Entry này là bản gốc của một bài tôi đã viết cho báo Pháp Luật TP nhân dịp Quốc hội họp và bàn về những vấn đề của giáo dục đại học. Bài viết đã được đăng báo sáng nay, tại đây dưới tựa đề "Nên kiểm định độc lập các trường đại học". Bài đã được rút gọn khá nhiều, trong đó có một số chi tiết mà tôi nghĩ là có thể được xem xét thêm nếu có điều kiện. Vì vậy, xin gửi lên đây để chia sẻ với các bạn để mong nhận được các ý kiến trao đổi.
---
Chất lượng giáo dục đại học Việt Nam chưa cao, điều này có lẽ cho đến nay không còn ai thắc mắc. Nhưng nguyên nhân là do đâu, thì dường như mỗi người lại có một ý kiến khác nhau. Khá nhiều người cho rằng nguyên nhân chủ yếu của việc chất lượng giảm sút là do lâu nay ta đã cấp phép mở trường quá dễ dãi, thiếu những quy định chặt chẽ. Một số người khác thì cho rằng nguyên nhân chính là do việc xét duyệt hồ sơ mở trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ yếu là xem xét trên hồ sơ chứ không kiểm tra thực tế. Đó là lý do tại sao lại có tình trạng hồ sơ một đàng, thực tế một nẻo ở trường Đại học Phan Thiết mà báo chí đã nêu lâu nay.
Nếu những lập luận nêu trên là chính xác thì để cải thiện tình trạng hiện nay, chỉ cần xem xét quy định mở trường hiện hành đã đủ chặt chẽ chưa, đồng thời đưa thêm yêu cầu bắt buộc là phải kiểm tra thực tế trước khi cấp phép. Bài viết này đưa ra một số nhận xét về quy định hiện hành cùng một vài đề xuất cải thiện chất lượng đại học Việt Nam hiện nay, nhằm đóng góp cho Quốc hội nhân kỳ họp thứ 7 của Quốc hội Khóa 12 đang diễn ra hiện nay.
Luận điểm chính của tôi là các quy định hiện hành về thành lập trường đại học rất chặt về thủ tục và hồ sơ ban đầu, nhưng lại rất lỏng về trách nhiệm và sự giám sát trong quá trình hoạt động. Những nhận định của tôi chủ yếu dựa trên việc xem xét quy định thành lập trường đại học theo Quyết định số 07/2009/QĐ-TTg ngày 15/1/2009.
Tóm tắt Quyết định 07
Quyết định 07 của Thủ tướng bao gồm 11 điều, trong đó có 3 điều quy định chung (Điều 1: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, Điều 10 và 11: Thời hạn hiệu lực và trách nhiệm thi hành) và 8 quy định cụ thể như sau:
• Điều kiện thành lập (điều 2);
• Quy trình, thủ tục thành lập (điều 3);
• Thu hồi chủ trương thành lập và giải thể trường (điều 4);
• Cho phép mở ngành đào tạo và tuyển sinh (điều 5);
• Sáp nhập, chia, tách trường đại học (điều 6);
• Đình chỉ hoạt động của trường đại học (điều 7);
• Giải thể trường đại học (điều 8); và
• Trách nhiệm của các cơ quan (điều 9).
Khi đọc nội dung cụ thể của từng điều trong quy định thì điều đầu tiên đập vào mắt tôi là văn bản trên quá nặng về hướng dẫn thủ tục, vì chỉ riêng điều 3 nói về quy trình và thủ tục đã chiếm đến 4 trang trong tổng số hơn 9 trang của văn bản. Ngoài ra, có thể nói các quy định hiện nay vừa chặt vừa lỏng, và có một vài điểm thiếu hợp lý. Xin phân tích dưới đây:
Thủ tục và hồ sơ cấp phép khá chặt chẽ nhưng cần kiểm tra thực tế
1. Các điều kiện thành lập được quy định trong Điều 2 gồm 6 điểm: phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường đại học đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; có Dự án thành lập trường (nêu cụ thể trong điều 3); được Ủy ban nhân dân Tỉnh hoặc Thành phố thuộc trung ương chấp thuận; có đủ số lượng giảng viên và nhà quản lý; có đất để xây dựng trường (tối thiểu 5 hectare) và cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động; có vốn hoạt động (tối thiểu 50 tỷ, không kể giá trị đất đai).
