Saturday, June 26, 2010

Nói chuyện tiếng Anh (1)

Một người bạn lâu ngày mới gặp tôi, sau lời chào "Lâu quá không gặp!" là lời trách móc: "Sao lúc này bỏ nghề tiếng Anh luôn rồi, uổng dzậy?"

Ừ, uổng thiệt chớ, nhưng biết sao giờ? Một ngày người ta chỉ có 24 tiếng, mà tôi lỡ bị chuyển sang làm cái nghề lắm vấn đề (đặc biệt là ở VN) là nghề liên quan đến chất lượng giáo dục đại học, nên hàng ngày làm việc đó cho tốt cũng đủ hết giờ rồi, lấy thời gian đâu mà làm tiếng Anh nữa.

Nhưng ... có lẽ lâu lâu cũng phải quay về nghề cũ chút, đúng không? Vì VN đang hội nhập, nên rất cần ngoại ngữ, mà ngoại ngữ bây giờ gần như đồng nghĩa với tiếng Anh. Giống như cách đây 1 thế kỷ, đầu thế kỷ trước, chắc ngoại ngữ đối với người Việt chỉ có thể là tiếng Pháp (trước đó nữa thì là tiếng Tàu, ai cũng biết rồi).

Mà trình độ tiếng Anh trong nước thì còn lôm côm quá, bất chấp các quy định rất khắt khe các kiểu của nhà nước ta. Ví dụ, quy định về năng lực ngoại ngữ cho các GS, PGS của VN mà tôi đã liều mình như chẳng có, trả lời đại cho PV của báo Thanh Niên, để được đưa lên trên báo Thanh Niên hôm nay, ở đây (bên dưới phần phỏng vấn nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Bành Tiến Long).

Vậy nên phải viết một chút về tiếng Anh, gọi là ... có đóng góp cho trình độ ngoại ngữ của nước nhà. Nhưng hôm nay, tôi chỉ làm đúng một việc thôi, đó là giới thiệu trang web thú vị về tiếng Anh của Singapore, "English as it is broken" (xin dịch vui thành Tiếng Anh trong quá trình "bồi" hóa), tại đây. Đây là trang web nhằm nhặt ra những hạt sạn trong việc sử dụng tiếng Anh tại Singapore, một quốc gia châu Á nơi tiếng Anh không phải là bản ngữ nhưng lại có địa vị là ngôn ngữ thứ nhất (KHÔNG PHẢI ngôn ngữ thứ hai như Mã Lai, Philippines).

Một chính sách ngôn ngữ rất mạnh dạn và theo đánh giá của giới nghiên cứu chính sách ngôn ngữ (language policy) thì chính là một động lực thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của Singapore hiện nay so với các nước khác trong khu vực.

Nói thêm: Vì không phải là quốc gia nơi tiếng Anh là bản ngữ, nên rõ ràng là thứ tiếng Anh sử dụng tại Singapore sẽ là một thứ tiếng "broken", bồi, mà người ta gọi là Singlish. Nên phải có người nhặt sạn, là thế.

Xin giới thiệu để mọi người đọc, enjoy and learn at the same time. Và nếu không hiểu gì xin hỏi nhé, tôi biết gì sẽ sẵn sàng trả lời. Chia sẻ là một nhu cầu của con người mà, có phải không?

8 comments:

  1. English as it is broken từng là một mục trên tờ the Straits Times, tờ báo lớn nhất ở Singapore. Hiện các bài trong mục đó đã được tổng hợp lại thành một cuốn sách. Hồi xưa em có save lại mấy bài đó, nhưng giờ không biết để đâu. Nếu cô muốn hôm nào em sẽ tập hợp lại thành 1 file rồi gửi cho cô.

