Saturday, February 27, 2010

Quy chế đánh giá cán bộ công chức: Đôi điều suy nghĩ

Hôm nay đọc được một mẩu tin đáng quan tâm trên báo, về việc Bộ Chính trị vừa ra quyết định ban hành quy chế đánh giá cán bộ, công chức. Tin đó ở đây.

Theo tin đã đưa, nội dung đánh giá cán bộ, công chức bao gồm 3 yếu tố sau:

Thứ nhất là mức độ thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao: thể hiện ở khối lượng, chất lượng, tiến độ, hiệu quả của công việc trong từng vị trí, từng thời gian; tinh thần trách nhiệm trong công tác.

Thứ hai là về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trong đó có nhận thức, tư tưởng chính trị; việc chấp hành chủ trương, đường lối và quy chế, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc giữ gìn đạo đức và lối sống lành mạnh; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện tiêu cực khác; tinh thần học tập nâng cao trình độ; tính trung thực, ý thức tổ chức kỷ luật; tinh thần tự phê bình và phê bình; đoàn kết, quan hệ trong công tác; mối quan hệ, tinh thần và thái độ phục vụ nhân dân.

Thứ ba là chiều hướng và triển vọng phát triển.


Dưới đây là những suy nghĩ của tôi:

1. Thứ tự đánh giá trong quy chế mới dường như xếp "chuyên" trước, "hồng" sau. Nói "dường như" là vì thật ra 3 khía cạnh đánh giá trong quy chế này không hoàn toàn tách bạch; xin xem tiếp các ý kiến bên dưới.

Đặt chuyên lên trước hồng, không hiểu đây có phải là sự nhận thức lại về tầm quan trọng của khía cạnh "chuyên" của các nhân sự trong bộ máy quản lý nhà nước không? Nếu điều này đúng, thì thật đáng mừng.

Bộ máy nhà nước muốn vận hành trôi chảy và hiệu quả thì phải có các cán bộ công chức có tính "chuyên". Trước giờ cách bổ nhiệm, sử dụng nhân sự của Việt Nam thiên về phần hồng mà nhẹ phần chuyên. Nên hiện nay xã hội Việt Nam có rất nhiều vấn đề vượt quá khả năng giải quyết của chính quyền (kẹt xe, ô nhiễm môi trường, an toàn lao động, lạm phát, chảy máu chất xám từ khu vực công sang khu vực tư, chất lượng giáo dục thấp, đạo đức xã hội xuống cấp vv), thể hiện sự yếu kém của bộ máy quản lý.

2. Dù "hồng" đã được đưa xuống vị trí số 2 nhưng vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Vì chỉ xét hình thức cũng thấy yếu tố 2 được mô tả chi tiết nhất trong 3 yếu tố. Hai yếu tố 1 và 3 cộng lại chiếm khoảng hơn 3 dòng, riêng yếu tố 2 chiếm gần 6 dòng, gấp 2 lần 2 yếu tố còn lại cộng lại. Và yếu tố 3 vừa quá sơ sài lại vừa mơ hồ.

3. Yếu tố 2 trong quy chế này nên điều chỉnh một số điểm như sau:

3.1. Nên tách biệt những gì liên quan đến khuynh hướng chính trị của một cá nhân như nhận thức, tư tưởng chính trị, và chấp hành chủ trương, đường lối, quy chế, quy định của Đảng ra khỏi quy chế đánh giá chung của cán bộ công chức (những chỗ in đậm trong phần trích dẫn). Vì những điều đó đã có trong các quy định của Đảng trong việc quản lý đảng viên rồi. Không cần đưa vào đây nữa.

Không phải 100% cán bộ công chức là đảng viên. Vậy, những người không phải là đảng viên thì không thể biết rõ mọi chủ trương, đường lối, quy chế, quy định của Đảng. Nếu đây là một yếu tố đánh giá, thì đó là một điều không công bằng đối với những cán bộ công chức không phải đảng viên. Chỉ có đảng viên mới được sử dụng thời gian công tác chính thức để học tập, họp hành, thảo luận góp ý vv các chủ trương, đường lối, quy chế quy định của Đảng. Còn những người khác thì đã phải sử dụng toàn bộ thời gian để làm việc, rồi lại bị đánh giá về những điều mà mình không được tạo điều kiện để biết và không liên quan trực tiếp đến công việc?