Trong 6 điều kiện này, có 2 quy định cứng về các điều kiện tối thiểu và có thể kiểm tra ngay trước khi cấp giấy phép thành lập trường: điều kiện về đất và vốn hoạt động. Những điều kiện còn lại là các thủ tục hành chính, phục vụ cho việc quản lý của nhà nước.
Như vậy, để đảm bảo chất lượng của các trường đại học sau khi được cấp giấy phép thành lập thì không những thủ tục cấp giấy phép phải chặt chẽ và được thực hiện nghiêm túc (Điều 3), mà những quy định về trách nhiệm của các bên có liên quan và các biện pháp chế tài về những vi phạm xảy ra sau khi cấp giấy phép (Điều 4 và Điều 7) cũng cần được nêu rõ ràng và chặt chẽ một cách tương xứng. Làm như thế, mới có thể giúp ngăn ngừa sự ra đời và tồn tại của những trường đại học kém chất lượng. Tuy nhiên, quy định hiện nay chưa làm được điều này.
2. Quy trình và thủ tục thành lập trường (Điều 3) rất chặt chẽ chi li, gồm 2 bước: bước 1 phê duyệt chủ trương đầu tư và bước 2 ra quyết thành lập trường, mỗi bước đều phải có sự phê duyệt cuối cùng của Thủ tướng. Quá trình thực hiện khá chặt chẽ với nhiều hồ sơ có sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền, từ Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc thành phố thuộc trung ương nơi ngôi trường tọa lạc, Bộ Giáo dục và Đào tạo (vai trò chính yếu), các Bộ, ngành có liên quan.
Khi chủ trương thành lập trường đã được phê duyệt nếu sau 3 năm trường không triển khai được dự án thì chủ trương sẽ bị thu hồi. Cũng vậy, khi quyết định thành lập trường được ký mà sau 2 năm vẫn không chuẩn bị được đủ điều kiện để hoạt động thì trường sẽ bị giải thể (Điều 4).
Như vậy, có thể tạm yên tâm là ở khâu đầu tiên này đã có sự kiểm soát rất chặt chẽ. Sự lỏng lẻo, sơ hở nếu có chỉ có thể ở khâu thường xuyên giám sát, đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động của các trường, và thực hiện những biện pháp chế tài khi cần thiết, chứ không phải ở khâu cấp phép, nếu mọi bước trong khâu này đều được thực hiện tốt và làm thật.
Sự giám sát và chế tài chưa được quy định rõ ràng, hợp lý
3. Sự giám sát chất lượng đối với một trường được bắt đầu ngay sau khi trường được thành lập và là trách nhiệm của Bộ Giáo dục. Trong văn bản được nêu ở đây, sau khi có giấy phép thành lập, để có thể mở ngành đào tạo và tuyển sinh phải được sự đồng ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo với những điều kiện rất cụ thể về số lượng giảng viên, diện tích phòng học, giáo trình, trang thiết bị vv (Điều 5).
Một câu hỏi đặt ra ở đây văn bản này không nêu rõ loại trường nào cần được kiểm tra: chỉ những trường mới thành lập sau Quyết định này (năm 2009), hay tất cả mọi trường đã thành lập, hay chỉ là trường tư, hoặc chỉ là trường công?
Nếu là tất cả các trường (điều nên làm, trong điều kiện chất lượng đào tạo đang bị xã hội kêu ca như hiện nay) thì không hiểu làm sao Bộ có thể kiểm tra xuể khi số trường đại học và cao đẳng của Việt Nam hiện đã hơn 400 trường. Nếu mỗi năm kiểm tra 20% số trường (tức 5 năm kiểm tra lại một lần) thì cần kiểm tra trên 6 trường/tháng, nếu mỗi đoàn kiểm tra làm việc 4 ngày (1 ngày đọc hồ sơ trước khi đến trường, 1 đi lại, 2 ngày kiểm tra thực địa, họp hành, hội ý) thì quanh năm suốt tháng chỉ đi kiểm tra thôi mà không làm việc gì khác cũng không có đủ thời gian.
Còn nếu chỉ kiểm tra những trường mới thành lập sau năm 2009, thì điều này có nghĩa là những trường kém chất lượng nhưng đã “lỡ” thành lập thì vẫn được tiếp tục hoạt động?
