Wednesday, June 30, 2010

"Tìm lại tiếng ve cho mùa hè"

Tựa của entry này là tựa một bài báo trên Pháp Luật TP HCM ngày hôm nay 30/6/2010, tại đây. Đây là loạt bài nói về cách tổ chức kỳ nghỉ hè cho các em học sinh trên báo PLTP cũng như một số tờ báo khác, như một phản ứng trước hiện tượng học sinh ngày nay hầu như không còn thời gian nào để nghỉ ngơi trong dịp hè vì phải đi học thêm, học trước chương trình năm học sau.

Trong bài đã đăng trên báo PLTP có một mẩu ý kiến của tôi. Dưới đây là toàn bộ bản gốc mà tôi đã gửi cho báo, dài hơn so với mẩu mà báo đã đăng. Xin gửi lên đây để chia sẻ với mọi người.

--
Tổ chức tốt kỳ nghỉ hè cho trẻ em

Mục đích của kỳ nghỉ hè trước hết là một kỳ nghỉ: nhằm phục hồi sức khỏe, tạo sự thích thú, tránh sự mệt mỏi và nhàm chán. Như vậy, kỳ nghỉ không phải là ngồi một chỗ không làm gì hết (sẽ rất nhàm chán, giống như bị cầm tù), cũng không phải là thời gian học kiến thức (đã làm quanh năm, cần xả những gì đã chứa trong đầu để làm việc hiệu quả hơn trong năm học mới). Vậy phải làm gì? Dựa trên những kinh nghiệm của chính mình thời ấu thơ, và những kinh nghiệm của bà con, bạn bè, đồng nghiệp, kể cả trong và ngoài nước, tôi xin có những gợi ý sau:

Năm điều tuyệt đối tránh trong kỳ nghỉ hè

1. Học trước chương trình của năm học sau
2. Học lại chương trình của năm học cũ
3. Học mới một kiến thức hoặc kỹ năng nào đó do cha mẹ chọn vì nó cần thiết, hữu ích, hoặc để “bằng chị bằng em”, bất kể các em có thích hay không
4. Không có bất cứ việc gì để làm
5. Không có ai trông nom, trò chuyện

Năm điều cần làm trước kỳ nghỉ hè
1. Tìm hiểu sở thích của các em và tạo điều kiện cho các em thực hiện sở thích trong kỳ nghỉ hè, như một phần thưởng sau một năm học vất vả
2. Cùng các em lên kế hoạch đưa các em đi chơi ra khỏi thành phố một hoặc hai lần
3. Nói về kế hoạch nghỉ hè trong các bữa ăn để tạo sự háo hức, phấn khởi
4. Cùng các em chuẩn bị dần các điều kiện để thực hiện các kế hoạch của đợt nghỉ hè
5. Trao cho các em một vài trách nhiệm nhỏ để đổi lấy sự hỗ trợ của cha mẹ trong việc thực hiện kế hoạch hè do chính các em chọn

Năm hoạt động hữu ích và giúp các em thoải mái trong kỳ hè
1. Học các năng khiếu (vẽ, nhạc, họa, thể thao), hoặc đọc sách báo, nghe nhạc, xem những bộ phim ưa thích, do chính các em chọn dưới sự hướng dẫn của cha mẹ
2. Tham gia sinh hoạt xã hội, đoàn thể (địa phương, các tổ chức tự nguyện, kể cả các tổ chức tôn giáo)
3. Rèn luyện các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống: làm bếp, làm vườn, lái xe, sửa máy tính, tạo blog, chụp hình, quay phim, dịch sách vv
4. Rèn luyện kỹ năng giao tiếp: thăm bà con, thăm thầy cô, bạn bè cũ, …
5. Cùng gia đình về quê thăm ông bà, đi du lịch, chụp hình, tạo album, viết về những gì mình đã trải nghiệm trong chuyến đi

Có những hoạt động có mục đích nhưng khác với việc học kiến thức trong trường lớp, thay đổi môi trường, không có sức ép phải thành công, đó là ý nghĩa thực sự của một kỳ nghỉ hè để các em hồi phục lại sau một năm học và chuẩn bị cho năm học mới. Để giải trí, cũng cần phải có chuẩn bị, thậm chí chuẩn bị chuyên nghiệp. Không thể bỏ mặc trẻ em, hoặc khoán trắng cho nhà trường và đoàn thể; kỳ nghỉ hè phải là trách nhiệm và niềm vui của cả gia đình.

Nếu không tổ chức tốt kỳ nghỉ cho trẻ em, thả cho các em lêu lổng hoặc nhàm chán không ai hướng dẫn, như thế là gia đình đã thiếu trách nhiệm trong việc dạy trẻ, và những điều bất thường như đánh nhau, trầm cảm, thiếu kỹ năng giao tiếp, thiếu trách nhiệm xã hội vv sẽ là hệ quả đương nhiên!

Tuesday, June 29, 2010

Thi cử và công bằng trong giáo dục?

Entry này là một phần của bài PV với báo Tuổi trẻ mà tôi đã đưa lên blog này hôm qua, nhưng đã bị cắt đi vì bài đã quá dài. Vấn đề công bằng trong giáo dục là một vấn đề rất lớn, và được tất cả mọi quốc gia xem là vấn đề quan trọng. Nhưng công bằng là gì, và làm như thế nào để có được sự công bằng đó thì không phải là mọi người đều đồng ý với nhau.

Ở VN, hình như hiện nay có một niềm tin là sự công bằng trong giáo dục đồng nghĩa với sự giống nhau tuyệt đối, đặc biệt là trong khâu tuyển chọn (vd: tuyển sinh). Nói cách khác, sự công bằng trong giáo dục có thể đạt được thông qua, và chỉ thông qua, thi cử. Đó là lý do tại sao nhà nước cảm thấy cần phải nắm chắc các kỳ thi quan trọng (cả 2 kỳ thi TNPT và tuyển sinh đại học), có lẽ là để đảm bảo tính công bằng chăng? Đất nước xã hội chủ nghĩa mà?

Nhưng tôi, thì tôi không nghĩ thế. Vấn đề phức tạp hơn thế nhiều, và không thể đạt được sự công bằng chỉ thông qua các kỳ thi. Thậm chí, thi quá nhiều mà không có năng lực hoặc thời gian để tổ chức, quản lý, và giám sát các kỳ thi cho thực sự nghiêm túc, thì đó chính là lỗ hổng dẫn đến tiêu cực. Cái này giống hệt như thời "ngăn sông cấm chợ": càng cấm, càng cản thì càng có buôn lậu, chợ trời. Vì có nhu cầu thực, mà cấm, thì người ta phải tìm cách "sửa luật" theo cách riêng của từng người, tức là ... mua bằng, bán điểm, hoặc học thêm, học trước, mua đề, đi chùa thầy vv. Và quan điểm của tôi là đôi khi ta phải chấp nhận sự không bình đẳng, nếu chưa có cách nào làm cho nó tốt hơn.

Xin mọi người đọc phần trả lời bên dưới của tôi và chúng ta cùng trao đổi nhé!

---
PV: Trong trường hợp Bộ GD-ĐT vẫn quyết làm “hai trong một”, theo bà, làm thế nào để có một kỳ thi quốc gia nghiêm túc, công bằng và chính xác?

Sự công bằng chỉ có thể mang tính tương đối vì đó không chỉ là vấn đề giáo dục mà còn là vấn đề xã hội. Khi ra đề thi cho các kỳ thi quốc gia, thông thường những giáo viên giỏi ở các thành phố lớn sẽ được chọn. Nhưng những giáo viên này thường ra đề trên cơ sở chất lượng của các học sinh của các thành phố lớn, như vậy dù cùng một đề thi nhưng rõ ràng đã có sự bất công đối với những địa phương có điều kiện khó khăn hơn. Do đó rất khó để có thể có sự công bằng tuyệt đối, và phải chấp nhận điều này.

Còn việc chính xác thì cần được quan tâm thích đáng bằng cách đưa những người có chuyên môn để làm công tác ra đề thi, hậu kiểm, phân tích số liệu, tham mưu chính sách... Trong tình hình hiện nay, tôi ủng hộ việc có các tổ chức khảo thí công lập nhưng độc lập với Bộ GD-ĐT để có được tiếng nói và vai trò nhiều hơn. Tất nhiên đơn vị này cũng cần phải được giám sát rất kỹ để đảm bảo hoạt động hiệu quả và chính xác.

Tôi nghĩ, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải tin và giao quyền nhiều hơn cho địa phương và cho xã hội. Chúng ta có thể xem xét và chuẩn hóa qui trình của kỳ thi tốt nghiệp THPT dựa trên kinh nghiệm của những địa phương đã thực hiện tốt nhất, tạo ra những quy định chặt chẽ rồi chuyển cho các địa phương để họ thực hiện. Cơ quan quản lý sau đó sẽ thực hiện việc hậu kiểm nghiêm túc. Kết quả tốt nghiệp THPT mà tăng hay giảm đột biến thì đều là điều bất thường, khó có thể xem là phản ánh chính xác chất lượng giáo dục thực tế.

Monday, June 28, 2010

"Nên giao quyền tuyển sinh cho các trường"

Đó là cái tựa do báo Tuổi trẻ đặt cho cuộc trao đổi giữa PV Minh Giảng và tôi vào hôm cuối tuần qua, mà nội dung đã được đưa lên báo hôm nay 28/6/2010, tại đây.

Quanh vấn đề tuyển sinh đại học, thật ra tôi còn một số ý kiến nữa, cũng đã được trao dổi trong cuộc "gặp gỡ đầu tuần" giữa tôi và báo, nhưng đã được lược đi vì nội dung bài PV hôm nay cũng đã khá dài. Tuy nhiên, nếu ai quan tâm sâu đến vấn đề này thì có lẽ cũng sẽ quan tâm để đọc.

Nên tôi sẽ đưa nội dung đầy đủ mà tôi đã trả lời lên đây khi có thêm một chút thời gian. Trong khi chờ đợi, mong mọi người đọc bài trên báo Tuổi trẻ và trao đổi ở đây nhé. Vì rõ ràng là VN đang rất cần cải cách triệt để cách thi cử của mình, trong đó có kỳ thi tuyển sinh đại học.

Cải cách, để kết quả của các kỳ thi ngoài chức năng "gác cổng" (gate-keeping, tức cho phép ai đi qua, ai bị kẹt lại), còn làm được chức năng quan trọng hơn nhiều, đó là chỉ báo về chất lượng và hiệu quả thật của việc dạy và học của nền giáo dục của ta.

Để từ đó, các chính sách đầu tư, phân bổ kinh phí, ưu tiên cho các đối tượng, và cả tuyển dụng bổ nhiệm nhân sự vv trong các cơ quan công quyền và khu vực sự nghiệp công lập sẽ là những chính sách bám sát với thực tế, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển, chứ không phải những chính sách xa rời thực tế và đôi khi còn cản trở sự phát triển xã hội như hiện nay.

Có ai đó đã nói, chất lượng của một nền giáo dục không thể nào vượt qua được chất lượng của những người làm ra nó là các giáo viên. Còn tôi, mượn ý trên, tôi cũng muốn nói rằng chất lượng phát triển bền vững của một xã hội không thể nào vượt qua được chất lượng của ngành công nghiệp tạo ra sự phát triển bền vững ấy, đó là ngành "công nghiệp" giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học.

Ngành công nghiệp ấy có thể nói là bắt đầu bằng khâu tuyển sinh, thật thế!

Saturday, June 26, 2010

Nói chuyện tiếng Anh (1)

Một người bạn lâu ngày mới gặp tôi, sau lời chào "Lâu quá không gặp!" là lời trách móc: "Sao lúc này bỏ nghề tiếng Anh luôn rồi, uổng dzậy?"

Ừ, uổng thiệt chớ, nhưng biết sao giờ? Một ngày người ta chỉ có 24 tiếng, mà tôi lỡ bị chuyển sang làm cái nghề lắm vấn đề (đặc biệt là ở VN) là nghề liên quan đến chất lượng giáo dục đại học, nên hàng ngày làm việc đó cho tốt cũng đủ hết giờ rồi, lấy thời gian đâu mà làm tiếng Anh nữa.

Nhưng ... có lẽ lâu lâu cũng phải quay về nghề cũ chút, đúng không? Vì VN đang hội nhập, nên rất cần ngoại ngữ, mà ngoại ngữ bây giờ gần như đồng nghĩa với tiếng Anh. Giống như cách đây 1 thế kỷ, đầu thế kỷ trước, chắc ngoại ngữ đối với người Việt chỉ có thể là tiếng Pháp (trước đó nữa thì là tiếng Tàu, ai cũng biết rồi).

Mà trình độ tiếng Anh trong nước thì còn lôm côm quá, bất chấp các quy định rất khắt khe các kiểu của nhà nước ta. Ví dụ, quy định về năng lực ngoại ngữ cho các GS, PGS của VN mà tôi đã liều mình như chẳng có, trả lời đại cho PV của báo Thanh Niên, để được đưa lên trên báo Thanh Niên hôm nay, ở đây (bên dưới phần phỏng vấn nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Bành Tiến Long).

Vậy nên phải viết một chút về tiếng Anh, gọi là ... có đóng góp cho trình độ ngoại ngữ của nước nhà. Nhưng hôm nay, tôi chỉ làm đúng một việc thôi, đó là giới thiệu trang web thú vị về tiếng Anh của Singapore, "English as it is broken" (xin dịch vui thành Tiếng Anh trong quá trình "bồi" hóa), tại đây. Đây là trang web nhằm nhặt ra những hạt sạn trong việc sử dụng tiếng Anh tại Singapore, một quốc gia châu Á nơi tiếng Anh không phải là bản ngữ nhưng lại có địa vị là ngôn ngữ thứ nhất (KHÔNG PHẢI ngôn ngữ thứ hai như Mã Lai, Philippines).

Một chính sách ngôn ngữ rất mạnh dạn và theo đánh giá của giới nghiên cứu chính sách ngôn ngữ (language policy) thì chính là một động lực thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của Singapore hiện nay so với các nước khác trong khu vực.

Nói thêm: Vì không phải là quốc gia nơi tiếng Anh là bản ngữ, nên rõ ràng là thứ tiếng Anh sử dụng tại Singapore sẽ là một thứ tiếng "broken", bồi, mà người ta gọi là Singlish. Nên phải có người nhặt sạn, là thế.

Xin giới thiệu để mọi người đọc, enjoy and learn at the same time. Và nếu không hiểu gì xin hỏi nhé, tôi biết gì sẽ sẵn sàng trả lời. Chia sẻ là một nhu cầu của con người mà, có phải không?

Wednesday, June 23, 2010

Bằng giả, trường ma: Tại sao?

Bài viết này tôi viết theo đặt hàng của Báo SGTT, và đã đăng ngày hôm nay 23/6/2010 dưới cái tựa do báo đặt lại là "Vì sao Tiến sĩ dỏm lọt lưới", ở đây. Còn entry dưới đây, và tựa của entry này, là bản gốc của tôi (hình như ít bị biên tập, chủ yếu cắt bỏ vài chỗ dài dòng thôi).

Thật ra, bài viết này dù đứng tên một mình tôi nhưng đã có sự hỗ trợ tích cực của Khôi (con trai tôi!). Công việc của Khôi đã làm là dựa trên những nhận định mang tính kinh nghiệm (dù là kinh nghiệm của chuyên gia thì vẫn là kinh nghiệm) của tôi, đi tìm các thông tin trên mạng cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt, rồi viết bản thảo đầu tiên của bài viết này. Sau đó, tôi đọc lại và sửa lại theo văn phong của chính mình, và chịu trách nhiệm về những phán đoán đã đưa ra trong bài.

