Tuesday, September 6, 2011

Xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm (1): Những điều cần biết

Lẽ ra tôi phải viết bài về thị trường và nhà nước trong giáo dục đại học, nhưng do yêu cầu của công việc tại cơ quan nơi tôi làm việc hiện nay, nên tôi tạm đổi sang chủ đề mới này – xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm. Mục đích của tôi là chia sẻ kiến thức đến mọi người (như mục đích của trang blog này), đồng thời ghi và lưu lại những ý tưởng tản mạn của tôi liên quan đến việc xây dựng một ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm cho ngôi trường mà tôi đang công tác hiện nay (sau khi rời khỏi VNU-HCM, that is).
---------
Ngân hàng câu hỏi (item bank)

Rất nhiều trường đại học tự nhận là mình có một ngân hàng câu hỏi để sử dụng cho các kỳ thi, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ ngân hàng câu hỏi có nghĩa là gì. Điều này cũng dễ hiểu, vì đã có nhiều định nghĩa khác nhau về ngân hàng câu hỏi, phản ảnh sự phát triển của khoa học trắc nghiệm. Ví dụ, có thể xem xét hai định nghĩa dưới đây:

collection of text items that may be easily accessed for use in preparing exams (Ward & Murray-Ward 1994).
tập hợp những câu hỏi dưới dạng văn bản có thể dễ dàng truy cập để sử dụng khi xây dựng đề thi.

collection of text items that may be easily accessed for use in preparing exams … normally computerized for ease of item storage and to facilitate generation of new tests. Each item is coded according to competency area and instructional objective, as well as empirically derived data such as measure of item difficulty and discrimination. (McCallon & Schumacker 2002)
tập hợp những câu hỏi dưới dạng văn bản có thể dễ dàng truy cập để sử dụng khi xây dựng đề thi … thường được tin học hóa để dễ dàng lưu giữ và thuận tiện khi tạo ra các đề thi mới. Mỗi câu hỏi được mã hóa theo từng lãnh vực nội dung và mục tiêu giảng dạy, cũng như những dữ liệu được thu thập qua thực nghiệm như những số đo về độ khó và độ phân cách của từng câu hỏi.


Có thể thấy, những định nghĩa về ngân hàng câu hỏi được đưa ra trước thập niên 1990 của thế kỷ trước, khi máy tính chưa trở nên phổ biến, thì một ngân hàng câu hỏi được hiểu một cách khá đơn giản để chỉ một tập hợp các câu hỏi có sẵn, được sắp xếp theo một cách phân loại nào đó, được sử dụng mỗi khi làm đề thi để tiết kiệm thời gian và tránh sai sót. Tại VN hiện nay vẫn còn nhiều nơi hiểu và làm theo định nghĩa này.

Tuy nhiên, nếu chỉ có một “ngân hàng câu hỏi” theo như định nghĩa đầu tiên sẽ có giá trị hết sức hạn chế, và không đóng góp nhiều cho việc đánh giá đúng năng lực người học. Từ khi máy tính trở nên quá phổ biến trong mọi lãnh vực của đời sống thì một ngân hàng câu hỏi phải được hiểu như một cơ sở dữ liệu được quản lý trên máy tính, bao gồm (1) một tập hợp các câu hỏi với các thông tin cần thiết của từng câu hỏi, và (2) một phần mềm giúp lưu trữ, bổ sung, sửa đổi các câu hỏi, và tạo đề thi từ dựa trên những câu hỏi trong ngân hàng theo những yêu cầu định sẵn.

Các phần mềm này hiện nay hoàn toàn có thể thực hiện được tại VN, và trên thực tế đã có nhiều phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi trên thị trường với những mức giá khác nhau.

Cần chú ý rằng đối với một ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa thì dữ liệu trong ngân hàng không chỉ là các câu hỏi với những thông tin phân loại theo nội dung và mục tiêu giảng dạy, mà còn là những thông số kỹ thuật tức những số liệu ứng đáp (response data) thực nghiệm của từng câu hỏi trên đối tượng thực, gọi là siêu dữ liệu (metadata). Ít nhất, mỗi câu hỏi cần có hai thông số cơ bản từ việc phân tích câu trắc nghiệm theo phương pháp cổ điển, đó là độ khó (hoặc đúng hơn là độ dễ - facility index) và độ phân cách của từng câu. Công thức tính các thông số này khá đơn giản và có thể dễ dàng tính được trên một bảng tính (spreadsheet) của Excel.

Hiện nay, có rất các phần mềm chuyên dụng để phân tích câu hỏi trắc nghiệm với những khả năng phân tích khá phức tạp, trong đó có cả một số phần mềm do Việt Nam phát triển. Nhiều phần mềm trắc nghiệm chuyên nghiệp của nước ngoài thậm chí đã tích hợp cả khả năng lưu trữ và quản lý ngân hàng câu hỏi với khả năng phân tích dữ liệu ứng đáp của từng câu trắc nghiệm (2 trong 1). Đa số các phần mềm của VN chưa làm được điều này, mà chủ yếu chỉ tập trung vào phần mềm quản lý câu hỏi trắc nghiệm. Phần phân tích sau khi thi thường phải thực hiện độc lập rồi sau đó các thông số kỹ thuật mới được nhập vào trong ngân hàng.

---
Tài liệu tham khảo
Sclatter, N. and M. MacDonald (2004). "Putting interoperability to the test: building a large reusable item bank". In Research in Learning Technology, vol 12, number 3, 2004 (pp. 205-213) - URL: http://repository.alt.ac.uk/607/

No comments:

Post a Comment