Thursday, September 17, 2015

Vì sao Singapore giỏi tiếng Anh (1), hay Thầy cô giáo vào lớp làm gì?

Vì sao Singapore giỏi tiếng Anh ư? Well, chắc chắn là có rất nhiều lý do.

Nhưng một trong những lý do - và có lẽ là lý do đầu tiên - là chương trình của họ có nội dung phù hợp, giáo viên của họ được đào tạo bài bản, giảng dạy có phương pháp.

Và, một điều hết sức quan trọng và rất thiết thân với tôi, người được đào tạo về đánh giá năng lực ngoại ngữ, đó là: Họ chú trọng đúng mức vai trò của kiểm tra đánh giá (assessment) như một trong 3 cái chân vạc của quá trình dạy và học. Ba cái chân vạc đó gồm có: Nội dung chương trình (curriculum) - Phương pháp giảng dạy (methodology) - và, tất nhiên rồi - Kiểm tra đánh giá (assessment). Tất nhiên cả 3 cái chân vạc đó đều nhằm nâng một cái vạc đồng to lớn, đó là những mục tiêu về năng lực đầu ra mà người học cần đạt.

Chứ không phải như chúng ta, chỉ chăm chăm vào nội dung chương trình (quan điểm của Bộ và các Sở Giáo dục), hoặc chỉ cần làm sao đứng lớp cho học sinh không thấy nhàm chán (quan điểm của các giáo viên "đắt sô"), mà bỏ quên hẳn một cái chân vạc thứ ba là kiểm tra đánh giá.

Sẽ có người nói: Kiểm tra đánh giá vẫn có chứ sao lại quên? À thì vẫn có, nhưng quan niệm về kiểm tra đánh giá của ta khác hẳn người ta. Ở VN, kiểm tra đánh giá (dưới dạng các kỳ thi) chỉ diễn ra ở cuối quá trình học, và mọi việc do những người có quyền hành từ tận đẩu tận đâu bỗng đến quyết định tất cả. Kỳ thi càng nghiêm trọng, hậu quả của việc đậu rớt càng lớn thì càng được người ta đánh giá là "có chất lượng".

Và vì nó quan trọng, nên nó phải được "bảo mật đến phút chót". Cứ như là đánh đố vậy, cả thầy lẫn trò chẳng ai biết bài kiểm tra/thi sẽ có những gì và mình sẽ phải chuẩn bị ra sao để đạt được yêu cầu một cách tốt nhất. Hồi hộp, hồi hộp. Đau tim. Đau khổ vì "học tài thi phận" .... Ôi, một dân tộc từ thời "lều chõng" đến giờ hình như vẫn không hề thay đổi, mà thậm chí ngày càng tệ hơn.

Chẳng lẽ không ai biết rằng quan niệm thi cử như vậy lạc hậu lắm rồi sao? Tất nhiên, không ai chối bỏ sự cần thiết của các kỳ thi "khách quan" do những người độc lập ra đề và chấm thi. Nhưng nói chung, quan niệm hiện đại về kiểm tra đánh giá là như thế này: Kiểm tra đánh giá chính là trách nhiệm của thầy cô giáo, như một phần quan trọng trong sứ vụ của người dạy học. Vâng, thầy cô giáo không chỉ có trách nhiêm giảng dạy, mà còn phải chịu trách nhiệm về tổ chức kiểm tra đánh giá cho học sinh của mình nữa.

Các bạn chưa tin? Vậy thì xin mời các bạn đọc bản mô tả chương trình học tiếng Anh cho học sinh ở Singapore,  ở đây: http://www.moe.gov.sg/education/syllabuses/english-language-and-literature/files/english-primary-secondary-express-normal-academic.pdf#page=1&zoom=auto,-293,709

Ai không có thời gian để đọc thì nhìn hình. Ở phần Chương 3 nói về vai trò của thầy cô giáo, ta thấy 2 mục: 1. Giảng dạy để thúc đẩy việc học; VÀ 2. Kiểm tra đánh giá để thúc đẩy việc học.

Thế là rõ rồi nhé:  Thầy cô giáo có hai nhiệm vụ - Giảng dạy và kiểm tra đánh giá. Và cả hai nhiệm vụ này đều quan trọng như nhau, nhớ chưa!

Nhưng chưa hết. Cả hai nhiệm vụ này đều nhằm đến cùng một mục đích là "thúc đẩy việc học". Teach cũng for learning, mà assess cũng for learning.

Hừm ... họ làm điều ấy như thế nào nhỉ? Đó sẽ là chủ đề cho bài viết sau của tôi.



--------------
Bài 2 ở đây, và còn nhiều nữa, các bạn đón đọc nhé: http://ncgdvn.blogspot.com.tr/2015/09/vi-sao-singapore-gioi-tieng-anh-2-nhung.html


No comments:

Post a Comment