Sở dĩ phải làm như vậy là vì mấy ngày qua tôi bận quá, mà đã lỡ nhận lời với báo vì vấn đề có vẻ đang nóng. Viết đại cho nhanh thì cũng xong, nhưng lại ... lỡ mang tiếng "chuyên gia", lại đang làm về quản lý chất lượng, nên không thể ẩu! Vì vậy, phải nhờ Khôi cho kịp hạn đã hứa (mà cũng vẫn hơi trễ).

Để sòng phẳng, và cũng là để động viên, tôi viết thêm những giòng acknowledgement này cho Khôi. Thanks, Khôi, and keep up the good work!

---
Bằng giả, trường ma: Tại sao?

Trong tình hình các trường đại học dỏm đang hoành hành, cung cấp các chương trình đào tạo kém chất lượng cho người học trên khắp thế giới thì việc làm sao xác định được các “xưởng bằng dỏm” (diploma mills hoặc degree mills) có lẽ là mối quan tâm hàng đầu của những ai có nhu cầu và khả năng theo đuổi các chương trình đào tạo quốc tế. Để nhận diện đâu là một xưởng bằng dỏm, có một số yếu tố cần xem xét, đó là “đặc điểm nhân thân” của các trường này, các yêu cầu đối với học viên, và tình trạng kiểm định hoặc vị trí của chúng trong cộng đồng học thuật.

Trước tiên, về đặc điểm nhân thân của các trường dỏm. Hầu hết các xưởng bằng dỏm đều do các công ty tư nhân thành lập, đa số chỉ mới tồn tại từ thập niên 1990 hoặc thậm chí chỉ mới được vài năm. Tuy có tuổi đời rất non như vậy, nhưng những trường này thường cung cấp các chương trình đào tạo ở mọi trình độ, từ cao đẳng, đại học, đến thạc sĩ và tiến sĩ, chưa kể chúng còn cung cấp cả các chương trình đào tạo ngắn hạn, tức “kinh doanh giáo dục” theo đúng nghĩa xấu của từ này.

Một đặc điểm nổi bật của các trường này là chúng thường có tên gọi rất “nổ” nhằm gây ấn tượng với các khách hàng tiềm năng ngây thơ và ít hiểu biết, đặc biệt là khách hàng từ các nước thế giới thứ ba. Những trường này rất thích sử dụng từ “quốc tế”, Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, châu Á, châu Âu, hoặc tên các quốc gia nơi có nền giáo dục đại học danh tiếng như Mỹ, Anh, vv, như trong tên gọi của 2 trường dỏm đang hoạt động tại Việt Nam là International American University (IAU) và Southern Pacific University (SPU). Một khuynh hướng đặt tên khác của các trường này là “nhái” tên các trường đại học danh tiếng, chẳng hạn như ĐH Standford (nhái tên Stanford, không có “d”), hoặc Cambridge International University (trường dỏm, không liên quan gì đến The University of Cambridge là trường “xịn”).
Đính chính lúc 23 giờ tối 24/6/2010: Trong bài viết đầu tiên, tôi có đưa ví dụ Howard và Harvard như một minh họa của khả năng "nhái", nhưng không biết Howard là một trường có tồn tại ở Mỹ và là trường được kiểm định. Nhờ có bạn đọc báo SGTT phản hồi, tôi đã sửa lại, bỏ thí dụ này đi để khỏi vô tình "nhục mạ" trường Howard có thật. Xin lỗi các bạn, và cám ơn bạn Bảo Đoan đã phản hồi.

Một điểm khác rất đáng lưu ý đối với những lò cấp bằng giả này là chúng không có địa chỉ hoặc lại quá nhiều địa chỉ, các hoặc địa chỉ hay thay đổi, thiếu ổn định. Đa số các lò cấp bằng giả này thường có nơi đăng ký hoạt động ở Mỹ (đăc biệt là tiểu bang California, Florida, hoặc Hawaii). Riêng ở Châu Á thì Malaysia đang đươc báo động là một nguồn cung cấp các diploma mills mới nổi, nhắm vào các nước nơi giáo dục đại học đang phát triển nóng như Trung Quốc, Ấn Độ, và Việt Nam.

Tên thì “nổ”, bằng cấp thì đa dạng, trình độ nào cũng có, nhưng các trường này thường có những yêu cầu rất “mềm” đối với người học: không đòi hỏi tiếng Anh đầu vào, thời gian học ngắn, xét miễn môn học dễ dàng, có thể dựa trên kinh nghiệm làm việc của người học, hoặc các môn học có tên tương tự với những môn học trong chương trình đã học ở trình độ thấp hơn, vv. Học phí của các chương trình này cũng khá mềm so với các trường có tên tuổi. Đáng lưu ý là việc miễn môn học cho người học không liên quan đến học phí cần phải đóng: các trường dỏm này hầu hết đều tính gộp học phí cho toàn bộ chương trình (vd: 8000 USD cho bằng tiến sĩ, 6000 USD cho bằng thạc sĩ, 4000 USD cho bằng đại học) chứ không tính theo từng tín chỉ như các trường chính quy khác.

Về tình trạng kiểm định, các trường đại học dỏm tất nhiên không được kiểm định bởi các cơ quan kiểm định được công nhận. Theo yêu cầu của cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của Mỹ, tình trạng kiểm định của các trường đại học Mỹ cần phải được nêu công khai trên trang web của trường. Vì vậy, các xưởng bằng dỏm của Mỹ nếu không/chưa được kiểm định thường nêu rõ tình trạng này trên trang web và hoàn toàn có thể kiểm tra được. Tuy nhiên, để đối phó với tình trạng này, các xưởng bằng dỏm này đã tạo ra những “lò kiểm định dỏm” (accreditation mills) nhằm tung hỏa mù đối với người học. Vì vậy, ngay cả khi một trường đại học có nếu là đã được kiểm định thì vẫn cần phải kiểm tra xem đó có phải là một lò kiểm định dỏm hay không. Có thể kiểm tra danh sách các cơ quan kiểm định chính thức của Mỹ trên trang web của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ (http://www.ed.gov/students/prep/college/diplomamills/index.html), và tìm hiểu thêm thông tin về các lò kiểm định dỏm trên trang của Hội đồng Kiểm định Giáo dục đại học Hoa Kỳ (http://www.chea.org/degreemills/default.htm).

Một câu hỏi có liên quan, và thậm chí còn quan trọng hơn việc xác định được các xưởng bằng giả, là tại sao chúng lại có thể tồn tại và dường như ngày càng phát triển trên khắp thế giới như hiện nay, mà đặc biệt là ở Việt Nam? Theo tôi, câu hỏi này có thể được trả lời dưới các góc độ khác nhau liên quan đến ba đối tượng có liên quan là người học, nhà tuyển dụng lao động, và các các cơ chế kiểm soát của nhà nước.

Trước hết, xét về phía người học, có quy luật luôn luôn đúng là hễ đã có cầu thì sẽ có cung. Hiện nay, nhu cầu học tập ở bậc đại học trên toàn thế giới đang tăng lên dữ dôi; vì vậy các trường dỏm này dễ dàng thu hút“một số cá nhân có mục đích học tập chính đáng nhưng thiếu nguồn thông tin đáng tin cậy để nhận biết các trường dỏm; đồng thời cũng có một số đối tượng cố tình tìm cách kiếm bằng dỏm nhằm phục vụ cho động cơ thăng tiến nhanh chóng về nghề nghiệp cũng như học thuật của mình” (‘Diploma Mills’, World Education Services, http://www.wes.org/ewenr/DiplomaMills.htm).

Riêng tại Việt Nam, từ khi thực hiện chính sách mở cửa và đổi mới kinh tế, thị trường giáo dục trong nước đã mở rộng và nhu cầu học tập ở một số lãnh vực đã vượt quá khả năng cung cấp của các cơ sở đào tạo trong nước. Điều này đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các cơ sở đào tạo nước ngoài, cả có thật và không có thật, có chất lượng và kém chất lượng, đổ xô vào Việt Nam nhằm “khai thác” thị trường mới mẻ này, như có thể thấy trong những năm qua. Ngoài ra, tâm lý “sính bằng cấp” và “sính ngoại” rất nặng của người Việt, cùng với sự dễ dãi, xuê xoa và chất lượng thấp của một số cơ sở giáo dục đại học trong nước trong thời gian qua đã khiến cho người học dễ dàng cảm thấy hài lòng với “chất lượng” của những chương trình mình theo học. mặc dù chúng kém xa các chương trình đúng chuẩn mực của các nước tiên tiến mà các trường dỏm cố tình nhập nhằng mạo danh.

Về phía nhà tuyển dụng, kể cả các tổ chức sự nghiệp công, và đáng lo ngại hơn là ngay cả các tổ chức công quyền thì tình trạng cũng tương tự như đối với người học: hoặc không đủ thông tin về các loại bằng cấp dỏm, hoặc có thông tin nhưng cố tình lờ đi vì có đụng chạm đến lợi ích riêng nên không có biện pháp gì. Ngoài ra, ở đây cũng có tâm lý sính bằng cấp và sính ngoại, và đặc biệt trong khu vực công, do việc đánh giá năng lực và hiệu quả của các nhân sự đã tuyển dụng còn rất yếu nên không thể phát hiện và loại trừ những người có bằng cấp “to đùng” nhưng không có năng lực tương ứng.

Về các cơ chế kiểm soát, hiện nay Việt Nam vẫn chưa phát huy được vai trò giám sát thường xuyên của xã hội dân sự (các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp, các cơ quan kiểm định độc lập), nên các cơ quan quản lý nhà nước chắc chắn sẽ không thể nào kiểm soát hết được. Quan trọng hơn, những trường hợp vi phạm nếu bị phát hiện thường cũng không bị xử phạt thích đáng, vì thế tác dụng răn đe rất yếu.

Cần phải làm gì? Vấn đề này theo phán đoán của tôi là khá nghiêm trọng ở Việt Nam. Nên chăng nhà nước cần nhanh chóng thành lập một cơ quan thông tin giáo dục công nhằm cung cấp thông tin miễn phí đến mọi đối tượng có yêu cầu nhằm bảo vệ người tiêu dùng giáo dục, như khuyến cáo chung của OECD và UNESCO năm 2007. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng đẩy mạnh việc thành lập các cơ quan kiểm định độc lập nằm ngoài Bộ Giáo dục , và thực hiện kiểm định thường xuyên cho toàn bộ các chương trình liên kết có cấp bằng tại VN mà hiện nay gần như vẫn hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của Bộ Giáo dục, một khi các thủ tục cấp phép ban đầu đã hoàn tất và “lọt lưới.”
----

Monday, June 21, 2010

Làm thế nào để chọn chương trình liên kết?

Hôm nay là ngày nhà báo (không phải ngày nhà giáo!). Tôi tất nhiên không phải là nhà báo, nhưng hôm nay vào cơ quan lại được các em chúc mừng, vì "lúc này cô 'lên' báo liên tục"!

Ừ mà ngẫm lại, quả có thế thật. Điều đó, tất nhiên cũng làm tôi vui vui, vì nhờ 'lên' báo mà có lẽ có nhiều người biết đến mình hơn. Nhưng thật ra, tôi 'lên' báo nhiều thì có lẽ cũng dở, vì thường là tôi được mời để "phản biện" một vấn đề gì đó. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc giáo dục VN đang có nhiều vấn đề cần tranh cãi và giải quyết.

Thôi thì hãy cứ tin rằng, ở đâu cũng có vấn đề chứ chẳng riêng VN, thật vậy. Và nếu báo chí làm tốt vai trò thông tin khách quan và phản biện xã hội, thì như thế cuộc sống sẽ ngày càng tiến bộ hơn.

Còn hôm nay, xin "khoe" một "mẩu" tôi đã gửi để chia sẻ với PV của báo Thanh Niên và đã đăng hôm nay, ở đây (xem trong box). Bản gốc tôi viết dưới đây, chắc chắn đã được cắt gọn gàng lại một chút vì tôi viết hơi vội. Xin gửi lên đây cho mọi người đọc và trao đổi nhé.

---
Sau loạt bài trên báo Thanh Niên về vụ “mập mờ chương trình liên kết quốc tế”, nhiều bạn đọc đã thắc mắc muốn biết làm sao chọn được những chương trình liên kết tốt để học MBA. Dưới đây là một số lời khuyên tổng quát:

1. Chọn các đối tác tốt về phía Việt Nam. Các trường đại học công lập lớn, có truyền thống và có tên tuổi, thường cẩn trọng trong việc chọn đối tác hơn các công ty tư nhân hoặc các tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Ngoài ra, những trường này cũng ít khi có những hành động vượt rào liều lĩnh, bất chấp luật lệ. Và cuối cùng, lực lượng giảng viên Việt Nam ở các trường này dù sao cũng tốt hơn.

2. Xem xét các yêu cầu của chương trình. Các yêu cầu này gồm có: yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, và cả bằng cấp ở đầu vào để bảo đảm người học có những năng lực tối thiểu để theo được chương trình học; yêu cầu về thời gian để hoàn tất chương trình (thông thường để hoàn tất bằng Master bán thời gian không thể dưới 18 tháng); yêu cầu của bài tiểu luận hoàn tất môn học (thông thường ở trình độ Master học viên phải viết được các bài tiểu luận dài khoảng 5000 từ tiếng Anh; chương trình nào chỉ yêu cầu thi trắc nghiệm sẽ không đảm bảo về chất lượng); và tất nhiên, yêu cầu về trình độ tiếng Anh nếu các chương trình này bằng tiếng Anh.

Thông thường, các chương trình có yêu cầu cao thì sẽ có học phí cao hơn. Tuy nhiên, chỉ xét về học phí thì không thể nói là chương trình nào có chất lượng hơn chương trình nào, vì các trường sẽ có những cách khác nhau để cắt giảm chi phí để tăng khả năng tiếp cận chương trình. Nhìn chung, yêu cầu của chương trình càng cao thì càng đảm bảo về chất lượng đầu ra.

3. Xem xét chất lượng của trường đối tác nước ngoài. Điều này khá phức tạp, do nó đòi hỏi người học phải có hiểu biết về hệ thống giáo dục của các nước trên thế giới, là điều không phải người học nào cũng làm được. Một cách đơn giản là xem xét các bảng xếp hạng trường đại học trên thế giới hoặc khu vực. Các trường có tên trong danh sách 200 trường hàng đầu của các bảng xếp hạng nổi tiếng như US News and World Report, hoặc SJTU (Đại học Giao thông Thượng Hải), hoặc của QS đều là các trường có thể tin cậy được. Các kết quả xếp hạng này đều được đưa lên mạng hàng năm, và có thể dùng công cụ tìm kiếm như google để tra cứu.

Đặc biệt, cần cảnh giác với những trường mới thành lập trong vòng 10 năm trở lại đây, với những tên gọi nghe rất kêu theo kiểu ĐH Quốc tế Châu Á (đã từng là scandal ở Việt Nam), ĐH Quốc tế Mỹ (!), hoặc những cái tên to tát khác. Mặc dù nếu kết luận là tất cả các trường có mang tên “quốc tế” đều là trường chất lượng kém là không đúng, nhưng quả thật có rất nhiều trường dỏm mang danh nghĩa “quốc tế” để khai thác tâm lý “sính ngoại” của các nước nghèo đang phát triển như Việt Nam.

4. Xem xét tình trạng được kiểm định của các trường đối tác (lời khuyên chỉ sử dụng cho các trường của Mỹ). Hoàn toàn có thể kiểm tra được điều này bằng cách vào cơ sở dữ liệu các trường được kiểm định tại địa chỉ http://ope.ed.gov/accreditation/Search.aspx. Chỉ cần gõ tên trường cần tìm hiểu, sẽ có ngay kết quả cần có.