4. Sự chế tài của nhà nước đối với những vi phạm của trường đại học được quy định ở Điều 7 (đình chỉ hoạt động) và Điều 8 (giải thể). Tuy nhiên, hai điều này được quy định khá sơ sài và có những chỗ bất hợp lý:
a. Việc trình Thủ tướng đình chỉ hoạt động của trường là trách nhiệm của Bộ Giáo dục. Tuy nhiên, như đã nêu ở mục 3, Bộ sẽ không thể nào có đủ thời gian để kiểm tra thực tế.
b. Nếu không bám sát thực tế, không ra quyết định đình chỉ hoạt động, thì không thể giải thể các trường vì lý do vi phạm mà không khắc phục được hậu quả (Điều 8, Khoản 1, Mục b)
c. Một số điểm khác trong quy định về giải thể chưa rõ ràng hoặc chưa hợp lý:
i. “Mục tiêu và nội dung hoạt động của trường đại học không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”; (Điều 8, Khoản 1, Mục c). Rất mơ hồ: Phù hợp với yêu cầu phát triển là gì, và không rõ ai có thẩm quyền và năng lực xác định sự phù hợp này?
ii. “Do yêu cầu sắp xếp lại mạng lưới cho phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế” (Điều 8, Khoản 1, Mục c). Vừa mơ hồ, tương tự như trên, vừa không hợp lý, thậm chí bất công đối với trường tư, vì theo quy định trường đã phải thành lập theo đúng quy hoạch của mạng lưới. Nếu thực tế thay đổi thì trước hết điều này phản ánh tầm nhìn hạn hẹp của những người chứ không phải lỗi của trường, sao lại buộc trường giải thể?
Từ những phân tích nêu trên, tôi cho rằng điều quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam không phải là có thêm quy định, mà là đổi mới tư duy quản lý giáo dục của Bộ Giáo dục, chuyển từ quan điểm chỉ chú trọng quản lý chặt đầu vào và nhấn mạnh thủ tục, hồ sơ, sang quan điểm thường xuyên kiểm tra thực tế, giám sát và đánh giá khách quan, điều chỉnh kịp thời, và chế tài nghiêm khắc khi cần thiết.
Tất nhiên, nếu vẫn hoạt động như hiện nay thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không thể nào làm xuể, và mọi việc vẫn như cũ. Giải pháp cho điều này thật ra đã có, thậm chí cũng đã được đưa vào Luật Giáo dục và được Quốc hội thảo luận nhiều lần, đó là tăng cường công tác kiểm định và thành lập các tổ chức kiểm định độc lập để thực hiện việc thường xuyên rà soát, đánh giá và công nhận theo các chuẩn chất lượng. Vấn đề hiện nay là làm thế nào để thực sự đẩy mạnh công tác kiểm định, đó chính là điều mà công chúng đang mong đợi các đại biểu Quốc hội bàn bạc và tìm ra giải pháp trong kỳ họp Quốc hội này.
Wednesday, June 9, 2010
Chất lượng đại học thấp, phải chăng chỉ vì mở trường dễ dãi?
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Chắc là cô đã thất vọng vào những gì đã bàn ở ký hợp này rồi? Vì qua báo lề phải thì tôi cũng thấy các vị ấy cũng lay hoay với mấy cái thủ tục kia hay là chỉ tập trung trí tuệ vào việc ủng làm đường sắt cáo tốc vì có IQ cao?
ReplyDeleteThú thật lúc trước tôi cũng mong mõi và trong chờ vào các vị ấy những sau đó chợt nhận ra là các vị ấy cũng chỉ nói có vui thôi chứ không thể làm đựợc gì.
Thật ra điểm b) và c) nó đúng làm mơ hồ đấy nhưng nó sẽ vô cùng "hữu ích" cho nhà quản lí đấy cô ơi.
Rõ ràng với các qui định như xưa giờ là nó không có work. Tôi nghĩ ngòai việc thực hiện kiểm định độc lập như cô đề nghị thì cần còn có giai trò giám xác nội bộ = hội đồng trường thực sự chứ đừng như hiện nay và báo chí nữa.
Nhưng mà chắc là khó rồi! Nên chờ tới lần sửa đổi hiến pháp sắp tới chăng vì bây giờ báo chỉ, hiệu trưởng điều bị/được chỉ đạo, lảnh đạo tòan dịện rồi thì làm được gì ngòai vâng vâng, dạ dạ!?
Chào chị Phương Anh,
ReplyDeleteMình là một đồng nghiệp và hiện cũng đang là một faculty của trường ĐH Hoasen.
Về chất lượng giáo dục VN tệ thì theo mình chúng ta cần tìm cái nguyên nhân gốc trước, vì từ cái gốc đó nó sẽ cho ra rất nhiều thân lá cành khác ngày càng nhiều, mà để giải quyết mớ lộn xộn đó sẽ tốn rất nhiều công sức mà nhiều khi lại chẳng đi đến đâu.
Trích lại ý của chị: "chuyển từ quan điểm chỉ chú trọng quản lý chặt đầu vào và nhấn mạnh thủ tục, hồ sơ, sang quan điểm thường xuyên kiểm tra thực tế, giám sát và đánh giá khách quan, điều chỉnh kịp thời, và chế tài"...
Theo tôi trước khi thực hiện theo quan điểm như chị đã trình bày thì bộ GDĐT nên xác định lại mục tiêu tối hậu nhất của giáo dục, đó là đào tạo ra những con người tri thức có trí suy xét, có thể tự chủ & tự lập trước đã, sau đó mới tính đến chuyện khác như phục vụ gia đình, quốc gia... và nền móng tri thức cần phải đặt trên sự tôn trọng nhân văn con người & nêu cao tính cá nhân. Chứ không phải là cái kiểu tư duy hy sinh cá nhân phục vụ cho tập thể của kiểu thời chiến đã qua rồi 35 năm nay...
Muốn được vậy thì người nào có khả năng làm tốt nhất chuyện này thì đưa lên làm. Như vậy tự khắc nó sẽ thay đổi mọi thứ từ trên xuống dưới...
Trong thời hòa bình hiện nay mà tư duy giáo dục vẫn còn phục vụ cho mục đích chính trị như kiểu thời chiến thì đành pó tay, nền giáo dục VN sẽ muôn đời không thể ngóc đầu lên nổi cho dù có mời bao nhiêu ông giỏi ở nước ngòai về dạy đi nữa... híc
Hi TTĐ và Minh Đức,
ReplyDeleteCám ơn các comments của 2 bạn, và xin lỗi không phản hồi sớm hơn. Tôi bận quá, mới đi công tác ở Hà Nội về, và họp hành liên miên nên có thời gian đọc và trả lời các bạn.
TTĐ,
Về vai trò của quốc hội, tôi cũng không ảo tưởng gì đâu. Nhưng dù sao thì cũng phải lên tiếng phải không, biết rằng có lẽ sẽ chẳng có ai nghe. Bởi vì ý thức xã hội thì cũng phải xây dựng dần dần.
Tôi cũng rất đồng ý với nhận định của bạn về việc sự mơ hồ có thể có dụng ý vì nó có ích cho những nhà quản lý. Nhưng nếu chúng ta không chỉ ra thì có lẽ có nhiều người thậm chí cũng không hiểu là vấn đề hiện nay đang nằm ở đâu, thật vậy!
Minh Đức,
Rất vui được làm quen với bạn, một đồng nghiệp trẻ. Tôi hơn bạn rất nhiều tuổi đấy, vì tôi tốt nghiệp từ năm 1983 lận (hệ 5 năm, để giữ lại trường dạy, đa số bạn bè tôi thì tốt nghiệp năm 1982 vì hệ 4 năm; bọn tôi vào trường năm 1978 mà).
Tôi rất đồng ý với bạn ở điểm này:
Theo tôi trước khi thực hiện theo quan điểm như chị đã trình bày thì bộ GDĐT nên xác định lại mục tiêu tối hậu nhất của giáo dục, đó là đào tạo ra những con người tri thức có trí suy xét, có thể tự chủ & tự lập trước đã, sau đó mới tính đến chuyện khác như phục vụ gia đình, quốc gia... và nền móng tri thức cần phải đặt trên sự tôn trọng nhân văn con người & nêu cao tính cá nhân.
Nhưng triết lý giáo dục hình như lại phụ thuộc vào hình thái, thể chế xã hội phải không bạn? Mà đến chỗ này thì hình như chúng ta bó tay rồi! Nên tôi nghĩ, chỗ nào mình đóng góp được thì cứ đóng góp, và chỗ nào mình làm được gì thì cứ làm thôi, bạn nhỉ?
Mong nhận được thêm nhiều ý kiến của bạn về những vấn đề giáo dục VN.
PA
PA