Sunday, May 27, 2012

Giáo dục đại học và vai trò của nó trong xã hội

Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ chất lượng giáo dục (EQTS) của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập  (VIPUA) hiện đang thực hiện một dự án do Ngân hàng thế giới tài trợ nhằm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về hoạt động ĐBCL trong giáo dục đại học cho những người đang trực tiếp thực hiện công tác này. Đây là một dự án nhỏ với tổng kinh phí được cấp không quá 30 ngàn USD, thực hiện trong vòng 6-8 tháng, và đã bắt đầu "chạy" từ đầu tháng 5/2012, dự kiến kết thúc vào cuối năm nay. Dự án này do tôi trực tiếp triển khai (với tư cách trưởng ban triển khai dự án của EQTS).

Công việc hiện nay là tổ chức dịch thuật các tài liệu sẵn có về đảm bảo chất lượng trên thế giới để sử dụng lâu dài cho Việt Nam. Để tác động của dự án được lan rộng đến cộng đồng, nhằm chia sẻ những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về ĐBCL trong giáo dục đến những người có quan tâm, chúng tôi cũng sẽ đưa lên đây những phần dịch mà tôi cho là tương đối phổ thông, không quá kỹ thuật.

Dưới đây là phần đầu tiên của tài liệu Quality assurance in higher education: An introduction do NAAC và COL đồng biên soạn, xuất bản năm 2007. Tài liệu này có thể dễ dàng tìm trên mạng, gõ tựa sách vào google thì ra ngay. Người dịch bản dịch dưới đây là bạn Minh Anh Lương từ Đại học Đông Á; bản dịch đã có qua biên tập (người biên tập là tôi).

Enjoy, các bạn nhé. Và nếu các bạn có ý kiến, thắc mắc hoặc đóng góp gì, xin gửi đến vtpanh@gmail.com.

-------------
(Trang 5)


GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÀ VAI TRÒ CỦA NÓ TRONG XÃ HỘI[1]



 Giáo dục đại học là gì?

Trong một xã hội đầy ắp những khác biệt, với nhiều hệ tư tưởng và ý kiến đa dạng, cụm từ “giáo dục đại học” được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Sự đa dạng về quan điểm là khó tránh khỏi, và nhiều người cho rằng đó là điều cần thiết. Tuy nhiên, mục đích của chúng ta là thảo luận và tìm hiểu về chất lượng trong giáo dục đại học, nên chúng ta cần tự hỏi: trong từ “đại học” (higher education) thì cái được xem là “đại” (higher) nằm ở chỗ nào? Bạn, với tư cách là một nhà giáo, một trong những bên hữu quan trong giáo dục đại học, sẽ cho rằng từ “đại” ở đây không chỉ đơn thuần có nghĩa là là một cấp học cao hơn trong cấu trúc giáo dục của một quốc gia. Ý nghĩa của nó rộng hơn thế. Xét về cấp bậc, giáo đục đại học bao gồm việc giảng dạy và học tập ở cao đẳng đại học nhằm giúp sinh viên đạt được một tấm bằng của bậc đại học. Giáo dục đại học truyền cho người học những kiến thức và hiểu biết sâu sắc nhằm giúp họ đạt tới những giới hạn mới của tri thức trong từng lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống – các lĩnh vực chuyên sâuCó thể nói vắn tắt rằng đại học là “sự hiểu biết ngày càng nhiều hơn về một lĩnh vực ngày càng hẹp hơn”. Sinh viên được phát triển khả năng tự đặt ra những câu hỏi và tìm kiếm sự thật; khả năng phân tích và phản biện về những vấn đề đương đại. Đại học không chỉ mở rộng năng lực trí tuệ của từng cá nhân trong lĩnh vực chuyên môn của họ, mà còn giúp họ mở rộng tầm nhìn và hiểu biết đối với thế giới xung quanh. Theo Ronald Barnett (1992), có 4 khái niệm thông dụng nhất về giáo dục đại học:

i)        Giáo dục đại học là một dây chuyền sản xuất mà đầu ra là nguồn nhân lực đạt chuẩn. Theo quan điểm này, giáo dục đại học một quá trình trong đó người học được quan niệm như những sản phẩm được cung ứng cho thị trường lao động. Như vậy, giáo dục đại học trở thành “đầu vào” tạo nên sự phát triển và tăng trưởng của thương mại và công nghiệp.
ii)      Giáo dục đại học đào tạo để trở thành nhà nghiên cứu. Theo cách nhìn này, giáo dục đại học là thời gian chuẩn bị để tạo ra những nhà khoa học và nhà nghiên cứu thực thụ, những người sẽ không ngừng tìm những chân trời kiến thức mới. Chất lượng ở đây hướng về việc tạo ra các công bố khoa học và tinh thần làm việc nghiêm nhặt để thực hiện các nghiên cứu chất lượng.
iii)    Giáo dục đại học là quản lý việc tổ chức giảng dạy một cách hiệu quả. Rất nhiều người cho rằng giảng dạy là hoạt động cốt lõi của một cơ sở giáo dục. Do vậy, các cơ sở giáo dục đại học thường chú trọng quản lý một cách hiệu quả các hoạt động dạy và học bằng cách nâng cao chất lượng giảng dạy và nâng cao tỷ lệ kết thúc khóa học của sinh viên.
iv)    Giáo dục đại học mở rộng cơ hội trong cuộc sống cho người học. Theo cách tiếp cận này, giáo dục đại học được xem như một cơ hội để người học được tham gia vào quá trình phát triển bản thân bằng các thể thức học tập thường xuyên và linh hoạt.

