Wednesday, April 17, 2013

Tản mạn về tiếng Anh tại VN, và free download báo cáo nghiệm thu đề tài "Đánh giá hiệu quả đào tạo tiếng Anh ..." (Tác giả: Vũ Thị Phương Anh, 2004)

Như các bạn có thể thấy, gần đây mối quan tâm của tôi lại trở về với việc đào tạo tiếng Anh. Mặc dù tôi đã từng tuyên bố là không bao giờ thèm quan tâm đến việc đào tạo tiếng Anh nữa khi tôi rời khỏi Khoa Anh trường ĐH KHXH-NV vào cách đây 10 năm (đầu năm 2003) sau một cơn "binh biến".

Mở ngoặc về cái gọi là "binh biến" này: hồi ấy việc mở cử nhân Anh văn tại chức kém chất lượng ở Khoa tôi đang lan tràn như căn bệnh ung thư, và với tư cách một người có trách nhiệm tôi đã phản đối việc ấy hết mình; và cũng chính vì diều này nên lẽ ra tôi đã là Chủ nhiệm Khoa của nhiệm kỳ mới thì tôi được điều lên ĐHQG-HCM để làm công tác tại Trung tâm Khảo thí. Thực ra, lên làm việc tại TTKT thì âu cũng là một cái may trong cái rủi, vì tôi lại được làm điều mà tính thẳng thắn của tôi cho phép tôi làm, mặc dù cũng chẳng dễ dàng gì và sau 8 năm ở đấy thì tôi lại quyết định rời nó, hic!

Quay trở lại tiếng Anh: Có nhiều nguyên nhân khiến tôi quan tâm trở lại đến việc đào tạo tiếng Anh, nhưng tôi muốn nêu ở đây 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, tôi có may mắn được biết qua và tham gia ít nhiều (rất ít thôi ạ) vào đề án 2020 của Bộ Giáo dục, theo đó thì đến năm 2020 tiếng Anh sẽ trở thành một thế mạnh (!) của Việt Nam. Một mục tiêu cao cả, và khi nó được đặt ra vào năm 2007 thì nó rõ ràng là nó cho thấy một tầm nhìn không hề kém cỏi của người đã đưa ra chủ trương ấy.

Chỉ có điều, hơn 5 năm đã qua đi kể từ khi nó được nghĩ tới, và chỉ còn có 7 năm nữa thì các mục tiêu đặt ra (ví dụ: học sinh tốt nghiệp THPT phải đạt trình độ B1 tức khoảng 5 điểm IELTS, là điểm tối thiểu để có thể đi học ở nước ngoài những chương trình đào tạo nghề nghiệp hoặc làm lao động phổ thông - nói thêm, theo như tôi biết thì 5 điểm IELTS cũng là điểm tối thiểu để có thể được cấp visa vào Úc dài hạn một chút chứ không phải chỉ đi du lịch) mà hiện trạng bây giờ vẫn vô cùng ngổn ngang, giáo viên tiếng Anh ở trường phổ thông thì hiện nay đang lo lắng, tao tác chạy đi học luyện thi để chứng tỏ là mình đủ năng lực tiếng Anh để đứng lớp, với kết quả dường như là rất không khả quan.... Haizzz, nói đến việc này thì đúng là tôi chỉ còn biết thở dài! Rồi chẳng biết đến năm 2020 mọi việc sẽ ra sao, hay lại phá sản toàn bộ như nhiều đề án hoành tráng khác như đề án tin học hóa 112 trước đây?

Một lý do thứ hai mà tôi quan tâm đến việc dạy tiếng Anh ở VN là, trời ơi, chỉ còn có 2 năm nữa là lực lượng lao động của VN sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với lực lượng lao động của các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Philippines vv, ở ngay trên đất VN, và với lợi thế về ngoại ngữ của họ thì tất cả những chỗ làm "ngon lành" ở các công ty nước ngoài tại VN sẽ do những người Thái, người Phi, người Indo ... đảm nhiệm hết! Còn ngược lại, ai mà giỏi tiếng Anh thì thị trường lao động sẽ không chỉ bó hẹp tại VN mà được mở rộng ra khắp ĐNA. Ai không biết thông tin này thì xin đọc ở đây nhé, trên trang web của ASEAN: http://www.asean.org/communities/asean-economic-community.

Vì trăn trở về việc dạy tiếng Anh tại VN nên tôi chợt nhớ ra một đề tài mà tôi được Sở Khoa học Công nghệ TP HCM đặt hàng từ năm 2002, và hoàn tất vào cuối năm 2004. Lúc ấy, kết luận của tôi là sinh viên đang học cuối năm thứ ba tại các trường ĐH lớn tại TP HCM chỉ đạt trình độ khoảng trên dưới 350 TOEFL (paper-based), nếu quy ra chuẩn châu Âu thì có lẽ đạt đâu đó khoảng trình độ A2. Nên nhớ rằng đa số sinh viên chỉ học tiếng Anh đến hết năm 3, vì năm thứ tư là năm cuối, hầu như chỉ còn học có 1 học kỳ, còn 1 học kỳ còn lại thì lo thực tập vv và thi tốt nghiệp, nên trình độ cuối năm 3 cũng có thể xem là trình độ lúc ra trường rồi. Tôi nghĩ bây giờ mà có đo lại thì chắc trình độ các em cũng chỉ thế thôi, mà từ năm 2004 đến nay đã gần 10 năm rồi, vẫn dặm chân tại chỗ, thì 7 năm nữa liệu chúng ta có điều gì nhảy vọt không nhỉ?

Ôi, đúng là nỗi buồn tiếng Anh! Biết làm gì với nó bây giờ, khi

So runs my dream, but what am I?
A baby crying in the night
A baby crying for the light
And with no language but a cry!

(Lord Alfred Tennyson, In Memoriam)

Tạm dịch như sau, chưa hay lắm:

Thơ thẩn tôi mơ, nhưng tôi là ai?
Đứa trẻ con với tiếng khóc thê lương
Đứa trẻ con nức nở giữa đêm trường
Đòi ánh sáng, nhưng nào có ai thương?


Thôi thì đăng báo cáo nghiệm thu của tôi lên đây cho mọi người cùng đọc vậy!

https://docs.google.com/file/d/1UOppN6O2NM7kdGsapBfadFFIhHUt8CTi1HUMNbQfO-JzxSsZlb8Odav2mdwa/edit?usp=sharing

Enjoy các bạn nhé!

3 comments:

  1. Lâu lắm rồi em không được đọc những bài nghiên cứu (bằng tiếng Việt) chi tiết, cẩn trọng, và sát thực như bài nghiên cứu của chị. Em cám ơn chị rất nhiều nhé. <3

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn bạn Mai Huong Doan đã đọc và có phản hồi. Hy vọng báo cáo này có ích đối với bạn.

      Delete
  2. Một thực trạng đáng buồn cô nhỉ! Nhưng chúng ta tự thân vận động thôi và kêu gọi người thân quen cùng tập luyện vậy. Có khi nào mình đề nghị nên sử dụng tiếng anh như là Official Language ở các công sở, trường học... may ra như Philipine, India, Thailand.

    ReplyDelete