Dưới đây là lời mở đầu của bài viết (phần nhấn mạnh, in nghiêng đậm là do tôi thêm vào):
Ngày mùng 3 là ngày tết Thầy, điều đó cho thấy rằng đạo lý của dân tộc ta thật tốt đẹp. Vào ngày này, học trò đến thăm thầy cô giáo, chúc mừng năm mới và chúc sức khỏe thầy cô. Tuy nhiên, hiện nay quan niệm này theo nhiều người đã bị “thương mại hóa”, không còn ý nghĩa và trong sáng như xưa nữa.
Cùng những lời phỏng vấn:
[...][N]gày Tết như đến thầy để trả công. Hiện tượng này, nó như phản ứng dây chuyền, người này tết thì người kia cũng phải tết. Không ai là dám không đi tết thầy ngày Tết.
Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Phạm Tất Dong
Đối với những sinh viên, ngày Tết đến thăm thầy đều với mục đích xin điểm như chuẩn bị thi tốt nghiệp, thi lại... Đối tượng học trò, chủ yếu bố mẹ đến thăm thầy với mục đích nhờ vả, thầy cô chú ý đến con mình. Còn những phụ huynh đến thăm thầy với đúng nghĩa thăm lại rất ít.
Nói chung cả người thăm và người được thăm cũng chẳng vui vẻ gì ... [N]hững người thầy, cô có lòng tự trọng bức xúc về trò đến thăm mình với mục đích vụ lợi lại rất ít. Do vậy, ý nghĩa nhân văn cao đẹp tết thầy hiện nay đã mất hết rồi, bị thương mại hóa nhiều quá..
Nhà tâm lý Đinh Đoàn
Buồn quá, xin có vài lời:
Tôi là nhà giáo, hơn 25 năm trong nghề rồi. Và chứng kiến nhiều thay đổi trong thời cuộc, và trong nghề giáo.
Tôi đồng ý rằng nghề giáo, cũng như nhiều nghề khác trong xã hội ta ngày nay, đã ít nhiều thương mại hóa. Điều này là xấu, hay là phù hợp với quy luật phát triển của xã hội, thì vẫn còn phải bàn (ví dụ, xem ở đây). Nhưng có lẽ không có nghề nào trong xã hội VN lại khốn khổ như nghề nhà giáo, bị đổ lỗi về mọi sự xuống cấp của xã hội. Còn bản thân người thầy thì bị tước đi gần như tất cả mọi thứ quyền của một người được đào tạo để làm việc chuyên nghiệp.
Nếu nói thương mại hóa ngành giáo là làm xấu đi một nghề có "thiên chức" cao đẹp, thì trước hết hãy nhìn vào "thiên chức" của các cơ quan công quyền, và những vụ tham nhũng lớn của quan chức. Nếu nói dùng quyền để ép người khác hối lộ cho mình (tết thầy dường như là một kiểu hối lộ?), thì hãy xem nhà giáo hiện nay có quyền gì ngoài quyền cho điểm học sinh trên từng bài làm trong lớp? Quyền đã quá nhỏ, lại được "giám sát toàn dân", nếu cho điểm sai thì bản thân học sinh hoặc phụ huynh có thể thắc mắc và kiện lên ban giám hiệu hoặc cao hơn, sao có thể lạm quyền được?
Tất cả những gì mà một nhà giáo cần làm, và qua đó thể hiện chút quyền nghề nghiệp, như tham gia xây dựng chương trình, soạn tài liệu giảng dạy và sách giáo khoa, ra đề thi, sử dụng điểm thi, góp ý cho các chính sách thi cử, tuyển sinh vv, thì đã có các quan chức ngành giáo dục và các ngành khác quyết định dùm rồi, khỏi cần làm, cũng khỏi cần suy nghĩ! (Có tài cán gì đâu mà đòi nghĩ!)
Sự xấu đi của xã hội là trách nhiệm chung của mọi người. Làm cho xã hội tốt lên vì vậy cũng là trách nhiệm chung. Không thể chỉ có các thầy cô giáo phải chịu. Mà nếu ngành giáo dục phải chịu, thì trước hết phải là những nhà lãnh đạo ngành giáo dục, đến các quan chức trong ngành, rồi các nhà quản lý ở các trường. Chứ không chỉ, và không thể, là các thầy cô giáo. Những con người luôn ở vào tình trạng "quyền rơm vạ đá".
