Wednesday, February 10, 2010
Cải cách giáo dục tiểu học tại Anh: "Trẻ em tiểu học sẽ sử dụng Google để tập đọc"
Trong khi các nhà lãnh đạo giáo dục tại Việt Nam đang cố gắng cải cách nền giáo dục đại học của nước nhà, với những dự án đầy tham vọng như xây dựng 4, 5 trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế, đưa ít nhất một trường đại học của Việt Nam vào top 200 thế giới vào năm 2020, đào tạo 20 ngàn tiến sĩ, vv, thì ở Anh Quốc, tâm điểm của sự chú ý của các vị lãnh đạo của đất nước này là cải cách giáo dục tiểu học. Một cuộc cải cách mà báo chí Anh gọi là "cuộc đại tu về giáo dục tiểu học lớn nhất của nước Anh trong vòng hơn 20 năm tới".
Đại tu? Thực sự khi đọc về cuộc cải cách này, với tâm thế của một người làm trong ngành giáo dục Việt Nam, rất quen với những chỉ tiêu hoành tráng và rất tốn kém tiền của, công sức như những ví dụ nêu trên, tôi không khỏi ngạc nhiên và thâm chí thoáng ... "thất vọng" (!) vì cuộc đại tu vừa nêu không có bất kỳ sự thay đổi nào có thể tạm xem là "kỳ vĩ", hứa hẹn những "phép thần" mà VN có thể học hỏi để "đốt giai đoạn", "đi tắt đón đầu".
Mà chủ yếu đó là sự thay đổi về triết lý giáo dục mà tôi có thể tóm tắt lại trong một câu, đó là: "xóa nhòa sự tách biệt giữa giáo dục phi chính thức (informal education), tức học trong đời, trong cuộc sống và giáo dục chính thức (formal education), học trong trường lớp". Nói cách khác, trở lại với cách giáo dục mà ông cha ta, từ lúc còn nghèo đói, ít học (không có, hoặc có rất ít người có bằng tiến sĩ!) đã biết dạy cho chúng ta để trở thành những con người đứng thẳng, ngẩng đầu và tồn tại trên mặt đất này, trở thành một dân tộc hào hùng, quật cường không dễ gì bị ai khuất phục ...
Và cuộc đại tu này xem ra cũng chẳng tốn kém gì. Chỉ là sắp xếp lại chương trình, môn học, trao nhiều quyền hơn cho các hiệu trưởng và giáo viên đứng lớp, và để cho cuộc sống diễn ra một cách bình thường như nó vẫn diễn ra. Chẳng hạn, cho trẻ em tiếp xúc với máy tính từ sớm (thì đàng nào chúng cũng tiếp xúc rồi mà, có cấm được đâu!).
Hoặc, không tách biệt từng môn học riêng như lịch sử, địa lý, vv mà tích hợp chúng lại để dạy, sao cho cuối cùng đạt được các mục tiêu như hiểu biết về chính cơ thể của mình, có thể lực tốt, giao tiếp thành công, biết tính toán, có khả năng tồn tại và cạnh tranh trong cuộc sống, vv. Và một điểm ấn tượng nhất, là trở thành những đứa trẻ "sành vi tính", tức có thể sử dụng máy tính thành thạo như những công cụ truyền thông, liên lạc và tìm kiếm, sắp xếp và lưu trữ thông tin ....
Trong khi đó, trẻ em Việt Nam cùng lứa tuổi tiểu học hiện nay dường như đang được luyện để trở thành các nhà bác học với các cặp kiếng dày cộm? Không hiểu 20 năm sau, những đứa trẻ của VN và những đứa trẻ Anh khi lớn lên và trở thành các đối thủ cạnh tranh, thì ai thắng ai nhỉ?
Bài viết được tuyển dịch giới thiệu ở đây được đăng trên tờ Telegraph của Anh từ tháng 4/2009. Có thể đọc bản gốc tiếng Anh tại đây.
Hình minh họa trong bài này lấy từ cùng một địa chỉ của bài viết gốc. Phần nhấn mạnh trong bài dịch, in nghiêng, đậm, là của tôi.
--
Anh Quốc: Trẻ em tiểu học sẽ sử dụng Google để tập đọc
Kỹ năng vi tính sẽ được xếp ngang hàng với kỹ năng đọc viết và làm toán; điều này nằm trong kế hoạch đại tu về giáo dục tiểu học lớn nhất của nước Anh trong vòng hơn 20 năm tới.
Graeme Paton, Biên tập viên giáo dục
Đăng vào ngày 30 tháng 04, 2009, 6h44
Kim Khôi dịch, Phương Anh hiệu đính
“Trẻ em sẽ được dạy tập đọc thông qua việc sử các công cụ tìm kiếm trên internet như Google và Yahoo ngay từ những năm học đầu đời”, thông tin này được công bố vào thứ Năm vừa qua.
