Saturday, December 10, 2011

Ngân hàng câu hỏi (4): Thiết kế xây dựng ngân hàng câu hỏi

Một ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm không giống với một nhà kho nơi ta có thể đem đồ đạc vào chất cho đến khi đầy, mà tương tự với một siêu thị nơi hàng hóa được trưng bày theo những nguyên tắc phù hợp để phục vụ cho các đối tượng có liên quan, tức khách hàng và các nhân viên phục vụ và quản lý siêu thị. Vì vậy, việc xây dựng một ngân hàng câu hỏi đòi hỏi phải có một thiết kế kỹ lưỡng để thuận lợi cho việc vận hành về sau.

Theo Millman and Arter (1984, trích lại theo Cohen-Swerdlik 2009, Chap 8*), việc thiết kế một ngân hàng câu hỏi đòi hỏi phải xác định đầy đủ thông tin về những vấn đề sau:

1. Những thông tin liên quan đến câu hỏi
1.1. Thu thập/ phát triển câu hỏi

- Nguồn gốc của các câu hỏi (viết mới hay sử dụng những câu hỏi có sẵn từ nơi khác)
- Loại câu hỏi (những hình thức nào được chấp nhận, câu hỏi đã được định cỡ - calibrated – hay chưa, những thông số kỹ thuật sẽ cần cho từng câu hỏi)
- Kích thước của ngân hàng (tổng số lượng câu, số câu của mỗi loại)
- Việc thử nghiệm câu hỏi (câu hỏi sẽ được thử nghiệm ra sao, tỷ lệ số câu được thử nghiệm, mẫu thí sinh để thực hiện thử nghiệm vv)

1.2. Phân loại câu hỏi
- Cấu trúc hệ thống phân loại (nội dung, mục tiêu, các thông tin khác)
- Những thông số kỹ thuật của từng câu hỏi

1.3. Quản lý ngân hàng câu hỏi
- Phân quyền sử dụng ngân hàng (ai được quyền thêm, xóa, sửa câu hỏi; ai được quyền sử dụng câu hỏi hoặc bài kiểm tra)
- Cập nhật ngân hàng câu hỏi khi có thay đổi
- Xác định và loại trừ những câu trùng lặp
- Tần suất cập nhật các siêu dữ liệu (sau mỗi lần sử dụng hay định kỳ cập nhật)
- Quản lý những câu hỏi ở các định dạng khác ngoài định dạng văn bản (ví dụ: hình ảnh, âm thanh)
- Quản lý nhóm các câu hỏi trong cùng một tập hợp (ví dụ, một đoạn văn bản kèm theo những câu hỏi đọc hiểu dựa trên trích đoạn đó)

2. Những thông tin liên quan đến đề thi
2.1. Tạo đề thi

- Tạo đề tự động hay tạo đề bằng tay
- Các quy luật chọn câu hỏi nếu tạo đề tự động (tần suất sử dụng lại các câu hỏi đã sử dụng, chọn ngẫu nhiên hoàn toàn)
- Quy luật lựa chọn thay thế nếu không có câu hỏi nào đáp ứng những yêu cầu được đưa ra
- Quyền được từ chối những câu hỏi đã chọn tự động
- Quy luật nhận diện những thí sinh đã thi nhiều hơn một lần để tránh gặp lại những câu hỏi cũ
- Những ràng buộc dựa trên thông số kỹ thuật khi lựa chọn câu trắc nghiệm (ví dụ, độ khó, độ phân cách, độ tin cậy, phân phối điểm số)
- Quy luật sắp xếp câu hỏi trong bài thi (hoàn toàn ngẫu nhiên, sắp xếp theo nhóm, theo thứ tự của các thông số kỹ thuật như độ khó, vv)
- Xuất đề thi (in đề thi ra giấy, tạo đề thi trên máy tính, vv)

2.2. Những thông tin liên quan đến việc tổ chức thi, chấm điểm và báo điểm
- Khả năng tổ chức thi trực tuyến (quyền tiếp cận, khả năng tương tác, nguyên tắc tương tác)
- Khả năng chấm khách quan bằng máy (công thức tính điểm, sử dụng điểm trừ, phạt khi đoán sai, cho điểm khi đúng một phần, vv)
- Chấm điểm câu trắc nghiệm tự luận (chấm bằng máy hay do người chấm, thang thứ tự sử dụng để chấm điểm)
- Khả năng báo điểm (đơn vị lưu giữ: điểm từng câu, từng phần hay cả bài; điểm của từng thí sinh, toàn bộ thí sinh trong một đợt thi; thời gian lưu giữ điểm thi)
- Nội dung và định dạng phiếu báo điểm; nơi nhận điểm (thí sinh, nhà trường, hay cả hai)

2.3. Những thông tin liên quan đến dữ liệu ứng đáp sau thi
- Những thông số nào cần thu thập (độ khó, độ phân cách, quy tắc lưu trữ các thông số đã thu thập được)
- Nhóm chuẩn (có sử dụng nhóm chuẩn hay không, nếu có thì sử dụng những thông số nào)

Tất cả những thông tin thiết kế nêu trên (chỉ liên quan đến phần mềm, chưa tính đến cấu hình phần cứng của máy tính) cần phải được xác định chính xác để có thể phát triển (hoặc thu thập) những câu hỏi trong ngân hàng cũng như xây dựng phần mềm phục vụ việc quản lý ngân hàng câu hỏi.
---------
* Psychological testing and assessment: An introduction to tests and measurement (7th ed), McGraw-Hill 2009.

No comments:

Post a Comment