5. Và lời khuyên cuối cùng: hỏi những người có thông tin trước khi quyết định! Một nguồn thông tin quan trọng là những diễn đàn của các sinh viên, cựu sinh viên Việt Nam đang học các chương trình tương tự, chẳng hạn như trang này mà tôi mới tìm được, cũng cung cấp khá nhiều thông tin hữu ích: http://saobiennhatrang.com/phpbb3/viewtopic.php?f=18&t=389. Hoặc hỏi các cơ quan truyền thông, họ sẽ biết cách tìm người để trả lời cho các bạn.
----
Nhân tiện, nói về các cơ quan kiểm định của Mỹ, các bạn có thể đọc lại bài phỏng vấn một số người trong đó có tôi, đã đăng trên Thanh Niên cách đây vài năm, xem ở đây.

Chúc các bạn chọn được chương trình liên kết vừa ý để học.

Sunday, June 20, 2010

"Thủ đô bằng giả, trường ma của thế giới"?

Đố bạn biết cái thủ đô kinh hoàng đó nằm ở đâu? Không biết bao nhiêu bạn đã đoán đúng, nhưng câu trả lời là: nó nằm ngay tại Mỹ!

Thật đáng buồn, và đáng xấu hổ, phải không? Một đất nước với một nền giáo dục đại học mà cả thế giới ngưỡng mộ và học tập, một nơi được mệnh danh là "thiên đường của khoa học", lại cũng đồng thời bị mang tiếng là "thủ đô bằng giả, trường ma của thế giới". Rất đáng tiếc.

Bạn không tin? Có lẽ tôi nặng lời quá chăng, hay tại vì tôi không học đại học tại Mỹ nên tha hồ phê phán? Hay phải chăng là tôi muốn chống chế hoặc trả đũa gì đó cho vị giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ về sự ngây thơ đến tội nghiệp của ông khi hồn nhiên trả lời phỏng vấn về cái bằng tiến sĩ mà ông đã phải bỏ 17 ngàn đô la tiền túi ra để học.

Tôi nghĩ là ông đáng tội nghiệp, vì có thể ông đã chọn học chương trình này vì sự ái mộ nền giáo dục đại học ưu việt của nước Mỹ, ưu việt ở chỗ rất thoáng, rất đa dạng, phục vụ từng đối tượng riêng biệt (điều này cũng không sai lắm!), cũng như tôi và nhiều người khác đã từng và vẫn đang và sẽ còn tiếp tục ái mộ?

Không, không phải thế đâu. Cái tựa của entry này, mà tôi đã cẩn thận đặt trong ngoặc kép, là lời lẽ mà tôi đã lược dịch từ cái tựa bằng tiếng Anh của bài viết đăng trên trang newjerseynewsroom.com mới cách đây vài tháng thôi, vào tháng 1/2010, tại đây. Tựa gốc của bài viết ấy là "The US has become world capital of fake colleges and diplomas".

Phải nói ra ngoài một chút. Tôi không phải là nhà báo, cũng không phải là công an, hay thanh tra giáo dục, và hoàn toàn chẳng có chút quyền lực công nào để điều tra hay thẩm định những gì tôi tìm ra và đưa lên trang blog này.

Tất cả chỉ là nguồn lực cá nhân: thời gian riêng (không phải trong giờ làm việc), hiểu biết cá nhân tích lũy được trong suốt quá trình học tập và làm việc của chính mình, sử dụng thông tin công cộng và miễn phí, chủ yếu qua mạng, và sự phán đoán của cá nhân. Chỉ mong tạo ra những thông tin là có chút gì mới mẻ và hợp thời, hữu ích để đưa đến cộng đồng mà thôi. Như trách nhiệm xã hội của bất kỳ một ai trong thời đại ngày nay.

Vì vậy, thông tin tôi chọn và đưa lên đây, cùng với những nhận định của tôi, có thể là chưa hoàn toàn chính xác, chưa hoàn chỉnh. Nhưng đó chính là lý do tôi đưa ra công khai, để được mọi người đọc, kiểm tra, và trao đổi cho hoàn chỉnh hơn, hữu ích hơn.

Quay trở lại bài viết mà tôi đang giới thiệu. Theo bài viết ấy, hiện nay 2 quốc gia đứng đầu thế giới với danh hiệu "thủ đô thế giới về bằng giả, trường ma" chính là Mỹ và Anh. Thông tin ấy dựa trên một nghiên cứu kéo dài 18 tháng của một công ty mang tên Verifile Limited tại Anh Quốc. Xem trích dẫn dưới đây:
The 'Accredibase Report' is the result of an 18-month international research project by Eyal Ben Cohen and Rachel Winch of Verifile Limited, one of the leading background screening firms in the United Kingdom,

Report co-author Ben Cohen says: "We have so far identified 1,762 fake institutions, and we are still investigating a further 1,545 currently filed as ‘suspicious' before publishing them on the 'Accredibase' database."

Alarmingly, the US was found to be the world's fake college capital, with 810 diploma mills already identified and many more still under investigation as the Report went to press. More than 35 percent of the diploma mills operate in California, Hawaii, Washington and Florida. The world's second biggest concentration of fake colleges was in the UK, the Report exposing 271 bogus institutions, making the UK the centre of Europe's bogus colleges scam.

Đáng lưu ý: Trên 35% các 'xưởng bằng giả" (diploma mills) hoạt động tại các tiểu bang Cali, Hawaii, Washington, và Florida.

Và đây là nhận định rất đáng lưu ý của một trong nhóm tác giả của báo cáo nói trên:
"The problem of unaccredited institutions and bogus colleges is evidently a large and very real one facing employers, universities and government agencies around the world."

Vậy phải làm gì? Dưới đây là một vài lời khuyên làm sao để có thể nhận ra các "xưởng bằng giả":
- Contact details are limited to an email address and the institution is vague about its location.
- Sample certificates, transcripts or verification letters are available to view on the website.
- It makes over-complicated or misleading claims about accreditation or recognition.
- Its name is similar to that of a recognized and respected education institution.

Lời khuyên cuối cùng rất đáng chú ý. Nói thêm, hôm trước tôi có nêu cần cảnh giác với các trường có tên chứa các từ 'international' hoặc 'American', điều đó cũng rất đúng. Nói nôm na, nên cảnh giác với những trường có tên "nổ banh xác" như IAU (trường đại học quốc tế Mỹ!!!!), hoặc các trường "nhái tên", ví dụ như ĐH Standford (nhái tên trường Stanford, vốn không có 'd'), hoặc ĐH Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University, nơi vị giám đốc sở ở Phú Thọ đã ... vô tình mua bằng dỏm), nhại tên một trường có thật ở Úc, hình như là University of South Pacific. Thông tin có thể tìm thêm trên mạng.

Một nhận định cuối cùng: tôi thực sự lo ngại về các chương trình "liên kết" tại VN, và rất mong các vị có thẩm quyền sẽ tìm hiểu thêm và hành động để bảo vệ người tiêu dùng trong giáo dục. Vì đó cũng là bảo vệ tương lai của đất nước, thật vậy! Thử hỏi, mọi việc sẽ ra sao khi các quan chức, các nhà khoa học, các trí thức của VN, với bằng cấp đầy người (!), khi xem lý lịch lại toàn là những người lấy bằng từ những trường ma như thế? Mà tôi tin là đã có nhiều đấy, và sẽ còn nhiều nữa nếu chúng ta cứ "nghe qua cho biết rồi bỏ", như thế này.

Ví dụ, vụ "mập mờ chương trình liên kết" do báo Thanh Niên khui ra mới đây, rồi sao nữa? Hàng trăm tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ được cấp ra từ cái Viện gì đó với các trường liên kết IAU và Adam University, tất cả đều là bằng có vấn đề. Vì tôi đã lên tìm hiểu kỹ trên trang web của IAU, và nó có tất cả những dấu hiệu của một "diploma mill" mà các lời cảnh báo trên các trang thông tin chính thức đều có nêu. Vậy người đưa chương trình liên kết đó về để "phân phối" đến người tiêu dùng VN, và cả cơ quan cấp phép nữa, có thể trước đây không biết thông tin thì thôi, nay biết rồi thì phải có hành động gì đi chứ?

Hay là, như đa số những việc khác ở VN, rủi ro đó do người tiêu dùng phải chịu hoàn toàn? Giống như đi khám chữa bệnh, nếu bệnh viện làm sai, rủi ro chết người, thì cũng chỉ là cái số của người bệnh thôi, chứ đâu có ai muốn thế???

Tôi viết vội nên có lẽ lộn xộn, chỉ vì muốn ghi nhanh lại những thông tin và nhận định của mình (kẻo quên, vì không phải lúc nào cũng có thời gian để đọc và viết), và rất mong các cấp có thẩm quyền lưu ý! Để góp tay vào việc cải thiện hình ảnh giáo dục VN trong tương lai, vốn đã xuống rất thấp trong mắt bạn bè quốc tế.
--
Viết tiếp:
Tôi đã đọc qua cái báo cáo của Accredibase mà bài báo này đã giới thiệu. Chỉ có 21 trang (tiếng Anh, tất nhiên), khá dễ đọc, nội dung tổng quát, cung cấp thông tin nhanh và hữu dụng cho những nhà tuyển dụng và lãnh đạo các trường đại học. Ai quan tâm có thể download nó ở đây. Mọi người nên đọc để biết!

Ngoài ra, bài này cũng rất đáng đọc, lời khuyên làm sao nhận ra trường dỏm. Đọc ở đây.

Saturday, June 19, 2010

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT 2010 cao, tại sao?

Bài viết này tôi mới viết theo yêu cầu của tòa báo hôm qua để trả lời câu hỏi đã đưa trong tựa của entry này, và đã đăng trên báo Pháp Luật TP HCM hôm nay, ở đây. Dưới đây là bản gốc mà tôi đã viết, có thể có chút khác biệt với bản đã đăng trên báo, do đã được biên tập ít nhiều. Xin đưa lên đây để các bạn cùng đọc và trao đổi, tranh luận.
---
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vừa qua đã gây ra sự tranh cãi giữa hai quan điểm, một bên cho rằng tỷ lệ đỗ cao của năm nay là do học sinh học tốt hơn năm trước, còn bên kia cho rằng tỷ lệ này chẳng qua là do năm nay đề thi dễ hơn, và việc tổ chức kỳ cũng lỏng hơn. Vậy, ai đúng ai sai?

Tôi cho rằng nếu chỉ dựa trên những thông tin mà hiện nay dư luận có được thì cuộc tranh cãi này sẽ mãi không có câu trả lời, vì cả hai phía đều có thể đúng (cũng có nghĩa là cả hai phía đều có thể sai!) Bởi, theo lý thuyết về kiểm tra đánh giá giáo dục thì kết quả của một kỳ thi được tạo thành bởi 3 yếu tố như sau (không kể các yếu tố ngẫu nhiên không khống chế được, giả định là như nhau giữa các kỳ thi):

1. Năng lực của thí sinh
2. Độ khó của bài thi hoặc cách cho điểm
3. Các yếu tố liên quan đến việc tổ chức kỳ thi

Vấn đề là với cách sử dụng điểm thô (điểm tuyệt đối) như tại Việt Nam hiện nay thì không thể có căn cứ nào để so sánh năng lực của thí sinh năm này với năm trước cả. Đơn giản là vì thí sinh mỗi năm mỗi khác, đề thi mỗi năm cũng là đề thi mới (không thể dùng lại đề cũ, tất nhiên rồi). Chính vì vậy mà khoa học trắc nghiệm đã phải đưa ra khái niệm điểm chuẩn hóa, hay còn gọi là điểm thống kê/điểm tương đối, để có thể đưa ra những so sánh giữa các năm với nhau.

Đây là một vấn đề khá kỹ thuật, nhưng có thể giải thích theo ngôn ngữ bình dân như sau: Nếu không có căn cứ nào khác ngoài điểm thi để chứng minh là năng lực của thí sinh có khác biệt giữa các năm, thì phải chấp nhận giả định là năng lực của thí sinh giữa các năm không có gì khác biệt.

Nói cách khác, nếu năm trước thí sinh có điểm cao nhất là 8/10, còn năm nay thí sinh có điểm cao nhất là 9/10, thì phải xem 2 điểm số khác nhau đó là tương đương với nhau (8 điểm của năm trước bằng 9 điểm của năm nay). Điều này cũng đồng nghĩa với kết luận là đề thi năm nay dễ hơn, hoặc chấm điểm nới tay hơn. Hoàn toàn không thể dùng sự khác biệt về điểm thô để kết luận về năng lực của thí sinh.

Ngoài ra, xét về tính logic của lập luận thì nếu có những khác biệt trong cách tổ chức thi giữa 2 năm, bắt buộc ta phải kết luận là sự thay đổi trong cách tổ chức thi năm nay đã tạo ra sự khác biệt về kết quả so với năm trước.

Như vậy, kết luận của Bộ Giáo dục rằng tỷ lệ tốt nghiệp cao năm nay phản ánh năng lực cao hơn của thí sinh là một kết luận không đủ căn cứ (chưa kể, ý kiến của Bộ Giáo dục thiếu tính khách quan khi chính mình chỉ đạo việc toàn bộ mọi khâu từ tổ chức giảng dạy, ra đề thi, tổ chức kỳ thi, rồi sau đó dựa trên kết quả của chính kỳ thi do mình tổ chức để kết luận rằng mình đã làm tốt).

Nếu Bộ có những lý do để tin rằng quả thật năng lực thí sinh đã tăng lên thì chỉ còn cách tổ chức một đợt thử nghiệm, chọn mẫu ngẫu nhiên một số thí sinh đã thi xong kỳ thi năm nay, và cho các em làm lại đề thi năm ngoái, rồi so điểm. Tất nhiên, sẽ có nhiều vấn đề kỹ thuật cần phải giải quyết để đảm bảo điểm số của các thí sinh trong mẫu thử nghiệm trên hai bài thi có thể so sánh được với nhau, nhưng nếu muốn có câu trả lời chính xác thì chỉ có thể làm cách đó. Còn nếu Bộ không đưa ra được số liệu như vậy thì cho dù thí sinh năm nay có thực sự giỏi hơn năm ngoái, Bộ cũng sẽ đành chịu mang tiếng “đề dễ, tổ chức thi lỏng” như hiện nay!

Một nhận xét cuối cùng. Thực ra, việc thử nghiệm như đã nêu ở trên chính là một bước trong quy trình ra đề thi, và LẼ RA ĐÃ PHẢI ĐƯỢC THỰC HIỆN TRƯỚC KHI THI để đảm bảo rằng đề thi của các năm là tương đương nhau. Nếu Bộ làm việc một cách chuyên nghiệp, thì những kết quả thử nghiệm này đã phải được công bố trước khi thi rồi. Như thế, khi có kết quả thì sẽ không thể có bất kỳ tranh cãi gì nữa.

Những việc như thế này, các nước tiên tiến đã làm cả thế kỷ nay. Việt Nam cải cách thi cử mãi hàng chục năm nay, có cả một Cục chuyên môn để làm việc này, chuyên gia trong nước cũng không thiếu, chẳng hiểu tại sao cứ loay hoay mãi như thế?
----
Cập nhật lúc 7g40 sáng 19/6:
Trên báo Thanh Niên hôm nay có đăng mẩu tin tóm tắt "Có 4 lý do dẫn đến tốt nghiệp cao", ở đây. Tin này hẳn là dựa trên bài phỏng vấn một quan chức của Bộ Giáo dục, đã được nêu trong bài viết này, và đã đăng hôm qua ở đây.

Phát biểu trong phỏng vấn này hẳn là phản hồi của Bộ GD với dư luận xã hội đã được phản ánh trong bài viết hôm qua về việc tại sao năm nay tỷ lệ tốt nghiệp lại "đẹp" như thế, đăng trên Báo Thanh Niên, ở đây.