Trẻ em sẽ được khuyến khích nhập các "từ khóa" vào các trang web để đi đến các bài viết trực tuyến và các trang blog, vì truyền thông kỹ thuật số cũng được coi trọng trong chương trình học như sách giáo khoa và các tác phẩm văn học.
Học sinh ở tiểu học ở Anh Quốc sẽ tập viết ngay từ bàn phím máy tính, sử dụng tính năng kiểm tra chính tả và chèn các đường dẫn “hyperlink” vào văn bản trước khi bước sang tuổi 11. Đây là cải cách quan trọng nhất trong lịch học ở bậc tiểu học kể từ khi Anh Quốc đưa ra chương trình giảng dạy thống nhất trên toàn quốc vào năm 1988.
Báo cáo của Ngài Jim Rose, cựu chánh thanh tra Ofsted (Office for Standards in Education – Cục Tiêu chuẩn Chất lượng Giáo dục), cũng đề nghị sử dụng Google Earth trong môn địa lý, sử dụng bảng tính (Excel) trong môn toán, sử dụng các kho lưu trữ văn bản trực tuyến để nghiên cứu lịch sử địa phương và phần mềm truyền hình hội nghị cho các bài học ngôn ngữ chung với các trường học ở nước ngoài.
Báo cáo của ông – sẽ được các Bộ trưởng đọc toàn văn – còn đề xuất việc đào tạo thêm CNTT cho giáo viên để giúp họ luôn được cập nhật trước những "học sinh sành vi tính".
Điều này cũng sẽ ngăn chặn việc hình thành “tầng lớp hạ lưu thời số hóa” vì người ta đang sợ rằng các học sinh nghèo sẽ bị thua thiệt so với những trẻ em xuất thân từ gia đình khá giả vốn luôn được tiếp cận với những trang thiết bị tiên tiến nhất.
Các đề xuất này đã bị Đảng Bảo thủ chỉ trích, những người đã cáo buộc Chính phủ là "chạy theo những ham mê nhất thời".
Ngài Jim được bổ nhiệm khi đang tồn tại những lo ngại về chương trình tiểu học – mà ít nhất là 3,6 triệu trẻ em đang phải học – được xem là quá “dày đặc rối rắm”.
Báo cáo đề nghị cắt bỏ cách phân chia môn học truyền thống và tổng hợp lịch học vào thành sáu lĩnh vực giảng dạy tổng quát.
Các đặc điểm chính của chương trình cải cách dự kiến bao gồm việc nhấn mạnh vào các môn thể thao cạnh tranh ở mọi lứa tuổi, kể cả các hoạt động mà trong đó "trẻ em phải thông minh hơn đối thủ", và yêu cầu tất cả các học sinh đến 11 tuổi phải bơi đựơc 25 mét. Nhiều môn thể thao thi đấu ngoài trời như hướng đạo, bơi thuyền và cắm trại cũng sẽ được cung cấp do người ta đang phàn nàn về việc trẻ em ngày nay bị mất dần cơ hội rèn luyện mà nguyên nhân của nó là văn hóa nhấn mạnh sức khỏe và sự an toàn.
Chương trình mới cũng bao gồm:
* Những bài học về cách sử dụng (nói) tiếng Anh phù hợp trong các tình huống trang trọng và cách giữ “phép lịch sự khi đối thoại", bao gồm cả cử chỉ và ánh mắt trong giao tiếp.
* Các môn ngoại ngữ bắt buộc cho tất cả học sinh từ 7 đến 11 tuổi.
* Nghiên cứu về người La Mã, về cuộc chiến Hoa hồng, Cách mạng công nghiệp và hai cuộc thế chiến trong lịch sử, mặc dù trong dự thảo trước đó Ngài Jim đã đề nghị bỏ đi những mốc lịch sự chủ chốt để cho phép các trường tự quyết định nên chọn thời kỳ lịch sử nào của Anh Quốc để giảng dạy
* Giáo dục về giới tính và quan hệ ở mọi lứa tuổi, bao gồm việc học về các bộ phận cơ thể từ 5 tuổi, về thời kỳ dậy thì từ 7 tuổi và sức khỏe sinh sản từ 9 tuổi.
Một phiên bản khác của dự thảo báo cáo của Ngài Jim nhấn mạnh việc giảng dạy về “lối sống" xuyên suốt chương trình giảng dạy, mặc dù có những lo ngại về việc môn học này có thể có nguy cơ bị lợi dụng vào các mục đích chính trị.
