Thursday, June 12, 2014

"Làm lại đề án ngoại ngữ"? Viết nhanh sau khi đọc bài báo trên Thanh Niên hôm nay 12/6/2014

"Làm lại đề án ngoại ngữ" là một phần của cái tựa bài báo trên Thanh Niên hôm nay, tựa đầy đủ là "Đầu tư cả ngàn tỷ đồng vẫn chưa hiệu quả - Làm lại đề án ngoại ngữ". Có thể đọc toàn bài ở đây: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140611/dau-tu-ca-ngan-ti-dong-van-chua-hieu-qua-lam-lai-de-an-ngoai-ngu.aspx. Hoặc đọc bên dưới, tôi chép lại làm tư liệu để nghiên cứu khi cần.

Ở đây tôi chỉ ghi lại nhanh vài ý kiến liên quan đến đề án này, do tôi cũng có tham gia góp ý kiến trong giai đoạn đầu, và gần đây nhất có làm một nghiên cứu nhỏ về hiệu quả của đề án dưới cái nhìn của giáo viên, người thụ hưởng/chịu tác động trực tiếp và quan trọng nhất của đề án.

1. Việc làm lại đề án, dù rất dở, vì lẽ ra phải làm tốt từ đầu chứ không phải là làm dở dang rồi bỏ đi làm lại như thế này, là một quyết định đúng đắn. Nó giống như trong kinh doanh, nếu đã nhận ra là đầu tư sai thì nên nhanh chóng "cắt lỗ" và chuyển hướng, đóng cửa nhà máy hoặc công ty, chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác, còn hơn là ôm những gì mình đang có vì tiếc công sức đầu tư, máy móc thiết bị đã đổ ra giờ không còn bao nhiêu giá trị.

2. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận thì phần "đề án được làm lại" này có khi lại giống phần "đề án đã bị bỏ đi để làm lại", nếu triết lý và cách tiếp cận vẫn như cũ! Không thể giải quyết vấn đề với cùng một loại tư duy đã tạo ra chính vấn đề ấy, có một nhân vật nổi tiếng nào đó (không biết có phải là Einstein?) đã nói như thế đấy.

3. Theo tôi, nói đúng hơn là theo số liệu mà tôi đã thu thập được trong một nghiên cứu nhỏ và đã báo cáo tại Hội nghị cựu sinh viên Úc ở Hà Nội hồi cuối năm 2013 và cũng đã báo cáo ở Nhật hồi tháng 4 vừa rồi, những vấn đề cần phải dứt khoát thay đổi gồm có:

i. Bỏ ngay tư duy cào bằng, bắt tất cả giáo viên trên toàn quốc phải đạt những mức năng lực như nhau để có thể xem là đạt chuẩn. Điều này là không tưởng và làm cho các mục tiêu của đề án bị phá sản ngay khi chưa thực hiện. Còn nếu cứ cố gắng thực hiện (vì đã nêu trong kế hoạch hàng năm, giờ phải thực hiện để có thể  quyết toán) thì sẽ dẫn đến các hậu quả tai hại khác, sẽ nêu dưới đây.

ii. Bỏ ngay, không thương tiếc, hệ thống thi cử "theo chuẩn châu Âu" mà đề án đã giao cho một số trường thực hiện. Các đề thi đó hoàn toàn không giống ai, và chắc chắn là các thông số kỹ thuật (như độ tin cậy hay tính ổn định của điểm số độ giá trị, độ chân thực, tác động dội ngược vv) đều rất kém. Vì cách thi hiện nay ở các trung tâm thi của đề án 2020 hoàn toàn không có phần nghiên cứu khảo thí đi kèm. Nên nhớ muốn ra được đề thi cho tử tế thì phải nghiên cứu rất tốn kém và những đòi hỏi năng lực chuyên biệt cùng với những kinh nghiệm thực tế về khảo thí mà hiện nay VN rất thiếu người (dù đã dư người có bằng cấp, do đào tạo trong nước!!!). Điều này tôi đã lên tiếng nhiều lần ở nhiều nơi nhưng vẫn chỉ là nước đổ đầu vịt mà thôi! 

Hệ thống này nếu được duy trì thì chỉ làm được đúng có một việc mà thôi, đó là: nó sẽ ngay lập tức đạt được những con số "ảo" theo như mục  tiêu của đề án. [Tất nhiên, ở đây tôi giả định là không kể những cái lợi riêng của những người được giao quyền tổ chức thi, ví dụ: có việc để làm, có nguồn thu, có quyền cấp bằng và có thể tiêu cực (?) nếu muốn/ nếu cần (!)]. Vì vậy, chỉ riêng việc quyết định thay đổi cách làm và không sử dụng đến hệ thống hiện nay thì tôi cũng đã cho là một thành tựu quan trọng rồi. Thà đừng làm, còn hơn làm mà phá hoại, không chỉ một đề án này, mà là cả một thế hệ giáo viên (những người phải thi để lấy chứng chỉ ảo) và kéo theo sau đó là các học sinh, tức là di hại đến mấy thế hệ!

Tất nhiên, nếu đã quyết định bỏ hệ thống này thì phải có hệ thống khác thay vào; ý kiến của tôi là nên dùng một hệ thống có sẵn trên thế giới nhưng phải deal xuống cho giá chấp nhận được với thị trường VN. Sẽ có nhiều tổ chức muốn nhảy vào; cứ bình tĩnh mà trả giá với họ, còn chọn ai thì có thể sẽ là một phần của "đề án được làm lại", xin không bàn ở đây.

iii. Cần xây dựng ngay một hệ thống hỗ trợ giáo viên, đặc biệt là giáo viên vùng sâu vùng xa, để tạo điều kiện cho họ thường xuyên "đụng chạm" đến tiếng Anh thực tế, ví dụ xem phim ảnh bằng tiếng Anh, luyện phát âm, trao đổi về các vấn đề ngữ pháp, hỗ trợ làm giáo cụ và tài liệu giảng dạy cho môn tiếng Anh, đại khái là một mô hình Trung tâm tư liệu Anh ngữ mà trước đây Hội đồng Anh đã hỗ trợ Khoa Ngữ văn Anh của USSH xây dựng và hoạt động, thời gian đầu rất tốt nhưng sau đó đã bị biến tướng thành một phần của thư viện chung và là nơi "kinh doanh tài liệu hiếm". Hệ thống này cần phải được duy trì mãi mãi, có thể kêu gọi sự hỗ trợ của nước ngoài hoặc chính những đơn vị sẽ trúng thầu cung cấp hệ thống thi cử cho VN. Không hề khó làm, và các nước xung quanh VN như Thái Lan, Indonesia, Mã Lai đều có kinh nghiệm để VN học tập.

Đại khái thế. Tôi thấy dễ quá mà sao làm lại khó đến thế nhỉ? Hay là tôi ... dốt nên tưởng nó dễ, hu hu hu!!
------------------

Đầu tư cả ngàn tỉ đồng vẫn chưa hiệu quả - Làm lại đề án ngoại ngữ

Thanh Niên 12/6/2014

Trước những hoài nghi của dư luận về hiệu quả của Đề án ngoại ngữ quốc gia, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết đang xây dựng lại kế hoạch thực hiện Đề án ngoại ngữ 2020 cho phù hợp thực tiễn hơn, thay đổi cách học và cách thi cũng như đào tạo và tuyển dụng giáo viên.

Một lớp bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh các trường THCS do Sở GD-ĐT TP.HCM và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức - Ảnh: Đào Ngọc Thạch Một lớp bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh các trường THCS do Sở GD-ĐT TP.HCM và Trường
ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
 
Thay đổi cách thi
Một trong những nguyên nhân khiến ít học sinh (HS) chọn môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua là đề thi năm nay bổ sung thêm phần thi viết (mà ban đầu Bộ công bố là viết luận - sau đó sửa thành viết để giảm mức độ yêu cầu).



Năm 2020 chưa thể hoàn thành đề án
Trước sự ì ạch về tiến độ của đề án ngoại ngữ 2020 cũng như những khó khăn quá lớn phải đối mặt khi thực hiện, lãnh đạo Bộ khẳng định chắc chắn nhiều mục tiêu của đề án sẽ không đạt được theo như tiến độ đề ra và năm 2020 cũng chưa thể hoàn thành được đề án này.

Nhiều HS cho rằng lâu nay chỉ học để thi theo cách làm bài trắc nghiệm, kể cả thi ĐH cũng chỉ thi trắc nghiệm, khi thấy đề thi tốt nghiệp có thêm phần “viết luận” nên... sợ không dám đăng ký thi môn này nữa.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng Bộ dự kiến đưa môn ngoại ngữ thành môn khuyến khích rồi sau đó đổi thành môn tự chọn cũng là vì muốn chấm dứt cách thi gì học nấy như hiện nay. “Thi ngoại ngữ mà chỉ có mỗi hình thức trắc nghiệm, nói nôm na là “gật với lắc” thì không có tác dụng gì trong quá trình học cả”, ông Hiển nói. Ông Hiển cũng khẳng định: “Môn ngoại ngữ chắc chắn phải trở thành môn thi bắt buộc, môn thi điều kiện cho những kỳ thi khác… Tuy nhiên, khi đó cách thi phải thay đổi. Bộ đang có đề án dạy học môn ngoại ngữ, trong đó phải tìm ra một cách thi cử khác, đánh giá được năng lực nghe nói đọc viết của HS”.
Thay sách môn ngoại ngữ trước
Khi dự thảo Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK) sau 2015 được công bố, có ý kiến chỉ ra rằng: không thấy nhắc đến môn ngoại ngữ trong đề án này. Vậy khi thay đổi chương trình - SGK phổ thông thì chương trình - SGK ngoại ngữ đang thí điểm hiện nay có thay đổi không?


Ông Nguyễn Vinh Hiển cho hay: “Đề án này cũng nằm trong đề án đổi mới chương trình - SGK sau 2015. Khi thiết kế chương trình mới cũng phải dành thời lượng cho việc học ngoại ngữ theo đúng quy định của Đề án ngoại ngữ; việc bồi dưỡng giáo viên, việc dạy học ngoại ngữ cũng nằm trong kế hoạch bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới”. 