Xin đưa các bài viết ấy lên đây để rộng đường dư luận.
---
Cập nhật tiếp lúc 3g20' chiều cùng ngày:
Tôi lại vừa tìm thấy mấy bài viết của GS Nguyễn Văn Tuấn về cùng một vấn đề, rất thú vị, nên đem hết các links về đây, again, "cho nó khỏi lạc bầy" ;-). Chúng ở đây, và ở đây.

Và cám ơn GS Nguyễn Văn Tuấn về những bài này, thật vậy!

Thursday, June 17, 2010

Số liệu về giáo dục VN, dành cho những người đang học thống kê

Riêng gửi các bạn học viên trong lớp Cao học Đo lường Đánh giá Khóa 2
---
Tôi vừa tìm thấy bài này trên trang của vietnamnet, ở đây. Với cái tựa thật ấn tượng: Những con số giáo dục dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân.

Một bài viết với nhiều số liệu, và rất rất nhiều ấn tượng, phải nói là "không thể nào quên", thật vậy!

Vấn đề đặt ra với những người đang tập tành đọc số liệu thống kê giáo dục (giống như các bạn học viên của tôi) là: có thể rút ra những kết luận giống như trong bài viết từ những số liệu này không?

Câu hỏi tôi mới đặt ra là một câu hỏi "Yes-No Question", cho nên trên nguyên tắc chỉ có thể có 2 câu trả lời: có hoặc không.

Chọn câu trả lời nào, có lẽ tùy thuộc vào trình độ và quan điểm của các bạn. Câu hỏi này theo tôi là một câu rất hay đấy; nó sẽ giúp tôi hiểu được các bạn nhiều hơn rất nhiều.

Chúng ta sẽ thảo luận "đáp án" của câu hỏi này trong lớp vào tuần sau nhé!

Còn các bạn hay đọc blog của tôi, nếu các bạn trả lời hoặc trao đổi gì ở đây, thì tôi rất biết ơn. Vì đọc bài đó với những số liệu và kết luận đã đưa, tôi không thể không quan tâm, thật vậy!
---
Cập nhật sáng ngày 18/6/2010:

Đã đọc entry này, thì các bạn cũng nên bỏ chút thời gian đọc thêm mấy bài này nữa:
1. Trên báo Thanh Niên hôm nay, tại đây.
2. Và trên blog cá nhân của tôi, viết tối qua, tại đây.
Có ai có comment gì không? Hay là ai cũng ..."no comments", nhỉ?

Wednesday, June 16, 2010

Rất đáng đọc: "Copy and Paste Knowledge Creation"

Đó là tựa một entry trên một blog bằng tiếng Anh với tên là Global Cognition mà tôi mới tình cờ khám phá ra hôm nay. Entry đó ở đây.

Tôi tìm thấy entry này khi tôi search cụm từ "India Higher Education Knowledge Creation Retail". Chả là vì tôi đang quan tâm đến bước đi của 2 nước "đại gia" của Châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ, xem họ đang làm gì với giáo dục đại học của họ.

Hai nước này vốn đang minh họa cho 2 mô hình rất khác nhau của châu Á, cả về thể chế chính trị, lẫn các định chế văn hóa và xã hội, các chính sách phát triển kinh tế, khoa học, và giáo dục đại học.

Và trong một cuốn sách nào đó tôi quên rồi, viết về giáo dục đại học và ước mơ đẳng cấp quốc tế, các tác giả của nó đã nhắc đến Ấn Độ với cái tựa sao đó tôi cũng quên rồi, mà trong đó có cụm từ tôi nghe qua là dịch được ngay và nhớ ngay đến giờ, là "bán lẻ tri thức". Giờ đây thì cụm từ "bán lẻ tri thức" cũng đã trở nên quen thuộc, nhưng khi tôi dùng cụm từ đó cách đây vài năm thì người nghe còn thấy kỳ lạ lắm.

Quay trở lại entry tôi đang giới thiệu ở đây. Cái tựa của nó có thể dịch là "Sáng tạo ra tri thức bằng phương pháp sao chép". Một cái tựa thật ... ấn tượng!

Mà ấn tượng nhất, đối với tôi, là mặc dù tác giả chẳng đề cập gì đến VN cả, nhưng sao cái tựa này lại đúng với tình hình VN hiện nay đến thế?

Để xem bài viết ấy nói gì nhé. Đáng chú ý, theo tôi, là những đoạn sau đây:
Can one copy Stanford or MIT by merely putting up a campus of such institutions? Can one copy the breakthrough Georgia Institute of Technology has achieved through its Advanced Technology Development Center? Or let’s make it easier, could a nation copy the syllabus and organizational structure of MIT (it is all available online) and achieve the same? What I have learned and seen of the world, duplication is flattery yet self effacing in academia.

The trend of copy and paste knowledge creation stations continues across the globe. For example, if ever in Dubai, one must visit what I have come to call the mall of universities i.e. the Knowledge Village. It is over 300 universities from across the world with literally a store front like setup. At the same time though, the American University in Dubai has built a large and open campus that creates a sense of being in an education institution in comparison to the Knowledge Village.

[...]

Lastly, and most importantly, the knowledge creator must be allowed to fail. I am afraid that the large corporate culture of incremental innovation and avoiding or not recognizing failure may creep into the academic institutions, where risk taking is encouraged to create breakthroughs. More on this topic in the near future.

Rất đáng suy nghĩ! Tóm tắt: để sáng tạo ra tri thức (nhiệm vụ chủ yếu của một trường đại học), thì không thể bắt chước một cách dễ dàng những điều nông cạn, hời hợt ở bên ngoài, chẳng hạn như tỷ lệ giảng viên trên sinh viên, hoặc cơ sở vật chất, hoặc tiền đầu tư trên đầu sinh viên - mặc dù những điều này đều rất cần.

Cần có nhiều thứ khác, lâu dài hơn, trong đó theo tôi quan trọng nhất là "người sáng tạo ra tri thức phải được phép sai lầm" - tức nôm na là nếu nghiên cứu có khi không ra kết quả gì cả, ví dụ thế, thì cũng vẫn không bị trừng phạt. Làm như vậy, mới mong có những sáng chế mang tính đột phá.

Và tự hỏi, có phải TQ, cũng như VN, đang sai lầm khi đặt ra những chỉ tiêu áp đặt về mặt hành chính, thậm chí về mặt chính trị (quyết tâm chính trị!), rồi các hiệu trưởng, vốn là những người cấp dưới về mặt hành chính và cả chính trị nữa, buộc phải thi hành, không chấp nhận làm khác, và không chấp nhận sai lầm (đã nghiên cứu thì bao giờ cũng phải có kết quả tốt, đố ai dám báo cáo khác!!!!)

Có ai hiểu rằng khoa học không cần đến, và cũng không thể phục tùng, dù có muốn, những quyết tâm chính trị, dù là quyết tâm cao đến mấy, không nhỉ?

Cái mà khoa học cần, như trong bài liêm chính trong học thuật tôi đã giới thiệu, là sự theo đuổi chân lý một cách khách quan, nghiêm nhặt, và trung thực.

Khi nào thì chúng ta muốn có những cái đó? Và khi nào thì chúng bắt đầu vun đắp những giá trị đó?

Học Quản trị Kinh doanh: Bằng giả, trường ma, kiểm định dỏm!

Hôm 14/6, báo Thanh Niên có phỏng vấn tôi về chất lượng của các chương trình liên kết, nhân đang có loạt bài về liên kết đào tạo giữa các đối tác VN với các trường đại học của Mỹ. Bài PV đó đã đăng trên báo Thanh Niên hôm qua 15/6, tại đây.

Nhân được hỏi về vấn đề liên kết đào tạo nói trên, tôi đã bỏ công tìm hiểu thêm về những "trường đại học" của Mỹ được báo TN nêu tên, và cảm thấy giật mình vì quy mô của vấn đề "bằng giả, trường ma, kiểm định dỏm" đối với ngành quản trị kinh doanh tại VN. Theo một nguồn tin không chính thức, thì riêng một cơ sở liên kết đào tạo phía VN mà trụ sở ở ngay tại TP HCM đã đưa ra thị trường đến 500 tấm bằng kiểu như vậy, gồm 300 thạc sĩ và 200 tiến sĩ (!). Câu hỏi: những thạc sĩ, và nhất là tiến sĩ này, hiện đang làm gì, ở đâu?

Tôi ngờ rằng một số không nhỏ những người này đang làm giảng viên tại các trường đại học của VN, đặc biệt là khối ngành kinh tế, quản trị, kế toán. Vì nó vốn là khối ngành nóng hiện nay, với rất nhiều người theo học. Và những kiến thức và kỹ năng mà nó cung cấp là những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho người học để làm việc trong thời kinh tế toàn cầu hiện nay.

Nói rằng chúng cần thiết, là dựa trên giả định rằng các chương trình học có thực sự trang bị kiến thức, kỹ năng cho sinh viên, thực sự bắt người học làm việc, và chỉ cấp bằng cho những người thực sự có năng lực, còn những ai chưa có đủ năng lực thì sẽ được chương trình đào tạo tìm mọi cách để giúp rèn luyện, trau dồi năng lực cần có.

Nhưng điều đó, tiếc thay, đang không xảy ra tại các chương trình liên kết như vậy! Vậy mà những chương trình liên kết như vậy lại đang giúp Việt Nam đào tạo các "máy cái" cho sự phát triển kinh tế của VN trong thời gian sắp tới: đào tạo giảng viên cho các trường đại học kinh tế, quản trị của VN!!!! Nhằm góp phần đáp ứng các mục tiêu phát triển giáo dục đại học của đất nước, hiện thực hóa ước mơ đẳng cấp quốc tế trong tương lai đó chăng??? Thật đáng lo ngại.

Xin mô tả chân dung của một trường mà tôi đã tìm hiểu hơi sâu một chút. Trường này không chỉ đang hoạt động ở VN, mà còn (có vẻ thế) đang tung hoành dọc ngang khắp châu Á này, đặc biệt là Mã Lai, với cái tên thật "ấn tượng" đối với những người sính đồ ngoại và tôn sùng nước Mỹ, nhưng thực sự chỉ làm cho những người có hiểu biết chút ít trở nên hết sức cảnh giác, đó là trường International American University (IAU - Trường đại học quốc tế Mỹ???!!!)

Xin mở ngoặc nói thêm: nếu các bạn thiếu thông tin và đang muốn tìm trường tốt để học, thì lời khuyên sau đây của tôi tuy thô thiển nhưng chắc chắn sẽ giúp bạn lọc đi được ít nhất là 30% các chương trình bậy bạ: HẾT SỨC CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG TRƯỜNG CỦA MỸ MÀ LẠI CÓ CHỨA TỪ AMERICAN HOẶC INTERNATIONAL. Vì đa số chúng là trường dỏm, ảo, ma, bậy bạ!!!! Tên của các trường đại học Mỹ, ý tôi nói là trường thật ấy, thì chỉ có tên tiểu bang mà thôi, nếu không phải là nhưng tên mà ai cũng biết như Yale, Havard, Stanford, MIT, vv.

Còn cái trường mà tôi đang nhắc đến trong entry này, thật ấn tượng, có cả hai từ đáng cảnh giác ấy: International và American!!!!!!

Dưới đây là một số thông tin lấy từ trang web của trường này:

1. Lịch sử: Tồn tại bắt đầu từ năm 2005 với tên gọi là MIA (Management Institute of America), một công ty tư nhân của Mỹ. Đổi tên thành International American Unversity năm 2006.

Nhận xét quan trọng: Cần cảnh giác với những trường của Mỹ mới thành lập trong vòng 10 năm trở lại đây, vì chúng chủ yếu nhắm vào đối tượng sinh viên nước ngoài ở những nền giáo dục đang phát triển ồ ạt về số lượng giống như VN. Thông tin ấy tại đây.

2. Các chương trình giảng day: Tên trường thì to tát (đại học quốc tế Mỹ!!!!), nhưng chỉ có mỗi một ngành, 2 khoa chuyên môn mà thực chất thì cũng chỉ có 1, đó là Khoa Doanh thương và Công nghệ (!), tiếng Anh là School of Business and Technology. Khoa còn lại là khoa Anh, chủ yếu là dạy tiếng Anh cho sinh viên nước ngoài vì thường là những sv này yếu tiếng Anh, nhưng trời ơi, IAU cũng offer cả bằng Master ngành Giảng dạy tiếng Anh nữa, hoảng quá!!!!

Nhận xét: Cần cảnh giác với những trường thành lập dưới danh nghĩa University mà thực chất chỉ có một, hai ngành, lại toàn là ngành không cần đầu tư như ngành Doanh thương hoặc tiếng Anh (chỉ cần người đứng lớp, tài liệu và tri thức thì đã có sẵn từ những trường khác, chương trình thì chép của người khác, dễ ợt!). Thông tin ấy tại đây, chọn tab "Academics".

3. Cán bộ, giảng viên chủ chốt: Rất đáng ngờ! Danh sách các nhân vật chủ chốt (thuộc hàng lãnh đạo cấp khoa, trường) của IAU có rất nhiều người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ từ các trường tư vì lợi nhuận, online, ví dụ như University of Phoenix (trường đại học Phượng Hoàng!!!!), Capella University, hoặc Walden University; những trường này chủ yếu đào tạo cho giới doanh nhân để làm chứ không đào tạo ra giới học thuật hàn lâm, nghiên cứu, tạo ra tri thức mới cho xã hội.

Không những thế, trong danh sách các cán bộ chủ chốt của IAU còn xuất hiện những tên trường khác nghe rất lạ, coi chừng là trường có vấn đề, như trường United States International University!!!! (trường ĐH quốc tế hiệp chủng quốc????). Hoặc National University (a ha, Mỹ cũng có ĐH Quốc gia nữa kìa, hôm nay mới biết đó nghe! - trường này thành lập năm 2001!!!!). Thông tin về cán bộ giảng viên chủ chốt của IAU tại đây.

Đại khái thế. Mới tới đây đã thấy có rất nhiều vấn đề rồi. Tôi phải tạm ngưng để đi làm. Sẽ viết tiếp khi có thời gian!

Báo chí ơi, xin mời vào cuộc để tiếp tục tìm hiểu vấn đề này, nhằm góp phần xây dựng nền giáo dục nước nhà, nhé?

Monday, June 14, 2010

Liêm chính trong học thuật (Academic Integrity)

Bài giới thiệu này của tôi đã được đăng trên Tia Sáng Online vào sáng nay, ở đây. Tôi đưa lên đây để chia sẻ với các bạn bè hay đọc blog này của tôi, và hy vọng có những trao đổi trong phần comment bên dưới.

Và rất vui khi thấy Tia Sáng đã chọn đăng bài viết (giới thiệu) này gần như là ngay lập tức! Thực sự, bài giới thiệu ngắn gọn này tôi viết rất khó khăn, sau khi nhận "đặt hàng" của báo Tia Sáng, vì theo tôi bài viết này cần ngắn gọn, cô đọng, dễ đọc nhưng vẫn phải vừa tổng quát, sâu sắc và thâm trầm, trang trọng, lại phải cụ thể và có tính gợi mở, định hướng, hiến kế vv.

Và tôi tìm, tìm mãi, tìm mãi để xem có cái gì đáng dịch và tổng hợp gửi cho báo. Nhưng cuối cùng thì không tìm được gì hay hơn bài viết ngắn này của một người bạn đồng nghiệp Mỹ mà đối với tôi đã trở nên thân thiết như một người bạn, GS Frances Hoffmann.

Cám ơn Fran (tên thân mật của GS Hoffmann), cám ơn báo Tia Sáng (cụ thể là anh T., người đã đặt hàng bài viết), và cám ơn các em ở CETQA, nơi đã tổ chức buổi trao đổi để tôi có được bài giới thiệu này.

