Hôm nay là ngày nhà báo (không phải ngày nhà giáo!). Tôi tất nhiên không phải là nhà báo, nhưng hôm nay vào cơ quan lại được các em chúc mừng, vì "lúc này cô 'lên' báo liên tục"!
Ừ mà ngẫm lại, quả có thế thật. Điều đó, tất nhiên cũng làm tôi vui vui, vì nhờ 'lên' báo mà có lẽ có nhiều người biết đến mình hơn. Nhưng thật ra, tôi 'lên' báo nhiều thì có lẽ cũng dở, vì thường là tôi được mời để "phản biện" một vấn đề gì đó. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc giáo dục VN đang có nhiều vấn đề cần tranh cãi và giải quyết.
Thôi thì hãy cứ tin rằng, ở đâu cũng có vấn đề chứ chẳng riêng VN, thật vậy. Và nếu báo chí làm tốt vai trò thông tin khách quan và phản biện xã hội, thì như thế cuộc sống sẽ ngày càng tiến bộ hơn.
Còn hôm nay, xin "khoe" một "mẩu" tôi đã gửi để chia sẻ với PV của báo Thanh Niên và đã đăng hôm nay, ở đây (xem trong box). Bản gốc tôi viết dưới đây, chắc chắn đã được cắt gọn gàng lại một chút vì tôi viết hơi vội. Xin gửi lên đây cho mọi người đọc và trao đổi nhé.
---
Sau loạt bài trên báo Thanh Niên về vụ “mập mờ chương trình liên kết quốc tế”, nhiều bạn đọc đã thắc mắc muốn biết làm sao chọn được những chương trình liên kết tốt để học MBA. Dưới đây là một số lời khuyên tổng quát:
1. Chọn các đối tác tốt về phía Việt Nam. Các trường đại học công lập lớn, có truyền thống và có tên tuổi, thường cẩn trọng trong việc chọn đối tác hơn các công ty tư nhân hoặc các tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Ngoài ra, những trường này cũng ít khi có những hành động vượt rào liều lĩnh, bất chấp luật lệ. Và cuối cùng, lực lượng giảng viên Việt Nam ở các trường này dù sao cũng tốt hơn.
2. Xem xét các yêu cầu của chương trình. Các yêu cầu này gồm có: yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, và cả bằng cấp ở đầu vào để bảo đảm người học có những năng lực tối thiểu để theo được chương trình học; yêu cầu về thời gian để hoàn tất chương trình (thông thường để hoàn tất bằng Master bán thời gian không thể dưới 18 tháng); yêu cầu của bài tiểu luận hoàn tất môn học (thông thường ở trình độ Master học viên phải viết được các bài tiểu luận dài khoảng 5000 từ tiếng Anh; chương trình nào chỉ yêu cầu thi trắc nghiệm sẽ không đảm bảo về chất lượng); và tất nhiên, yêu cầu về trình độ tiếng Anh nếu các chương trình này bằng tiếng Anh.
Thông thường, các chương trình có yêu cầu cao thì sẽ có học phí cao hơn. Tuy nhiên, chỉ xét về học phí thì không thể nói là chương trình nào có chất lượng hơn chương trình nào, vì các trường sẽ có những cách khác nhau để cắt giảm chi phí để tăng khả năng tiếp cận chương trình. Nhìn chung, yêu cầu của chương trình càng cao thì càng đảm bảo về chất lượng đầu ra.
3. Xem xét chất lượng của trường đối tác nước ngoài. Điều này khá phức tạp, do nó đòi hỏi người học phải có hiểu biết về hệ thống giáo dục của các nước trên thế giới, là điều không phải người học nào cũng làm được. Một cách đơn giản là xem xét các bảng xếp hạng trường đại học trên thế giới hoặc khu vực. Các trường có tên trong danh sách 200 trường hàng đầu của các bảng xếp hạng nổi tiếng như US News and World Report, hoặc SJTU (Đại học Giao thông Thượng Hải), hoặc của QS đều là các trường có thể tin cậy được. Các kết quả xếp hạng này đều được đưa lên mạng hàng năm, và có thể dùng công cụ tìm kiếm như google để tra cứu.
Đặc biệt, cần cảnh giác với những trường mới thành lập trong vòng 10 năm trở lại đây, với những tên gọi nghe rất kêu theo kiểu ĐH Quốc tế Châu Á (đã từng là scandal ở Việt Nam), ĐH Quốc tế Mỹ (!), hoặc những cái tên to tát khác. Mặc dù nếu kết luận là tất cả các trường có mang tên “quốc tế” đều là trường chất lượng kém là không đúng, nhưng quả thật có rất nhiều trường dỏm mang danh nghĩa “quốc tế” để khai thác tâm lý “sính ngoại” của các nước nghèo đang phát triển như Việt Nam.
4. Xem xét tình trạng được kiểm định của các trường đối tác (lời khuyên chỉ sử dụng cho các trường của Mỹ). Hoàn toàn có thể kiểm tra được điều này bằng cách vào cơ sở dữ liệu các trường được kiểm định tại địa chỉ http://ope.ed.gov/accreditation/Search.aspx. Chỉ cần gõ tên trường cần tìm hiểu, sẽ có ngay kết quả cần có.
5. Và lời khuyên cuối cùng: hỏi những người có thông tin trước khi quyết định! Một nguồn thông tin quan trọng là những diễn đàn của các sinh viên, cựu sinh viên Việt Nam đang học các chương trình tương tự, chẳng hạn như trang này mà tôi mới tìm được, cũng cung cấp khá nhiều thông tin hữu ích: http://saobiennhatrang.com/phpbb3/viewtopic.php?f=18&t=389. Hoặc hỏi các cơ quan truyền thông, họ sẽ biết cách tìm người để trả lời cho các bạn.
----
Nhân tiện, nói về các cơ quan kiểm định của Mỹ, các bạn có thể đọc lại bài phỏng vấn một số người trong đó có tôi, đã đăng trên Thanh Niên cách đây vài năm, xem ở đây.
Chúc các bạn chọn được chương trình liên kết vừa ý để học.
Monday, June 21, 2010
Làm thế nào để chọn chương trình liên kết?
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment