Saturday, February 6, 2010

Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam: Phải chăng chỉ cần chỉ đạo?

Hôm nay đọc báo SGGP, thấy có ý kiến của GS-TS Nguyễn Minh Thuyết về đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam sau loạt bài đã đăng trên báo cũng về vấn đề này cách đây ít lâu.

Ai chưa đọc bài này xin vào đây để đọc. Còn dưới đây là một vài trích dẫn mà theo tôi là đáng lưu ý, kèm theo những bình luận của tôi. Các tựa nhỏ trong bài do tôi đặt.

Về nguyên nhân của chất lượng đào tạo tiến sĩ thấp

Phần lớn NCS và học viên cao học của ta học theo hình thức tại chức (vừa làm vừa học). Hình thức đào tạo này dễ sinh ra chuyện học qua quýt. Lẽ ra, NCS phải thực sự gắn bó với cơ sở đào tạo, làm mọi việc như một giảng viên hoặc nghiên cứu viên của cơ sở ấy. Đằng này, NCS vẫn làm việc ở cơ quan mình, thậm chí vẫn làm thêm kiếm sống, đến năm cuối cùng mới “vắt chân lên cổ” viết luận án. Như vậy thì làm sao trình độ của họ nâng lên được?


Điều này có lẽ không hoàn toàn đúng. Thời tôi đi học tại Úc (thập niên 1990 của thế kỷ trước), ngoài những sinh viên quốc tế được học bổng và học toàn thời gian, tuyệt đại đa số NCS (ít ra là ngành của tôi) đều học bán thời gian. Và những nơi khác cũng thế, ví dụ đây này, rồi đây nữa ở Anh, hoặc đây nữa, ở Mỹ, ngành kỹ thuật cẩn thận, và còn nhiều nữa, chỉ cần tìm trên google.

Mà thật ra, đã gọi là học theo tín chỉ thì đâu có cần phân biệt full-time với part-time student nữa? Người học tự đăng ký khối lượng học tập tùy điều kiện của mình mà?

Còn tinh thần làm việc của các NCS dù full-time hay part-time thì vẫn hết sức nghiêm túc, không hề qua quýt, đơn giản là vì ... không thể qua quýt. Các buổi trình bày, seminar, hội thảo vv của sinh viên sau đại học nếu làm qua quýt thì chắc chắn không bao giờ được các hội đồng và các bạn đồng môn, các nhà khoa học khác cho qua. Và cũng chính vì như vậy mà các nghiên cứu sinh đều rất có thái độ tự trọng, vì đó là chuẩn mực đạo đức của các nhà khoa học!

Trong quá trình hướng dẫn NCS và chấm luận án, một số thầy hướng dẫn không thực hiện đúng nhiệm vụ của mình, gần như bỏ rơi NCS, để họ tự bơi. Thầy không sâu sát nên sinh ra tình trạng học trò thuê viết luận án, chép tài liệu đã xuất bản để làm luận án.

Tình hình hẳn sẽ khác đi nếu các thầy làm đúng quy trình đã chuẩn hóa. Nhưng tiếc là [...]thầy bận quá nhiều việc, bận dạy thêm bên ngoài, bận ngồi hội đồng, bận tùm lum. Mà nhất là thầy phải ngồi hội đồng nhiều quá! Có thầy “chuyên nghiệp” ngồi hội đồng, kể cả hội đồng không sát chuyên môn của mình.


Theo tôi, đây mới là nguyên nhân làm cho chất lượng tiến sĩ kém: Trò không được định hướng, kèm cặp, hướng dẫn gì cả, để mặc cho tự bơi; rồi khi ra hội đồng, thì (có lẽ do ... biết rõ chất lượng của việc hướng dẫn vốn thấp, và cũng có lẽ ... hơi áy náy lương tâm), các thầy trong hội đồng lại du di cho qua. Như thế, hỏi làm sao mà chất lượng tiến sĩ lại chẳng kém!

Về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ (và chấn hưng giáo dục, nói chung)

PV: [...] [C]hấn hưng giáo dục đang là vấn đề… “dầu sôi lửa bỏng” của quốc gia, và mỗi bước tiến phải xuất phát từ cấp lãnh đạo cao nhất. Nhưng cụ thể là nơi nào phải can thiệp?

Đó là Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ. Mặc dù Trung ương đã ra những nghị quyết rất đúng đắn về GD, nhưng để thực hiện được các nghị quyết đó thì cần có sự chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ.