    Thật ra mục này cũng chỉ là một phần trong chiến dịch Speak Good English (http://www.goodenglish.org.sg/). Đây cũng là một chiến dịch đã gây nhiều tranh cãi, một phần vì người ta thường nhầm giữa "Singlish" và "good English spoken with a Singaporean accent" (cái thứ hai vẫn được chấp nhận, thậm chí khuyến khích), một phần vì với nhiều người Singlish là "đặc sản" của nước này và giúp người bản xứ cảm thấy "a sense of identity" khi dùng nó (nói cách khác, những người này quan niệm dân Sin dùng Singlish khi nói chuyện với nhau cũng không sao, miễn là họ có thể codeswitch và sử dụng tiếng Anh chuẩn khi giao tiếp với người từ nước khác - dĩ nhiên những người phản đối thì cho rằng chuyện codeswitch đó rất khó).

    Có một trang web do một số người bảo vệ Singlish lập ra, trong đó có cả từ điển Singlish: http://talkingcock.com/. Đáng chú ý là, chủ trang web hình như là luật sư, cũng từng làm phim, nói cách khác là hoàn toàn có khả năng sử dụng tiếng Anh chuẩn nếu muốn!

    Vài dòng linh tinh.

    SGK

    ReplyDelete
  2. Singapore nó phát triển vượt bậc không phải vì chính sách ngôn ngữ mà vì nó có một minh quân. Ngoài ra, diện tìch nó nhỏ, người nó không đông cũng là một ưu thế lớn. Nhưng yếu tố quan trọng nhất là Singapore và các nước như Thái, Mã đã biết lợi dụng cuộc nội chiến của Việt Nam để làm nền cho sự giàu có hôm nay.

    Một dân tộc muốn phát triển vượt bậc điều kiện cần tiên quyết là phải có những nhà tư tưởng hoạch định chiến lược phát triển. Điều kiện đủ tiên quyết là phải có minh quân. Hãy cứ nhìn người Nhật thì sẽ rõ.

    ReplyDelete
  3. Dear Dr. Vu~,

    Mot de tai HAY. Lau nay, toi cung ap u dinh viet 1 bai giai thich nhuoc diem cua chuong trinh giang day MBA o VN (ke ca chuong trinh lien ket va cua VN) va neu duoc mo rong ra 1 quan diem cua toi la: RAT KHO de cac nuoc KO su dung tieng Anh la ngon ngu thu 1 (hoac it 1 la thu 2) phat trien va canh tranh BINH DANG voi nhung nuoc noi tieng Anh chinh thong.

    Tuy nhien, toi ngo'\ ngo'. la da co 1 nghien cuu dau do ve van de nay. Cho nen, neu chi ly luan theo hieu biet va kinh nghiem (ko co literature review nghiem chinh) thi so KO DU la vi vay.

    Mo rong ra, toi cung cho la su dung tieng Anh cung co anh huong den NGHIEN CUU, va ket qua keo theo la anh huong den ban xep hang cac truong DH tren the gioi. Noi ngan gon cho de hieu, toi cho rang, cac truong DH Trung Quoc, Nam TT, Nhat Ban (toi co doc so qua cac bai viet cua ba ve GD DH TQ) co the vuon len DUNG MANH canh tranh ngang ngua voi top 50 cua US hoac top truong hang dau 12 cua UK o nhung nganh khoa hoc ky thuat va tu nhien NHUNG de co cung 'dang cap' o nhung nganh khoa hoc xa hoi thi la 1 DAU HOI LON va chac la duong con XA lam...

    Imperial_Guy

    ReplyDelete
  4. Chào mọi người,
    Mấy bữa nay bận quá nên không đọc comments, nay đọc mới thấy. Sorry nhiều!

    SGK:
    Cám ơn cái comment dài của em. Cô nghĩ, vấn đề tiếng Anh ở Singapore, cả về sử dụng thực tế lẫn vấn đề chính sách, đều có cái gì đó để VN học được, phải không em? Thanks for sharing.

    Bác Hải:
    Bác nói thì đương nhiên là có lý rồi, tôi chắc chắn không thể cãi được gì. Nhưng việc bác nói nó vĩ mô quá, nên quá tầm quan tâm của tôi. Tôi chỉ quan tâm đến vấn đề nhỏ nhỏ hơn thôi, đó là ngôn ngữ. Mà suy cho cùng thì một lãnh tụ vĩ đại sẽ có những chính sách vĩ đại cho sự phát triển của đất nước mình, kể cả chính sách ngôn ngữ phải không bác?

