Monday, September 19, 2011

Về bằng cấp của Thứ trưởng Cao Minh Quang (1): “Licentiatexamen” là chứng chỉ?

Cái tin về việc thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang mạo nhận học vị tiến sĩ đang làm xôn xao dư luận từ mấy ngày qua. Theo tin trên báo Tiền Phong cách đây vài hôm, ông CMQ không hề có bằng tiến sĩ mà chỉ mới có cái gọi là “licentiatexamen” mà ông đã lấy từ năm 1994 tại Thụy Điển, từ ĐH Uppsala. Tin ấy ở đây.

Cũng theo tờ báo này, “licentiatexamen” không phải là bằng cấp, mà chỉ là một loại "chứng chỉ cần đạt để tham dự khóa học tiến sĩ”. Nguyên văn như sau:

Sự thật về học vị Tiến sĩ của Thứ trưởng Quang đã được cơ quan chức năng làm rõ. Ngày 9-9-2011, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), có văn bản 664/KTKĐCLGD-VB xác nhận tính hợp pháp bằng cấp của ông Cao Minh Quang như sau: Căn cứ vào thông tin trao đổi với trường đại học Uppsala, phía trường này đã khẳng định ông Cao Minh Quang, sinh ngày 6-6-1953, đạt chứng chỉ “Licentiatexamen” về nghiên cứu khoa học dược phẩm tự nhiên vào ngày 26-10-1994. Đây là chứng chỉ chứ không phải văn bằng. Theo quy định của trường Uppsala, chứng chỉ nói trên cần phải đạt được để tham dự khóa học Tiến sĩ.


Thật là một cái tin động trời. Nếu quả mẩu tin nói trên là đúng, thì sự việc rất đáng lo ngại. Trước hết, nó cho thấy sự gian lận đã ăn quá sâu vào trong giới” hàn lâm” của VN, đến nỗi một người hoạt động lâu năm trong ngành dược và nắm chức vụ cao như ông CMQ mà cũng gian lận (nếu đúng là ông ấy gian lận); và sự kiểm soát của hệ thống là quá lỏng lẻo đến nỗi một người gian lận như ông CMQ (và còn rất nhiều nghi vấn về đạo đức khác nữa, như báo chí đang liên tục đưa tin mấy ngày nay?) lại có thể lọt sâu vào trong bộ máy nhân sự cấp trung ương như vậy?

Nhưng thông tin trong bài báo nói trên có đúng không nhỉ? Tôi có chút nghi ngờ, vì khi đọc mẩu tin trên báo Tiền Phong tôi cảm thấy ngờ ngợ rằng phóng viên viết bài báo này có lẽ không chuyên nghiệp. Vì với kinh nghiệm mấy chục năm trong môi trường đại học của mình, lại đã qua một thời gian làm hợp tác quốc tế rồi đảm bảo chất lượng, cũng được đi đó đi đây, tiếp xúc nhiều, nhưng tôi chưa bao giờ thấy có loại “chứng chỉ để tham dự khóa học tiến sĩ” nào cả. Vả lại, ai đời làm tiến sĩ mà nhà báo lại gọi là “tham dự khóa học tiến sĩ”, nghe cứ như tiến sĩ là một khóa học ngắn hạn vài ba tháng là xong ấy.

Vì thắc mắc quá nên tôi phải lên trên mạng (nhờ trời, ngày nay cái gì không biết đều có thể tự tìm hiểu trên mạng), và thấy thông tin đăng trên báo kia có nhiều sai lạc. Trước hết, licentiatexamen phải được xem như một văn bằng (degree) chứ không phải là chứng chỉ (certificate) vì nó nằm trong hệ thống văn bằng chính thức của Thụy Điển. Hơn nữa, licentiatexamen cũng không phải là yêu cầu cần có để học tiến sĩ, mà là một bậc trong quá trình đào tạo của nghiên cứu sinh (trên licentiatexamen còn một bậc cao hơn là doctorsexamen).

Có thể tìm hiểu thông tin về hệ thống giáo dục Thụy Điển trong tài liệu Swedish Higher Education System mà tôi đã tìm thấy trên trang web của ĐH Lund (một trong những ĐH hàng đầu của Thụy Điển) nhằm cung cấp cho sinh viên quốc tế muốn đến học tại Thụy Điển, ở đây.

Nói một cách nôm na, licentiatexamen là một bậc đào tạo giống y hệt như phó tiến sĩ của khối Đông Âu trước đây (học 4 năm sau bằng cử nhân, gồm 2 năm thạc sĩ và 2 năm sau thạc sĩ). Có thể xem thêm về bằng phó tiến sĩ trong một bài báo trên trang web của tờ Lao Động năm 2010, ở đây. Nguyên văn như sau:

Theo quy chế của Liên Xô trước đây, chỉ sau khi có bằng phó tiến sĩ, nghiên cứu sinh mới được tiếp tục bảo vệ luận án tiến sĩ. Từ khi Liên Xô tan rã, ở Liên bang Nga không còn phân biệt hai loại học vị trên, mà gọi chung là tiến sĩ. Chính phủ ta cũng quyết định chuyển tên gọi phó tiến sĩ là tiến sĩ (không hạ phó tiến sĩ xuống thạc sĩ vì thạc sĩ đào tạo 2 năm, còn phó tiến sĩ đào tạo 4 năm). Cũng vì vậy mà các vị phó tiến sĩ vẫn nói vui rằng: “Sau một đêm trở thành tiến sĩ”. Tuy nhiên, để tránh cào bằng, người ta đưa ra 2 khái niệm là “tiến sĩ” và “tiến sĩ khoa học”.

Theo Giáo sư - tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Hãn, trong số 15.000 tiến sĩ của VN hiện nay, có khoảng 5.000 người là “tiến sĩ khoa học”, còn lại là “tiến sĩ”. Do VN không đủ điều kiện đào tạo tiến sĩ khoa học, nên tại Quy chế đào tạo sau đại học (ban hành theo Quyết định 18/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 8.6.2000 của Bộ GDĐT) trong toàn văn chương III quy định “đào tạo tiến sĩ” không hề đề cập đến việc đào tạo học vị tiến sĩ khoa học.

(còn tiếp)
---
Tham khảo

Swedish National Agency for Higher Education, Doctoral Studies - Link: http://www.doktorandhandboken.nu/doctoralstudies.4.44aba2dc11030072f75800081728.html

No comments:

Post a Comment