Cuối năm, dọn dẹp máy tính để ... ăn tết, bắt gặp được bài viết này của chính tôi, viết cách đây đúng 5 năm, vào đầu năm 2005.
Đọc lại, thấy cũng thú vị, và có vẻ vẫn còn hữu dụng, nên đưa lên đây để chia sẻ với mọi người. Đặc biệt là các sinh viên chuyên ngành đo lường và đánh giá trong giáo dục.
Nói thêm về sự ra đời của bài viết. Cách đây 5 năm, "phong trào" đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học vừa mới dấy lên như một làn sóng mạnh mẽ tại VN, cùng một lúc với "trào lưu" chung của khu vực và thế giới vào thời điểm đó. Cao trào của phong trào này là việc ban hành Quy định tạm thời về kiểm định chất lượng trường đại học của VN vào tháng 12 năm 2004. Quy định này lần đầu tiên đưa ra được bộ tiêu chuẩn chất lượng đại học của VN (gồm 10 tiêu chuẩn và 53 tiêu chí). Kèm theo đó, là một kế hoạch thí điểm kiểm định 20 trường đại học của VN, dưới sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, sử dụng chuyên gia từ nhiều nước trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ phong trào chung, ĐHQG Hà Nội có tổ chức một hội thảo về đánh giá chất lượng giáo dục đại học vào tháng 3/2005. Lúc ấy, tôi đang là Phó Giám đốc của Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng đào tạo của ĐHQG-HCM. Bài tham luận này của tôi dựa trên những gì đã và đang được thực hiện vào lúc ấy tại ĐHQG-HCM.
Bài viết đã được trình bày tại Hội thảo trên, và nhận được khá nhiều sự quan tâm của các đại biểu tham gia hội thảo. Sau đó, bài viết cũng đã được in trong một tài liệu tham khảo do Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu phát triển giáo dục của ĐHQG Hà Nội (our counterpart) vào năm 2005.
Enjoy reading, and I hope it's useful!
(Do sự thay đổi về đinh dạng nên các số liệu trong các biểu bảng trở nên khó đọc. Ai quan tâm đến các số liệu này xin chịu khó liên hệ với tôi tại vtpanh@gmail.com hoặc anhvu@vnuhcm.edu.vn để trao đổi thêm.)--
THỰC HIỆN THU THẬP VÀ SỬ DỤNG Ý KIẾN SINH VIÊN TRONG ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY: KINH NGHIỆM TỪ ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP HỒ CHÍ MINHTS. Vũ Thị Phương Anh
Phó Giám đốc
Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí MinhViệc thu thập ý kiến sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên từ lâu đã trở thành một quy định bắt buộc tại nhiều nơi trên thế giới. Chỉ cần vào trang web bất kỳ của một trường đại học nào thuộc một nước nói tiếng Anh trên thế giới, ta cũng có thể tìm được những cuốn cẩm nang hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện thu thập ý kiến sinh viên sau mỗi môn học nhằm lấy thông tin phản hồi về các hoạt động giảng dạy của giảng viên, kèm theo rất nhiều mẫu phiếu đánh giá, từ những loại phiếu chung cho mọi tình huống giảng dạy đến các loại phiếu sử dụng riêng biệt cho từng tình huống và đối tượng giảng dạy khác nhau (vd: giảng lý thuyết, hướng dẫn thực hành, thảo luận nhóm, tổ chức các buổi điền dã - field trips, vv). Ngay tại khu vực có phong trào đảm bảo chất lượng muộn màng nhất trên thế giới như Đông Nam Á, ta cũng thấy việc sử dụng ý kiến góp ý của sinh viên để nâng cao chất lượng giảng dạy ngày càng trở thành một xu thế chung tại các nước rất gần gũi với Việt Nam về mặt địa lý như Singapore, Malaysia, hoặc Thái Lan chẳng hạn.
