết lý thì có cải cách đến mấy cũng chỉ nửa vời và không đạt được mục tiêu mà mình nhắm đến.



No comments:

Post a Comment