Sunday, February 21, 2010

Cải cách sư phạm tại VN: chương trình, giáo viên hay triết lý quản lý?


Sáng nay đọc báo mạng, thấy một cái tin đáng chú ý đối với ngành giáo dục, đó là PTT, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân cho rằng chương trình sư phạm cần được thiết kế lại. Tin đó ở đây.

Xin trích ở đây một vài đoạn đáng chú ý. Phần in nghiêng đậm là do tôi thêm vào để nhấn mạnh:
Trong cuộc trò chuyện thân mật, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề cải cách sư phạm và cho biết đang chuẩn bị thực hiện một đề tài về vấn đề này.

Đồng tình với băn khoăn của nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, cải cách sư phạm là vấn đề cấp bách. Phó Thủ tướng cho rằng, đồng thời với việc thiết kế chương trình mới, chương trình sư phạm cũng cần được thiết kế lại, nếu không, người thầy được đào tạo ra sẽ không thể dạy được cái mới.

Dưới đây là suy nghĩ của tôi:

Tôi đồng ý với nhận định của PTT rằng cải cách sư phạm là cấp bách. Tôi cũng đồng ý là trong quá trình đào tạo thì cần quan tâm sao cho người thầy sau này đi dạy có thể dạy được cái mới. Nhưng có đúng là sau khi thay đổi lần này rồi thì mọi việc chắc chắn sẽ tốt lên không?

Tiếc thay, mẩu tin ngắn nói trên không thấy có thông tin gì về sự khác biệt của những cải cách sắp thực hiện so với những lần cải cách trước đây. Trong khi ai cũng biết không phải chỉ cần có những chương trình tốt và giáo viên tốt thì đương nhiên mọi việc sẽ tốt.

Chương trình và giáo trình của ta đã cải cách quá nhiều lần rồi. Và giáo viên giỏi ngày nay có lẽ cũng không quá thiếu. Tôi biết các giáo viên phổ thông hiện nay nhiều người đã có bằng thạc sĩ, và/hoặc đã được tham gia các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trong và ngoài nước, đã tiếp cận nhiều với các phương pháp, tài liệu và thiết bị giảng dạy tiên tiến. Nhưng dường như mọi việc không khá lên được bao nhiêu.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông. Và chính các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng do Bộ ban hành cũng cho thấy bức tranh chất lượng giáo dục không chỉ có chương trình và giáo viên. Mà quan trọng hơn là vấn đề quan điểm, hay triết lý quản lý trong giáo dục.

Chúng ta cải cách giáo dục phổ thông làm sao được, khi toàn ngành giáo dục vẫn được xem như một loại công chức hành chính, thậm chí như những người lính, suốt ngày chỉ lo chạy theo những phong trào do ngành phát động, rồi lại lo chạy theo những chỉ tiêu được áp đặt một cách duy ý chí, hoặc đơn thuần cảm tính.

Mà đã là công chức hành chính, và nhất là nếu đã là người lính, thì mệnh lệnh của cấp trên là quan trọng nhất. Đã là chỉ thị, thì chỉ có việc làm theo bằng mọi giá, không thể làm khác được. Thậm chí chỉ có ý nghĩ khác thôi, có lẽ là đã bị xem là "bất tuân thượng lệnh". Đừng mơ đến việc đưa ra những ý kiến khác.

Trong khi đó, người ta quên là nghề giáo trước hết là một nghề có tính chuyên nghiệp. Hơn nữa, khách hàng của ngành giáo dục là những con người cụ thể, mỗi người là một thực thể phức tạp trong những điều kiện sống rất khác nhau và tương tác trong một rừng các mối quan hệ xã hội chằng chịt. Vì thế, không thể có giải pháp vi mô nào đúng cho tất cả mọi người. Đó là lý do khiến các nước phương Tây từ lâu đã thực hiện cá thể hóa việc học (individualized learning) và trao quyền/ trách nhiệm cho giáo viên đứng lớp trong việc ra các quyết định chuyên môn. Trao quyền trở lại cho các nhà giáo là điều đang rất cần ở VN, và là cốt lõi cho sự thành công trong cải cách giáo dục hiện nay.