Tôi cảm thấy hình như sự kính trọng thầy cô, "tôn sư trọng đạo" mà VN hay nói đến là một kiểu đánh tráo khái niệm rất ngoạn mục của xã hội VN. Nó bỏ quên hẳn các nhà lãnh đạo ngành giáo dục, và biến các thầy cô giáo thành một loại chúa cứu thế, chịu đóng đinh trên thập giá, chịu chết để (mong) cứu rỗi nhân loại!
Vì cứ hễ có gì xấu, là tất cả mọi người cứ nhè nhà giáo mà đánh đập, xỉ vả. Xã hội ngày càng xuống cấp: tại các nhà giáo cả thôi! Tham nhũng trong giáo dục. Mua tình bán điểm. Bạo hành đối với học sinh. Chạy theo thành tích. Chất lượng giáo dục xuống cấp trầm trọng. Thì thầy cô vừa tệ hại về đạo đức, vừa hạn chế về kiến thức, vừa kém cỏi về trí tuệ, lại chả trách!
Rồi sau khi chửi rủa các nhà giáo xong, thì mọi người lại hỷ hả, hài lòng với sự thành đạt của mình. Tất cả những người thành đạt đó đều rất giỏi giang. Giỏi thật, bằng cấp rất cao, mà "bằng thật chất lượng thật" hẳn hoi. Đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Chẳng ai nhớ, chính mình cũng là sản phẩm của ngành giáo dục, ai cũng cả chục năm trên ghế nhà trường. Cái giỏi giang, cái thành đạt mà mọi người có, chắc cũng có chút nào công sức của nhà trường chứ? Hay chỉ là sự xuất chúng của các cá nhân?
Nếu đúng là nghề nhà giáo ngày nay đã tệ đến thế, tôi xin mạnh dạn có một đề nghị: Đừng tôn vinh nhà giáo nữa. Hãy mau mau để cho cái nghề ấy lụi tàn đi, rồi xã hội sẽ tự động khá lên thôi. Một cái nghề thật chẳng ra làm sao, mà không hiểu sao xã hội cứ mù quáng tôn vinh mãi thế? Hay đó cũng chỉ là một sự tôn vinh hình thức, làm cho có, vờ vịt, phỉnh phờ các nhà giáo tội nghiệp, dốt nát và (đa số là) nghèo nàn, thanh bạch kia?
Tôi cũng có một đề nghị cụ thể với tờ Dân Trí, có thể làm ngay: nên sửa tựa của bài báo trên thành Tết thầy: liệu có cần? như tôi đã sửa.
Viết vào buổi sáng ngày cuối năm Kỷ Sửu. Sáng mai là ngày mùng một tết rồi. Qua năm mới, phải bắt chước hành xử theo kiểu Tú Xương thôi:
Phen này "ông" quyết thôi nghề giáo,
Cò đất loanh quanh cũng khối tiền!!!
Cháu chào cô. Cháu biết blog cô qua trang web của LifeArt. Rất cám ơn cô vì bài viết này (và nhiều bài viết khác nữa). Cháu đã làm nghề "cao đẹp" được 2 năm, và vừa qua giai đoạn "vỡ mộng" nhưng vẫn ở phần "hoang mang". Những tâm sự của cô ở bài này làm cháu thấy đỡ cô đơn. :x
ReplyDeleteChúc cô năm mới sức khỏe và bình an. Mong sẽ thường xuyên được đọc các bài viết của cô.
Cám ơn cháu.
ReplyDeleteCô vừa vào blog của cháu, và nhận ra hình ảnh của mình cách đây vài chục năm!!!! :-)
Mong cháu vẫn giữ niềm tin vào nghề đã chọn. Nghề đó có cao đẹp hay không, không phải ở thái độ mà xã hội dành cho nó, mà ở những người làm nghề đó, như chúng ta, cháu ạ!
Năm mới vui vẻ, hạnh phúc, và ... không quá lo lắng về việc tìm người, cũng không bị sức ép phải tìm người (cái này là cô đọc ra từ những giòng tản mạn của cháu trên blog). Cứ sống hết mình, rồi mọi việc sẽ tự đến, phải không cháu?
Cô PA
Hihi, cám ơn cô. :x
ReplyDeleteThật ra thì mọi người bắt tìm thì cháu không tìm, nhưng mà vẫn luôn có những người cụ thể mà mình tự mong nhớ rồi tự đi tìm ạ. :D Ví như cháu bắt đầu đi tìm cô đây này. :D
Bị "tự ái nghề nghiệp" thì nhiều khi cũng tức ạ, nhưng mà việc của mình thì mình vẫn sẽ làm thôi. Và cháu sẽ cố gắng làm tốt. :D
Cám ơn cô ạ.
Thanh Hà