Thế nhưng, tình hình ở Việt Nam lại hoàn toàn khác: cho đến nay việc đánh giá hoạt động giảng dạy qua ý kiến sinh viên vẫn chưa được sử dụng chính thức trong giáo dục đại học vì nhiều lý do khác nhau, trong đó hai lý do phổ biến nhất là (1) theo truyền thống văn hóa của người Việt Nam, vai trò của người thầy rất được đề cao nhưng ngược lại vai trò của người học dường như chưa được chú trọng đúng mức, vì vậy đối với nhiều người việc để cho “trò đánh giá thầy” như tại các nước phương Tây hiện nay là một điều hoàn toàn không thể chấp nhận; (2) quan trọng hơn, đồng thời cũng là một hệ quả tất yếu của truyền thống văn hoá vừa nêu, là quan niệm cho rằng những ý kiến góp ý của sinh viên thường có giá trị rất hạn chế, do sinh viên được xem là chưa đủ trình độ để đưa ra những nhận xét chính xác về các hoạt động giảng dạy; vì vậy, việc thu thập ý kiến của sinh viên nếu có thực hiện cũng chỉ mang tính hành chính, chẳng qua là nhằm mục đích làm cho các giảng viên và sinh viên cảm nhận được sự chặt chẽ trong quản lý của nhà trường và có thái độ nghiêm túc trong việc dạy và học, chứ không thực sự có tác động trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Mặt khác, phải thừa nhận rằng bên cạnh những quan điểm mang tính “truyền thống” vừa nêu , vẫn tồn tại một số giảng viên và các nhà quản lý chia sẻ quan điểm rằng chính sinh viên mới là những người hiểu biết rõ nhất về chất lượng và hiệu quả của các giờ lên lớp cho từng môn học, và việc đánh giá các hoạt động giảng dạy nhất thiết phải sử dụng ý kiến của sinh viên vì nếu không sẽ là một thiếu sót lớn.
Trong tham luận này, người viết dựa vào các số liệu thu thập được trong đợt lấy ý kiến sinh viên về việc giảng dạy các môn học lần đầu tiên được thực hiện trên diện rộng tại các đơn vị thành viên của ĐHQG-HCM trong học kỳ 1 năm học 2004-2005 vừa qua, để chứng minh rằng, trái với quan điểm “truyền thống” xem việc thu thập ý kiến của sinh viên chỉ là việc làm có tính hình thức, những ý kiến thu thập được cho thấy sinh viên có thể cung cấp những ý kiến góp ý thực sự có giá trị trong việc giúp các giảng viên cũng như nhà trường tìm được những giải pháp cụ thể và khả thi trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy.
Tham luận được cấu trúc thành 3 phần chính: Phần 1 mô tả đợt thu thập ý kiến sinh viên, bao gồm bối cảnh thực hiện, đối tượng tham gia, công cụ thu thập thông tin, và quá trình thực hiện; Phần 2 báo cáo các kết quả thu được và các diễn giải ý nghĩa; và Phần 3 đưa ra một số kết luận cùng kiến nghị rút ra từ đợt thu thập ý kiến sinh viên vừa nêu.
I/ Mô tả đợt thu thập ý kiến sinh viênĐợt thu thập ý kiến sinh viên về hoạt động giảng dạy của các đơn vị trong HKI năm học 2004-2005 tại ĐHQG-HCM vừa qua là một trong những hoạt động chính của đề án “Thí điềm đánh giá chất lượng giảng dạy bậc đại học tại ĐHQG-HCM” thực hiện trong giai đoạn 2004-2006. Đề án gồm 2 mục tiêu, trong đó mục tiêu chính là thử nghiệm các quy trình, công cụ, và phương pháp đánh giá chất lượng đào tạo tại ĐHQG-HCM để tiến đến thường xuyên đánh giá chất lượng trong phạm vi toàn ĐHQG-HCM, đồng thời cũng qua đó tìm hiểu, thu thập một số thông tin ban đầu về tình hình hoạt động của các đơn vị. Do mục tiêu chính của đề án là thử nghiệm quy trình, công cụ và phương pháp đánh giá, nên những thông tin thu thập được chỉ mang tính thăm dò và định hướng, chứ không thể sử dụng để kết luận về chất lượng của các đơn vị. Những mục tiêu nói trên của đề án được đề ra vì hai lý do: trước hết, sự thận trọng khoa học đòi hỏi nhóm thực hiện đề án phải thử nghiệm các quy trình, công cụ và phương pháp trước khi đưa ra sử dụng rộng rãi; mặt khác, đề án chính là thời gian để chuẩn bị cho các đơn vị làm quen dần với việc quản lý chất lượng trong các hoạt động đào tạo sẽ được áp dụng rộng rãi tại ĐHQG-HCM trong thời gian sắp đến.
Đối tượng sinh viên tham gia đợt thu thập ý kiến thuộc 10 Khoa/Bộ môn của 4 đơn vị thành viên của ĐHQG-HCM là trường ĐHBK, ĐHKHTN, ĐHKHXH-NV, và Khoa Kinh tế (là bộ môn trực thuộc ĐHQG-HCM), mỗi đơn vị tự chọn tối thiểu 2 ngành đào tạo tiêu biểu. Ở mỗi Khoa/Bộ môn, tất cả sinh viên đang học từ năm thứ hai trở lên nhưng không thuộc năm cuối (tức năm 2 và năm 3 của chương trình đào tạo 4 năm, hoặc năm 2, năm 3 và năm 4 của chương trình đào tạo 5 năm) được hỏi ý kiến về một số các môn học thuộc phần kiến thức chuyên ngành bắt buộc trong chương trình đào tạo của mình bằng cách trả lời một phiếu thăm dò mang tên “Phiếu đánh giá môn học”, ký hiệu là phiếu F2, do Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo thiết kế (TTKT&ĐGCLĐT) để sử dụng cho đề án. Nôi dung phiếu gồm 3 phần như sau:
- Phần 1 (Thông tin chung): là những thông tin quản lý (tên sinh viên, tên trường, mã ngành, tên môn học, số đơn vị học trình, đặc điểm của môn học, tên giảng viên, vv).
- Phần 2 (Thông tin tổng quát về môn học): gồm 3 câu hỏi lựa chọn về tỷ lệ dự lớp của sinh viên, thời gian chuẩn bị bài tại nhà, mức độ tự nguyện tham dự môn học; và 2 câu hỏi mở về điểm mạnh hoặc yếu nổi bật nhất của môn học, cũng như góp ý cải tiến môn học.
- Phần 3 (Ý kiến đánh giá môn học): gồm 25 câu hỏi trong đó câu hỏi số 25 nhằm đánh giá chung, và 24 câu còn lại thuộc các lãnh vực khác nhau của hoạt động giảng dạy, được chọn trên cơ sở tham khảo các bộ tiêu chí và công cụ đánh giá chất lượng của một số nước trên thế giới và trong khu vực, đặc biệt là của Australia và Mạng lưới đại học Asean (AUN). Mặc dù vào thời điểm xây dựng phiếu chưa có Quy định tạm thời về kiểm định chất lượng trường đại học do Bộ GD-ĐT của Việt Nam ban hành, nhưng những lãnh vực đã lựa chọn cũng khá phù hợp với mục tiêu của các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dưới dây là 5 lãnh vực đánh giá đã được chọn để xây dựng Phiếu đánh giá môn học:
o LV 1: Thông tin về môn học (câu 1-3)
o LV 2: Tài liệu học tập (câu 4-6)
o LV 3: Cách tổ chức lớp học (câu 7-9)
o LV 4: Hoạt động giảng dạy và kiểm tra – đánh giá (câu 10-21)
o LV 5: Cảm nhận về kết quả đạt được (câu 22-24)
Tất cả các câu hỏi thuộc Phần 3 đều được xây dựng dưới dạng các phát biểu tích cực về các khía cạnh khác nhau của hoạt động giảng dạy (vd: Câu 14:“Giảng viên có phương pháp truyền đạt rõ ràng dễ hiểu”, hoặc Câu 21: “Việc đánh giá được thực hiện công bằng và phản ánh đúng năng lực của sinh viên”). Sinh viên đọc các phát biểu này và cho biết ý kiến của mình về các phát biểu trên bằng cách cho điểm sử dụng thang đo 4 mức: 1 = Rất không đồng ý; 2 = Không đồng ý; 3 = Đồng ý; 4 = Rất đồng ý. Ngoài ra, sinh viên cũng có thể chọn 1 trong 2 lựa chọn khác là A = Không có ý kiến, và B = Không có liên quan. Tổng cộng số phiếu đã phát ra cho các đơn vị là 3.200 (số lượng phiếu được tính ước lượng theo chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của các ngành), số phiếu thực sự được sử dụng 2.792 phiếu, đạt tỷ lệ chung 87%, trong đó đơn vị có tỷ lệ sử dụng phiếu cao nhất đạt 95% và thấp nhất đạt 78%, phân bố theo từng đơn vị như sau (Bảng 1):
STT Đơn vị Số phiếu phát ra Số phiếu được sử dụng Tỷ lệ
1 Trường ĐHBK 1,200 942 78%
2 Trường ĐHKHTN 800 754 94%
3 Trường ĐHKHXH&NV600 571 95%
4 Khoa Kinh tế 600 525 87%
Tổng cộng 3.200 2.792 87%
Bảng 1: Số phiếu đã sử dụng và tỷ lệ sử dụng phiếu theo từng đơn vị
II/ Các kết quả thu được từ đợt thu thập ý kiến sinh viênTrên cơ sở những ý kiến thu thập được của gần 3.000 sinh viên thuộc các ngành khác nhau thuộc ĐHQG-HCM, có thể đưa ra những nhận xét sau đây:
- Một trong những điểm lo ngại của nhóm thực hiện đề án khi tiến hành thu thập ý kiến sinh viên là sinh viên sẽ trả lời hời hợt, qua quýt (vd: đánh giá tất cả mọi khía cạnh ở cùng một mức) hoặc không trả lời để lảng tránh, kết quả của đợt thu thập ý kiến sinh viên cho thấy các sinh viên tham gia đợt thu thập ý kiến đã trả lời một cách thực sự nghiêm túc. Điều này được thể hiện trước hết qua tỷ lệ trả lời các câu hỏi mở thuộc Phần 2 của Phiếu đánh giá môn học (ưu hoặc nhược điểm nổi bật của môn học, và góp ý cải tiến môn học): qua kiểm tra ngẫu nhiên 20% các phiếu đã sử dụng, có thể thấy tỷ lệ trả lời lên đến trên 90%, một tỷ lệ rất ít gặp đối với các câu hỏi mở. Hơn nữa, trong số 25 câu hỏi thuộc Phần 3 (là phần chính của Phiếu đánh giá), chỉ có 4 câu hỏi có tỷ lệ sinh viên trả lời đạt mức dưới 80% ; tất cả những câu còn lại đều có tỷ lệ trả lời trên 80%, thậm chí trên 90% (Bảng 2). Một nhận xét thú vị khác là tất cả những câu có tỷ lệ trả lời dưới 80% cũng đồng thời là những câu có điểm đánh giá ở mức thấp nhất, cho phép ta suy đoán rằng có một tỷ lệ sinh viên (trên 20%) còn ngại góp ý cho nhà trường khi sự đánh giá của mình mang tính phê phán và đã chọn thái độ “im lặng”, nhưng đã không cho điểm đại khái (Bảng 2) .
Câu hỏi đánh giá Số lượng Tỷ lệ Điểm trung bình Độ lệch chuẩn
Q1 2595 0.92944 2.9114 .80131
Q2 2423 0.86783 2.7738 .83534
Q3 2559 0.91654 2.6202 .80576
Q4 2655 0.95093 3.0151 .89531
Q5 2333 0.83560 2.7715 .82031
Q6 2385 0.85422 2.6667 .81974
Q7 2461 0.88144 2.7347 .87228
Q8 2540 0.90974 2.7736 .87745
Q9 2448 0.87679 2.5507 .80905
Q10 2467 0.88359 3.2866 .72896
Q11 2535 0.90795 3.2134 .75946
Q12 2574 0.92192 3.2032 .73308
Q13 2412 0.86389 3.0593 .76216
Q14 2394 0.85745 2.8567 .86291
Q15 2325 0.83273 2.5230 .84261
Q16 2436 0.87249 3.0406 .77406
Q17 2242 0.80300 2.7605 .82259
Q18 2133 0.76396 2.6503 .83067
Q19 2294 0.82163 2.4895 .84809
Q20 2266 0.81160 2.4435 .83024
Q21 2072 0.74212 2.8195 .81704
Q22 2545 0.91153 3.0472 .71714
Q23 2327 0.83345 2.9489 .77330
Q24 2140 0.76647 2.7005 .81850
Q25 2146 0.76862 2.8024 .71358
Bảng 2: Thống kê mô tả kết quả trả lời các câu hỏi ở Phần 3
- Kết quả trả lời Phần 3 của Phiếu đánh giá môn học cho thấy sinh viên cho điểm đánh giá một cách cân nhắc và khá khắt khe chứ không “khen bừa” một cách dễ dãi, vì điểm trung bình cho từng câu chỉ đạt trong khoảng từ 2.4 đến 3.2, với điểm đánh giá chung ở mức 2.8 . Kết quả này cho thấy độ hài lòng của sinh viên ĐHQG-HCM đối với chất lượng giảng dạy hiện nay chỉ mới đạt mức trung bình khá, và không có sự chênh lệch đáng kể nào giữa các đơn vị (mức điểm đạt được từ trường BK, TN, XH-NV và khoa KT là 2.81, 2.82, 2.78, và 2.73 theo thứ tự đã nêu). Nhận xét này cũng được khẳng định lại khi xem xét kết quả đánh giá trên từng câu hỏi cụ thể, với số điểm đạt được đa số nằm ở mức trung bình khá (điểm trung bình khoảng 2.7-2.9). Số câu đạt mức điểm này gồm các câu 1, 2, 5, 7, 8, 14, 17, 21, 23, 24, chiếm tỷ lệ 42% tổng số câu hỏi.
- Khi xem xét kết quả thu thập ý kiến sinh viên trên những câu hỏi cụ thể (từ câu 1 đến câu 24), có thể thấy những thông tin thu thập được rất có giá trị trong việc xác định những điểm mạnh và chưa mạnh trong tổ chức quản lý cũng như hoạt động giảng dạy tại các trường. Dưới đây là kết quả cụ thể tính chung trên toàn ĐHQG-HCM:
o Những điểm mạnh (có điểm đánh giá ở mức 3 trở lên): gồm 7/24 câu, đạt tỷ lệ 29% trên tổng số các câu hỏi, gồm việc cung cấp tài liệu học tập vào đầu khoá học (câu 4, đạt mức 3.01), chất lượng giảng viên nói chung (câu 10: kiến thức, đạt mức 3.28; câu 11: nhiệt tình, đạt mức 3.21; câu 12: trách nhiệm, đạt mức 3.20; câu 13: sử dụng thời gian hiệu quả, đạt mức 3.05; câu 16: khuyến khích sự tham gia của sinh viên, đạt mức 3.04); sự cần thiết của môn học (câu 22, đạt mức 3.04). Những thông tin này cho thấy nhìn chung ĐHQG-HCM có một đội ngũ giảng viên có trình độ vững vàng và chương trình đào tạo khá phù hợp với nhu cầu của người học, xứng đáng là một trong hai đại học quốc gia, trung tâm đào tạo chất lượng cao của cả nước.
o Những điểm chưa mạnh (có điểm đánh giá ở mức 2.6 trở xuống): cũng gồm 7/24 câu, đạt tỷ lệ 29% trên tổng số câu, cụ thể là thiếu thông tin về tài liệu và thiết bị hỗ trợ học tập (câu 3, đạt mức 2.62), nội dung của tài liệu học tập chưa cập nhật (câu 6, đạt mức 2.66), thiếu thiết bị hỗ trợ giảng dạy (câu 9, đạt mức 2.55; câu 15, đạt mức 2.52), thiếu chú trọng phát triển kỹ năng diễn đạt và tư duy phê phán cho sinh viên (câu 18, đạt mức 2.65), chưa chú trọng đến việc kiểm tra đánh giá trong quá trình học (câu 19, đạt mức 2.48; câu 20, đạt mức 2.44, mức thấp nhất trong mọi câu hỏi trong phiếu F2). Những thông tin vừa nêu phản ánh tình trạng chung của giáo dục đại học Việt Nam là thiếu các nguồn lực hỗ trợ học tập (thư viện, phòng thí nghiệm, thiết bị giảng dạy, phòng thí nghiệm), thiếu chú trọng đến vai trò của kiểm tra đánh giá trong quá trình giảng dạy, chú trọng nhiều đến kiến thức hàn lâm và chuyên ngành hẹp nhưng lại quên phát triển những kỹ năng bền vững cần thiết cho sinh viên khi tham gia thị trường lao động trong một nền kinh tế tri thức.
- Ngoài những thông tin thu được trong Phần 3 (Ý kiến đánh giá môn học) đã nêu, trong Phần 2 (Thông tin tổng quát về môn học) cũng cung cấp cho ta một số thông tin đáng lưu ý về thói quen và thái độ học tập của sinh viên như sau:
o Tỷ lệ dự giờ học tại lớp của sinh viên theo tự khai ở mức rất cao, khoảng 90% trở lên (điểm trung bình chung là 1.7 theo thang 4 mức: 1 = 100%; 2 = 90%; 3 = 75%; 4 = dưới 75%), nhưng thời gian sinh viên làm việc ở nhà để chuẩn bị cho môn học lại ở mức không cao. Bình quân, số giờ tự học tại nhà của sinh viên cho mỗi môn học chưa đến 3 giờ/tuần (số điểm trung bình chung là 2.47 trên thang 4 mức: 1 = trên 4 giờ; 2 = 3-4 giờ; 3 = 1-2 giờ; 4 = dưới 1 giờ), trong đó có đến 51,2% số sinh viên tự khai có thời gian học tại nhà từ 2 giờ trở xuống (39,3% học từ 1-2 giờ/tuần; 11,9% tự học dưới 1 giờ/tuần). Trong khi đó, theo hướng dẫn của các trường đại học trên thế giới, để chuẩn bị tốt cho một tiết học trên lớp thì thời gian làm việc ở nhà tối thiểu phải là 2 giờ, tức 6 giờ/tuần cho một môn học có số tiết lên lớp là 3 tiết/tuần. Điều này cho thấy nhìn chung sinh viên hiện nay vẫn học tập một cách thụ động, chủ yếu dựa vào bài giảng của thầy cô trên lớp.
o Như đã nêu ở trên, nhìn chung các sinh viên có ý kiến đánh giá về sự cần thiết của các môn học ở mức trung bình khá (câu 22 của Phần 3, đạt mức 3.04), nhưng câu hỏi về mức độ tự nguyện tham gia môn học (câu 3 của Phần 2) cho thấy có đến gần 11% tổng số sinh viên KHÔNG chọn học các môn học được đánh giá nếu không bị bắt buộc (những môn được đánh giá trong đợt này đều là môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo). Mặc dù cho đến nay chúng ta chưa có các mức chuẩn so sánh trong cũng như ngoài ĐHQG-HCM để kết luận chính xác về ý nghĩa của số liệu này, nhưng tỷ lệ trên 10% sinh viên đi học chỉ vì bắt buộc là một thông tin không thể đơn giản bỏ qua, mà cần có những nghiên cứu kỹ hơn (vd: những môn học nào thường có mức độ tham gia tự nguyện tham gia thấp và tại sao) để có những biện pháp cải thiện tình hình.
STT Đơn vị Tỷ lệ
1 Trường ĐHBK 16,1%
2 Trường ĐHKHXH-NV 15,6%
3 Trường ĐHKHTN 7,6%
4 Khoa Kinh tế 5%
Tỷ lệ chung 10,9%
Bảng 3: Tỷ lệ sinh viên KHÔNG tự nguyện tham gia môn học tại các đơn vị
STT Đơn vị Tỷ lệ
1 Khoa Kinh tế 57,3%
2 Trường ĐHKHXH-NV 55,4%
3 Trường ĐHKHTN 51,7%
4 Trường ĐHBK 33,7%
Tỷ lệ chung 51,2%
Bảng 4: Tỷ lệ sinh viên dành thời gian tự học từ 2 giờ/tuần trở xuống
- Như đã nêu ở phần trên, đánh giá chung của sinh viên các đơn vị là tương đối giống nhau và ở mức trung bình khá (điểm trung bình chung trong khoảng 2.7-2.8). Tuy nhiên, khi xét riêng từng lãnh vực đánh giá theo từng đơn vị, có thể thấy một sự khác biệt khá rõ ràng giữa các đơn vị, cho thấy thế mạnh cũng như nhược điểm của từng trường. Dưới đây là những số liệu so sánh giữa các trường và một vài nhận xét.
STT
BK TN XH-NV KT
Tổng Trung bình Tổng Trung bình Tổng Trung bình Tổng Trung bình
LV 1 -
Thông tin về môn học 8.16 2.72 8.35 2.78 8.90 2.96 8.16 2.72
LV2 -
Tài liệu học tập 8.21 2.73 8.95 2.98 8.95 2.98 7.90 2.63*
LV3 -
Cách tổ chức lớp học 8.36 2.78 7.73 2.57 7.24 2.41* 8.64 2.88
LV4 -
Hoạt động giảng dạy & KT-ĐG 33.37 2.78 34.94 2.91 36.45 3.03 33.93 2.82
LV5 -
Cảm nhận về kết quả 8.56 2.85 8.74 2.91 8.69 2.89 8.78 2.92
Đánh giá chung (câu 25) 2.81 2.82 2.78 2.73
Bảng 5: Ý kiến đánh giá về môn học theo từng lãnh vực của sinh viên các đơn vị
Ghi chú:
(1) Cột “Tổng” ghi điểm tổng cho tất cả các câu hỏi trong cùng một lãnh vực; cột “Trung bình” ghi điểm trung bình của từng lãnh vực theo thang điểm 4 để dễ so sánh.
(2) Những con số được in đậm, gạch chân và đánh dấu sao * chỉ những lãnh vực được đánh giá đạt mức trung bình (điểm từ 2.4 đến 2.6).
Thông tin trong bảng cho thấy ĐHBK đạt điểm khá đồng đều cho mọi lãnh vực (không có lãnh vực nào quá cao hoặc quá thấp), với đánh giá chung ở mức khá tốt. Các trường còn lại có điểm đánh giá không đồng đều giữa các lãnh vực, trong đó ĐHTN đạt điểm khá cao về 4 trong 5 lãnh vực và một điểm hơi yếu (Lãnh vực 3 – cách tổ chức lớp học); tuy vậy, điểm đánh giá chung của ĐHTN vẫn ở mức tốt, đạt mức cao nhất trong 4 đơn vị). Ngược lại, ĐHKHXH-NV và Khoa Kinh tế có một số điểm đạt mức cao, nhưng đồng thời cũng có những điểm yếu nổi bật (đối với Trường ĐHKHXH-NV là LV3 – cách tổ chức lớp học, và đối với Khoa Kinh tế là LV2 – tài liệu học tập), và điểm đánh giá chung chỉ đạt mức trung bình khá. Điều này cho thấy đánh giá của sinh viên về chất lượng giảng dạy không dựa trên một vài lãnh vực nổi bật, mà đòi hỏi một sự đồng bộ về nhiều mặt, về thực chất là đòi hỏi một bộ máy quản lý vận hành tốt và quan tâm đến người học.