Sẽ có người hỏi: nếu có giáo viên kém năng lực, vô trách nhiệm, thiếu đạo đức, thì sao? Câu trả lời đã có sẵn từ mọi hệ thống giáo dục trên thế giới. Hãy trao quyền quyết định về lương bổng, tuyển dụng giáo viên, thu chi ngân sách nhà trường vv cho người đứng đầu là hiệu trưởng. Và các hiệu trưởng này sẽ phải chịu sự ràng buộc và giám sát bởi một hệ thống luật lệ, quy định vv của ngành giáo dục.

Nói cách khác, điều thực sự cần làm hiện nay để cải cách ngành giáo dục của Việt Nam là đẩy mạnh dân chủ hóa giáo dục. Democratization of education. Trao quyền. Empowerment. Và mỗi người phải làm, và chỉ cần làm, tròn phận sự của mình. Nhà nước thì có luật lệ rõ ràng, và kiểm tra chặt chẽ, thưởng phạt nghiêm minh. Thì mọi cái sẽ đâu vào đó.

Nếu không thay đổi triết lý và cung cách quản lý, mà cứ chỉ loay hoay cải cách chương trình và năng lực của giáo viên, thì dù có cải cách thế nào cũng sẽ mãi mãi chẳng đi đến đâu.

Giống như trong chế độ dinh dưỡng, phải có cái nhìn toàn diện và đưa ra một chế độ ăn cân bằng giữa đường bột, chất béo, đạm, rau quả và các vi chất cần thiết. Chứ cải cách của ta hiện nay, có vẻ giống như đổi cơm tẻ thành xôi, đổi xôi thành bún, rồi bún thành bánh phở, rồi bánh phở thành bánh cuốn không nhân. Đổi đi đổi lại nhưng vẫn là nó. Mèo lại hoàn mèo. The more things change, the more they stay the same.

Đến bao giờ thì bữa cơm giáo dục của chúng ta sẽ có đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng đây nhỉ?
---
Cập nhật tối 21/2/2010

Tối nay đọc trên vietnamnet thì thấy tin trên đây được đưa dài hơn, với những bình luận của phóng viên mà theo tôi là khá tốt. Ở đây.

Trong bài viết có hai đoạn mà tôi thấy đáng trích dẫn và bình luận ở đây:
Từng là những người lãnh đạo cao nhất trong ngành giáo dục, nhóm nghiên cứu nhìn nhận "cải cách giáo dục phải lấy việc đổi mới quản lý làm khâu đột phá". Bên cạnh đó, cải cách sư phạm phải song song với cải cách phổ thông.

Như vậy, về mặt lý luận, không phải là các vị lãnh đạo của ngành giáo dục không hiểu về việc phải đổi mới quản lý.
Tháng 8/2009, trong buổi trực tuyến đầu năm học mới, trả lời "câu hỏi khó" về "đánh giá sâu sắc về sự thành bại của các Bộ trưởng tiền nhiệm trong quá khứ để xây dựng các dự án hiện nay", Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, muốn chuyển biến ngành giáo dục thì phải nghiên cứu quy luật nào chi phối. "Theo quy luật phát triển hệ thống, nếu đúng, nó tự phát triển, nếu không đúng, nó tự không phát triển được".

Nhận xét của PTT ở đây là rất đúng. Và theo tôi, quy luật ở đây, như đã nêu trong phần trên của entry này, là "dân chủ hóa giáo dục""trao quyền".

Như thế là có thể yên tâm rằng các vị lãnh đạo ngành giáo dục đã hiểu rất rõ mọi điều rồi. Chỉ mong mọi việc sớm được triển khai, và quan trọng là đúng quy luật!

2 comments:

  1. Giáo dục thì để cho dân GD làm. Mấy ông chính anh, chính em đừng thò bàn tay vào là ổn thôi chị.

    ReplyDelete
  2. Người nhìn thấy thì ko thể làm, ko có thể làm thì ko nhìn thấy (hay cố tình ko nghe, ko thấy, ko hiểu)

    ReplyDelete