    Imperial Guy:
    Cám ơn sự trở lại của bạn :-). You're always welcome here!

    Đọc comment của bạn, tôi cảm thấy motivated again để viết về vấn đề chính sách ngôn ngữ của Singapore và bài học cho VN. Trước đây khi còn ở khoa Anh, đó chính là vấn đề tôi đeo đuổi để nghiên cứu. Nhưng đã xa rời lãnh vực này khá lâu rồi, nay muốn viết phải cập nhật lại. Thanks for motivating me!

    PA

    ReplyDelete
  5. Topic là "Nói CHuyện Tiếng Anh",

    Thế thì ta bàn về "Nói" thôi nhớ.

    Nếu nói về nói thì ngay như cả nguời Mỹ họ cũng nói nhiều âm khác nhau cũng như ngùời VN ở những vùng khác nhau thôi.

    Nói về American English Nguời New York mà nói chuyện với nguời Texas thì cũng phải ch8m chú nghe lắm.

    Nói về English thì ngay nguời Anh chính gốc nói thì người Mỹ gốc Anh cũng phải chăm chú nghe mới hiểu hết. Đó là chưa nói đến việc họ dùng thêm body language khi nói chuyện.

    Để mà nói "perfect" thì cũng khó mà đạt đuợc.

    Thật ra nếu ta cứ chậm rãi mà nói mà diễn tả những điều ta muốn nói bằng Anh ngữ thì những nguời xử dụng tiếng Anh họ cũng hiểu thôi.

    Nói tiếng Anh đủ để giao tiếp tại truờng, tại sở, hay ngòai xã hội chẳng có gì mà phải cần phát âm chuẩn.

    Bản thân tôi xử dụng tiếng Anh để học tại Mỹ, và làm việc 40 năm qua nhiều tiểu bang rồi mà chưa bao giờ có trục trặc. Tôi nói tiếnh Anh (Âm của nguời pháp)vì tôi học chương trình pháp, Anh văn là sinh ngữ chính. Dĩ nhiên là thầy dạy ban đầu là nguời Pháp và các thầysau này học bên Tây về dạy.

    Có lần đi họp, một nguời Mỹ hỏi tôi bằng tiếng Pháp, "Parlex vous Francais?" tôi sủa lại một tràng tiếng pháp và hắn ta cũng sủa lại một tràng nữa rồi cười ầm lên. Các anh Mỹ cùng ngồi họp cũng phá lên cừời mà nói rằng chuyên chỉ có ở nứoc Mỹ mà thôi vì một anh Á Châu và một anh da trắng ngồi họp trong government office mà nói tiếng pháp.

    Tối cũng đã có hai nguời bạn nguời "nuớc lạ" một chị từ Mainland và một chị Taiwanese, hai chị nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh mà không bằng tiếng nước lạ, Hỏi ra mới biết là hai chị xử dụng hai ngôn ngữ "nuớc lạ" khác nhau.

    Xin chia sẻ là ta dùng đúng chữ vào đúng nơi, đúng lúc là sẽ không có trục trặc gì đâu.

    Nguời Việt chúng ta cứ lo về văn phạm, rồi phát âm cho chuẩn (Nói tiếng Anh với nguời Chinese có cần phát âm chuẩn không?.

    Khi nào có Topic về Viết thì tôi xin chia sẻ về "Viết" sau.

    Choi

    ReplyDelete
  6. Chào bác Choi (chà, nghe hơi giống Pok-Choi, rau Bó Xôi?),

    Xin phép gọi bác bằng bác, vì "40 năm làm việc" ở Mỹ của bác đủ cho thấy bác là tiền bối của em rồi.