III/ Một số kết luận và kiến nghịNhững kết quả thu được qua việc thu thập ý kiến sinh viên vừa qua tại ĐHQG-HCM cho phép nhóm thực hiện đề án đưa ra một số kết luận và kiến nghị sau:
- Việc thu thập ý kiến sinh viên trong quá trình đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên là một việc làm không có gì là mới mẻ trên thế giới, và là một việc làm không đến nỗi quá khó khăn tốn kém nhưng lại có thể có tác động rất lớn đến chất lượng giảng dạy. Tuy nhiên, đối với văn hóa học tập của Việt Nam đây vẫn là một điều còn xa lạ và dễ gây đụng chạm, đặc biệt là đối với các giảng viên.Vì thế, để có thể đi đến việc sử dụng ý kiến của sinh viên một cách thường xuyên trong việc đánh giá hoạt động giảng dạy, cần phải có chủ trương nhất quán của các cấp lãnh đạo ngành giáo dục đào tạo Việt Nam, sự chuẩn bị chu đáo về quan điểm cũng như về quy trình kỹ thuật, và đặc biệt là sự hợp tác và chia sẻ thông tin và kinh nghiệm giữa các đơn vị, mà hội thảo “Đánh giá chất lượng trong giáo dục đại học” do Trung tâm ĐBCLĐT và NCPTGD thuộc ĐHQG Hà Nội đang tổ chức là một thí dụ tiêu biểu.
- Những thông tin thu được từ các phiếu thu thập ý kiến sinh viên cho thấy đây là một nguồn thông tin hết sức bổ ích và cần thiết cho việc nâng cao chất lượng đào tạo. Hiện nay, Bộ giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy định tạm thời về kiểm định trường đại học, theo đó kết quả thu thập ý kiến sinh viên sẽ được xem là một trong những nguồn chứng cứ để xác định một đơn vị đào tạo thực sự chú trọng đến việc quản lý chất lượng hay không. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường thực hiện quy định nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có những hỗ trợ cụ thể hơn nữa cho các trường, chẳng hạn như tổ chức xây dựng và cung cấp một số công cụ chuẩn để các trường sử dụng (nhằm mục đích so sánh), cũng như tổ chức biên soạn các sách hướng dẫn thu thập ý kiến sinh viên cũng như thực hiện các phương pháp đánh giá chất lượng khác.
- Việc thường xuyên thực hiện lấy ý kiến sinh viên nói riêng và các hoạt động đánh giá chất lượng nói chung cho thấy sự cần thiết của một hệ thống các bộ phận chuyên trách về chất lượng tại các đơn vị đào tạo. Điều này cũng nằm trong quy định tạm thời về kiểm định trường đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành.Tuy vậy, cho đến nay, trên cả nước chỉ mới có vài đơn vị có bộ phận chuyên trách chất lượng, trong đó được thành lập sớm nhất phải kể là 2 Đại học quốc gia. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có kế hoạch hỗ trợ các trường xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống các bộ phận quản lý chất lượng trên toàn quốc, đồng thời có kế hoạch đào tạo nhân lực có chuyên môn về đo lường và đánh giá giáo dục cho các đơn vị, để thúc đẩy và đảm bảo sự phát triển bền vững của phong trào đảm bảo chất lượng đào tạo đại học của Việt Nam, nhanh chóng đưa giáo dục đại học của chúng ta đến ngang tầm với khu vực và thế giới.
Phụ lục: Phiếu đánh giá môn học (Mẫu phiếu F2)