Tuesday, September 20, 2011

Về bằng cấp của Thứ trưởng Cao Minh Quang (2): Gian lận hay lúng túng?

Trong bài trước tôi đã dựa vào những thông tin từ các nguồn tin chính thức của Thụy Điển để khẳng định rằng licentiatexamen là một loại văn bằng chính thức trong hệ thống giáo dục đại học của Thụy Điển, cao hơn thạc sĩ nhưng thấp hơn tiến sĩ. Tuy nhiên, theo thông tin trên thì dù sao thì ông Quang vẫn chưa thực sự có bằng tiến sĩ. Vậy có thể kết luận là ông CMQ đã gian lận bằng cách tự phong tiến sĩ cho mình như báo chí đã đưa tin hay không?

Để trả lời câu hỏi này, trước hết cần chú ý là ông CMQ đã hoàn tất văn bằng Licentiatexamen vào năm 1994, tức cách đây 17 năm rồi. Trong thời gian đó rất nhiều việc đã xảy ra tại Việt Nam. Đáng chú ý nhất vì có liên quan trực tiếp tới vấn đề đang được bàn cãi là sự xóa bỏ tên gọi của bằng Phó Tiến sĩ ở VN mà thay bằng Tiến sĩ (tức ai có Phó Tiến sĩ thì quy ngang ra thành Tiến sĩ) vào năm 1998.

Cũng vào khoảng thời gian đó (hoặc trước đó một ít), trong hệ thống văn bằng của VN mới xuất hiện bằng Thạc sĩ, vốn đã biến mất trong từ điển tiếng Việt lúc ấy. Điều này tôi cũng nhớ rõ vì lúc ấy tôi đang làm hồ sơ để xin học bổng Úc, phải chạy tới chạy lui làm giấy tờ, dịch thuật và công chứng đủ thứ.

Tôi nhớ, hồi đó người dịch hồ sơ công chứng trong Phòng Công chứng thành phố (trên đường Pasteur) còn hạch họe bạn tôi về việc sử dụng từ Cao học trong hồ sơ để chỉ tấm bằng Graduate Diploma (học một năm sau cử nhân) mà anh ta đã được cấp từ Úc, vì theo ông ấy thì Cao học là một tấm bằng rất … to, rất hiếm, và chỉ dùng cho những người học ở Pháp về (hình như Cao học Kinh tế, Cao học Luật, Cao học Văn chương gì gì đấy).

Tóm lại, vào thời gian ấy, ngoài các tên gọi bằng cấp của Liên Xô (với sự quy đổi tương đương như đã nêu ở trên), thì VN còn vô cùng xa lạ với các hệ thống giáo dục và bằng cấp của thế giới. Và cũng chẳng không có bộ phận nào chuyên nghiệp để thẩm định giá trị và sự tương đương của các văn bằng, chứng chỉ được đào tạo từ các quốc gia khác nhau. Vì Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục chỉ mãi đến năm 2004 mới được thành lập, và quy định về thẩm định văn bằng chỉ đến năm 2007 mới được ban hành mà thôi.

Trong tình hình như vậy, người ta đối xử với những bằng cấp của những người học từ các nước không theo hệ thống của Liên Xô là như thế nào nhỉ? Tôi không rõ ở cấp trung ương thì thế nào, nhưng ở trường tôi làm việc hồi ấy thì Phòng Tổ chức gọi tôi lên hỏi những bằng cấp của tôi là tương đương với cái gì (tôi có Grad Dip giống như anh bạn ở trên, và Tiến sĩ – Doctor of Philosophy), và để mặc tôi loay hoay tìm hiểu và tự quy đổi.

Tôi cứ để nguyên ghi Grad Dip là Grad Dip, vì dù sao thì tôi cũng đã có Tiến sĩ rồi. Nhưng những người bạn tôi chỉ có Grad Dip là cao nhất thì họ rất khổ sở, chẳng biết quy ra cái gì cho phù hợp, và thế là tình trạng hỗn quân, hỗn quan (về bằng cấp) cứ ngang nhiên diễn ra. Ai quy thế nào thì họ cứ thế mà ghi vào trong giấy tờ, hồ sơ, vô cùng … xuề xòa, dễ dãi. Ấy là khoảng năm 1999, 2000 gì đấy.

Như vậy, phải chăng là ông CMQ cũng đã tự khai tương đương bằng cấp của mình như thế, và ông khi làm điều đó là ông cố tình gian lận, mạo nhận bằng cấp cao hơn thực tế? Tôi không nghĩ như vậy, mà thiên về ý nghĩ là ông đã thực sự tin (một cách hoàn toàn chính đáng) rằng bằng Licentiate của ông là tương đương với bằng phó tiến sĩ của Liên Xô, và tự vận dụng việc phiên ngang thành tiến sĩ như hàng ngàn người khác vào thời điểm ấy, mà thôi.

----
Tham khảo
1. Luật Giáo dục 1998: http://vanban.chinhphu.vn/portal/page?_pageid=578,33345598&_dad=portal&_schema=PORTAL&docid=5609

2. http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Thu-truong-Cao-Minh-Quang-khai-man-bang-tien-si/56800.gd (Hình lấy trên báo GDVN vào lúc 3:28 AM 20/9/2011).



3. http://csdl.thutuchanhchinh.vn/ho_so_vb/bo_giao_duc_va_dao_tao/b_bgd_001902_vb_quyet_dinh_so_77_2007_qd_bgddt_ngay_20_12_2007_ban_hanh_quy_dinh_ve_trinh_tu_thu_tuc_cong_nhan_van_bang_cua_nguoi_viet_nam_do_co_so_giao_duc_nuoc_ngoai_cap

4. Trong thư gửi Bộ GD, Uppsala nêu rõ “licentiatexamen is a post-graduate degree”. Tại sao Bộ lại không hiểu sự khác biệt giữa degree và certificate nhỉ? Xem ở đây: http://www.chaobuoisang.net/ong-cao-minh-quang-tien-si-dom-thu-truong-that-635548.htm và xem hình đã tải về, dưới đây.

(còn tiếp)

1 comment:

  1. Không phải Bộ quy ngang Phó Tiến sỹ thành Tiến sỹ mà chỉ là đổi tên thôi do nhiều người không thích chữ "Phó". PTS -> Tiến sỹ, Tiến sỹ -> Tiến sỹ khoa học

    ReplyDelete