---
Gần đây, hiện tượng “đạo văn” và “tham nhũng học thuật” đã nổi lên như một vấn nạn nghiêm trọng, tạo ra một hình ảnh rất không đẹp về nền giáo dục của Việt Nam.

Làm thế nào để cải thiện tình trạng này? Chúng tôi đặt câu hỏi trên cho GS Frances Hoffmann từ Connecticut College (Hoa Kỳ), học giả Fulbright tại ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh năm học 2009-2010. Câu trả lời của bà là đạo đức của một nhà khoa học cần phải được vun đắp lâu dài, chứ không thể là kết quả của một vài quy định hành chính. Và các giá trị đạo đức này cần được nhấn mạnh ngay từ khi một sinh viên mới bước chân vào trường đại học.

Để tạo điều kiện thảo luận về vấn đề này, chúng tôi đã tổ chức một buổi trao đổi giữa GS Hoffman với các giảng viên trẻ của ĐHQG-HCM vào cuối tháng 5/2010 về chủ đề “Sự liêm chính học thuật: Nó là gì, tại sao nó quan trọng, và làm thế nào để khuyến khích điều này?” (Academic integrity: what is it, why is it important, and how to encourage it?) Bài viết dưới đây là bản tóm tắt những ý chính của buổi trao đổi nói trên, dựa trên phần chuẩn bị bằng tiếng Anh (file powerpoint) của GS Hoffmann.
---
Liêm chính trong học thuật: Giá trị cốt lõi trong cuộc hành trình tri thức/chân lý

Trường đại học là cộng đồng nơi các giảng viên và sinh viên cùng nhau bước đi trong cuộc hành trình chân lý, và xét theo một nghĩa nào đó trường đại học cần được xem là một vùng đất thiêng liêng. Sự theo đuổi chân lý không đòi hỏi một chủ thuyết được áp đặt sẵn, mà cần tinh thần khách quan không thiên vị, óc phân tích nghiêm nhặt và khoa học, và sự liêm chính trong học thuật.

Tri thức khoa học chỉ có thể phát triển khi công trình của các nhà khoa học được đưa ra công khai và được thẩm định thông qua đánh giá đồng nghiệp (peer review), công bố trên các tạp chí chuyên ngành, và nêu rõ phương pháp tiến hành và các nguồn thông tin sử dụng trong công trình.

Nêu rõ nguồn thông tin (full disclosure of sources) vừa là một yêu cầu về đạo đức, nó đòi hỏi nhà khoa học phải trung thực thông báo cho cộng đồng khoa học về những người có đóng góp cho công trình, vừa là một yêu cầu thực tế vì nó giúp ích cho việc kiểm chứng những kết quả nghiên cứu khi cần thiết.

Dối trá trong học thuật

Ngược lại với sự liêm chính là sự dối trá trong học thuật. Dối trá trong học thuật là điều không thể chấp nhận được đối với một nhà khoa học, vì “nó hủy hoại mối liên hệ được xây dựng trên sự tin cậy và lòng trung thực giữa các thành viên của cộng đồng khoa học, và xét cho cùng nó chính là sự lừa đảo đối với công chúng, những người trông cậy vào tri thức và sự liêm chính của chúng ta [tức các nhà khoa học]” [1].

Thế nào là dối trá trong học thuật? Dưới đây là một số ví dụ rút ra từ Bộ luật ứng xử đạo đức dành cho sinh viên của trường Đại học Connecticut nơi tôi giảng dạy:

- Trao đổi trái phép về nội dung của các bài thi hoặc bài tiểu luận cuối khóa
- Tìm sự trợ giúp trái phép trong các bài thi hoặc các bài làm có chấm điểm
- Đạo văn, kể cả do sơ ý hoặc không biết cách trích dẫn nguồn thông tin theo đúng các thông lệ mà nhà trường yêu cầu
- Vi phạm các quy định trong một kỳ thi
- Bất kỳ hành vi gian lận hoặc thiếu trung thực trong học thuật nào khác

Các trường đại học Mỹ khuyến khích sự liêm chính trong học thuật bằng cách nào?

Việc khuyến khích sự liêm chính trước hết phải được thực hiện qua con đường giáo dục. Các trường đại học Mỹ hằng năm đều có tổ chức tuần lễ “định hướng” (orientation) vào đầu năm học, khi ấy các tân sinh viên sẽ được cung cấp các sổ tay nêu rõ các quy định về hành vi, bộ luật đạo đức, các yêu cầu của giảng viên về bài làm, bộ phận hỗ trợ học tập cho sinh viên, và các trang web cung cấp thông tin về những điều cần biết.

Việc rèn luyện sự liêm chính trong học thuật còn được thực hiện qua các biện pháp cưỡng chế thông qua các hội đồng học thuật, các thủ tục đề nghị cưỡng chế của giảng viên, và các biện pháp cưỡng chế như cảnh cáo, khiển trách, buộc tạm ngưng học tập, hoặc đuổi học.

Các chiến lược khuyến khích sự liêm chính học thuật được các trường đại học Mỹ chủ động lựa chọn và áp dụng sao cho phù hợp với sứ mạng đặt ra, và được xem là vấn đề riêng của từng trường, do trường tự quyết, không có bất kỳ sự can thiệp nào của chính quyền. Sự trung thực khoa học được xây dựng dựa trên những giá trị chung của cộng đồng khoa học, trong đó mỗi cá nhân được giáo dục để hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của chính mình.
-----
[1]Pavela, Gary (1997) Applying the power of association on campus: Model code of academic integrity. Journal of College and University Law. V. 24:1.

Sunday, June 13, 2010

Bài đáng đọc: "Dữ liệu - nhiều không bằng dùng khôn ngoan"

Bài này đã đăng cách đây vài tuần trên Tuần Việt Nam, và tôi đã đọc, thấy đáng để giới thiệu với mọi người nên đã viết entry dở dang. Nhưng sau đó bận quá nên không kết thúc, rồi quên luôn. Nay cuối tuần, ngồi dọn dẹp lại blog, nên hoàn tất để gửi lên chia sẻ với mọi người.
--
Một trong những bài hiếm hoi ở VN về vai trò của dữ liệu và cách sử dụng dữ liệu trong quản lý. Bài đó, ở đây.

Rất đáng đọc, đọc cả bài và đọc kỹ. Còn ở đây tôi chỉ xin chép lại một vài điều mà tôi tâm đắc, cùng những bình luận của tôi về việc sử dụng dữ liệu trong quản lý. Các tựa nhỏ do tôi đặt (trong bài cũng có các tựa của nó, nhưng tôi tin rằng các tựa nhỏ của tôi phù hợp hơn với điều tôi muốn chia sẻ ở đây).

Phải biết rõ mình cần gì!
[...] [C]ách đầu tiên để đơn giản hóa và cải thiện quy trình dữ liệu là đưa ra rõ ràng những câu hỏi then chốt mà bạn cần biết câu trả lời - và sau đó tâp trung thu thập những dữ liệu xung quanh những điều này, hơn là việc giài quyết tất cả các khả năng có thể xảy ra.

Hãy kể một câu truyện từ dữ liệu
[...] [N]hững phần dữ liệu tách biệt [...] cần được sắp xếp lại với nhau thành một lời giải thích mạch lạc về tình hình kinh doanh, nghĩa là biến chúng thành một bàn tường trình. Các nhà quản lý nên xem xét dữ liệu trước để biết những gì là cần thiết để có thể tường trình lại những vấn đề mà họ sẽ được yêu cầu kể.

Đừng quên dữ liệu đã trở thành một nguồn lực quan trọng
Rõ ràng dữ liệu kinh doanh và phân tích dữ liệu của nó rất quan trọng cho các tổ chức để thành công - có thể thấy một thực tế là các công ty như IBM đang đầu tư hàng tỉ đôla để mua lại những tin tức kinh doanh và không gian phân tích. Nhưng ngay cả những công cụ tự động hiệu quả nhất cũng sẽ trở thành vô dụng trừ khi các nhà quản lý rõ ràng về các câu hỏi cần đặt ra.

Rất đúng, phải không? Mà muốn thu thập, xử lý, và diễn giải đúng dữ liệu thì phải học một chút về thống kê. Vậy nếu các bạn chưa biết gì về thống kê thì hãy học đi nhé! Hoặc chờ tôi viết trên blog này, statistics for dummies, just like me!;-)

Trung Quốc: "Cần điều chỉnh chiến lược quốc gia về giáo dục đại học"

Đọc tin này bằng tiếng Anh ở đây. Còn dưới đây là bản dịch tiếng Việt của bài viết trên. Lần này, bản dịch không phải của tôi, mà của Kim Khôi - thuộc thế hệ 8x - cung cấp. Tôi đã đọc và hiệu đính lại.

Phần in nghiêng đậm trong bài dịch là do tôi thêm vào để nhấn mạnh những ý cần chú ý.

Thanks, Khoi, for providing the translation. Keep up the good work, Khoi, and enjoy reading, everybody!

---
Bắc Kinh, 04/06/2010 – Số lượng các thí sinh tham dự kỳ thi quốc gia để tuyển sinh đại học đã giảm trong vòng 2 năm liên tiếp sau khi đã đạt số lượng cao nhất vào năm 2008.

Trong tình hình như vậy, các trường đại học cần cân nhắc kỹ việc mở rộng tuyển sinh. Bên cạnh đó, chính sách quốc gia về giáo dục đại học cũng cần điều chỉnh.


Số lượng các thí sinh từ vùng nông thôn đã tăng đáng kể và hiện chiếm 61,9 % tổng số hơn 9,57 triệu thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học.

Việc ngày càng có nhiều học vùng nông thôn có khả năng tiếp cận với giáo dục đại học là một điều tích cực. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu đa số các sinh viên tốt nghiệp có kiếm việc làm ở thành phố hay không.

Nếu có, thì điều này có nghĩa là việc làm ở thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn, chắc chắn sẽ chịu rất nhiều áp lực. Còn nếu không,vậy họ sẽ áp dụng những gì đã học được ở đại học vào đâu?

Năm nay, các trường đại học y, dưới sự bảo trợ trực tiếp của Bộ Giáo dục sẽ tuyển 5.000 sinh viên từ nông thôn. Các sinh viên này sẽ được đào tạo miễn phí trong vòng 5 năm, sau đó quay về quê nhà để làm việc tại những bệnh viện ở địa phương. Điều này sẽ giải quyết được nhu cầu nhân lực tại các địa phương kém phát triển của các sinh viên đó.

Thực sự bệnh viện tại các thị trấn nghèo đang rất cần những bác sĩ được đào tạo lành nghề trong khi bệnh viện tại các thành phố lại quá dư thừa.

Trong bối cảnh như vậy, kế hoạch nêu trên sẽ giúp giải quyết vấn đề. Các sinh viên tốt nghiệp không những sẽ giúp cải thiện chất lượng y tế tại các thị trấn kém phát triển mà còn trút bỏ được mối lo về việc làm của mình sau khi tốt nghiệp.

Những ý tưởng tương tự đang rất cần để giải quyết vấn đề nhân lực cho các vùng kém phát triển đang thiếu chuyên gia trầm trọng, vừa tạo ra cơ hội việc làm tốt hơn cho sinh viên tốt nghiệp.

(Nguồn: Chinadaily.cn)
---
Viết thêm:
Với kinh nghiệm như trên của TQ, có lẽ VN cũng cần có những nghiên cứu về tỷ lệ sinh viên từ các tỉnh đến các thành phố lớn để dự thi tuyển sinh đại học, và về tỷ lệ các sinh viên này trở về nguyên quán để làm việc là như thế nào, để định hướng chiến lược phát triển giáo dục của mình cho đúng hướng, nhỉ?

Wednesday, June 9, 2010

Chất lượng đại học thấp, phải chăng chỉ vì mở trường dễ dãi?

Entry này là bản gốc của một bài tôi đã viết cho báo Pháp Luật TP nhân dịp Quốc hội họp và bàn về những vấn đề của giáo dục đại học. Bài viết đã được đăng báo sáng nay, tại đây dưới tựa đề "Nên kiểm định độc lập các trường đại học". Bài đã được rút gọn khá nhiều, trong đó có một số chi tiết mà tôi nghĩ là có thể được xem xét thêm nếu có điều kiện. Vì vậy, xin gửi lên đây để chia sẻ với các bạn để mong nhận được các ý kiến trao đổi.
---
Chất lượng giáo dục đại học Việt Nam chưa cao, điều này có lẽ cho đến nay không còn ai thắc mắc. Nhưng nguyên nhân là do đâu, thì dường như mỗi người lại có một ý kiến khác nhau. Khá nhiều người cho rằng nguyên nhân chủ yếu của việc chất lượng giảm sút là do lâu nay ta đã cấp phép mở trường quá dễ dãi, thiếu những quy định chặt chẽ. Một số người khác thì cho rằng nguyên nhân chính là do việc xét duyệt hồ sơ mở trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ yếu là xem xét trên hồ sơ chứ không kiểm tra thực tế. Đó là lý do tại sao lại có tình trạng hồ sơ một đàng, thực tế một nẻo ở trường Đại học Phan Thiết mà báo chí đã nêu lâu nay.

Nếu những lập luận nêu trên là chính xác thì để cải thiện tình trạng hiện nay, chỉ cần xem xét quy định mở trường hiện hành đã đủ chặt chẽ chưa, đồng thời đưa thêm yêu cầu bắt buộc là phải kiểm tra thực tế trước khi cấp phép. Bài viết này đưa ra một số nhận xét về quy định hiện hành cùng một vài đề xuất cải thiện chất lượng đại học Việt Nam hiện nay, nhằm đóng góp cho Quốc hội nhân kỳ họp thứ 7 của Quốc hội Khóa 12 đang diễn ra hiện nay.

Luận điểm chính của tôi là các quy định hiện hành về thành lập trường đại học rất chặt về thủ tục và hồ sơ ban đầu, nhưng lại rất lỏng về trách nhiệm và sự giám sát trong quá trình hoạt động. Những nhận định của tôi chủ yếu dựa trên việc xem xét quy định thành lập trường đại học theo Quyết định số 07/2009/QĐ-TTg ngày 15/1/2009.

Tóm tắt Quyết định 07
Quyết định 07 của Thủ tướng bao gồm 11 điều, trong đó có 3 điều quy định chung (Điều 1: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, Điều 10 và 11: Thời hạn hiệu lực và trách nhiệm thi hành) và 8 quy định cụ thể như sau:
• Điều kiện thành lập (điều 2);
• Quy trình, thủ tục thành lập (điều 3);
• Thu hồi chủ trương thành lập và giải thể trường (điều 4);
• Cho phép mở ngành đào tạo và tuyển sinh (điều 5);
• Sáp nhập, chia, tách trường đại học (điều 6);
• Đình chỉ hoạt động của trường đại học (điều 7);
• Giải thể trường đại học (điều 8); và
• Trách nhiệm của các cơ quan (điều 9).

Khi đọc nội dung cụ thể của từng điều trong quy định thì điều đầu tiên đập vào mắt tôi là văn bản trên quá nặng về hướng dẫn thủ tục, vì chỉ riêng điều 3 nói về quy trình và thủ tục đã chiếm đến 4 trang trong tổng số hơn 9 trang của văn bản. Ngoài ra, có thể nói các quy định hiện nay vừa chặt vừa lỏng, và có một vài điểm thiếu hợp lý. Xin phân tích dưới đây:

Thủ tục và hồ sơ cấp phép khá chặt chẽ nhưng cần kiểm tra thực tế
1. Các điều kiện thành lập được quy định trong Điều 2 gồm 6 điểm: phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường đại học đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; có Dự án thành lập trường (nêu cụ thể trong điều 3); được Ủy ban nhân dân Tỉnh hoặc Thành phố thuộc trung ương chấp thuận; có đủ số lượng giảng viên và nhà quản lý; có đất để xây dựng trường (tối thiểu 5 hectare) và cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động; có vốn hoạt động (tối thiểu 50 tỷ, không kể giá trị đất đai).

