Entry này là một phần của bài PV với báo Tuổi trẻ mà tôi đã đưa lên blog này hôm qua, nhưng đã bị cắt đi vì bài đã quá dài. Vấn đề công bằng trong giáo dục là một vấn đề rất lớn, và được tất cả mọi quốc gia xem là vấn đề quan trọng. Nhưng công bằng là gì, và làm như thế nào để có được sự công bằng đó thì không phải là mọi người đều đồng ý với nhau.
Ở VN, hình như hiện nay có một niềm tin là sự công bằng trong giáo dục đồng nghĩa với sự giống nhau tuyệt đối, đặc biệt là trong khâu tuyển chọn (vd: tuyển sinh). Nói cách khác, sự công bằng trong giáo dục có thể đạt được thông qua, và chỉ thông qua, thi cử. Đó là lý do tại sao nhà nước cảm thấy cần phải nắm chắc các kỳ thi quan trọng (cả 2 kỳ thi TNPT và tuyển sinh đại học), có lẽ là để đảm bảo tính công bằng chăng? Đất nước xã hội chủ nghĩa mà?
Nhưng tôi, thì tôi không nghĩ thế. Vấn đề phức tạp hơn thế nhiều, và không thể đạt được sự công bằng chỉ thông qua các kỳ thi. Thậm chí, thi quá nhiều mà không có năng lực hoặc thời gian để tổ chức, quản lý, và giám sát các kỳ thi cho thực sự nghiêm túc, thì đó chính là lỗ hổng dẫn đến tiêu cực. Cái này giống hệt như thời "ngăn sông cấm chợ": càng cấm, càng cản thì càng có buôn lậu, chợ trời. Vì có nhu cầu thực, mà cấm, thì người ta phải tìm cách "sửa luật" theo cách riêng của từng người, tức là ... mua bằng, bán điểm, hoặc học thêm, học trước, mua đề, đi chùa thầy vv. Và quan điểm của tôi là đôi khi ta phải chấp nhận sự không bình đẳng, nếu chưa có cách nào làm cho nó tốt hơn.
Xin mọi người đọc phần trả lời bên dưới của tôi và chúng ta cùng trao đổi nhé!
---
PV: Trong trường hợp Bộ GD-ĐT vẫn quyết làm “hai trong một”, theo bà, làm thế nào để có một kỳ thi quốc gia nghiêm túc, công bằng và chính xác?
Sự công bằng chỉ có thể mang tính tương đối vì đó không chỉ là vấn đề giáo dục mà còn là vấn đề xã hội. Khi ra đề thi cho các kỳ thi quốc gia, thông thường những giáo viên giỏi ở các thành phố lớn sẽ được chọn. Nhưng những giáo viên này thường ra đề trên cơ sở chất lượng của các học sinh của các thành phố lớn, như vậy dù cùng một đề thi nhưng rõ ràng đã có sự bất công đối với những địa phương có điều kiện khó khăn hơn. Do đó rất khó để có thể có sự công bằng tuyệt đối, và phải chấp nhận điều này.
Còn việc chính xác thì cần được quan tâm thích đáng bằng cách đưa những người có chuyên môn để làm công tác ra đề thi, hậu kiểm, phân tích số liệu, tham mưu chính sách... Trong tình hình hiện nay, tôi ủng hộ việc có các tổ chức khảo thí công lập nhưng độc lập với Bộ GD-ĐT để có được tiếng nói và vai trò nhiều hơn. Tất nhiên đơn vị này cũng cần phải được giám sát rất kỹ để đảm bảo hoạt động hiệu quả và chính xác.
Tôi nghĩ, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải tin và giao quyền nhiều hơn cho địa phương và cho xã hội. Chúng ta có thể xem xét và chuẩn hóa qui trình của kỳ thi tốt nghiệp THPT dựa trên kinh nghiệm của những địa phương đã thực hiện tốt nhất, tạo ra những quy định chặt chẽ rồi chuyển cho các địa phương để họ thực hiện. Cơ quan quản lý sau đó sẽ thực hiện việc hậu kiểm nghiêm túc. Kết quả tốt nghiệp THPT mà tăng hay giảm đột biến thì đều là điều bất thường, khó có thể xem là phản ánh chính xác chất lượng giáo dục thực tế.
Tuesday, June 29, 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment