Wednesday, November 16, 2011

Đánh giá kết quả đầu ra bậc đại học: Kinh nghiệm thế giới (2)

2. AHELO, dự án quốc tế về đo lường kết quả đầu ra của sinh viên đại học

Nhu cầu đo lường và đánh giá kết quả đầu ra của các chương trình đào tạo đại học không chỉ tồn tại ở nước Mỹ. Do tầm quan trọng của giáo dục đại học đối với sự phát triển và khả năng cạnh tranh của một quốc gia nên từ nhiều năm nay, tổ chức OECD cũng đặt mục tiêu xây dựng một bộ công cụ đo lường kết quả đầu ra của sinh viên đại học ở tầm cỡ quốc tế, tương tự như bài thi PISA hiện đang được sử dụng để đo lường năng lực của học sinh phổ thông. Đó chính là dự án AHELO , một dự án chỉ hiện vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu khả thi (bắt đầu vào đầu năm 2010 và kéo dài đến cuối năm 2012). Việc đưa AHELO vào triển khai chính thức sẽ được quyết định sau khi kết thúc giai đoạn nghiên cứu khả thi.

Khác với CLA chỉ tập trung đánh giá năng lực tổng quát của người học trong phạm vi của nước Mỹ để cung cấp thông tin cho các trường với mục đích tự cải thiện, AHELO là một dự án đồ sộ và tham vọng hơn rất nhiều. Trên trang web của OECD, AHELO được giới thiệu với tư cách là một công cụ để phục vụ nhiều đối tượng khác nhau:

- Các trường đại học: Nhằm đánh giá và cải thiện việc giảng dạy trong nhà trường;
- Người học: Nhằm cung cấp thông tin minh bạch để giúp người học có thể lựa chọn trường mà mình muốn theo học;
- Nhà tuyển dụng: Nhằm cung cấp thông tin về các kỹ năng của người tốt nghiệp để bảo đảm nguồn nhân lực có chất lượng cho thị trường lao động;
- Các nhà chính sách: Nhằm đảm bảo việc sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục đại học.

Dưới đây là những thông tin tổng quát về dự án AHELO cùng những bước phát triển tiếp theo và tác động dự kiến của dự án này.

2.1. Tổng quan về AHELO

Cũng tương tự như kỳ thi PISA cho giáo dục phổ thông, AHELO là một kỳ thi quốc tế nhằm cung cấp thông tin so sánh giữa các quốc gia, và sự tham gia vào AHELO là hoàn toàn tự nguyện. Nhằm đạt được các mục tiêu đa dạng của dự án , AHELO được thiết kế đánh giá cả năng lực tổng quát lẫn năng lực chuyên môn của hai khối ngành đào tạo là kỹ thuật (engineering) và kinh tế (economics).

Để rút ngắn thời gian, AHELO đã tận dụng các thành tựu của các nước trên thế giới trong việc cải cách chương trình theo hướng dựa trên kết quả đầu ra, như công cụ đo năng lực tổng quát CLA của Mỹ hoặc Tiến trình Tuning (Tuning process) của châu Âu . Cho đến thời điểm viết bài này, AHELO đã hoàn tất việc xác định các kết quả đầu ra dự kiến của hai khối ngành kỹ thuật và kinh tế, và các báo cáo kết quả của quá trình này có thể tải xuống từ trang web giới thiệu AHELO .

2.1. Những bước phát triển tiếp theo và tác động dự kiến của AHELO

Theo thông tin từ trang web của AHELO, phiên bản chính thức của kỳ thi này có thể phải đến năm 2016 mới có thể khởi động được. Sở dĩ phải chờ lâu như vậy là vì việc phát triển một công cụ đo lường năng lực người học có giá trị và độ chính xác cao không phải là một việc làm dễ dàng, và đòi hỏi rất nhiều thời gian để thử nghiệm và chỉnh sửa.

Trong giai đoạn nghiên cứu khả thi hiện nay, AHELO tập trung nhiều nhất vào hai việc. Công việc đầu tiên và có thể xem là căn bản nhất là tìm hiểu các yêu cầu về năng lực đầu ra của sinh viên tốt nghiệp từ các nhà tuyển dụng/hội nghề nghiệp, trên cơ sở đó sẽ xây dựng mục tiêu và kết quả đầu ra của các chương trình. Không kém phần quan trọng, và sẽ mất khá nhiều thời gian, là việc xây dựng, thử nghiệm và điều chỉnh các công cụ đo lường năng lực theo từng khối ngành.

Các công cụ đo lường năng lực đầu ra khi đã được phát triển hoàn chỉnh chắc chắn sẽ có tác động rất lớn đến việc đánh giá chất lượng và hiệu quả của các chương trình đào tạo. Vì, theo cách nói của Richard Thorn , khi ấy chúng ta sẽ có thể trả lời được liệu “kỹ sư có xứng đáng là kỹ sư, và kế toán viên có xứng đáng là kế toán viên” hay không.

Một bước phát triển dự kiến khác của AHELO là nỗ lực đo lường “giá trị gia tăng” của người học từ lúc vào trường đến lúc ra trường – tương tự như CLA đã thực hiện khi đo lường năng lực của người học. Mặc dù hiện nay việc này vẫn chưa được đặt ra vì còn cần tập trung vào những việc cấp thiết hơn, nhưng việc đo lường giá trị gia tăng của các trường đại học chắc chắn là một việc làm cần thiết và đặc biệt hữu ích cho người học cũng như các nhà chính sách.

Kết luận

Để tăng cường trách nhiệm giải trình của các trường đại học thì việc công bố các kết quả đầu ra dự kiến của các chương trình đào tạo vẫn chưa đủ, vì không có ai đảm bảo được rằng những kết quả đầu ra dự kiến có thực sự đạt được hay không. Vì vậy, có được các công cụ để đo lường và đánh giá kết quả đầu ra của các chương trình đào tạo là điều rất cần thiết cho sự thành công của phong trào “giáo dục dựa trên kết quả” (OBE). Hai sáng kiến đo lường kết quả đầu ra của người học ở bậc đại học – CLA và AHELO – vì vậy là những sáng kiến quan trọng trong việc quản lý chất lượng giáo dục đại học trên thế giới. Việt Nam cần sử dụng thông tin từ những sáng kiến này như những tham chiếu bên ngoài để thiết kế lại các chương trình đào tạo của mình. Điều này sẽ giúp chúng ta nhanh chóng theo kịp với trào lưu chung của thế giới và nâng cao chất lượng giáo dục đại học của đất nước.

No comments:

Post a Comment