    Cám ơn bác đã chia sẻ với mọi người ở trên blog này. Như bác thấy, VN hiện nay (có lẽ trước giờ vẫn thế) vẫn là một nước nghèo, lạc hậu, mặt bằng dân trí chưa cao, kể cả những người mang tiếng là có học, trí thức trí ngủ như em đây nữa, nên sự chia sẻ chân tình của những người đi trước, có kinh nghiệm và có điều kiện như các bác là rất cần thiết, bác ạ.

    Em sẽ từ từ viết tiếp về các vấn đề khác liên quan đến tiếng Anh, cũng như những vấn đề chung của giáo dục VN theo hiểu biết của em. Mong được gặp lại bác ở những entry khác.

    PA

    ReplyDelete
  7. Xin chào chủ nhà và mọi người. Đây là đề tài tôi hay quan tâm. Theo tôi nghĩ có 2 vấn đề ở đây.

    Một là, nếu sử dụng TA trong môi trường học thuật như đối với chức danh GS/TS, thì phải tương đối chuẩn một chút, vì đây là môi trường đòi hỏi chuyên môn cao. Và đặc biệt là trong những vấn đền họ trình bài, chắc sẽ luôn có tranh luận, hay tranh cãi. Thử hỏi trong một hội thảo mà thính gỉa vừa lo tranh luận về chuyên môn hóc búa mà TA của diển giả không chuẩn thì làm sao thính giả biết tranh luận về cái gì, về chuyên môn hay về TA của diển giả.

    Còn ở mục đích của giao tiếp thông thường thì làm sao mà đối tượng cân giao tiếp hiểu được là tốt rồi. Đương nhiên người mình nói TA giỏi thì người Anh họ đương nhiên là nể rồi nhưng theo tôi thì sẽ không nhiều. Vì học TA cũng là học ngôn ngữ và phụ thuộc vào khả năng lĩnh hội của người học. Và chúng tôi thấy rằng đâu phải người Việt nào cũng lưu lóat và trôi chảy trong mọi tình huống. Và khi học ngọai ngữ thì sẽ cũng dậy thôi.

    Vì dậy để theo tôi để cải thiện tình hình, thì nên đưa TA vào dạy cho học sinh càng sớm càng tốt và phải tăng cường cung cấp phương tiện nghe phát âm của người bản xứ khi cho các em bắt đầu học. Nói điều này có người nói tôi nói điều thừa nhưng chính tôi hồi mới bắt đầu học TA và trong 3 năm đó, không hè nghe 1 tiếng bẽ đôi. Thì thử hỏi nói làm sao cho chuẩn.

    ReplyDelete
  8. Hi TTĐ,

    Hóa ra đề tài này nhiều người quan tâm nhỉ? Thế mà lâu nay chị lại bỏ qua không nhắc đến. Giờ sẽ quan tâm nhiều hơn đến đề tài này.

    Chị đồng ý với em là phải dạy ngoại ngữ cho học sinh sớm hơn, tốt nhất nên dạy ở tiểu học. Vì nó là một năng khiếu, và phát triển năng khiếu thì tốt nhất là phát triển từ sớm. Giống như Mozart học chơi đàn piano từ 3 tuổi (?) vậy. Vả lại theo lý thuyết thì chỉ có học khi còn trẻ mới có thể có được phát âm chuẩn như người bản ngữ mà thôi. Sau 15 tuổi (tuổi dậy thì, puberty) mới học phát âm thì chắc chắn là sẽ có accent riêng.

    Còn việc giáo sư, phó giáo sư thì chị nghĩ không nên quy định cứng nhắc làm gì. Nếu có nhu cầu ắt các GS, PGS ấy sẽ tự học để sử dụng. Còn nếu không có nhu cầu thì dù có quy định thì mọi người vẫn tìm cách đối phó mà thôi.

    Nói ngắn gọn: không phải việc gì nhà nước cũng nên thò tay vào làm, đặt thành luật lệ, quy định vì dễ sai. Hãy để cho cuộc sống tự điều chỉnh ở mức độ vi mô, nhà nước chỉ làm vĩ mô, rổi mọi việc sẽ tốt thôi mà.

    Em có nghĩ như vậy không?

    PA

    ReplyDelete