Trong 6 điều kiện này, có 2 quy định cứng về các điều kiện tối thiểu và có thể kiểm tra ngay trước khi cấp giấy phép thành lập trường: điều kiện về đất và vốn hoạt động. Những điều kiện còn lại là các thủ tục hành chính, phục vụ cho việc quản lý của nhà nước.

Như vậy, để đảm bảo chất lượng của các trường đại học sau khi được cấp giấy phép thành lập thì không những thủ tục cấp giấy phép phải chặt chẽ và được thực hiện nghiêm túc (Điều 3), mà những quy định về trách nhiệm của các bên có liên quan và các biện pháp chế tài về những vi phạm xảy ra sau khi cấp giấy phép (Điều 4 và Điều 7) cũng cần được nêu rõ ràng và chặt chẽ một cách tương xứng. Làm như thế, mới có thể giúp ngăn ngừa sự ra đời và tồn tại của những trường đại học kém chất lượng. Tuy nhiên, quy định hiện nay chưa làm được điều này.

2. Quy trình và thủ tục thành lập trường (Điều 3) rất chặt chẽ chi li, gồm 2 bước: bước 1 phê duyệt chủ trương đầu tư và bước 2 ra quyết thành lập trường, mỗi bước đều phải có sự phê duyệt cuối cùng của Thủ tướng. Quá trình thực hiện khá chặt chẽ với nhiều hồ sơ có sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền, từ Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc thành phố thuộc trung ương nơi ngôi trường tọa lạc, Bộ Giáo dục và Đào tạo (vai trò chính yếu), các Bộ, ngành có liên quan.

Khi chủ trương thành lập trường đã được phê duyệt nếu sau 3 năm trường không triển khai được dự án thì chủ trương sẽ bị thu hồi. Cũng vậy, khi quyết định thành lập trường được ký mà sau 2 năm vẫn không chuẩn bị được đủ điều kiện để hoạt động thì trường sẽ bị giải thể (Điều 4).

Như vậy, có thể tạm yên tâm là ở khâu đầu tiên này đã có sự kiểm soát rất chặt chẽ. Sự lỏng lẻo, sơ hở nếu có chỉ có thể ở khâu thường xuyên giám sát, đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động của các trường, và thực hiện những biện pháp chế tài khi cần thiết, chứ không phải ở khâu cấp phép, nếu mọi bước trong khâu này đều được thực hiện tốt và làm thật.

Sự giám sát và chế tài chưa được quy định rõ ràng, hợp lý
3. Sự giám sát chất lượng đối với một trường được bắt đầu ngay sau khi trường được thành lập và là trách nhiệm của Bộ Giáo dục. Trong văn bản được nêu ở đây, sau khi có giấy phép thành lập, để có thể mở ngành đào tạo và tuyển sinh phải được sự đồng ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo với những điều kiện rất cụ thể về số lượng giảng viên, diện tích phòng học, giáo trình, trang thiết bị vv (Điều 5).

Một câu hỏi đặt ra ở đây văn bản này không nêu rõ loại trường nào cần được kiểm tra: chỉ những trường mới thành lập sau Quyết định này (năm 2009), hay tất cả mọi trường đã thành lập, hay chỉ là trường tư, hoặc chỉ là trường công?

Nếu là tất cả các trường (điều nên làm, trong điều kiện chất lượng đào tạo đang bị xã hội kêu ca như hiện nay) thì không hiểu làm sao Bộ có thể kiểm tra xuể khi số trường đại học và cao đẳng của Việt Nam hiện đã hơn 400 trường. Nếu mỗi năm kiểm tra 20% số trường (tức 5 năm kiểm tra lại một lần) thì cần kiểm tra trên 6 trường/tháng, nếu mỗi đoàn kiểm tra làm việc 4 ngày (1 ngày đọc hồ sơ trước khi đến trường, 1 đi lại, 2 ngày kiểm tra thực địa, họp hành, hội ý) thì quanh năm suốt tháng chỉ đi kiểm tra thôi mà không làm việc gì khác cũng không có đủ thời gian.

Còn nếu chỉ kiểm tra những trường mới thành lập sau năm 2009, thì điều này có nghĩa là những trường kém chất lượng nhưng đã “lỡ” thành lập thì vẫn được tiếp tục hoạt động?

4. Sự chế tài của nhà nước đối với những vi phạm của trường đại học được quy định ở Điều 7 (đình chỉ hoạt động) và Điều 8 (giải thể). Tuy nhiên, hai điều này được quy định khá sơ sài và có những chỗ bất hợp lý:

a. Việc trình Thủ tướng đình chỉ hoạt động của trường là trách nhiệm của Bộ Giáo dục. Tuy nhiên, như đã nêu ở mục 3, Bộ sẽ không thể nào có đủ thời gian để kiểm tra thực tế.

b. Nếu không bám sát thực tế, không ra quyết định đình chỉ hoạt động, thì không thể giải thể các trường vì lý do vi phạm mà không khắc phục được hậu quả (Điều 8, Khoản 1, Mục b)

c. Một số điểm khác trong quy định về giải thể chưa rõ ràng hoặc chưa hợp lý:
i. “Mục tiêu và nội dung hoạt động của trường đại học không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”; (Điều 8, Khoản 1, Mục c). Rất mơ hồ: Phù hợp với yêu cầu phát triển là gì, và không rõ ai có thẩm quyền và năng lực xác định sự phù hợp này?
ii. “Do yêu cầu sắp xếp lại mạng lưới cho phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế” (Điều 8, Khoản 1, Mục c). Vừa mơ hồ, tương tự như trên, vừa không hợp lý, thậm chí bất công đối với trường tư, vì theo quy định trường đã phải thành lập theo đúng quy hoạch của mạng lưới. Nếu thực tế thay đổi thì trước hết điều này phản ánh tầm nhìn hạn hẹp của những người chứ không phải lỗi của trường, sao lại buộc trường giải thể?

Từ những phân tích nêu trên, tôi cho rằng điều quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam không phải là có thêm quy định, mà là đổi mới tư duy quản lý giáo dục của Bộ Giáo dục, chuyển từ quan điểm chỉ chú trọng quản lý chặt đầu vào và nhấn mạnh thủ tục, hồ sơ, sang quan điểm thường xuyên kiểm tra thực tế, giám sát và đánh giá khách quan, điều chỉnh kịp thời, và chế tài nghiêm khắc khi cần thiết.

Tất nhiên, nếu vẫn hoạt động như hiện nay thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không thể nào làm xuể, và mọi việc vẫn như cũ. Giải pháp cho điều này thật ra đã có, thậm chí cũng đã được đưa vào Luật Giáo dục và được Quốc hội thảo luận nhiều lần, đó là tăng cường công tác kiểm định và thành lập các tổ chức kiểm định độc lập để thực hiện việc thường xuyên rà soát, đánh giá và công nhận theo các chuẩn chất lượng. Vấn đề hiện nay là làm thế nào để thực sự đẩy mạnh công tác kiểm định, đó chính là điều mà công chúng đang mong đợi các đại biểu Quốc hội bàn bạc và tìm ra giải pháp trong kỳ họp Quốc hội này.

Tuesday, June 8, 2010

Kiểm định các chương trình QTKD theo AACSB?

Như các bạn hay đọc blog này của tôi có thể còn nhớ, cách đây ít lâu tôi được cử đi công tác tại Singapore để dự hội thảo về kiểm định chương trình đào tạo khối ngành kinh tế - quản trị - kế toán theo AACSB.

Tại sao lại kiểm định theo AACSB, mà AACSB là gì? Nói vắn tắt, AACSB là một hội nghề nghiệp của Hoa Kỳ và một trong những hoạt động của họ là kiểm định chương trình đào tạo theo những tiêu chuẩn do họ đề ra. Đối với các nhà tuyển dụng Hoa Kỳ, được AACSB kiểm định được xem như là một sự bảo đảm lòng tin (well, ít ra là một phần) về chất lượng của người cầm tấm bằng tốt nghiệp đã được kiểm định. Ở VN ta, ít ra là tại ĐHQG-HCM, có một số người cũng ... mon men muốn tìm hiểu về hệ thống kiểm định này. Nên tôi viết bài này để giới thiệu về AACSB cho ĐHQG-HCM, đồng thời chia sẻ nó ở đây với những ai quan tâm.

Enjoy!

---
AACSB là từ viết tắt của cụm từ Association to Advance Collegiate Schools of Business, tạm dịch là Hiệp hội phát triển giảng dạy doanh thương bậc đại học. Đây là một hiệp hội nghề nghiệp với lịch sử gần 100 năm tồn tại, được thành lập tại Hoa Kỳ vào năm 1916 nhằm mục đích “phát triển giảng dạy doanh thương bậc đại học” như tên gọi của tổ chức đã nêu rõ.

Cũng tương tự như ABET, kiểm định không phải là hoạt động duy nhất và thậm chí không thể xem là hoạt động quan trọng nhất của AACSB, mà tổ chức này còn có rất nhiều hoạt động rất mạnh mẽ khác liên quan đến việc phát triển nghề nghiệp của giảng viên và các nhà quản lý đào tạo của khối ngành doanh thương: tổ chức tập huấn thường xuyên, hội thảo/hội nghị giữa các bên liên quan trong quá trình đào tạo và sử dụng lao động, và công tác thông tin, xuất bản các ấn phẩm khoa học và ấn phẩm phổ thông phục vụ cho mục đích chung của tổ chức. Tuy nhiên, dù hoạt động kiểm định có thể không phải là hoạt động quan trọng nhất, nhưng đó lại là hoạt động mà nhiều người biết đến nhất, vì những ảnh hưởng quan trọng của nó đến danh tiếng của một chương trình đào tạo đối với thị trường lao động.

Nhằm thực hiện mục đích đã đề ra, chỉ 3 năm sau khi ra đời, năm 1919 AACSB đã xây dựng xong bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đầu tiên và sử dụng bộ tiêu chuẩn này để hướng dẫn hoạt động đào tạo tại các trường thành viên sao cho đạt chất lượng mong muốn, đồng thời thực hiện kiểm định các thành viên của mình trên nguyên tắc tự nguyện và lấy thu bù chi. Trong một thời gian rất dài, AACSB chỉ kiểm định duy nhất một chương trình quản trị kinh doanh (cả ở trình độ đại học lẫn sau đại học). Mãi đến năm 1980, AACSB mới xây dựng thêm bộ tiêu chuẩn dùng để đánh giá các chương trình đào tạo ngành kế toán để phục vụ các nhu cầu riêng biệt của ngành học này.

Là một tổ chức chuyên nghiệp hoạt động trong lãnh vực kiểm định nghề nghiệp, AACSB luôn định kỳ rà soát, xem xét lại các bộ tiêu chuẩn đã được xây dựng để các tiêu chuẩn này luôn được cập nhật và phù hợp với yêu cầu thực tế của nghề nghiệp liên quan. Theo thông tin do AACSB cung cấp, mọi hoạt động của AACSB đều tuân thủ Bộ luật ứng xử dành cho Hiệp hội các tổ chức kiểm định chuyên môn và nghề nghiệp ASPA . AACSB cũng là một trong những tổ chức kiểm định được công nhận bởi Hội đồng kiểm định giáo dục đại học Hoa Kỳ CHEA . Đối với thị trường lao động nghề nghiệp khá tự do của Hoa Kỳ, sự công nhận này là rất quan trọng vì nó chính là sự bảo đảm với nhà tuyển dụng về sự nghiêm túc và giá trị thật của các bằng cấp từ các trường được AACSB kiểm định.

Để được kiểm định theo AACSB, trước hết một cơ sở đào tạo cần phải đủ điều kiện tham gia (eligibility) kiểm định, và sau khi đánh giá ngoài phải đạt được mọi yêu cầu của các tiêu chuẩn chất lượng do AACSB đề ra. Các điều kiện tham gia kiểm định AACSB gồm có:

1. Là thành viên chính thức của AACSB. Để trở thành thành viên, cần hoàn tất hồ sơ tham gia và cung cấp mọi thông tin về cơ sở đào tạo theo yêu cầu của AACSB, đồng thời đóng đủ lệ phí thành viên. Mức lệ phí của năm 2009-2010 là 2550 USD/năm, tính từ 1/7/2009 đến hết ngày 30/6/2010 .

2. Có các chương trình đào tạo về quản trị (management) và kinh doanh (business) ở trình độ đại học trở lên (AACSB không kiểm định các chương trình đào tạo ở trình độ cao đẳng trở xuống)

3. Các chương trình đăng ký kiểm định phải có đủ nguồn lực thường xuyên (continuing resources) để thực hiện đào tạo. Nói cách khác, các chương trình đào tạo được mở ra theo kiểu "ăn xổi" - thiếu giảng viên đúng chuyên ngành, thiếu thư viện, thiếu cơ sở vật chất vv - sẽ không đủ điều kiện để đăng ký kiểm định với AACSB.

4. Tất cả các chương trình đào tạo quản trị và kinh doanh ở những nơi khác nhau của cùng một cơ sở đào tạo phải được kiểm định cùng một lúc. Nếu bỏ bớt chương trình nào thì phải có lý do, phải báo trước và được AACSB chấp thuận. Quy định này của AACSB nhằm ngăn chặn tình trạng các trường có thể có một số chương trình tốt, được AACSB kiểm định, rồi nhập nhằng dùng “danh hiệu” này để mở ra các chương trình khác ở những địa phương khác nhau nhưng không đáp ứng yêu cầu kiểm định.

Chú thích:
Tất cả các thông tin trong bài viết này đều được tổng hợp từ trang web của AACSB tại địa chỉ: http://www.aacsb.edu, hoặc dựa trên các trao đổi trực tiếp giữa tôi và các thành viên tham dự hội thảo hồi tháng 5/2010 tại Singapore.
---
Tạm thời hãy giới thiệu thế. Khi nào viết xong những phần kế, tôi sẽ tiếp tục đưa lên blog này để chia sẻ thông tin với mọi người.

Monday, June 7, 2010

Glass ceiling là thuật ngữ gì - hay, sự thận trọng khoa học

Hôm nay, có một cựu học viên cao học TESOL, trước đây có học với tôi tại trường ĐH KHXH-NV, biết tôi hiện nay đang làm việc trong lãnh vực giáo dục đại học nên gọi điện đến để hỏi câu hỏi mà tôi đã đưa lên làm một phần tựa của entry này.

Nghe câu hỏi này xong, thực sự tôi rất "cáu"! Tính tôi vốn nóng như Trương Phi mà!

Vì câu trả lời, tôi hy vọng mọi người đang đọc blog này đều biết rõ, là: glass ceiling tất nhiên không phải là thuật ngữ gì cả! Nó chỉ là một từ hết sức thông thường, được liệt kê ê hề trong các từ điển dành cho người học (learners' dictionary). Ví dụ như trong cuốn từ điển nổi tiếng khắp thế giới trong nhiều thập niên qua mà bất kỳ ai đã học qua tiếng Anh một cách ... tương đối đàng hoàng đều phải sở hữu, cuốn Oxford Advanced Learners' Dictionary (OALD) của Hornby do Nhà xuất bản ĐH Oxford ấn hành.

Đây, trong cuốn OALD ấn bản lần thứ 6 (2000) mà con gái tôi (học lớp 7) đang sử dụng, ở trang 545 có định nghĩa về glass ceiling như sau:
glass ceiling noun [usually sing.] the imaginary barier that stops women, or other groups, from getting the best jobs in a company, etc although there are no official rules to prevent them from getting these jobs.