Trang 6


Điều thú vị ở đây là tính liên hoàn giữa bốn khái niệm này của giáo dục đại học; chúng liên quan và tích hợp với nhau để tạo ra bức tranh toàn cảnh về tính chất riêng biệt của giáo dục đại học (higher education) khiến cho nó xứng đáng được gọi là “đại” (học). Khi nhìn vào hoạt động của các trường đại học và cao đẳng, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra ba chức năng cơ bản cấu thành giáo dục đại học, đó là giảng dạy, nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng.

Vai trò của giáo dục đại học trong xã hội

Giáo dục đại học nói chung thường được hiểu là bao gồm giảng dạy, nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng. Thực ra, khi phân tích kỹ những quan điểm khác nhau về giáo dục đại học, chúng ta có thể kể ra nhiều vai trò khác nhau của giáo dục đại học trong xã hội. Giáo dục đại học đóng vai trò “hệ thống nuôi dưỡng” (feeder system) của mọi lĩnh vực trong đời sống, là nguồn cung cấp nhân lực tối cần thiết để phục vụ các công tác quản lý, quy hoạch, thiết kế, giảng dạy và nghiên cứu. Một quốc gia muốn phát triển về khoa học công nghệ và tăng trưởng về kinh tế thì nhất thiết phải có cả hai yếu tố: một hệ thống giáo dục đại học và một lực lượng lao động. Việc phát triển những ngành công nghệ bản địa cũng như năng lực trong lĩnh vực nông nghiệp, an toàn thực phẩm và các ngành công nghiệp khác của chúng ta[2] chính là nhờ có một hạ tầng giáo dục đại học đẳng cấp quốc tế. Giáo dục đại học còn tạo ra các cơ hội cho học tập suốt đời, cho phép con người cập nhật các kiến thức và kỹ năng thường xuyên theo nhu cầu của xã hội. Ủy ban Kothari (1996) liệt kê những vai trò sau đây của các trường đại học (các cơ sở giáo dục đại học trong xã hội hiện đại):

·    -    Tìm kiếm và trau dồi tri thức mới, không ngừng nghỉ và không chùn bước trong quá trình kiếm tìm chân lý, thường xuyên xem xét lại ý nghĩa của những kiến thức niềm tin cũ dưới ánh sáng của những nhu cầu mới và khám phá mới;
·      -   Nắm giữ vai trò lãnh đạo phù hợp trong mọi lĩnh vực của đời sống, phát hiện những con người tài năng và giúp họ phát triển tối đa tiềm năng của mình bằng cách trau dồi sức khỏe, phát triển năng lực trí tuệ, bồi dưỡng các mối quan tâm, các thái độ, các giá trị đạo đức cũng như giá trị tinh thần đúng đắn.
·      -  Cung cấp cho xã hội những con người được đào tạo trong các lĩnh vực nông nghiệp, nghệ thuật, y dược, khoa học và công nghệ cũng như những ngành nghề khác; những người này sẽ là những cá nhân đầy đủ năng lực và có ý thức trách nhiệm cao đối với cộng đồng.
·       -  Nỗ lực thúc đẩy chất lượng sống và công bằng xã hội, giảm thiểu những khác biệt về văn hoá xã hội thông qua việc phổ cập giáo dục;
·      -   Nuôi dưỡng khích lệ ở cả giảng viên  và sinh viên, những thái độ và giá trị cần thiết cho sự phát triển bền vững, tốt đẹp của cá nhân và xã hội, và từ đó nhân rộng những thái độ và giá trị này ra cho cả cộng đồng (GOI, 1966, p. 497-8).

Trang 7

Báo cáo của Ủy ban quốc tế về giáo dục trong thế kỷ 21 của UNESCO, tiêu đề “Học tập: Kho báu bên trong” (thường được biết đến dưới tên Ủy ban Delors) nhấn mạnh bốn trụ cột của giáo dục: học để biết, học để làm, học để chung sống, và học để làm người[3]. Giáo dục đại học cần truyển tải bốn điều này tới mỗi cá nhân và xã hội. Bản báo cáo cũng nhấn mạnh những chức năng cụ thể của giáo dục đại học:

·        - Chuẩn bị cho sinh viên tham gia vào các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy;
·        - Cung cấp các khoá đào tạo chuyên sâu để đáp ứng các nhu cầu kinh tế xã hội;
·       -  Mở rộng cơ hội giáo dục cho tất cả mọi người, đáp ứng các khía cạnh khác nhau của việc giáo dục suốt đời trong ý nghĩa bao quát nhất của nó;  và
·      -  Thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua việc quốc tế hóa các hoạt động nghiên cứu, công nghệ, tạo mạng lưới liên kết, và tạo điều kiện cho sự luân chuyển tự do của những ý tưởng khoa học cũng như của chính các nhà nghiên cứu (UNESCO, 1966).



[1] QA in HE: an intro; NAAC and COL 2007; trang 5-7; Minh Anh dịch; PA hiệu đính

[2] “Chúng ta” ở đây được hiểu là nước Ấn Độ

No comments:

Post a Comment