Friday, September 23, 2011

Cần nhìn nhận lại đóng góp của các trường đại học ngoài công lập

Trên trang Giáo dục VN (thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (NCL) Việt Nam) hôm nay có một bài phỏng vấn rất hay về những đóng góp của các trường đại học ngoài công lập đối với việc đào tạo nhân lực cho xã hội. Bài ấy ở đây.

Bài viết đề cập đến một số những bất công mà khối các trường đại học NCL phải chịu do những chính sách và quan niệm mang tính kỳ thị của nhà nước và của xã hội. Điều đáng nói là những bất công này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng không thấy ai đề cập đến, một phần có lẽ là chính các trường NCL cũng còn e dè không dám lên tiếng (có thể là sợ bị … trù dập?), và phần khác có thể là do có viết ra thì cũng chưa chắc có báo chí nào chịu đăng. Nhưng năm nay, có lẽ là “tức nước vỡ bờ” rồi, đặc biệt là trong tình hình tuyển sinh rất khó khăn cho khối trường NCL do kẹt điểm sàn (dù Bộ GD luôn nói rằng tổng số thí sinh trên điểm sàn năm nay cho phép các trường tuyển sinh một cách dư dả), nên khối trường NCL mới bắt đầu lên tiếng.

Một bài rất đáng đọc, vì có nhiều lập luận hay, và số liệu thú vị. Riêng tôi thì tôi thấy ấn tượng nhất về những con số mà bài phỏng vấn đã đưa ra về những đóng góp của khối trường NCL.

Những con số rất ấn tượng nhưng chưa có ai bao giờ đưa ra, dường như toàn xã hội đã quên mất sự hiện diện của khối trường NCL như nó không hề tồn tại, mặc dù những “tội lỗi” của nó thì sao mọi người nhớ rõ thế nhỉ, và xúm đánh đập nó tơi tả không còn manh giáp.

Xin trích lại dưới đây một số đoạn mà tôi tâm đắc:
Quả thật là cho đến nay chưa ai cung cấp cho xã hội biết cụ thể những đóng góp của hệ thống các trường ngoài công lập nói chung, các trường đại học cao đẳng nói riêng. Tôi theo dõi báo chí đây đó nói rằng, sinh viên công lập được Nhà nước bao cấp khoảng 70% chi phí đào tạo, còn khoảng 30% là họ đóng góp (gọi là học phí). Còn SV NCL không được bao cấp đồng nào cả. Tôi nghĩ như vậy cũng có sự bất bình đẳng nào đó.

Bởi lẽ, phụ huynh của tất cả những SV đều là công dân Việt Nam và đều có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng thuế với Nhà nước, và con em họ [lẽ ra] đều được hưởng quyền lợi. Nhưng các sinh viên NCL lại chưa được hưởng như vậy.

[...]

Ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục là có hạn, trong khi đòi hỏi của ngành giáo dục rất lớn.

Tôi rất tâm đắc với ý kiến đề nghị Nhà nước nên tập trung kinh phí để đầu tư cho những lĩnh vực, những ngành nghề mấu chốt, quan trọng, những nơi khó khăn; ở những ngành đó, nơi đó xã hội hoá không làm được, mà chỉ có Nhà nước mới có quyền, mới có đủ đều kiện và khả năng làm được. Hệ thống trường công lập đảm đương công việc này.

Còn lại là thực hiện xã hội hoá, để cho hệ thống trường ngoài công lập đảm nhiệm. Học sinh, sinh viên không thuộc diện chính sách đều phải đóng học phí. Và vì vậy, vấn đề không công bằng giữa sinh viên CL và NCL mà ta nói đến ở trên hẳn sẽ không còn lý do tồn tại.

Và đây, những con số rất ấn tượng nhưng chưa bao giờ được nhà nước đề cập đến, dù những con số này phục vụ cho chính chủ trương của nhà nước đối với ngành giáo dục, đó là “xã hội hóa giáo dục” (hiểu theo nghĩa huy động mọi nguồn lực xã hội cho giáo dục, và mở rộng sự tham gia của mọi thành phần vào các hoạt động giáo dục):

Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy năm học 2009-2010 khối các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập có 15.365 sinh viên tốt nghiệp và một số trường cho biết phần lớn họ đều kiếm được việc làm. Nếu chỉ tính ở mức kinh phí đào tạo là 5 triệu/SV/năm, thì lẽ ra, ngân sách Nhà nước phải chi một khoản tiền gần 304 tỉ đồng Việt Nam để có được số lượng nhân lực bậc cao trên; trong khi đó, ngân sách không phải chi ra một đồng nào cả. Con số này cũng khá ấn tượng đấy chứ.

Sẽ có ấn tượng hơn nữa, với con số tôi sẽ dẫn chứng ra đây. Tổng quy mô sinh viên của khối trường đại học, cao đẳng ngoài công lập năm học 2009-2010 là 172.464 sinh viên, nếu nhân với 5 triệu/SV sẽ thành 861tỉ VNĐ, tính trong 5 năm hẳn sẽ vượt số tiền mà trái phiếu giáo dục phát hành trước đây thu được.

Tôi cũng đã cộng được số học sinh phổ thông ngoài công lập (kể từ nhà trẻ, mẫu giáo đến tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) từ năm 1992 đến năm 2010 là 36.757.207 học sinh, và sinh viên ngoài công lập (chưa kể trung cấp chuyên nghiệp, nghề) đã lên tới 1.290.100 sinh viên.

Bên cạnh đó còn tạo thêm việc làm cho 1.825.382 giáo viên phổ thông và 47.145 giảng viên. Lại còn cơ sở vật chất các trường đã xây dựng và mua sắm nữa chứ: 2801 phòng học (289.925m2), 342 phòng máy tính (30.266 m2), 223 phòng học ngoại ngữ (12.768 m2) 115 phòng thư viện (30.182 m2)...

Nếu tiếp tục làm phép nhân chắc chắn sẽ có những con số ấn tượng lớn hơn rất nhiều, cho dù ai đó không muốn cũng không thể không công nhận đóng góp rất to lớn của hệ thống các trường ngoài công lập. Đó là hiệu quả của một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước được nhân dân đồng tình thực hiện.

Đấy, đóng góp như thế, mà chẳng ai khen lấy một lời nào, chỉ tối ngày bị đánh đập, chê bai.

Nếu không có các trường NCL, hoặc nếu các trường này đóng cửa hết (do bị đánh đập, kỳ thị quá, và nhất là bị Bộ dùng … “bẫy điểm sàn” khiến cho không tuyển sinh được) thì làm sao có thể đạt được chỉ tiêu chính do nhà nước đề ra nhỉ? Hèn gì mà:

[T]ỉ lệ sinh viên ngoài công lập [hiện nay] vẫn còn thua xa mức đề ra của Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học nước ta giai đoạn 2006-2020.

Đấy là thái độ của nhà nước. Còn “nhà dân” nữa chứ, cứ kỳ thị các trường NCL đi, vậy khi con cái các vị thi rớt khỏi các trường công lập (vì đâu phải em nào cũng xuất sắc, thuộc top 20% đầu tiên – vì hiện nay trường công chỉ có đủ chỗ cho khoảng 20% mà thôi, chưa kể là khá nhưng chọn sai trường, sai ngành nên bị loại do không ước lượng được cơ may trúng tuyển của mình), và nếu các vị không có tiền cho con học chương trình liên kết với nước ngoài, hoặc “ngon” hơn thì đi học ở nước ngoài, thì lúc ấy, các vị biết trông vào đâu đây nhỉ? Hay đành chấp nhận cho con cái không đi học đại học, cao đẳng, mà làm lao động phổ thông với mức lương nghèo mạt, suốt đời?

Không hiểu sao mà toàn xã hội mình lại cứ hè nhau lên án khối các trường NCL nhỉ?

Riêng tôi thì tôi nghĩ, ngay cả nếu đó là những trường có lợi nhuận đi chăng nữa (việc này hiện nay chưa ngã ngũ), nếu các trường cung cấp chất lượng tương xứng với học phí bỏ ra, thì lẽ ra vẫn cứ phải cám ơn họ mới đúng chứ? Giống như khi đi khám bệnh, chữa bệnh ở khu vực tư vậy thôi, nếu người bệnh bỏ tiền ra mà gặp được bác sĩ giỏi và chữa được bệnh cho mình thì dù trả tiền vẫn biết ơn quá đi chứ?

Hình như chỉ riêng trong ngành giáo dục thì khối NCL mới bị đối xử bất công như vậy thôi hay sao ấy. Liệu nên hiểu điều này như thế nào đây nhỉ?

No comments:

Post a Comment