Tôi chưa bao giờ tra từ này trong từ điển Anh - Việt, nhưng cụm từ tương đương của 'glass ceiling' trong tiếng Việt lâu nay tôi vẫn dùng là "rào cản vô hình". Vì glass ceiling thực sự là ... rào cản vô hình mà, phải không? Mặc dù nếu ai thích dịch word-for-word thì sẽ dịch là "tầm trần kính", "trần nhà trong suốt" gì gì đó.

Nói thêm: nghĩa của từ này rất rõ ràng, hoàn toàn có thể suy ra từ 2 từ glass và ceiling. Trong tiếng Anh thông thường, cụm từ "reach/hit the ceiling" có nghĩa là "chạm/đụng nóc", tức hết cơ hội phát triển. Điều này trong nghề nghiệp thường xảy ra luôn.

Còn nếu cái "nóc" ấy "trong suốt" nên ta không biết, cứ phấn đấu mãi, thì sẽ chẳng không bao giờ tiến bộ hơn được nữa nếu không/chưa đập bỏ cái nóc ấy đi. Đó là nghĩa của từ glass ceiling, đã có sẵn từ rất rất nhiều năm nay (ít ra, lần đầu tiên tôi nghe được từ này là vào cuối thập niên 1980, và nghe xong thì hiểu ngay lập tức, có cần phải tra từ điển gì đâu? Hình tượng quá rõ rồi còn gì?)

Ừ nhưng biết đâu chỉ có những người có gốc ngoại ngữ như tôi thì mới biết thôi thì sao nhỉ? Để cẩn thận, tôi ... google vừa tiếng Anh vừa tiếng Việt với những từ "glass ceiling rào cản vô hình". Và kết quả search đã cho tôi "342 kết quả trong 0.33 giây", trong đó item đầu tiên là bài viết năm 2008 trên Tuần Việt Nam với những giòng sau:

Tôi không để tâm đến những tranh luận phổ biến xung quanh vấn đề phụ nữ và công việc. Về vấn đề này, nhiều người đã nói đến hiện tượng “rào cản vô hình phía trên” (“glass ceiling”: khái niệm hàm ý rằng đến một lúc nào đó phụ nữ không phát triển cao hơn được nữa vì rào cản vô hình).

Link: http://www.tuanvietnam.net/co-phai-phu-nu-alpha-manh-me-hon-dan-ong-alpha-phan

Thế là rõ. Vậy thì tại sao người sinh viên của tôi lại hỏi "glass ceiling" là thuật ngữ gì trong nghiên cứu giáo dục?

Tôi cũng hỏi người sinh viên ấy đúng như thế. Cậu ấy bảo, vừa đọc được trên một trang web của một "nhà nghiên cứu giáo dục đại học" có tên tuổi trong nước (!) một bài viết, trong đó có nhắc đến từ "glass ceiling" mà Altbach, một tác giả viết về giáo dục đại học nổi tiếng lừng lẫy khắp thế giới, đã dùng trong bài viết của ông, và bảo đó là một "thuật ngữ" (!).

Cậu ấy bảo, em vẫn biết từ glass ceiling, nhưng do tác giả của bài viết mà em đọc được đã nhắc đến nó như một thuật ngữ mà Altbach dùng, nên em sợ nó có nghĩa gì riêng, phải gọi hỏi lại cô cho chắc. Và cậu ấy cho tôi biết tác giả của bài viết và trang web mà cậu ấy đã đọc được bài ấy.

Tôi vào trang web ấy, và quả thật tác giả của nó đã viết như sau:
glass ceiling, một thuật ngữ rất hay của GS Altbach - không thể có từ nào hay hơn

Để làm minh chứng cho lời nói, tôi đưa lên đây tấm hình chụp màn hình tôi đọc nó lúc 6:36 phút chiều ngày hôm nay 7/6/2010. Đây này: Đúng là không biết nói gì hơn ngoài 2 từ: "bó tay"!

Thử nghĩ mà xem, thật là tội nghiệp cho GS Altbach khi ông bị gán cho một điều mà ông không hề nói! Vì trong bài của ông, glass ceiling là glass ceiling, có chỗ nào ông bảo nó là thuật ngữ đâu cơ chứ!

Xin gửi kèm bài viết một lời nhắn nhủ cho tất cả mọi người trong giới khoa học: hơn bất cứ nghề nghiệp nào, trong khoa học, một đức tính không bao giờ được xem nhẹ, và phải rèn luyện hàng ngày, hàng giờ, là sự thận trọng trong từng lời, từng câu, từng chữ! Đặc biệt là về thuật ngữ (tức biết rõ cái gì là thuật ngữ, cái gì không).

Nhưng hình như sự thận trọng khoa học đó hiện nay ở VN là ... xa xỉ phẩm thì phải? Mà cũng chẳng có ai băn khoăn, thắc mắc gì, trừ những người gàn gàn dở dở như tôi?

Thế thì chẳng trách sao chất lượng giáo dục lại kém, thật vậy!

Hay tôi lại là Khuất Nguyên? Ai muốn biết Khuất Nguyên là gì, tại sao tôi lại nhắc đến ông, thì xin vào đây.

Buồn thật!
---
Viết thêm:
Nhân có cái comment của SGK (xem trong phần comment), tôi đã quay trở lại bài viết lúc 10:43 phút tối cùng ngày và bắt được những cái lỗi sơ đẳng mà SGK đã nêu, bèn đưa lên đây để ... lưu và ngắm!
Đúng là "Cái học ngày nay đã hỏng rồi", Tú Xương ơi!

Hai bài đáng đọc trên báo Nhân Dân về chất lượng đại học

Cái tựa entry này thế nào cũng làm cho một số người chú ý cho xem. Vì hình như báo Nhân Dân ít ai đọc lắm thì phải, trừ những người làm công tác Đảng, có lẽ vậy.

Nhưng lần này thì quả thật có 2 bài về giáo dục ĐH đáng đọc. Nó là bài phỏng vấn GS Đào Trọng Thi, nguyên GĐ ĐHQG Hà Nội. Hiện ông còn đang giữ chức vụ to tát khác, khi các bạn đọc bài phỏng vấn thì sẽ rõ.

Do đang vội đi làm, nên chỉ đưa link 2 bài viết trên báo Nhân Dân thôi. Khi có chút thời gian, tôi sẽ quay lại viết tiếp nhận định của tôi về 2 bài viết mà tôi giới thiệu ở đây. Bạn đọc nào có ý kiến gì về vấn đề đặt ra trong báo thì comment giúp nhé!

---
Loạt bài Giáo dục đại học: Bức tranh đáng báo động.

Bài thứ nhất:
Loạn cấp phép thành lập trường ĐH.
Ở đây, link: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=36&sub=48&Article=176266.

Bài thứ hai:
Chất lượng GD ĐH không đạt chuẩn ... VN. Ở đây, link: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=0&article=176320.

Chỉ có một comment nhanh: Dường như vẫn chưa có giải pháp gì có vẻ khả thi lộ ra từ 2 bài viết này. Vẫn chỉ là hiện trạng, and it's bad. Làm sao làm cho nó tốt hơn, hình như chưa thấy rõ.

Tôi chợt nhớ đến một bài tôi đã viết và đưa trên blog này cách đây ít lâu: "Bộ Giáo dục đạt mục tiêu đổi mới bằng cách nào?" Bài ấy tôi viết cho Tia Sáng, nhưng vì đăng lên blog nên bị ai đó lấy đưa lên trang boxitvn mà không thèm hỏi tôi một tiếng, cũng chẳng để tên tôi là tác giả. Nhưng vì đăng trên đó trước, nên Tia Sáng không đăng nữa!

Theo tôi, câu trả lời tổng quát đã nằm trong bài viết đó. Tôi viết nó sau khi đọc và trăn trở rất nhiều về những mô hình đại học thành công cũng như thất bại trên thế giới. Nhưng dường như không mấy ai quan tâm?

ở đây, nếu bạn nào muốn đọc lại (vì tò mò). Link: http://ncgdvn.blogspot.com/2010/03/bo-giao-duc-at-muc-tieu-oi-moi-bang.html.

Enjoy!

Friday, June 4, 2010

"Hệ thống xếp hạng đại học mới của châu Á"

Bài dịch và giới thiệu này của tôi đã được đăng trên Tia Sáng số đầu tháng 6. Xin đăng lên đây để chia sẻ rộng rãi đến mọi người.
---
Vừa qua, sau khi kết quả xếp hạng đại học châu Á năm 2010 được QS công bố, công chúng trong nước đã ráo riết đặt câu hỏi: “Hiện nay đại học VN đang ở đâu, và khi nào chúng ta mới có mặt trong các bảng xếp hạng khu vực và thế giới?”

Để trả lời câu hỏi này, cần nhớ rằng mỗi bảng xếp hạng sử dụng các tiêu chí chất lượng, các chỉ số và cách chấm điểm khác nhau. Vì vậy, không nên tuyệt đối hóa các kết quả xếp hạng, mà quan trọng hơn là hiểu rõ ý nghĩa và những hạn chế của chúng, để có thể có những chuẩn bị cần thiết nhằm lựa chọn và tham gia các hệ thống xếp hạng khi cần.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết này của tác giả Richard Holmes, đã đăng trên tờ báo mạng University World News (Tin giáo dục đại học thế giới) ngày 16/5/2010 vừa qua. Richard Holmes hiện đang giảng dạy tại Trường Đại học Teknologi MARA, Shah Alam, Malaysia và là chủ trang blog mang tên University Ranking Watch (Theo dõi xếp hạng đại học thế giới) tại địa chỉ http://rankingwatch.blogspot.com/.


Hệ thống xếp hạng đại học mới của châu Á
Richard Holmes*
16 May 2010
Issue: 124


Kết quả xếp hạng các đại học châu Á do Công ty QS Quacquarelli Symonds(1) thực hiện mới công bố gần đây chắc chắn sẽ gây ra những tranh cãi nóng trên toàn châu Á.

Có rất nhiều điều gây ngạc nhiên: không chỉ là những thay đổi so với kết quả xếp hạng đại học châu Á năm ngoái ,mà kết quả này còn rất khác với kết quả xếp hạng thế giới cũng do QS thực hiện, mặc dù hai bảng xếp hạng này có sử dụng chung một số dữ liệu.

Đại học Quốc gia Singapore đã tăng hạng đáng kể, từ vị trí thứ 10 lên vị trí thứ 3 trong khi Đại học Bắc Kinh, năm trước đồng hạng với NUS, nay đã rớt hoàn toàn ra khỏi 10 vị trí đầu.

Chắc chắn sẽ có những lời khiếu nại về vị trí đầu bảng về trường Đại học Hongkong và tiếp theo là trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hongkong, trong khi trường Đại học Tokyo, có vị trí thứ năm trong các kết quả xếp hạng này, lại là trường đại học châu Á có vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng thế giới của THE-QS hồi năm ngoái.

Nhìn chung, các vị trí đầu trong bảng xếp hạng này chủ yếu do Hongkong và Nhật Bản chiếm lĩnh, trong khi Trung Quốc và Hàn Quốc lẹt đẹt theo sau, một điều có thể làm nhiều người ngạc nhiên khi xem xét thành quả nghiên cứu của hai quốc gia này. Các học viện công nghệ của Ấn Độ có kết quả khá tốt, trong khi kết quả xếp hạng của các trường đại học ở Thái Lan, Malaysia và Philippines nói chung là ở mức trung bình.

Trong thời gian năm năm, QS đã hợp tác với bản Phụ trương Giáo dục đại học của tờ báo Times (THE) để thực hiện bảng xếp hạng các trường đại học thế giới. Mối quan hệ đối tác này đã đi đến một kết thúc gay gắt và giờ đây hai tổ chức QS và THE tạo ra các bảng xếp hạng thế giới độc lập của riêng mình.

Có vẻ như QS đang cố gắng phát triển một nhóm các bảng xếp hạng khu vực: bảng xếp hạng các trường đại học châu Á đầu tiên đã ra đời năm ngoái và hiện nay công ty này đang chuẩn bị cho ra mắt bảng xếp hạng cho thế giới Ả Rập và cho khu vực châu Mỹ Latinh.
[Câu đầu của đoạn này đã được điều chỉnh lại chút ít theo góp ý của SGK, xem phần comment bên dưới]

Ấn bản kết quả lần thứ hai của bảng xếp hạng các trường đại học châu Á sẽ được rất nhiều trường đại học ở châu Á hân hoan chào đón. Các bảng xếp hạng có thể có lỗi nhưng chúng cũng cung cấp được các thông tin dễ dàng sử dụng cho sinh viên, các nhà quản lý cùng các bên liên quan khác.

Trong vài năm qua, thái độ đối với các bảng xếp hạng trường đại học ở châu Á đã thay đổi đáng kể. Sự thiếu hưởng ứng của các trường đại học trong khu vực trước đây đã đóng góp vào sự sụp đổ của bảng xếp hạng các trường đại học châu Á của tờ báo Asiaweek năm 2001.

Vậy mà giờ đây có thể thấy họ háo hức xếp hàng tham gia các hội nghị do QS tổ chức, đồng thời theo dõi sát sao vị trí của mình trong các bảng xếp hạng do QS hoặc của trường Đại học Giao thông Thượng Hải, và ở một mức độ thấp hơn là bảng xếp hạng của Webometrics.

Bảng xếp hạng châu Á hiện nay dựa trên bảng xếp hạng đại học thế giới của QS, sử dụng một cách tiếp cận tương tự mặc dù cũng có một số khác biệt đáng kể.

Một cách ngắn gọn, sự khác biệt ở đây là trọng số dành cho các cuộc khảo sát ý kiến của giới học thuật, mà QS khăng khăng gọi là đánh giá đồng nghiệp, giảm từ 40% xuống còn 30%, đưa vào thêm hai tiêu chí về mức độ quốc tế hóa là số lượng sinh viên trao đổi gửi ra và nhận vào để bổ sung vào hai tiêu chí sẵn có là số lượng giảng viên và sinh viên quốc tế, và sử dụng hai tiêu chí mới về thành tích nghiên cứu là số bài báo trên giảng viên và số lần trích dẫn trên bài báo.

Tiêu chí đầu tiên nhằm đo lường kết quả nghiên cứu bình quân của các giảng viên và tiêu chí thứ hai nhằm đo bình quân tầm ảnh hưởng của các bài báo do trường công bố. Hai tiêu chí này được tính tỷ lệ 30% tổng số điểm, còn trong bảng xếp hạng thế giới thì chỉ có tiêu chí số lần trích dẫn trên mỗi bài báo với tỷ lệ là 20%.

Một đặc điểm rất đáng hoan nghênh của bảng xếp hạng này là nó cung cấp thông tin về điểm số cho từng chỉ số, đồng thời cũng nêu điểm số của chỉ số đó trong năm 2009, cho phép thực hiện một số phân tích chi tiết.

Nhiều người sẽ thắc mắc tại sao trường Đại học Hongkong đang được xếp ở vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng đại học châu Á trong khi nó được xếp ở vị trí thấp hơn trường Đại học Tokyo trong bảng xếp hạng thế giới của QS-THE hồi năm ngoái.

Sự mâu thuẫn hiển nhiên này là kết quả của việc sử dụng cùng một nguồn dữ liệu được theo những phương pháp đối sánh khác nhau. Về cơ bản, trường Đại học Tokyo tốt hơn trường Đại học Hongkong về kết quả “đánh giá học thuật của đồng nghiệp”, đánh giá của nhà tuyển dụng, tỷ lệ sinh viên trên giảng viên, số bài báo trên giảng viên, và hơi thấp hơn về số lần trích dẫn trên mỗi bài báo, nhưng kém xa khi xét trên các chỉ số về mức độ quốc tế hóa.