Những bài học lịch sử, địa lý, hiểu biết về xã hội theo phong cách mới – một trong sáu lĩnh vực học tập – chú trọng vào phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, tái chế, nhân quyền, đồng thời yêu cầu tìm hiểu về vai trò của hội đồng nhân dân địa phương và các nghị sĩ.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi tổ chức nghiên cứu với tên gọi Trao đổi Chính sách đã tuyên bố trong thập kỷ qua Đảng Lao động đã làm lãng phí đến 2 tỷ bảng Anh nhằm cải thiện khả năng nắm bắt những kiến thức cơ bản của trẻ em tại cấp tiểu học.
Anna Fazackerley, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu trên cho biết sự tiến bộ trong ba lĩnh vực đọc, viết, và toán số học (ba môn học cơ bản) đã diễn ra nhanh hơn, trước khi các chiến lược tiên phong về cải cách việc dạy đọc, viết và toán được khởi động vào năm 1999 và 2000. Bà nói thêm: "Chỉ có 56% số nam sinh và 66% số nữ sinh hoàn tất bậc tiểu học vào năm 2008 biết đọc, viết và làm toán ở chuẩn tối thiểu. Thậm chí khi xét điểm chuẩn thấp hơn, sử dụng bài kiểm tra dễ hơn, giáo viên chăm chăm dạy chỉ để luyện thi, và chi ra hàng triệu bảng Anh cho tư vấn viên và các nhà cố vấn, thì các tiêu chuẩn về khả năng đọc, viết, và làm toán của học sinh nước Anh vẫn thua xa các nước khác.”
Nick Gibb, Bộ trưởng Giáo dục thuộc Đảng Bảo thủ, phát biểu: "Các Bộ trưởng cần đảm bảo rằng các chương trình giảng dạy tiểu học mới phải chặt chẽ và phải bảo vệ việc giảng dạy riêng các môn học. Đề xuất nhập các môn lịch sử và địa lý vào cùng một chủ đề học tập mơ hồ sẽ dẫn giáo dục tiểu học đi sai hướng. Các Bộ trưởng phải chống lại sự cám dỗ trước những đề xuất mới lạ, những điều chỉ mang lại một nền giáo dục yếu kém hơn cho trẻ em."
Ed Balls, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, có ý kiến: "Thật là phi lý khi tách riêng từng môn và gợi ý rằng có thể chọn giữa một bên là lịch sử và địa lý và bên kia là kỹ năng cá nhân và thể chất. Trẻ em cần được học tất cả các môn đó vì đó là cách tốt nhất để nâng cao tất cả tiêu chuẩn phát triển của trẻ em.
"Đề xuất của Ngài Jim sẽ tạo điều kiện cho các hiệu trưởng và giáo viên tiểu học nhiều tự do hơn trong việc quyết định nội dung và phương pháp giảng dạy sao cho trẻ thích học và có nhiều tiến bộ.
"Trẻ em phải nắm vững tiếng Anh và toán, có kỹ năng giao tiếp tốt và học những kỹ năng sống cần thiết nếu chúng muốn thành công trong cuộc sống và đó cũng là trọng tâm của các đề xuất của Ngài Jim Rose.”
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Tóm lại, do lượng thông tin của nhân loại ngày nay để cho trẻ nắm bắt hết thì sẽ quá tải. Nên các nhà giáo dục Anh muốn gom lại các môn xã hội học, đồng thời sẽ dạy trẻ sử dụng computer để truy cập thông tin cho việc học càng sớm càng tốt.
ReplyDeleteTôi nghĩ chị không nên dịch hết bài, mà nên tóm lượt ý để phục vụ bài viết của chị. Còn ai muốn đọc bảng gốc thì vào link chị nhúng vào để đọc. Làm như thế bài viết của chị sẽ mạnh mẽ hơn và người đọc cũng không bị phân tán. Vì không biết chỗ nào của chị và chỗ nào của bài chị muốn dẫn ý.
Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin,
Chào bác,
ReplyDelete1. Cám ơn góp ý của bác cho bài viết. Rất đúng bác ạ, nhưng mà ...
2. ... chưa chắc tôi đã làm được, vì phong cách mỗi người mỗi khác. Đổi sẽ không dễ, nhất là ở cái tuổi này rồi!
3. Ngoài ra, tôi thích dịch bác ạ, vì khi dịch thì mình phải đọc tỉ mỉ để hiểu hết ý của người ta. Tôi thấy dịch là cách buộc mình phải bổ sung kiến thức một cách cẩn thận nhất. Và riêng bài này tôi còn một mục đích khác: kiểm tra tiếng Anh và kiến thức tổng quát của con trai tôi (tôi yêu cầu cậu ấy dịch, rồi tôi hiệu đính lại bác ạ).
4. Dù sao thì cũng hy vọng bản dịch của mình sẽ giúp ích cho ai đó, như một loại tư liệu dành cho những người nghiên cứu, chẳng hạn.
Chúc bác và gia đình một năm mới hạnh phúc, bác có nhiều chuyện vui để viết chứ không chỉ viết về chuyện buồn :-)
PA