Việc đóng cửa ngành học vì không có thí sinh không phải chỉ năm nay mới có; các năm trước vẫn thỉnh thoảng xảy ra tuy không đến nỗi trở thành một vấn đề gây bức xúc dư luận. Tuy nhiên, dường như chưa bao giờ tình hình lại "thê thảm" như năm nay khi việc đóng cửa ngành học xảy ra hàng loạt, và thậm chí tồn tại cả nguy cơ đóng cửa một số trường đại học và "phá sản" hệ thống đại học ngoài công lập, như một số bài báo gần đây đã cho thấy.
Nguyên nhân do đâu? Đã nhiều ý kiến đã được đưa ra, kể cả những ý kiến đã nêu trong bài báo trên Tuổi Trẻ hôm nay. Tôi cũng có những lý giải của riêng mình, như đã được trích trong bài báo của PV Minh Giảng mà tôi đưa link ở trên. Xin chép lại nguyên văn đoạn phát biểu của tôi mà PV Minh Giảng đã ghi lại dưới đây:
Theo TS Vũ Thị Phương Anh - phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập: “Năm nào cũng có trường ĐH-CĐ mới thành lập, chỉ tiêu tuyển sinh các trường tăng đều mỗi năm. Chỗ học tăng lên trong khi lượng thí sinh tăng không đáng kể, bộ lại giữ nguyên điểm sàn trong nhiều năm nay nên dĩ nhiên nhiều trường sẽ không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Nhiều người lo ngại điểm sàn thấp chất lượng đào tạo sẽ như thế nào? Tuy nhiên điểm sàn mới chỉ là chất lượng đầu vào, còn cả quá trình bồi dưỡng, đào tạo ở các trường nữa. Lẽ ra nên kiểm soát đầu ra thì bộ lại khoán trắng cho các trường và nắm chặt đầu vào”.
Cũng xin được nói thêm một chút để làm rõ hơn ý của tôi trong phát biểu nói trên:
Để đáp ứng yêu cầu nhân lực cho đất nước, lâu nay nhà nước ta đã đưa ra chủ trương mở rộng giáo dục đại học. Tuy nhiên, trường ĐH-CĐ đã được mở ra ngày càng nhiều, nhưng dường như chất lượng nhân lực chưa tăng lên, do chất lượng sinh viên ra trường vẫn còn thấp. Điều này đúng. Nhưng có vẻ như theo Bộ Giáo dục và Đào tạo thì giải pháp duy nhất để đáp ứng yêu cầu về chất lượng là xiết chặt đầu vào.
Đó là lý do mà Bộ đã đưa ra cho sự ra đời và tồn tại của tuyển sinh chung. Chẳng ai thắc mắc xem tại sao đã tuyển sinh 3 chung cả chục năm nay rồi, ngày càng phức tạp hơn, mà chất lượng có thấy tăng thêm gì đâu? Trong khi đó, có khá nhiều học sinh không đậu được vào đại học của VN, bèn tham gia những chương trình liên kết với nước ngoài, hoặc đi học ở nước ngoài, cũng vẫn học được, thậm chí còn học tốt, và ra trường thì khá hơn hẳn sinh viên trong nước. Vì vậy, rõ ràng thắt chặt đầu vào không phải là giải pháp, mà giải pháp phải là kiểm soát đầu ra.
Nhưng kiểm soát đầu ra bằng cách nào, vì làm sao Bộ có thể ... tổ chức thi tốt nghiệp cho sinh viên các trường được? Không, tất nhiên là Bộ không thể làm như thế. Đây là lý do phải có kiểm định chất lượng, không chỉ là kiểm định CL trường ĐH như Bộ đang làm hiện nay, mà còn là kiểm định nghề nghiệp, vd như ABET cho khối ngành kỹ thuật hoặc AACSB cho khối ngành doanh thương. Hoặc cũng có thể tạo ra chuẩn cho VN, rồi dần dần hòa nhập vào chuẩn thế giới. Nhưng không thấy Bộ có ý định đẩy mạnh việc này gì cả.
Cũng phải thôi, vì Bộ đang bận quá mà: Bận xét hồ sơ mở trường, mở ngành, rồi duyệt chỉ tiêu tuyển sinh, rồi ra đề thi chung, lập hội đồng xác định điểm sàn, rồi thanh tra xem có trường nào vi phạm quy chế tuyển sinh không, vd như nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 gì đấy, rồi lại xét duyệt quy chế 33 để xem thí sinh nào 8 điểm đáng được vào ĐH vv.
Cứ cái đà này rồi trong tương lai gần công việc của Bộ còn nặng gấp đôi cho mà xem, vì sau khi tuyển sinh xong xuôi lại bắt đầu phải xét xem ... trường nào được phép đóng cửa ngành nào, và trường nào được quyền tuyên bố phá sản, phá sản hoàn toàn hay phá sản một phần, và trong tương lai có được mở lại nữa hay không (!), vv.
Ôi, mệt quá, chuyện tuyển sinh đại học của VN!
No comments:
Post a Comment