Các chỉ số về mức độ quốc tế hóa chỉ chiếm 10% điểm số tổng thể, cũng giống như trong bảng xếp hạng thế giới. Nhưng hiệu quả của việc so sánh thứ hạng cao nhất trên từng chỉ số đã tạo ra một tầm quan trọng lớn hơn cho những điểm số này.

Kết quả là Hongkong dẫn đầu, không phải vì bất kỳ sự cải tiến thực sự nào kể từ cuối năm ngoái, mà chỉ do một thay đổi tùy hứng trong cách chuẩn hóa số liệu của QS.

Vậy tại sao Đại học Quốc gia Singapore (NUS) lên hạng nhiều đến thế trong năm nay? Điều này cũng khá đơn giản: trong bảng xếp hạng thế giới năm 2009 và trước đó, cũng như trong bảng xếp hạng châu Á, NUS không thua kém bất kỳ trường đại học châu Á nào trên mọi chỉ số, ngoại trừ một chỉ số duy nhất.

Đó là tỷ lệ sinh viên trên giảng viên, với điểm số không mấy ấn tượng là 46/100 trong bảng xếp hạng thế giới và 51/100 trong bảng xếp hạng đại học châu Á. Vậy mà trong bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2010, điểm của NUS đã tăng vọt lên đến 92,7.

Nói ngắn gọn, đến tận cuối năm ngoái NUS vẫn báo cáo tỷ lệ này là khoảng 14. Nhưng đến năm nay thì số lượng học giả được sử dụng để tính toán tỷ lệ này bỗng tăng gấp đôi vì công thức cho phép tính cả cán bộ nghiên cứu trong tổng số giảng viên, và vì vậy tỷ lệ này giảm xuống còn có 6,25 -- một trong những tỷ lệ thấp nhất ở châu Á.

Cần nhấn mạnh rằng NUS đã không hề làm điều gì phi đạo đức: QS nêu rõ rằng các cán bộ chuyên nghiên cứu nhưng không giảng dạy cũng được tính trong tổng số giảng viên. Tuy nhiên, sự tăng hạng của NUS trong năm nay không hề có liên quan đến bất kỳ sự cải tiến nào, cũng như kết quả chưa xuất sắc của NUS năm ngoái chẳng phản ánh bất kỳ sự khiếm khuyết thực sự nào.

Một vài chỉ số đã thay đổi rất nhiều từ năm 2009 đến năm 2010. Ví dụ, một số trường có kết quả tốt vì đạt điểm cao về mức độ quốc tế hóa. Nếu các kết quả xếp hạng này có thể tin được, thì hẳn trong năm cả châu Á phải có sự mở rộng một cách ấn tượng về các chương trình trao đổi sinh viên, cả đưa sinh viên ra nước ngoài và nhận sinh viên ngoại quốc vào, mà đặc biệt là ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

Nếu xét việc đưa sinh viên đi trao đổi, có thể thấy rằng trường ĐH Daejin đã tăng từ 23,1 lên đến 99,9 điểm, ĐH Seoul từ 48 lên đến 94,9 điểm, và ĐH Yonsei từ 43,1 lên đến 90,4 điểm. Nhưng những thay đổi này chẳng thấm vào đâu khi so sánh với ĐH Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo, khi điểm số của trường này tăng vọt từ 3,9 lên đến 100 điểm.

Nếu quả thực có sự tăng trưởng phi thường như vậy về số lượng các chương trình trao đổi thì cũng cần phải tự hỏi, vào thời điểm suy thoái kinh tế thế giới như thế này, liệu đây có phải là cách sử dụng tốt nhất ngân quỹ của chính phủ hay tiền thu từ học phí của người học hay chăng?

Rõ ràng là sự tăng trưởng đáng kể về số lượng các chương trình trao đổi sinh viên châu Á như báo cáo của các trường chẳng qua chủ yếu là vì nó là một chỉ số để chấm điểm trong bảng xếp hạng QS.

Đáng chú ý là các trường đại học Trung Quốc có vị trí khá tốt trong bảng xếp hạng nhưng không quá xuất sắc. Khi đối chiếu với việc Trung Quốc gần đây đã đẩy mạnh công bố khoa học như báo cáo của Thomson Reuters, giờ đây là tổ chức cung cấp dữ liệu cho THE, nguyên đối tác của QS, kết quả này có vẻ đáng ngạc nhiên.

Nhưng có vẻ như Trung Quốc đang theo đuổi chính sách phát triển nghiên cứu ở cấp cơ sở, nhấn mạnh sự phát triển về quy mô nhưng không phải lúc nào cũng có chất lượng cao.

Hiện nay có vẻ Trung Quốc đang thiếu hụt các nhà nghiên cứu có tầm cỡ. Toàn bộ lục địa Trung Quốc chỉ có được bốn nhà nghiên cứu có chỉ số trích dẫn cao được nêu bởi ISI so với Hồng Kông có đến 20 người.

Trong khi đó, chỉ tính ba trường đại học của Saudi Arabia đã có đến 20 nhà nghiên cứu có chỉ số trích dẫn cao. Những bản tường thuật về nạn đạo văn và lời than phiền về sự giảm sút chất lượng của nghiên cứu có thể hơi có chút cường điệu, nhưng nó cũng cho thấy Trung Quốc dường như đã bắt đầu hụt hơi trong việc mở rộng nghiên cứu của và điều này có thể đã được phản ánh qua các thứ hạng mờ nhạt trong bảng xếp hạng.

Để kết luận, có thể nói bảng xếp hạng châu Á có những sai sót tương tự như bảng xếp hạng thế giới và vì thế dễ gây hiểu nhầm ở nhiều khía cạnh. Vì vậy, không nên xem kết quả xếp hạng đại học châu Á là những số đo hoàn hảo về chất lượng.

Các chỉ số về số lượng bài báo và tần số trích dẫn mang tính thiên vị đối với các ngành công nghệ và y học, trong khi các chỉ số khác thì rất dễ bị thay đổi. Các chỉ số đánh giá của đồng nghiệp và đánh giá của nhà tuyển dụng thì lại chủ quan và thiếu tính đại diện.

Những sự tùy tiện về phương pháp có thể dẫn đến những sự lên hạng hoặc xuống hạng mà không phản ánh bất kỳ thay đổi thực sự nào. Mặc dù vậy, bảng xếp hạng này vẫn và sẽ tiếp tục trong tương lai gần là nguồn thông tin so sánh duy nhất của số không nhỏ các trường đại học của châu Á.

* Richard Holmes giảng dạy tại Trường Đại học Teknologi MARA, Shah Alam, Malaysia và là chủ trang blog mang tên University Ranking Watch.
--
Chú thích:
(1) QS là Công ty thông tin và sự kiện giáo dục quốc tế thành lập năm 1990, có trụ sở chính ở London. Là nơi thực hiện các bảng xếp hạng thế giới từ năm 2004 đến năm 2009 với Times Higher Education Supplement của Anh. Cũng trong năm 2009, mối quan hệ giữa QS và THE bắt đầu rạn nứt; QS độc lập tạo ra hệ thống xếp hạng châu Á vào năm này.

Từ 2010, bảng xếp hạng thế giới mang tên THE-QS không còn tồn tại mà tách thành 2 hệ thống khác nhau: QS hợp tác US News and Word Report dể tiếp tục bảng xếp hạng thế giới theo cùng phương pháp mà trước đây QS đã làm với THE, còn THE hợp tác với Thomson Reuters để tạo ra một hệ thống xếp hạng mới. Hệ thống THE phối hợp với Thomson Reuters có vẻ mang ít nhiều ảnh hưởng của hệ thống xếp hạng của trường ĐH Giao thông Thượng Hải, nhấn mạnh thông tin khách quan và các chỉ số về thành tựu trong nghiên cứu.

Địa chỉ web của QS là: http://www.qsnetwork.com/about_qs/who_are_we/

Tuesday, June 1, 2010

Bài đáng đọc: "Nhiệm vụ bất khả" (Tall order) của đại học TQ

Bài viết ấy nói về ước mơ đại học đẳng cấp quốc tế ở Trung Quốc, được đăng trên tờ tuần báo tiếng Anh Bejing Review của Trung Quốc mới ngày hôm qua thôi, 31/5/2010. Đọc nó ở đây.

Sao lúc này tôi cứ quan tâm đến giáo dục đại học Trung Quốc thế nhỉ? Chỉ vì cách đây ít lâu tôi có được mời tham gia một đề tài nghiên cứu quan trọng của ngành giáo dục VN, cũng liên quan đến ước mơ đại học đẳng cấp quốc tế.

Khi tham gia đề tài đó, tôi đã nhận ra, nếu đất nước mình không có kinh nghiệm gì về xây dựng đại học thành công, thì phải học hỏi của thế giới. Và "thế giới" ở đây là những nước có điều gì đó để cho mình có thể học hỏi. Tôi đã chọn: Mỹ (vì đại học của Mỹ thành công, ai cũng phải thừa nhận), Trung Quốc (vì có thể chế chính trị cũng như văn hóa giống VN, cũng đã có ít nhiều kinh nghiệm xây dựng đại học đỉnh cao với những thành tựu nhất định), và Mã Lai (vì có điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội ít nhiều giống VN vì ở trong khu vực Đông Nam Á, cũng có tham vọng đại học đẳng cấp quốc tế, và ít nhiều thành tựu về phát triển đại học - ít ra là hơn VN).

Cũng nhờ tìm hiểu về các mô hình đại học của 3 nước đó mà tôi đã đi đến một kết luận - một lý thuyết thì đúng hơn - là Trung Quốc sẽ khó lòng xây dựng được đại học đẳng cấp quốc tế nếu không thay đổi cách quản lý đại học của mình. Tuy nhiên, lý thuyết đó của tôi lúc ấy có vẻ chưa thuyết phục được mọi người lắm, vì rõ ràng là đại học TQ đang phát triển xem ra rất hoành tráng kia mà. Còn những khiếm khuyết và nguy cơ khủng hoảng mà tôi đã chỉ ra thì cũng chỉ mới là tiềm ẩn mà thôi, nên chưa ai thấy.

Vì vậy mà gần đây, khi báo chí TQ bắt đầu nêu lên những thất bại của đại học Trung Quốc, thì tôi theo dõi rất kỹ, đến nỗi cảm thấy đủ tự tin để viết loạt bài trên Tia Sáng về khủng hoảng giáo dục đại học tại Trung Quốc (lẽ ra còn phải thêm một kỳ nữa, mà tôi chưa có thời gian để viết cho xong).

Rồi kết quả xếp hạng châu Á mới đây lại thêm chứng cớ để củng cố cái lý thuyết của tôi - lý thuyết mà thật ra cũng chỉ đứng trên vai các người khổng lồ đã từng nghiên cứu về giáo dục đại học lừng lẫy trên thế giới như Tierney, Altbach, hoặc Marginson mà thôi. Rằng TQ cần phải tiếp tục đổi mới cách quản lý giáo dục đại học của mình, thì mới mong có được những thành tựu lớn một cách có hiệu quả và bền vững.

Nay, lại đọc được bài mới này: Nhiệm vụ bất khả.

Bài thì mới, nhưng nội dung thật ra cũng không có gì mới, nếu có thì chỉ là cách diễn đạt mới, người phát biểu mới, chi tiết mới mà thôi. Còn kết luận, thì ngay cả tôi cũng kết luận được, còn ai lạ gì cái kết luận đó nữa, phải không? ;-)

Dù sao thì bài ấy cũng đáng đọc, hoặc ít ra, có vài đoạn đáng được trích dẫn ở đây.

According to Yangzi Evening News, at an interview at the Fourth Chinese-Foreign University Presidents Forum in Nanjing, east China's Jiangsu Province, in early May, Richard Levin, President of Yale University, said that the multidisciplinary breadth and cultivation of critical thinking are the two key elements that have been missing in China's higher education. He was critical of the extremely specialized higher education in Asia, where students pick a discipline or a profession at 18 and study little else. He also critiqued the traditional Asian pedagogy, which focuses on the mastery of content, not on the development of the capacity for independent and critical thinking.

Dịch tóm tắt: Richard Levin, Hiệu trưởng ĐH Yale (nhân tiện, trường này là nơi có bà Đỗ Ngọc Bích nổi tiếng của chúng ta đang làm việc, và là một trường rất thân với Trung Quốc và ủng hộ Trung Quốc hết mình) đã phát biểu rằng 2 yếu tố then chốt hiện đang vắng bóng trong giáo dục đại học của TQ là tính liên ngành của chương trình và tư duy phản biện của sinh viên. Ông cũng phê phán phương pháp sư phạm của châu Á, vốn quá chú trọng việc học kiến thức mà quên đi việc phát triển năng lực tư duy độc lập và phản biện.

Ni Jun, Professor of Manufacturing Science at the University of Michigan who has taught in several universities throughout China and the United States, said while the new recruits of the top 10 universities in China are by no means less intelligent than their counterparts in the United States, different pedagogies have produced different graduates.

Dịch tóm tắt: Ni Jun, GS trường ĐH Michigan, người có kinh nghiệm giảng dạy cả ở TQ lẫn ở Mỹ, nói trí tuệ ở đầu vào của sinh viên TQ và Mỹ là ngang nhau nhưng đầu ra khác nhau, do phương pháp sư phạm khác nhau sẽ dẫn đến những kết quả khác nhau.

Chà chà, cái nhận định ngay trên đây đáng ngại quá nhỉ? Mà hình như VN cũng tương tự như thế hay sao ấy? Vậy phải làm sao đây?

Cũng giống như VN (mà thực ra, ai làm giống ai nhỉ?), TQ đang đổi mới quản lý giáo dục. Nhưng đổi mới như thế nào cơ chứ? Đây này:

"An excellent university should have independent thinking and free expression, [...]" said Wen.

Reducing government interference in university operations and removing the rigid administrative ranking-based hierarchy of faculty and staff have long been regarded as priorities in the reform of Chinese institutions.

Dịch tóm tắt: (Này, chú ý là Thủ tướng Ôn Gia Bảo phát biểu đấy nhé!) Trường đại học xuất sắc phải có tư duy độc lập và tự do phát biểu. Phải giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp của chính quyền vào việc vận hành hàng ngày của trường đại học, và xóa bỏ hệ thống cấp bậc mang tính hành chính của cán bộ, giảng viên các trường.

Thế hiện nay thì sao? Đọc phát biểu của Hiệu trưởng một trường đại học nhé:
Receiving an interview in March, Yi Hong, President of Nanjing-based Southeast University, which is directly administered by the Ministry of Education, said the government is administrating universities as if they were government agencies and administrative powers can decide the results of ratings of universities, the allocation of funding, the design of curriculum, how to use government funding and how to evaluate university laboratories.

Dịch tóm tắt: Nhà nước đang đối xử với các trường giống như đối xử với các cơ quan của chính quyền, và các quan chức nhà nước có quyền định đoạt kết quả phân loại trường đại học, cấp phát kinh phí, thiết kế chương trình giảng dạy, sử dụng ngân sách nhà nước, thậm chí cả đánh giá các phòng thí nghiệm của trường đại học nữa!

Quả là giống VN, cứ như là hai anh em sinh đôi! Vì hiện nay Bộ GD cũng đang chỉ thị đổi mới quản lý giáo dục. Không hiểu Bộ có sẽ thực hiện giống như TQ không nhỉ: xóa bỏ hệ thống cấp bậc mang tính hành chính của cán bộ, giảng viên?

Nếu Bộ chưa nghĩ đến, thì rất mong Bộ nghĩ đến việc cải cách quản lý nhân sự, sau khi Bộ đọc được bài này - nếu có bao giờ tôi có hân hạnh được Bộ vào đọc trang blog này của tôi!