Như vậy, môn ngoại ngữ được cho là đi trước một bước. Sau khi thực hiện chương trình - SGK mới thì sẽ không thay SGK ngoại ngữ nữa mà chỉ điều chỉnh SGK thí điểm hiện nay… 

Trước thực tế một số thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM có vẻ không mặn mà với SGK ngoại ngữ (thí điểm) của Bộ, ông Nguyễn Vinh Hiển cho rằng đó là việc bình thường, khi chủ trương đổi mới theo hướng có một chương trình, nhiều bộ SGK thì việc chọn bộ sách nào để giảng dạy sẽ là quyền của các địa phương, nhà trường. Miễn là HS dù học bộ sách nào cũng đạt được những tiêu chuẩn chung. Tuy nhiên, ông Hiển cũng cho biết nhiều nơi chưa đủ điều kiện triển khai đại trà cũng như chưa được chọn thí điểm thực hiện đề án nhưng đã xin thực hiện chương trình - SGK ngoại ngữ này để HS được học như môn học tự chọn.
Xây dựng lại kế hoạch
Theo ông Hiển, Bộ đang phải xây dựng lại kế hoạch của đề án này. Tuy nhiên, kế hoạch như thế nào thì phải phụ thuộc vào tình hình thực tế của các địa phương.

Về đội ngũ giáo viên, theo ghi nhận của Thanh Niên, hiện mỗi nơi có một cách làm khác nhau. Nơi nào có điều kiện thì cấp kinh phí đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, nơi thì vận động, khuyến khích giáo viên tự bỏ tiền ra để học và thi lấy chứng chỉ. Đại diện của ban thường trực đề án cho hay Bộ đang xem xét để có chính sách chung cho việc bồi dưỡng giáo viên. Nếu giáo viên sau khi tham gia các khóa học mà đạt chuẩn theo quy định thì sẽ được nhận hỗ trợ về chi phí học tập.

Ông Nguyễn Vinh Hiển thông tin: “Bắt đầu từ năm 2014 - 2015, các trường đào tạo giáo viên ngoại ngữ phải đưa ra chuẩn năng lực đầu ra tương ứng với khung tham chiếu châu Âu”. Tuy nhiên, để làm được điều này Bộ sẽ phải bổ sung chế tài cụ thể kèm theo. Một trong những chế tài có thể là cắt chỉ tiêu tuyển sinh. Chỉ tiêu này xây dựng trên cơ sở có bao nhiêu giảng viên dạy ngoại ngữ đạt chuẩn…
Việc tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ, theo ông Hiển, điều kiện trước tiên là phải đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ thì mới cho dự tuyển; những kỹ năng khác về nghiệp vụ sư phạm… sẽ chọn lọc trong quá trình tuyển dụng.

Ông Hiển tỏ ra lạc quan khi cho rằng: “Chặng đường cuối của đề án sẽ không phải là chặng gian nan vì nếu quyết tâm thì càng về sau số giáo viên đạt chuẩn càng cao, chương trình - SGK đã hoàn thiện, kiểm tra đánh giá bài bản hơn… thì việc thực hiện sẽ dễ dàng hơn”.

Triển khai ở các địa phương
Từ Đề án ngoại ngữ quốc gia với nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương trên cả nước xây dựng, triển khai đề án cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu chung bằng ngân sách của địa phương.
Ngày 31.1.2012, UBND TP.HCM phê duyệt đề án Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP.HCM giai đoạn 2011- 2020. Tổng kinh phí đầu tư cho đề án này là hơn 2.508 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí mua sắm trang thiết bị hơn 1.609 tỉ đồng,  bao gồm 554 tỉ đồng mua sắm màn hình thông minh; trang bị tối thiểu bộ thiết bị dạy tiếng Anh hơn 1.065 tỉ đồng. Còn kinh phí đào tạo bồi dưỡng giáo viên hơn 654 tỉ đồng. Năm 2012, UBND TP đã đồng ý chủ trương và cho phép Sở GD-ĐT thí điểm tuyển 100 giáo viên Philippines với mục đích tạo môi trường ngôn ngữ, nâng cao năng lực nghe và nói tiếng Anh cho giáo viên và HS.
Ngày 15.2.2012, UBND TP.Đà Nẵng có quyết định phê duyệt đề án tương tự với tổng kinh phí dự tính gần 140 tỉ đồng.
Ngày 6.1.2012, Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum phê duyệt đề án học ngoại ngữ với tổng kinh phí khoảng 135 tỉ đồng.
Ngày 19.11.2012, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt đề án với kinh phí thực hiện đề án khoảng 400 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn từ chương trình là 200 tỉ đồng.
Ngày 22.5.2013, UBND tỉnh long An phê duyệt đề án với tổng kinh phí hơn 400 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn của chương trình là 24 tỉ đồng…

Bích Thanh
(tổng hợp)

Tuệ Nguyễn

No comments:

Post a Comment