Nếu cho rằng có một số vị trí cần phải do đảng viên đảm nhận, thì chỉ cần quy định rõ vị trí nào cần phải là đảng viên, và như thế, những cán bộ công chức ở các vị trí ấy vừa được đánh giá như mọi cán bộ công chức, đồng thời cũng được đánh giá như đảng viên (do Đảng thực hiện).

Một khi đã tách bạch đảng viên (do Đảng quản lý) và cán bộ công chức (do nhà nước quản lý) ra, nên làm rõ và phân biệt các khái niệm hồng/chuyên với các khái niệm tài/đức. Cặp phạm trù hồng/chuyên chỉ nên dùng để đánh giá đảng viên (hồng = có lý tưởng cộng sản; chuyên = có chuyên môn phù hợp). Còn tài/đức thì dùng cho mọi người, và đã là cán bộ công chức thì nhất thiết phải có tài và có đức.

3.2. Nên đổi tên gọi yếu tố 2 này, thay vì gọi là đánh giá phẩm chất chính trị, vốn chỉ nên dành riêng để đánh giá đảng viên, mà nên gọi là tinh thần trách nhiệm và/hoặc thái độ công tác thì đúng hơn. Vì những yêu cầu như chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện tiêu cực khác; tính trung thực, ý thức tổ chức kỷ luật; đoàn kết, quan hệ trong công tác; mối quan hệ, tinh thần và thái độ phục vụ nhân dân, chính là yêu cầu về tinh thần trách nhiệm và thái độ công tác của mọi cán bộ công chức, dù có là đảng viên hay không.

Vì yếu tố số 2 nhằm đánh giá tinh thần và thái độ của công chức (yếu tố "đức"), cho nên cần cắt bớt cụm từ "tinh thần trách nhiệm trong công tác" trong yếu tố đánh giá số 1 đi (xem lại phần trích dẫn ở trên, cụm từ in đậm). Yếu tố 1 chỉ nên đánh giá kết quả công việc, bao gồm: khối lượng, chất lượng, tiến độ, hiệu quả. Tức đánh giá cái tài của người cán bộ, công chức. Hợp lý hơn nhiều.

4. Về 4 mức độ đánh giá (xem trích dẫn bên dưới) không hiểu quy chế có kèm theo hướng dẫn để phân biệt giữa các mức độ không? Để làm điều này, phải có các thang đo chuyên nghiệp và chính xác. Đây là một vấn đề chuyên môn sâu của công tác đánh giá.

Nếu chưa có, thì cần sớm bổ sung. Nếu không lại thêm một chủ trương rơi vào tình trạng triển khai không hiệu quả, do làm không chuyên nghiệp. (Mới biết, "chuyên" quan trọng thế đấy!)

Phần trích dẫn:
Căn cứ vào kết quả đánh giá, phân loại cán bộ theo 1 trong 4 mức sau: hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ; hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ; hoàn thành chức trách, nhiệm vụ; chưa hoàn thành chức trách, nhiệm vụ.


5. Chiều hướng và triển vọng phát triển, yếu tố đánh giá thứ ba, nó là cái gì nhỉ, và làm sao biết được nó? Triển vọng phát triển liên quan đến chuyên môn ("chuyên"), hay triển vọng phát triển về mặt chính trị (kết nạp Đảng, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, do "hồng")?

Vài suy nghĩ xin gửi đến những người có trách nhiệm và chia sẻ với những ai quan tâm.
--
Nhân tiện, ai quan tâm đến bài này chắc cũng quan tâm đến một bài khác mà tôi đã viết về dự thảo luật viên chức, ở đây. Trong đó có đường link dẫn đến văn bản định nghĩa thế nào là công chức.

1 comment:

  1. Chaochi Phuong Anh,
    Toi muon lien lac voi chi Phuong Anh de trao doi them cac van de ve Cong chuc
    Email cua toi la tuyetnhungv6@gmail.com
    Mong som nhan duoc phan hoi cua chi Phuong Anh
    Chan thanh cam on chi

    ReplyDelete