Không hiểu PV có ghi nhầm, hoặc sót, ý kiến của GS-TS Nguyễn Minh Thuyết hay không. Chứ nếu tất cả ý kiến của GS-TS Nguyễn Minh Thuyết về chấn hưng giáo dục hoặc cụ thể hơn là nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ mà chỉ có như trên thì rõ ràng là chưa đủ.

Vì sự chỉ đạo của tất cả các vị lãnh đạo cấp cao đã nêu ở trên vẫn chỉ mới là định hướng. Còn đi đến đích thì cần phải có đầy đủ các điều kiện cần thiết, trong đó quan trọng nhất vẫn là những người thực hiện có năng lực cùng hệ thống giám sát và chế tài có hiệu quả và được thực thi.

Nói bằng ngôn ngữ ẩn dụ, so sánh với đời thường, cho dễ hiểu: các vị lãnh đạo giống như vị giám đốc ngồi trên xe cho tài xế chở đi, chỉ cần cho biết mình muốn đi đâu (xác định đích đến = chỉ đạo). Nhưng nếu chiếc xe luôn trục trặc hỏng hóc, và tài xế không biết điều khiển xe, cũng không thuộc đường đi, thì dù giám đốc có canh chừng, đốc thúc, nhắc nhở, thậm chí la mắng quở phạt, thì cũng chẳng thể nào đến đích. Còn với tài xế giỏi và tin cậy, xe tốt, thì sau khi nêu đích đến, giám đốc cứ việc lên xe, ngủ một giấc, mở mắt ra đã thấy đến nơi mình muốn đến. Nếu tài xế nào kém, lười biếng, ăn cắp xăng, vv thì cứ đuổi thẳng cổ, là xong thôi mà!

Hay tôi suy nghĩ đơn giản quá? Có đâu mọi việc dễ thế?

Bụng đàn bà, dạ trẻ con?

3 comments:

  1. Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!

    ReplyDelete
  2. Nếu nói mãi mà vẫn không thay đổi thì làm gì đây bác Hải ơi?

    ReplyDelete
  3. Trời! Tưởng gì.
    Mấy ông nói nhiều vậy tôi hỏi 1 câu nha.
    Mấy ông có giám bỏ tiền ra làm những luận án nghiên cứu cấp tỷ đôla như nước ngoài không?
    Hãy thử hỏi xem viện nghiên cứu thiên thể của Mỹ, Nhật,.. đã tốn bao nhiêu tỷ trong xuốt hơn 50năm qua.
    NASA đã chi cho sinh viên các trường đại học bao nhiêu để chỉ biết ăn và ngồi đó suy nghĩ.
    "Học viện Công nghệ Massachusetts" đã phải chi ra bao nhiêu để có được thành tựu như ngày hôm nay.
    Còn biết bao nhiêu những viện nghiên cứu thầm lặng đang làm việc.
    Mặt dù có những thành quả nghiên cứu không thành công. Nhưng họ vẫn cười khì. "Chuyện thường trong nghiên cứu đó mà".
    Mấy ông chỉ biết than rằng sao những nghiên cứu sinh của ta yếu quá, hay lo kiếm tiền.
    Vậy sao người ta lại bỏ cả đời ra nghiên cứu chi vậy?
    Vì tiền chăn? Vì sợ ra ngoài đường không có ai nhận làm việc?
    Thứ nhất, họ nghiên cứu vì đơn giản không lo cuộc sống buôn ba kiếm tiền.
    Thứ hai, họ nghiên cứu thì khi thành công danh lợi lớn gấp trăm ngàn lần đi kiếm tiền. Một luận án Nobel là >1triệu đôla. Một số tiền mà nhà kinh tế phải bỏ công sức cả đời ra kiếm mới có. Đừng nói chi là họ sẽ dễ dàng bị phá sản bất cứ lúc nào. Rủi ro cao hơn rất nhiều.
    Thứ ba, nghiên cứu vì đam mê, làm vì cái mình thích mà còn được tiền được danh vọng. Cuộc sống không có gì dễ hơn là trong phòng nghiên cứu.
    Thứ tư, những thành quả của họ là tên của họ được lưu danh vạn thế. Như Enstein, Newton,v.v...
    Vậy mấy ông nghiên cứu sinh Việt Nam ta có thần tượng nhà bác học vĩ đại nào không?
    Có được điều kiện như những nhà kiến cứu đó không?
    Có niềm đam mê nhưng họ không?
    Và những người còn lại đã làm gì giúp những ước mơ của họ thành hiện thực.
    Hãy kiểm điểm mình trước khi than vãn nha!

    ReplyDelete