Tuesday, February 16, 2010
"Sự trỗi dậy của các đại học châu Á"
"The Rise of Asia's Universities" là tên của Bài diễn thuyết thường niên lần thứ bảy (Seventh Annual Lecture) vừa được Viện Nghiên cứu Chính sách Giáo dục Đại học (Higher Education Policy Institute, viết tắt là HEPI) của Anh tổ chức vào đầu tháng này, vào ngày 1/2/2010. Diễn giả là một người không hề xa lạ đối với giới hàn lâm và các nhà quản trị đại học trên thế giới: GS Richard Levin, Hiệu trưởng đương nhiệm của ĐH Yale.
Toàn văn bài diễn thuyết bằng tiếng Anh, kèm phần câu hỏi và thảo luận đã được nêu trong buổi diễn thuyết, có thể tìm thấy tại trang web của HEPI tại đây. Một bài viết với nhiều thông tin bổ ích, lập luận sắc sảo, được diễn đạt bằng một ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, và lôi cuốn. Như người ta có thể mong đợi ở một diễn giả như Richard Levin. Một "must-read" và "must-think-about" cho tất cả các nhà chính sách và lãnh đạo giáo dục VN. Và tất nhiên, cho bất kỳ ai có quan tâm đến việc phát triển giáo dục đại học VN.
Còn với những ai có ít thời gian, dưới đây là phần giới thiệu tóm tắt của tôi, chú trọng những vấn đề có liên quan đến giáo dục đại học VN.
--
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của một số nước châu Á - chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ - trong những năm gần đây đã và đang thực sự định nghĩa lại trật tự của thế giới trên nhiều lãnh vực, trong đó có lãnh vực giáo dục đại học. Trong bối cảnh đó, bài diễn thuyết của Richard Levin được HEPI đặt hàng nhằm xem xét xu thế phát triển trong tương lai của đại học châu Á và ý nghĩa của sự trỗi dậy của đại học châu Á đối với nước công nghiệp phát triển mà đặc biệt là Anh và Mỹ.
Bố cục và nội dung của bài diễn thuyết gồm 3 phần chính như sau:
- Phần thứ nhất: điểm qua những thành tựu gần đây của giáo dục đại học châu Á trên hai khía cạnh, cũng là hai mục tiêu phát triển trong thời gian sắp đến (1) mở rộng quy mô đào tạo, tăng tỷ lệ người học đại học trong dân số, và (2) xây dựng một số trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế để phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước.
- Phần thứ hai: nêu các yêu cầu cần có để đạt được mục tiêu xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế theo hai sứ mạng chính của một trường đại học là giảng dạy và nghiên cứu.
- Phần thứ ba: phân tích các thuận lợi và khó khăn của các đại học châu Á trong việc đạt được các mục tiêu đã nêu.
Tóm tắt những thông điệp chính của bài diễn thuyết:
1. Châu Á, mà đáng chú ý nhất hiện nay là Trung Quốc và Ấn Độ, đang thực sự trỗi dậy rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, mục tiêu xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế không phải là một mục tiêu có thể đạt được nhanh chóng và dễ dàng, mà cần một số điều kiện cơ bản, và thời gian tính bằng nhiều thập niên, thậm chí cả thế kỷ.
2. Một đại học đẳng cấp quốc tế cần (1) giảng dạy tốt, và (2) nghiên cứu tốt. Muốn vậy, cần có đủ 3 điều kiện: nguồn lực vật chất dồi dào (cơ sở vật chất, phòng học, trang thiết bị), nhân lực có tài năng, và quản trị tốt.
3. Các nước châu Á hiện nay, đặc biệt là Trung Quốc, không thiếu nguồn lực vật chất và có thừa quyết tâm chính trị để đạt được mục tiêu phát triển giáo dục đại học của đất nước. Những thành tựu đã đạt được của Trung Quốc là đáng khâm phục. Tuy nhiên, vẫn còn cần khá nhiều thời gian và nỗ lực để Trung Quốc (và cả Ấn Độ) đạt được mức độ phổ cập đại học của các nước công nghiệp phát triển (tỷ lệ vào học đại học trên tổng số học sinh tốt nghiệp hàng năm của TQ chỉ mới là 23% so với 58% của Nhật, 59% của Anh, và 82% của Mỹ).
Quan trọng hơn, nền giáo dục của Trung Quốc và châu Á nói chung vẫn chưa đào tạo được những con người sáng tạo, độc lập tư duy, có tinh thần phản biện. Việc quản lý nhân sự tại các trường đại học của Trung Quốc cũng chưa tạo được điều kiện tối ưu cho việc thu hút tài năng từ khắp nơi trên thế giới làm việc tại các trường đại học của Trung Quốc.
4. Hai lời khuyên dành cho Trung Quốc và các nước châu Á khác:
i. Để nghiên cứu tốt, các trường cần có nguồn lực dồi dào, và quan trọng hơn là nguồn lực phải được phân phối dựa trên năng lực khoa học chứ không phải dựa trên thâm niên hay quan hệ chính trị. Để giảng dạy tốt, chương trình cần được mở rộng để bao gồm các môn khoa học khai sáng - liberal arts - và phương pháp giảng dạy phải được đổi mới. Những điều này đều có thể giải quyết nếu có sự lãnh đạo đúng đắn với quyết tâm chính trị cao.
ii. Muốn thành công phải có tiêu điểm (focus), để có thể tập trung nguồn lực. Không phải trường đại học nào cũng cần phải trở thành trường đại học nghiên cứu. Và ngay cả trong số các đại học nghiên cứu cũng phải có sự cạnh tranh dựa trên năng lực khoa học để được nhận đầu tư của nhà nước, tức sẽ có trường phát triển nhanh và một số trường sẽ bị chậm lại.
Kết luận của bài diễn thuyết đặt câu hỏi về việc phương Tây nên nhìn sự trỗi dậy của các đại học châu Á như một mối đe dọa hay một cơ hội, và tự đưa ra câu trả lời rằng nên xem sự cạnh tranh trong giáo dục (tức cạnh tranh giữa phương Tây và các nước châu Á) là một cơ hội mà cả hai bên đều có thể khai thác.
--
Phân tích cho châu Á, và đặc biệt cho Trung Quốc, là như vậy. Còn Việt Nam, liệu chúng ta có thể học được gì từ những phân tích trên chăng?
Liệu các chỉ tiêu như 20 ngàn tiến sĩ, và 4, 5 đại học đẳng cấp quốc tế, có khả thi và có cần xem xét lại? Để tập trung vào những cải cách căn bản hơn, âm thầm hơn, đúng thực chất và thực lực hơn, không hào nhoáng nhưng cũng không làm tốn kém tiền của và công sức vô ích, và có thể mang lại lợi ích lâu dài và bền vững hơn cho giáo dục nước nhà?
Xin được gửi những lời tha thiết của tôi đầu năm đến các vị có trách nhiệm đối với ngành giáo dục của đất nước.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment