Saturday, March 7, 2015

Lại nói về quy tương đương (equating) điểm số các bài thi: (1)

Dẫn: Hôm trước tôi đang viết dở dang về việc quy tương đương điểm số các bài thi rồi bỏ lửng vì có quá nhiều việc xảy ra bất ngờ trong cuộc đời làm việc của tôi (chuyện bất ngờ thú vị, tốt nhưng cũng làm tôi bận tâm và không có thời gian cho những mối quan tâm nghiên cứu riêng của mình). Nhưng hôm qua tình cờ tôi nhận được một câu hỏi trong hộp thư cá nhân của một đồng nghiệp trẻ ở một địa phương miền Trung, nói rằng đã đọc được bài viết của tôi trên blog về quy đổi điểm thi nên muốn tôi trả lời giúp một câu hỏi cụ thể trong công việc của bạn ấy.

Tôi đã gửi thư trả lời rồi, ngắn gọn thôi, nhưng "chuyện đã viết xong mà lòng thì còn muốn nói thêm" (!) nên tôi thấy cần phải viết tiếp về vấn đề này, vì nó là một nhu cầu thực tế mà các bạn làm việc trong lĩnh vực khảo thí sẽ thường xuyên đối mặt. 

Vậy thì đây. Tôi xin bắt đầu bằng cách chép lại câu hỏi mà tôi nhận được và câu trả lời của tôi, rồi sau đó sẽ thêm phần giải thích và diễn giải thêm, kèm các tư liệu cần đọc.

Mong rằng bài viết này có ích cho các bạn.
---------------------------
Câu hỏi:

Em xin tự giới thiệu, em là xxx hiện tại đang công tác tại Phòng Khảo thí - ĐBCLG Trường Đại học xxx.

Vừa qua em có đọc bài viết của Cô về điểm liên kết, điểm quy đổi, điểm tương đương http://ncgdvn.blogspot.com/2014/12/lien-ket-iem-quy-oi-tuong-uong-va.html

Em muốn xin tham khảo Cô về vấn đề sau.

Hiện tại em đang xử lý số liệu cho một đơn vị. Người ta tiến hành kiểm tra 2 đề tiếng Anh khác nhau (Đề A và Đề B)  cho cùng một nhóm 200 thí sinh.
Với dữ liệu điểm của 2 đề thi, đề A có điểm đạt là 70/100, để tìm điểm đạt của đề B (thang điểm 100) dựa trên điểm đạt của đề A thì phải dùng công thức như thế nào ạ?

Thành thật xin lỗi vì đã làm phiền Cô! Rất mong Cô giúp đỡ. 
Câu trả lời của tôi:
Tôi không rõ là em nắm tới đâu về thống kê số liệu điểm thi, nên chỉ trả lời vắn tắt như sau:

Nếu 2 bài thi của em thực sự đã được xây dựng trên cùng một bảng đặc tả (tức hoàn toàn giống nhau, chỉ là alternative form equivalent) thì cách tính điểm tương đương chính là dựa trên phân bố chuẩn, nói cách khác, em cần quy điểm thô sang điểm z rồi so sánh 2 bảng điểm dựa trên điểm z dã được quy ra.

Ví dụ, trên bài thi A, 70/100 có điểm z là 2.5 (đa số điểm z  nằm trong khoảng từ -3 đến 3) thì em hãy dò trên bài thi B xem điểm nào được quy ra điểm z là 2.5 thì chính điểm đó sẽ là điểm tương đương. Ví dụ, ở bài thi B vì hơi khó hơn nên 70 điểm đã là 2.8 điểm z, còn 65 điểm mới là 2.5 điểm z, vậy 65 điểm bài thi B là tương đương với 70 điểm bài thi A.

Hy vọng câu trả lời này có thể giúp được em.
---------------------------------------------------------------
Đối với một người có nắm vững về thống kê số liệu điểm thi thì câu trả lời ở trên đã là quá đủ. Nhưng đối với một người  chưa học qua chút nào về việc phân tích số liệu điểm thi (thường được học trong môn học trắc nghiệm/ đo lường giáo dục) thì câu trả lời ở trên có lẽ rất ... bí hiểm. Phân bố chuẩn là sao, mà điểm z là gì? Tại sao phải quy ra điểm z để so sánh? vv.
Nếu bạn rơi vào trường hợp này (không hiểu câu trả lời ở trên của tôi - và tôi e rằng đó là tình trạng phổ biến trong ngành giáo dục của VN) thì rõ ràng bạn cần phải được giải thích thêm. Mà phải giải thích thật ngắn gọn và không quá kỹ thuật để làm sao cho bạn hiểu nhanh, dùng đúng mà không hoảng sợ vì những con số và các công thức tính toán rắc rối.
Chà chà, it's not an easy task. Tôi sẽ cố, nhưng cần thời gian.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi tôi có thời gian thêm, nếu bạn nào đọc được tiếng Anh thì hãy đọc tài liệu Equating Test Scores (Without IRT) của Samuel Livingstone do ETS công bố cách đây hơn 10 năm  vào năm 2004. Bạn có thể download tài liệu ấy từ địa chỉ dưới đây để đọc, rồi có thắc mắc thì gửi câu hỏi vào comment nhé. Còn bây giờ thì tôi phải tạm ngưng, sẽ viết tiếp vào tối nay hoặc khi có thời gian.
Chúc các bạn may mắn và hẹn gặp lại các bạn sau. 

 

No comments:

Post a Comment