Wednesday, January 20, 2010

Về "chuẩn đầu ra"

Một anh bạn, đang là một nhân vật có trọng trách ở một trường đại học lớn, có gọi cho tôi để hỏi và trao đổi về "chuẩn đầu ra". Nhận thấy đây là vấn đề lớn cần có nhiều trao đổi rộng rãi, tôi đưa lên đây nội dung đã trao đổi qua mail với anh bạn này, để mọi người cùng trao đổi tiếp.
--

Chào anh H.,

Như đã nhận lời anh trên điện thoại, đây là quan điểm và nhận xét của PA về "chuẩn đầu ra" ở VN:

- Các trường công bố chuẩn đầu ra nhưng không hiểu rõ từ này có nghĩa là gì, nên phần đã công bố hoặc rất sơ sài, chủ quan, không có gì là đặc thù của chương trình, hoặc không có gì khác biệt so với nội dung tổng quát của chương trình

- Hiện nay, theo mọi người hiểu thì chuẩn đầu ra chính là từ learning outcomes (LO) của tiếng Anh. Nhưng thật ra ngay trong tiếng Anh thì từ này cũng được hiểu theo những nghĩa khác nhau, ở những giai đoạn khác nhau, theo từng nước nói tiếng Anh khác nhau (Anh, Mỹ, Úc). Điều này càng khiến cho ở VN việc hiểu LO càng khó khăn, rối rắm, và không ai chịu nghe ai; ai cũng cho rằng mình là người duy nhất đúng.

- Nên phân biệt 3 từ sau đây, và dịch chúng ra như gợi ý (có thể cần trao đổi thêm nữa): learning outcomes (năng lực đầu ra của người học), learning objectives (mục tiêu học tập), và competency (năng lực làm việc). Nó phản ánh gần như cùng một thực thể nhưng nhìn ở 3 góc nhìn khác nhau.

+ Competency: Năng lực làm việc, nhìn dưới quan điểm thị trường lao động. Một người lao động (có thể là sv tốt nghiệp đại học, hoặc bất kỳ ai), khi được tuyển vào một vị trí, thì phải có những năng lực nào đó, mới có thể làm việc được.

+ Learning Outcomes: năng lực đầu ra của người học, là cái nhìn ở cuối mỗi quá trình học tập. Khi học xong, làm được cái gì? Và phải có chứng cứ về khả năng này, ví dụ thông qua những quan sát, phỏng vấn, thực tập, hoặc thi những kỳ thi nghề nghiệp do bên ngoài thực hiện). Khá gần với competency theo nghĩa là hướng ra bên ngoài, nhưng cũng vẫn rất gắn với nhà trường vì nó nhấn mạnh NHỮNG NĂNG LỰC ĐẠT ĐƯỢC SAU MỘT QUÁ TRÌNH HỌC. Và cần có chứng cứ khách quan cho năng lực này.

+ Learning Objectives: mục tiêu học tập, cái này do nhà trường đặt ra, có thể rất hay, nhưng có làm được hay không thì còn phải chờ xem, và cũng có thể là hoàn toàn khả thi nhưng lại làm bậy nên không đạt được.

Hiện nay cách viết của mình nếu tốt thì cũng là chỉ là viết mục tiêu thôi, còn chưa có ai thực sự viết chuẩn đầu ra đúng nghĩa. vả lại, chuẩn đầu ra có đạt hay không phải do bên ngoài xác nhận thông qua kiểm định chương trình, chứ không do nhà trường tự phong được.

--
Trao đổi thêm:

Chuẩn đầu ra nếu các trường công bố thì cũng chỉ mới là chuẩn đầu ra dự kiến (expected learning outcomes). Còn đạt được nó hay không, phải survey cựu sinh viên và nhà tuyển dụng, theo dõi sau một thời gian dài, thì mới biết

Cho nên thật ra chuẩn đầu ra cũng chỉ là mục tiêu mà thôi! Cách nói có hơi khác nhau một chút: một cái nhấn mạnh cách thực hiện trong nhà trường (mục tiêu), còn một cái thì nhấn mạnh cái đạt được sau khi làm xong và thành công (outcomes, hay là đầu ra).

3 comments:

  1. Tôi cũng thắc mắc về "chuẩn đầu ra" và được giải tỏa rất nhiều qua bài viết này. Xin cảm ơn cô Vũ Thị Phương Anh.
    Có điều tôi muốn hỏi thêm: "chuẩn" hay "mục tiêu" hướng đến: (1) số đông sinh viên tốt nghiệp/đạt yêu cầu môn học, (2)số ít sinh viên tốt nghiệp/đạt yêu cầu môn học hàng đầu hay (3)tất cả các sinh viên tốt nghiệp/đạt yêu cầu môn học? Nếu không xác định (hay thống nhất cách hiểu phạm vi của chuẩn), có thể gây ngộ nhận cho cả người đọc và cả người công bố chuẩn.
    Rất mong được chỉ giáo.
    Nguyễn Thành Long - ntlong@agu.edu.vn

    ReplyDelete
  2. Chào bạn Long,
    Cám ơn đã gửi câu hỏi. Nó làm cho tôi hiểu thêm những khó khăn, lúng túng của mọi người khi được Bộ yêu cầu công bố chuẩn đầu ra.

    Do vấn đề phức tạp không thể trả lời trong 1 vài câu nên tôi sẽ viết thêm một entry về việc này trong vài ngày tới. Bạn cố chờ nhé.

    Còn ở đây tôi chỉ trả lời ngắn như thế này: "chuẩn đầu ra" hay đúng hơn là "mục tiêu môn học" trên nguyên tắc phải nhắm đến tất cả sinh viên, giống như cam kết của nhà trường khi nhận sv vào học. Vì nói gì thì nói thì sv cũng vẫn là khách hàng, dù là khách hàng đặc biệt đi chăng nữa --> khi đến sử dụng dịch vụ của nhà trường thì nhà trường có trách nhiệm phải cam kết về kết quả của dịch vụ này, giống như cam kết về chất lượng sản phẩm vậy.

    ReplyDelete