Monday, February 1, 2010

Bài đáng đọc: "Thể chế: Gông cùm và tài sản"

Bài đó ở trên trang TuanVN, ở đây.

Dưới đây là những chỗ mà theo tôi là thực sự đáng đọc và suy ngẫm. Các tựa nhỏ trong bài này do tôi đặt, dựa trên ý chính của bài viết.


Thể chế là luật chơi
Theo cách định nghĩa của Ngân hàng Thế giới thì thể chế không phải là một [...] tổ chức mà chính là các quy định theo đó các cá nhân, công ty và nhà nước tác động lẫn nhau. Nói một cách nôm na thì đó là luật chơi giữa 3 nhóm chủ thể. Trong hoạt động kinh tế, xã hội loài người đã sản sinh ra và cũng đã thải loại đi nhiều luật chơi - có thứ luật chơi khuyến khích tối đa thị trường, nơi liên kết những cá nhân tự do hành động vì tư lợi của mình và cũng tồn tại những luật chơi có mục đích hạn chế, kìm hãm thậm chí không chấp nhận mọi hoạt động có động cơ cá thể


Phần viết nêu trên rất quan trọng đối với những người sử dụng tiếng Anh như một ngoại ngữ. Trong tiếng Anh, từ institution có khi được dịch là tổ chức (như higher education institution = các tổ chức, tức các cơ sở đào tạo, giáo dục đại học, nói nôm na là các trường đại học), có khi được dịch là thể chế (institutional reform = cải cách thể chế, tức cải cách phương thức quản trị của nhà trường).

Hai từ này thật ra có liên quan khá chặt chẽ với nhau. Khi tham gia vào một tổ chức (có cơ cấu, có nơi tọa lạc, có những con người làm việc trong đó), thì cũng có nghĩa là bạn được áp dụng và cần phải tuân thủ các luật chơi ở trong tổ chức đó.


[...] [Y]ếu tố quyết định đối với khả năng tạo ra những đổi mới cơ bản của một nền kinh tế [...] nằm trong môi trường thể chế của nó và [...]thể chế được nhìn nhận như là yếu tố chính quyết định sự phát triển lâu dài của một quốc gia.


Bài viết này đang nêu vấn đề vĩ mô của cả một đất nước, nhưng cũng đúng khi áp dụng ở mức vi mô hơn, trong phạm vi của một doanh nghiệp, một tổ chức phi chính phủ, hay một trường đại học, chẳng hạn.

Luật chơi tốt chưa đủ, cần có môi trường phù hợp

[C]ó một đặc điểm mà các nước đi sau trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần lưu ý đó là ở tất cả các nền kinh tế tiên tiến các thể chế hiệu năng cao (hay "luật chơi" hấp dẫn, công bằng cho mọi người tham gia) đều [...] nhờ có một xã hội mà ở đó pháp luật là thượng tôn, thị trường là phương tiện và người dân có tiếng nói trước những vấn đề quốc kế, dân sinh.


Nói cách khác, cần (1) môi trường pháp lý tốt; (2) môi trường cạnh tranh lành mạnh; và (3) môi trường tự do, dân chủ, tôn trọng ý kiến và sáng kiến cá nhân.

Bài học rút ra cho một đơn vị nhỏ như Trung tâm của tôi: mọi việc cần có luật lệ minh bạch và được thực thi, mọi người được trả công theo đúng mức tài năng và hiệu quả đóng góp của mình đối với đơn vị, và phát huy quyền dân chủ mà đặc biệt là quyền có ý kiến của mọi người.

Nói thì dễ, làm thì khó?

2 comments: